Tuesday, April 5, 2016

Móc Ngoặc 15




__________________

Lanh Nguyễn



Ai về Miệt Thứ U Minh 
Cho tôi nhắn gởi chút tình nhớ thương 

Đường Miệt Thứ quanh co nước đỏ 
Rừng U Minh toàn cỏ với tràm
Trời chiều phủ một màu lam.
Dân nhiều tình cảm, không tham của người 


Thời "phải dóng" kẻ cười người khóc 
Dân U Minh mất học từ lâu 
I, tờ không đọc được đâu 
Tiền không túi rổng làm sao dựng trường...

Đời gian khổ, không lường trước được.
Kiếp lục bình trôi ngược thả xuôi 
Xứ lạ còn một mình tui 
Ba-lô làm bạn buồn ui là buồn...

Ngày mùng một tết dương lịch năm 1976 Út Nhứt được Bảy Hài chạy vỏ máy xuống Cái Nước để bắt Long về trình diện với Năm Dồi. 
Anh em trong trường Đông Yên A tề tựu đông đủ. Tất cả bùi ngùi cảm động, buồn bả tiển đưa, làm y như là thời xưa người ta tiển Kinh Kha qua sông Dịch để hành thích bạo chúa không bằng. 
Chú Út Nhỏ cũng lưu luyến nói:
- Tui đã nói với thầy rồi "lúc họ cần mình thì họ rất là ngon ngọt. Khi xong việc rồi thì họ đá bỏ như đá trái banh cũ xì hơi". Thầy liệu thân mình mà làm, lúc nào rảnh nhớ trở về đây thăm tui nghen....

Hai chiếc vỏ máy song song rẻ nước đua nhau xuôi Miệt Thứ. 
Trước năm 1975 Long chỉ đi đến chợ Thứ Ba là hết hạn rồi. Từ Thứ Tư xuống Thứ 11 đi qua luôn quận Thới Bình của tỉnh Cà Mau là vùng xôi đậu, một khúc thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, một khúc thì do VC chiếm. Nhưng toàn con sông đó ban đêm thì thuộc quyền sở hữu của VC. 
Dọc hai bên đường đâu đâu cũng là dấu tích của chiến tranh, cây cối bị bom đạn cày nát, làm gãy cành mất gốc, xa xa có một vài ngôi trường hoang phế, loang lổ đầy rẫy những vết đạn trên tường, còn mái tone thì người ta gở đi mất...
Dưới sông một vài xác tàu chiến bị phục kích đành bỏ mình trong lòng địch...
Hai bên bờ sông nhà cửa thưa thớt. Người dân chỉ mới đắt đầu hồi cư vài tháng nay thôi, nhiều nhà còn đang cất dở dang chưa làm vách....
Sau hơn 2 giờ rẻ nước chạy qua 3 xã Đông Thái, Đông Thạnh, Đông Hòa cuối cũng rồi cũng tới Đông Hưng.
Đông Hưng thuộc quận Hiếu Lễ ngày xưa. Một quận lỵ nằm trong lòng U Minh thượng. Nơi mà người Lính sống trong lòng địch. Chung quanh là vùng đất VC làm chủ tình hình. Con đường tiếp liệu, viện binh rất khó khăn vậy mà người hùng Trương Cụi và các anh Địa Phương Quân, Nghĩa Quân đã giữ vững cho đến ngày mất nước. 
Nhiều trận đánh kinh hồn của người Lính thuộc Sư Đoàn 9 bộ binh, của Địa Phương Quân, của các Giang Đoàn tuần tiểu ven sông đã đem tới nổi lo sợ hải hùng cho người CS ở U Minh...
Quận Hiếu Lễ vẫn sừng sững nằm đó như thách đố với phía bên kia.

Chợ Thứ 11 hay chợ Quận Hiếu Lễ nó còn nhỏ hơn cái chợ Mong Thọ nơi xóm nghèo của Long. Xung quanh nhà lồng chợ có không đầy 10 cái tiệm tạp hóa của ngày xưa còn lúc đó hàng hóa đã trống trơn sạch sẻ hết rồi. Phía dưới mé sông cũng chỉ có lèo tèo 2 quán cà phê một tiệm thuốc bắc và 2 cái tiệm tạp hóa khác nữa mà thôi.
Bước lên chợ đi về hướng Thới Bình chừng non 100 mét thì đụng đồn Công An, ủy ban xã,  trước 75 nó là văn phòng Quận và Cuộc Cảnh Sát Hiếu Lễ, bước qua chừng hơn chục mét nữa là đến căn cứ của địa Phương Quân cũ đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, rồi tới nhà thương, bây giờ người ta lấy nơi đó làm cơ quan dân y xã. Bước thêm vài bước nữa là đụng Trường Tiểu Học Đông Hưng rồi qua đến vàm Kinh Hãn...
Xã Đông Hưng là nơi sanh quán hầu hết các cán bộ miền Nam ở tỉnh Rạch Giá nói chung và của An Biên nói riêng. Những người có một ít chữ nghĩa thì được điều động ra tỉnh hay huyện để nắm giữ tất cả các chức vụ quan trọng hết rồi. Số còn lại ở xã toàn là những người dốt đặc, một chữ bẻ đôi cũng không có...

Ngoại trừ những khi họp đảng hay bàn công việc gì có tính cách trọng đại hoặc là gặp người lạ, thì các cán bộ VC nầy mới gọi nhau là đ/c còn không thì cũng tao mầy, mầy tao, thằng nọ thằng kia tưới sượi hột sen...
Năm Dồi vừa bước lên bờ đã kêu Út Nhứt:
- Mầy dắt nó đi xem trường trước đi để tao tới coi tụi thằng Siêng, thằng Cáo, thằng ba Mập chuẩn bị tới đâu rồi...
Ba Mập bí thư kiêm chủ tịch xã, Tư Khá phó bí thư, Sáu Siêng thường vụ xã ủy, còn năm Cáo lúc đó đang làm trưởng ban công an xã...

Trường Đông Hưng là ngôi trường tiểu học thuộc cấp quận tuy là ở tận vùng sâu nhưng được xây cất rất kiên cố, lại không bị đạn bay, pháo gởi nên còn rất đẹp. Tường vôi có hơi ngã màu vì không người chăm sóc còn sân trường phủ đầy cỏ dại. Không biết các thầy cô ở đâu mà nó vắng một cách lạnh lùng...
Toàn trường có 9 phòng học một văn phòng hiệu trưởng, bàn ghế bảng đen tất cả đầy đủ đang được khóa kín cửa lại...
Long buộc miệng hỏi Út Nhứt:
- Trường nầy đẹp quá mà chú kéo tui xuống đây làm cái gì?
Út Nhứt trả lời:
- Toàn xã chỉ có 1 điểm trường nầy thôi đó mầy, nhưng mà mấy tháng nay thằng Học nó bỏ trốn rồi, cô giáo thầy giáo không người coi cũng đi tứ tán có dạy dỗ ra ôn hoàng gì đâu, cho nên thằng Năm Dồi nó mới tức mà "điều" mầy về đây. Nó nói với tao là nó sẻ rỉ tai cho mấy thằng kia biết mầy là em ruột của bồ nhí nó ở ngoài chợ, vậy mầy lựa lời mà nói cho ăn khớp thì mấy thằng đó nó mới ngán mầy...

Học là cựu giáo sinh SPVL khóa 11 hay 12 gì đó, Long cũng chưa hề biết mặt, chỉ nghe Út Nhứt nói nó vừa học chánh trị xong rồi tới lúc khai giảng  có giấy tờ trong túi là nó dong  về quê ở luôn không trở lại nữa.
Chín phòng học mà lúc Long đến chỉ có thu được 5 lớp học mà thôi gồm 2 lớp 1 do cô Định thầy Hoàng phụ trách. Hai lớp 2 do cô Đào Thầy Đô và 1 lớp ba thì do cô Nga đảm nhiệm. Số giáo viên còn lại thì đi tứ tán chơi, có người trốn về nhà chỉ có mình cô Hoa thì còn đang ở chơi nhà anh mình tại chợ Thứ 11...
Út Nhứt tức tốc cho mời tất cả các cô thầy có mặt lúc đó đến họp khẫn cấp để giới thiệu người điều hành mới vừa đưa xuống...
Sáu cặp mắt ngờ vực nhìn Long như đang soi mói tìm hiểu xem người mới tới kia thuộc phe nào mà tiền hô hậu ủng thấy ớn lạnh xương sống. 
Buổi họp vừa mới bắt đầu Út Nhứt chưa nói đả cái miệng thì Thắng phó ban công an xã bước vào nói nhỏ với Út Nhứt. Vậy là ông ta tuyên bố kết thúc:
- Bên huyện ủy và xã ủy có cuộc họp khẫn cấp nên chúng tôi phải qua đó dự liền. Mọi việc ở đây kể từ nay do đ/c Long phụ trách điều hành các đ/c giáo viên phải triệt để chấp hành.
Cuộc họp khẫn cấp của huyện và xã ủy là buổi nhậu có trên 20 người từ Thứ Ba xuống và các ban ngành trong xã Đông Hưng. Mấy can rượu lậu bị tịch thu được đem ra đải ngài chủ tịch, cá lóc rang muối, rắn luộc xã, tôm càng nướng...bày la liệt
Long buồn tình nên ai mời cũng uống, uống hoài cho tới khi say mèm rồi ngủ luôn trong ủy ban xã lúc nào cũng không hay biết, mãi cho đến hôm sau mới dật dờ tỉnh lại mà vẫn còn bần thần nửa tỉnh nửa mê...
Thiệt là:

Đời lưu lạc một mình nơi xứ lạ.
Thương thân mình lòng dạ xốn xang 
Giật mình tỉnh giấc mộng vàng 
Đêm khuya lẻ bóng hai hàng lệ sa...

Sao lại bắt mình ta xa xứ 
Đị lưu đày Miệt Thứ Cà Mau 
Đêm nằm bắt muỗi, ngắm sao.
Muỗi không bắt hết, cắn đau thấu trời... 
(Mời các bạn xem tiếp kỳ 16)

3 comments:

Anonymous said...

Ông vô kẻ đón người mời
Hoàng thân quốc thích thì đời nở hoa
Sao ông cứ mãi kiu ca
Dù sao cũng có cô Hoa dịu dàng
Xã Đông Hưng kinh ngang rạch gọc
Xứ U Minh tràm mọc ngút ngàn
Thầy Long vô đó là sang
Rồi đây lại có mấy nàng ... chết tươi.
Thiệt là ... tình mà!
Haha
KP

Anonymous said...

U Minh với rừng tràm bát ngát,chỉ một việc hái mật ong thôi cũng thấy mê rồi.Đừng nói chi cá đồng,rắn rùa,lươn,ếch...Mấy ông Việt cộng dùng nơi nầy làm chiến khu thì hết xẩy.
Thiếu Tá Cụi là tay thao lược,một mình trấn thủ nơi rừng sâu.Phải nói tình báo của ông rất độc đáo.Việt cộng rất sợ lối dùng du kích trị du kích của ông.
Tội cho ông,ông vẫn chiến đấu đến ngày cuối cùng để rồi bị bắt đem ra xử tử với Tám Nghĩa.Ngày xử tại đại lộ Cách Mạng,tôi nhìn ông mà nước mắt trào ra.

Thương cho anh hùng đến ngày mạt vận.

Anonymous said...

Tặng Trương Cụi
Anh hùng tử chí hùng còn mãi mãi
Về U Minh sống lại thuở xa xưa
Hiếu Lễ oai hùng, pháo địch (rót) như mưa
Vẫn sừng sửng, vẫn chưa hề run sợ
Biết bao trận làm địch quân tan vở
Hận tan hàng muôn thuở vẫn không quên
Anh mất đi lịch sử phải ghi tên
Trương Cụi đã làm nên trang sữ Việt
Người Miệt Thứ