_________________________
Kiên giang Tiểu Thư
Theo lời yêu cầu của đọc giả NVS, Tha Hương xin post lại" Tháng tư, niềm đau còn đó" của Kiên giang Tiểu Thư.
Theo lời yêu cầu của đọc giả NVS, Tha Hương xin post lại" Tháng tư, niềm đau còn đó" của Kiên giang Tiểu Thư.
Cái thùng sắt cũ, bên ngoài đã rỉ sét vài nơi. Nó nằm ở một nơi thật khuất của tầng Basement. Bụi phủ một lớp thật dầy trên mặt, chắc cũng lâu lắm rồi chẳng ai buồn mở đến nó. Thế mà sáng hôm nay hai đứa con gái tôi dọn dẹp nhà cửa, tự nhiên hai chị em nó khệ nệ rinh cái thùng ra, và tôi nghe loáng thoáng tiếng con Ty nói với em nó:
- Đồ gì không hà, My nói với Mẹ mình đem bỏ thùng rác đi.
- Mẹ, con đem cái thùng nầy ra garbage nghe Mẹ, toàn là cái gì không hà. Sao Mẹ keep nó làm chi vậy.
Tôi giật thật mạnh cái thùng từ tay con bé. Tôi nói lắp ba lắp bấp, nghèn nghẹn:
- Con bỏ cái gì thì bỏ. Còn cái thùng kia và tất cả đồ đạc trong đó giữ nguyên cho Mẹ.
Nhìn thấy cái cảm xúc tột cùng của Mẹ, hai chị em nó lấm lét đưa mắt nhìn nhau. Chừng như tụi nó không hiểu chuyện gì liên quan giữa Mẹ nó với cái thùng sắt cũ kỹ nầy. Con Ty khẽ bảo:
- Mấy cái đồ trong thùng cũ quá rồi. Còn dùng được nữa đâu. Mẹ để chi cho chật nhà. Như cái khăn nầy Mẹ coi nè... Vừa nói nó vừa kéo cái khăn trong thùng ra.
Lâu ngày mùi ẩm mốc xông lên làm con bé quay mặt đi. Tôi ngồi bệt xuống. Hai tay ôm lấy đầu. Nước mắt ứa ra.Tay thẫn thờ ve vuốt từ cái nón, từ cái khăn mặt, từ bộ đồ hôm từ giã quê nhà trốn chui trốn nhũi xuống tàu để ra đi. Tôi run run cầm cây muỗng ăn cơm hồi ở trại, cây muỗng mà đêm tối để chuẩn bị sáng mai xuống tàu Má đã cẩn thận nhét vào túi xách. Má vừa sắp đồ mà nước mắt Má giọt ngắn giọt dài tuôn chảy. Má nói:
- Đem theo để sang bên đó có cái muỗng mà ăn cơm con ơi.
Tất cả vẫn còn đó. Như chứng tích của một đoạn đời nghiệt ngã đã qua. Tại sao tôi không quên hết đoạn đường giông bão ngày nào mà ngay lúc nầy bao nhiêu hình ảnh năm xưa hiện về và về thật rõ hơn bao giờ hết ....
.... Cuối cùng rồi tàu cũng cập bến Mã Lai. Bến bờ đầu tiên tôi đến trên đường đi tìm Tự Do. Đây là một căn cứ của một trạm lính cũ. Nghe mọi người bảo vậy. Đầu óc tôi choáng váng. Lúc nầy một nỗi lo sợ tột cùng vây kín tôi. Trời ơi mới đó mà tôi đã thực sự xa hẳn quê hương tôi rồi sao? và tôi sẽ đi về đâu trong những tháng ngày sắp tới. Tôi bơ vơ hơn lúc nào hết và lúc nầy tôi thèm được úp mặt vào lòng Má và khóc. Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà trong hoàn cảnh như thế nầy? mới buổi sáng cách đây mấy ngày còn thấy Má , còn cầm tay Má, còn nghe giọng nói nghẹn ngào của Má trong buổi sáng sớm lên đường.
- Con ơi! thôi con ở lại đi con đi Má khổ lắm. Để các em con đi một mình được mà. Tôi đã nao lòng khi nhìn những giọt lệ đầm đìa trên khuôn mặt người Mẹ thân yêu đã một đời vì con và trong lúc nầy đứa con như đã sắp rời bỏ vòng tay mình mà đi và ngày về biết đến bao giờ.
Thế mà mới đó mà giờ đây ngàn trùng cách biệt. Tôi đang đứng trên đất trời của quê người. Tôi đã ở tại trại lính Mã Lai nầy hai ngày rồi. Hai ngày mà tưởng chừng như dài cả thế kỷ. Mấy ngày đến đây thần trí tôi như mù mờ nửa tỉnh nửa mê. Đàn bà con gái được ưu tiên cho vào trạm mà ngủ song chỉ chen chúc ngồi mà ngủ vì căn phòng nhỏ xíu mà số người con nít đàn bà đã gần 20 người. Hai ngày nay từ lúc trên tàu xuống đến giờ tôi không ăn gì cả. Mà thực ra có gì mà ăn đâu. Đồ ăn đem theo của chủ tàu có lẽ còn nhiều song lúc nầy hình như sự chia sớt khó mà có nữa. Ai cũng phòng thân mình, còn đâu mà nghĩ tới kẻ khác. Hôm mới đến, cả tàu được mấy anh lính Mã Lai cho mấy hộp cá mòi nhỏ xíu. Mấy hộp cá bỏ vào soong cho thêm nước và muối làm sao mà chia đủ cho 49 người trên tàu. Thiên hạ tranh nhau giành giựt lẫn nhau vì miếng ăn la ó, chửi bới um sùm. Chưa bao giờ tôi chạm phải hoàn cảnh khốn cùng như lúc nầy.Tôi ngồi yên ở một góc phòng và khóc. Một cô bé học trò cũ đến đây có lẽ từ mấy ngày trước đem đến cho cô giáo chén cơm nhỏ xíu khoảng mấy muỗng và có một miếng cá mòi nhợt nhạt màu. Cô bé khẽ cầm tay tôi ngập ngừng trao chén cơm và nói:
- Cô rán ăn một chút đi cô. Em rán tranh lấy được một chút cho Cô. Mấy ngày nay em thấy cô có ăn gì đâu. Đừng buồn nữa Cô. Em biết cô khổ lắm.
Tôi ôm chầm lấy em và nức nở khóc. Tôi tủi thân hơn lúc nào hết.
Con bé lấy khăn lau nước mắt cho cô giáo, chợt hỏi tôi:
- Cô đi có một mình sao Cô?
Tôi thuật em nghe chuyến rời quê hương mấy ngày trước, chị em tôi lạc mất nhau, các em tôi đi từ buổi chiều hôm trước. Tôi còn nán lại để lãnh lương sau cùng cuả tháng để lại cho má tôi. Bao nhiêu vàng vòng đều bán sạch để mua chỗ cho mấy chị em tôi. Tôi đi rồi má tôi mới sống làm sao đây...Khi tôi lên được tàu lớn thì chẳng thấy bóng dáng tụi nó đâu cả. Trên tàu kẻ lạc vợ, kẻ lạc chồng song tàu phải đi thôi không thể quay về. Con bé học trò cũng kể lễ:
- Em cũng lạc má em. Không biết má em có bị bắt không?
Vừa nói nó đưa tay quẹt nước mắt, thút thít khóc. Con bé đến đây một mình. Tôi cũng một mình. Cô trò tôi gặp nhau trong hoàn cảnh đáng thương cùng cực nơi đất trời lạ xa nầy.
Mấy ngày sau chúng tôi được chuyển sang trại Cây Dương, nơi đây rộng rãi hơn, nhưng chỉ cây là cây, không một bóng nhà. Thì ra đây cũng là một hòn đảo không người ở. Cô trò tôi theo người ta đi kéo lá về cất nhà để ở. Chẳng mấy chốc mà các túp lều che nắng che mưa được dựng lên để mọi người có chỗ trú thân. Tôi kêu em về ở chung với tôi cho có bạn. Dù sao cô trò tôi cũng còn có nhau nương nhau để mà sống. Sáng nào hai cô trò cũng len lỏi vào rừng tìm coi có rau gì ăn được thì hái. Có lần gặp được một rừng rau dềnh. Tôi mừng quá đưa tay ngắt một lá và ngửi. Thì ra đúng y chang là mùi rau dềnh . Tôi mừng quá, kêu lên:
- Rau dềnh em ơi.
Song là loại rau dềnh dại, không phải loại được trông nên màu xanh và hơi có lông chứ không màu tím thẫm như ở bên nhà. Hôm ấy sau thành quả hái được cô trò tôi ăn rau dềnh luộc một bữa no nê từ sáng đến chiều. Nhớ lúc ăn con bé học trò vừa ăn mà như sợ sợ. Con bé nói:
- Không biết phải rau dềnh không cô. Mùi thì y chang. Hỏng biết mình ăn có sao không nữa?
Tôi cười và bảo:
- Có sao mai không thức dậy thì biết liền. Giờ thì tất cả đã vào trong bụng rồi. Sợ chi cho mệt hả em ?
Hơn 1/2 tháng không một cọng rau trong người nên mặc dù nói thế cô trò tôi chẳng mấy chốc thanh toán sạch sành sanh hết soong rau luộc.
Sáng thức dậy mới biết không sao, mới biết là mình còn sống. Con nhỏ học trò cười khúc khích khi thức dậy và bảo:
- Cô với em gan thiệt, nhưng không sao cô há. Mai mình đi lại chỗ đó hái nữa nghe Cô ...
Rồi cũng không có dịp đi hái rau dềnh lần nữa, chúng tôi được dời sang trại chính thức Cheratin trên đất liền. Nơi đây có chỗ sẵn để ở và Cao Uỷ Tị Nạn sẽ đến để phỏng vấn và bốc đi định cự Hình như là một căn cứ quân sự cũ của Mã Lai nên không phải lo việc cất nhà như bên Cây Dương. Thực phẩm được Hội hồng thập tự cung cấp, mỗi tuần có rau tươi, thịt tươi. Đời sống tương đối hơn, có miếng ăn để mà sống. Ai có tiền có thể nhờ tụi lính Mã Lai mua đồ bên ngoài vào ăn. Các thùng Supply cho người tị nạn thì là đồ hộp. Thùng nào may mắn có mì gói lúc đó là niềm hạnh phúc vô cùng. Chiều chiều cô trò tôi theo người trong trại xuống bến đón những thuyền mới tới hy vọng xem có gặp được người thân của mình. Hôm nay có một thuyền vừa cập bến. Mọi người nhốn nháo đổ xô xuống bến tìm người. Người từ tàu lần lượt lên đất liền như những bóng ma từ cõi chết trở về. Từng người , từng người một. Không có em tôi. Người cuối cùng trong đoàn người trên taù lên là một cô gái rất trẻ khoảng 18 thôi. Khuôn mặt em còn đầy nhừng nét kinh hoàng. Em đi như không vững , vừa đến bờ em quỵ xuống bất tỉnh. Người ta vây chung quanh em, đỡ em và đưa em về bệnh xá. Tôi nghe loáng thoáng ai nói sau lưng "Tội nghiệp .Con nhỏ đó bị hải tặc ...".Tôi nghe mà rưng rưng, thương cho thân phận nữ nhi trong cảnh nước mất nhà tan. Sau hôm đó tôi đi tìm em tôi đem em về ở chung với tôi. Tôi vỗ về ẹm. Tôi săn sóc những vết đau còn trên thân thể em. Chiều nào cũng vậy, em một mình ra bờ biển em ngồi. Em khóc. Có lần em bảo tôi em muốn tự tử mà chết để quên chuyện nhục nhằn đã qua cho trọn với người tình ở lại.
Em khóc mà bảo rằng:
Em khóc mà bảo rằng:
- Em khổ lắm, không còn gì nữa cô ơi.
Tôi vuốt tóc em, dịu dàng nói:
- Can đảm lên em ơi. Cả một đất nước điêu linh, không riêng gì chúng mình đâu em.
Tôi vuốt tóc em, dịu dàng nói:
- Can đảm lên em ơi. Cả một đất nước điêu linh, không riêng gì chúng mình đâu em.
Rồi cuối cùng tôi cũng đi định cư. Em ở lại chờ giấy bảo lãnh. Nghe tôi xin đi Canada người ta hù tôi đủ chuyện nào là bên ấy lạnh lắm sẽ chết chịu không nổi đâu. Bước xuống máy bay thở ra là đã đông thành nước đá song tôi bình thản vô cùng và tôi nghĩ rằng người ta ở được thì mình ở được và bất cứ nơi nào cũng khá hơn nơi chốn mà tôi đã bỏ đi, và trong tàu đi tôi là người đi định cư đầu tiên vì ai cũng chờ để đi Mỹ. Hôm từ giã để chia tay lên đường mỗi người mỗi ngã, ai cũng không cầm được nước mắt .
Thế mà hơn ba mươi năm trôi qua. Chuyện ngày xưa của gần nửa thế kỷ qua như mới ngày nào. Bao giờ cho tôi quên đây . Tôi mân mê từng kỷ vật còn lại của quãng đường đi tìm tự do ngày nào.... Từ cái mũ đen. Từ Chiếc áo bà ba màu trắng ngày nào đã vàng theo năm tháng, cái áo màu gạch tôm có thêu hoa cúc của em học trò tặng tôi hôm tôi lên đường định cự. Tôi nhớ hoài buổi tối hôm đó khi em ngập ngừng đến lều tôi ở trao chiếc áo cho tôi mà nghẹn ngào nói:
- Mai cô đi rồi không biết có lần Thầy Trò gặp lại. Em có chiếc áo nầy em mang theo lúc vượt biên. Em xin tặng Cô để cô mặc tươm tất hơn bữa cô lên phi cơ nghe Cô, để mỗi lần cô thấy Nó cô nhớ đến em . Đó là Kiều Xuân cô bé học trò Lâm Quang Ky con của Cô giáo Mai trường Nam Tiểu Học ngày nào. Bây giờ 30 năm sau chiếc áo vẫn còn đây mà người học trò xưa đã ra người thiên cổ bên trời viễn xứ ...
Con gái tôi ngồi yên lặng nảy giờ nghe Mẹ trầm buồn kể cho con nghe chuyện thật thương tâm mà đây là lần đâù con được nghe. Tôi thấy có giọt lệ nào đong đầy trên khóe mắt con tôi. Con tôi nắm tay Mẹ như san sẻ cùng Mẹ nỗi buồn mà người mang theo từ bao năm qua. Con nhẹ nhàng xếp lại những món đồ kỷ niệm của Mẹ vào thùng như cũ. Con khẽ bảo:
- Con hiểu rồi Mẹ. Con xin lỗi đã vô ý làm Mẹ buồn.
Tôi ôm con tôi và tôi chạnh nhớ người con gái chiều nao trong chuyến đi định mệnh của em. Ngày ấy em cùng trạc tuổi con gái tôi lúc nầy. Không biết bây giờ người em gái năm xưa ra sao? Em ở đâu? em có hạnh phúc bên chồng con và còn nhớ gì chuyện đau thương ngày cũ ...
Em còn nhớ không em?
Tháng tư ơi! Niềm đau ngày nào vẫn còn đó trong tôi.
Em còn nhớ không em?
Tháng tư ơi! Niềm đau ngày nào vẫn còn đó trong tôi.
7 comments:
Chị Tố Lang
Những kỷ vật mà đôi khi đi theo mình cả một đời như một hành trang, một dư âm, một thương tiếc, dù nghèo nàn, ẩm mục với năm tháng. Là những cánh hoa đời , thơm mùi tưởng nhớ mỗi khi thấy lại dù thời gian làm ngụi lạnh, nghìn trùng biển nhớ, mênh mông biển rộng một tầm tay với lại ngàn xưa. Tháng tư còn có, niềm đau còn đó, mỗi người có một khắc khoải, sau lưng, trước mặt, như sóng biển thì thầm, ngàn khơi gió cát bờ xa.
Tháng tư vẫn làm bồi hồi, cảm xúc trong " Niềm đau còn đó. Tháng tư ơi!"
N.Hân
Bây giờ đã là người Viễn Xứ Tha Hương như biết bao người Việt định cư trên khắc thế giới , tôi cũng là 1 người VN có 2 quê hương để thương yêu , có rất nhiều kỷ niệm đau buồn mỗi khi " tháng tư đen " trở lại hàng năm , khg bao giờ quên & xoá nhoà trong ký ức cô ơi , chỉ là thời gian nguôi ngoai , tháng tư thì bừng sống dậy ...đau thương , lo sợ , gian truân, khoắc khoải ... nhớ .... xin cám ơn đất nước Canada đã cưu mang và giúp đở tôi ....
Bài viết gợi nhớ bao kỷ niệm cô ơi ...
Cô em Viễn Xứ
Bài nầy chắc NH có đọc ở Đặc Trưng rồi phải không.
Mời Cô em viễn xứ cùng đọc một bài thơ tháng tư
BÓNG TỐI VÀ VÀNH KHĂN TRẮNG
Hương-Trầm
Chồng tôi là lính trận
chết tại chiến-trường
Chung quanh đồng-đội kêu thương
lẫn trong tiếng đạn bom máu cùng nước mắt.
Trời đất mênh mông đưa tay đón hồn tử-sĩ sống gởi thác về.
Tôi lủi-thủi đi như mộng mị
Vành khăn nầy ai đã quấn cho tôi
Mai lên phi-cơ trở về hậu-cứ
Giờ tôi ôm chàng không phải chàng ôm tôi.
Tay nâng-niu vành môi lạnh ngắt
Vuốt hoài mái tóc còn vướng bụi vài nơi
Hôn hoài lên đôi mắt đã muôn đời khép chặt
Anh! Anh ơi! Ta mất hẳn nhau rồi!
Mười chín tuổi tôi thành góa phụ
Trong bụng nầy đang có một hài nhi
Cầm tay chàng đặt lên bụng mình tôi khấn nhỏ
Nước mắt chứa chan lời khấn cũng tan tành...
****
Xương máu hy-sinh thành dã-tràng se cát
Ngày nghe tin đầu hàng tim tôi tan nát
Giống như ngày ôm xác chàng nước mắt chứa chan
Sao chưa đánh đã hàng.
Tổ-quốc! Quê-hương! hai tay dễ dàng dâng cho giặc.
Trong nước mắt tôi thấy chàng cũng khóc
bên cạnh là hàng hàng, lớp lớp tử-sĩ đã hy-sinh.
Hồn thiêng sông núi có linh?
Để công-lao tiền-nhân một ngày mất trắng!
****
Kẻ mất chồng mang thêm hờn mất nước.
Ngẫng nhìn trời trời mãi tuốt trên cao.
Lời chia xa chưa nói đã nuốt vào
Em lạy anh. Lạy quê-hương. Cất bước.
Trời tháng tư sương mịt mờ sông nước
Thêm một lần chia cắt buốt lòng đau
Muối xát kim châm gan thắt ruột bào
Một lần nữa muôn trùng cách biệt.
Anh! Anh ơi! Một lần nữa xa nhau.
-----------------------------
Đọc bài thơ " Bóng Tối ... ", Lão phu nhớ mài mại có thấy ở đâu rồi. Nhớ chi cho mệt, cứ lôi cái bị ăn mày ra lục, à ... thì ra ... Trời ạ! Nó ở chung một vườn với bài nầy đây. Hồi đó lão quánh với Tây Độc một trận 3 ngày 3 đêm, mệt quá chui vô vườn Đặc Trưng ngủ một giấc, thức dậy thấy có ai dán mấy bài thơ trên vách, lão lụm liền một bài, còn bài " Bóng Tối ... " sao lại quên lụm luôn cho rồi( chắc đang thiếu gụ, haha ... ).
Mời bà con đọc chơi.
Ngày Mai Đi NHận Xác Chồng
Lê Thị Ý
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.
Thơ lão phu lụm toàn là thơ hay không à nghen.
"Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai."
Nghe sao thiệt là thương cảm, thiệt là .... tình mà!
BCCB
Xin cám ơn Rạch Giá đã chia sẽ bài thơ " Bóng tối và vành khăn trắng " của Hương Trầm , đọc để thấy mình vẫn còn may mắn quá , có và còn rất nhiều phụ nữ VN trong cuộc chiến trước & sau 75 đau khổ và tội nghiệp quá đi .
Cô em Viễn Xứ
Niềm đau còn mãi vơi đầy,
Tỉnh mơ, mơ tỉnh bủa vây uất hờn.
Tháng tư khơi dậy nguồn cơn,
Chia ly, tang tóc chờn vờn khắp nơi.
Tâm tư nặng trĩu rối bời,
Kẻ còn, người mất biển khơi chập chùng.
Có một chuyện thật như sau:
Bạn tôi vào trại tỵ nạn Hồng Kông.Ngày30 thang 4 năm đó,có hai phe :phe VNCH tổ chức lễ kỷ niệm ngày "tháng tư đen".
Phe thân CS tổ chức ăn mừng "tháng tư thắng trận".Sau đó kéo ra choảng nhau làm cảnh sát Hồng Kông nhức đầu.
Tại sao ĺuc đó cao ủy tỵ nạn không điều tra gởi mấy ông làm lễ ăn mừng về Việt Nam cho họ vui vẻ trọn vẹn ?
Người thắc mắc
Post a Comment