Monday, May 21, 2018

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 15

________________


Tự Truyện của Hình Toàn 




Hình Toàn & Kim Liên - 1974

....Ở trại chia mỗi nhóm chừng hai mươi người chung một tổ lãnh cơm chung 
Mỗi ngày 5 giờ sáng thức dậy cử một đại diện xuống nhà bếp lãnh cơm cho tổ 
chế độ mỗi người hai chén ngang, nhà bếp chia sẵn cho mỗi tổ, xách về phát lại cho mỗi người, ăn xong làm vệ sinh cá nhân 6 giờ sắp hàng chờ điểm số rồi mang đồ đi lao động, ai làm khâu đan liếp thì ra khâu đan, khâu này thì được ngồi trong trại đan nên đỡ phải dầm mưa dãi nắng.

.... Mùa này là mùa khô nên cả nhóm chắc cũng hơn trăm người, xếp hàng lãnh mỗi người một cây bàn cào bằng cây tràm dài chừng hai ba thước, để cào cỏ và rau muống khô dọn đất và bừa đất cho xốp để mưa xuống bắt đầu cấy mạ
Mỗi ngày đều phải ra đồng dù trời mưa hay nắng, có bữa mưa suốt đêm đến sáng tưởng được nghĩ nhưng không được vẫn phải ra ruộng, lúc đầu thì còn ruộng gần sau càng ngày càng xa, trời mưa đi trên những bờ đê trơn trợt, đi chân không mà chụp ếch hoài, vì đất sét nên trơn lắm.
...Mới đầu thì mười người một công, sau từ từ giảm xuống còn tám rồi còn sáu
sau còn bốn rồi cuối cùng còn hai, lúc có mưa xuống thì người ta bắt đầu xạ lúa giống để lên mạ non, khi mạ lên cao chừng hai ba tấc thì nhổ lên bó thành từng bó nhỏ, rồi chóng chở trên những chiếc xuồng ba lá đưa tới những thửa ruộng đã được dọn đất xong lúc này trời mưa nên ruộng đã có nước xâm xấp đất mềm dễ cấy mạ...

...Khi cấy tay phải cầm cây nọc cấy dài chừng ba bốn tấc làm bằng thân cây tràm tròn, đầu dưới vót nhọn tròn, đầu trên đo xuống chừng một gang tay thì đục mọng gắn một thanh cây ngắn ngang làm tay cầm, khi cấy tay phải cầm nọc cấy và một mớ mạ non vừa tầm tay, dùng nọc xăm xuống đất tạo thành một cái lỗ, tay trái tướt vài tép mạ dùng hai ngón tay ( ngón trỏ và ngón giữa) kẹp đầu mạ gần gốc rồi ấn mạ vào cái lỗ tròn vừa xăm, nhớ là không được bẻ ngang hoặc là gãy gốc( rễ) của mạ vì làm thế vài ngày sau mạ sẽ chết không bắt rễ được, nghe thì lâu lắc vậy, chớ làm quen tay rồi cũng thật nhanh, đi cấy sợ nhứt là đĩa, nó đeo và bám rất chặt để hút máu, rứt không ra chỉ có cách nhổ nước bọt trên tay mà vuốt, trơn thì nó trợt ra, nhưng không hiệu nghiệm bằng vôi mấy bà già ăn trầu, trết vô một miếng bị cay nó nhả ra liền, nên sau này tới đợt thăm nuôi tôi nhắn gia đình mua một ít đem theo phòng thân, còn ống quần đàn bà con gái phải dùng dây buộc chặt, sợ đĩa chui vào chắc chết ..

......Không biết các bạn có từng nhìn thấy cảnh nông dân cấy mạ chưa? đứng thành hàng ngang vài ba người lưng cong xuống, dưới chân thì nước gần nửa ống quyển, nếu ruộng nào ít nước thì phải bôm thêm (gọi là dẫn thủy nhập điền). Đứng trên bờ đê nhìn xuống mạ cấy đều tay thành những hàng thẳng tắp
.....Rồi từ đấy cây mạ từ từ vươn mình lớn lên đâm chồi nở ra từng hạt lúa.Nếu có cây mạ nào chết thì phải đi dậm lại (cấy lại)

Đấy mới thấy chúng ta có được bát cơm no cũng nhờ những bàn tay nông dân tay lấm chân bùn dầm mưa dãi nắng bán mặt cho trời bán lưng cho đất
....khi lúa chín đâu phải thành cơm liền đâu, còn phải qua nhiều công đoạn 
Tôi tin chắc là quí vị cũng hiểu sơ qua quá trình để biến hạt thóc thành hạt gạo cũng lắm công lao chúng ta mới được những hạt Ngọc trắng ngần...

...Phần ấy tôi chưa trải qua nên không rành, còn phần cấy mạ thì tôi rành sáu câu vọng cổ, vì tôi bám đất cũng hết một mùa cấy, có lẽ quí vị thắc mắc tại sao tôi nói cấy mạ? Vì mình phải cấy từng gốc mạ non, vài tháng sao mới lớn, lúc ấy mới gọi là cây lúa. Đến trưa thì có nhóm đem cơm ra ruộng phát, còn đồ ăn thức uống thì tự túc đem theo từ sáng, thường thì đem khô hoặc đồ ram mặn (mắm ruốc xào gia đình thăm nuôi mỗi lần cả lon gigo)

..... Cuộc sống trong trại mỗi ngày đều diễn ra như thế, có hôm đi ruộng xa, mỗi hai người một công, nếu ai xong sớm thì qua phụ những người cấy chậm, xong việc mới được về, trong khi mình làm cũng có vài ba cán bộ mang súng đứng ngồi trên bờ đê kiểm soát, về đến trại thì cũng chiều rồi 
....... Liên làm khâu đan liếp gần trại nên xong sớm, lãnh phần cơm cho hai đứa 
Rồi nấu thêm canh, hoặc kho thêm cá hay chiên hột vịt, trong mỗi láng trại có ngăn ra làm vài cái bếp mà tôi đã tả ở trên để cho cải tạo viên nấu nướng (mỗi tháng được gia đình thăm nuôi nên ăn uống đỡ vất vả, có kỳ tôi và Liên ăn hột vịt thường xuyên vì hai gia đình gởi giống nhau hột vịt tươi hột vịt muối gần 50 trứng, nên mỗi buổi sáng trước khi đi làm tôi và Liên đem hột vịt xuống đếm rồi treo lên cao, chiều về lại đếm thiệt là “miếng ăn là miếng tồi tàn” nhưng không có còn tàn hơn, của mình mình giữ, cũng không hèn cho lắm ....)

.... Liên lo cho tôi như một người vợ hiền, áo tôi rách Liên ngồi vá lại từng cái áo manh quần, lúc này không phải tôi chơi giỡn mà rách như lúc nhỏ, mà vì đi lao động nắng mưa nên rách, chúng tôi những người đi làm ruộng về tới trại cũng chiều rồi, chỉ có một tiếng đồ hồ để tắm giặt dưới con sông trước trại, hết giờ phải vô láng trại của mình, người ta khoá cổng, nên Liên tranh thủ lấy khăn quần áo để sẵn, và dùng xô xách nước dưới sông đem lên trại chờ tôi về tắm rồi hai đứa ăn cơm. Liên trông tôi đi ruộng về như một người vợ trông chồng.... Ôi !!! Cái tình bạn của tôi sao mà thắm thía, dẫu khổ đau vẫn san sẻ cùng nhau.....có những đêm mưa gió bão bùng hai đứa tôi ôm nhau mà ngủ vì chăn (mềm) không đủ ấm, lạnh cả cuộc đời và lạnh cả xác thân ....có gian nan mới hiểu được chân tình, tình tôi với bạn nhọc nhằn bên nhau....
.....Nên tình bạn của tôi được diễn tả trong bài thơ:

Bên cô hết cả thời trung học 
Lúc bước vào tù cũng vẫn bên cô
Áo sờn vai cô may cô vá 
Vá cuộc đời hay vá cả ước mơ
Tôi với cô có chung cùng giấc mộng
Mộng lìa quê mộng dưới ánh trăng vàng....

.......Khi tôi về tới trại thì vội vàng lấy khăn quần áo và xách xô nước đi ra nhà tắm sau dãy trại, chúng tôi không chờ để tắm từng người vì chỉ có một tiếng đồng hồ, nên cả chín mười người vào tắm một lượt, mặt xây vào vách, mạng ai nấy xối nước kỳ cọ, hỏng ai thèm nhìn ai (liếc qua thì có) nhìn gì ai cũng giống nhau cũng thịt da đồi núi .....Ôi những nàng tiên mắc đọa đang khỏa thân trong khoảng không gian hẹp phòng tắm không có nóc, nếu ở ngoài đời chắc là có kẻ nhìn trộm, nhưng ở nơi này không ai thèm để ý đến những tấm thần trần tục ấy. Vã lại trại này chỉ toàn là nữ.....

...... Cực khổ vậy nhưng tôi lại mập ra quần áo chật hết, phải nhắn gia đình gởi quần áo khác vào lựa những màu tối để không dơ tốn xà bông giặt, áo dài tay và nón lá khăn rằn sọc đen vừa đội vừa lau mồ hôi vừa làm khăn tắm, một cái khăn mà dùng làm bao nhiêu việc, giờ trông tôi là một cô thôn nữ quê mùa đen đủi, nếu gặp trên đường chắc bạn nhìn hỏng ra, gia đình tôi không biết tôi mập cở nào nên lấy quần áo của má tôi mà gởi (gởi trừ hao đấy mà, lại cũng cái mững trừ hao).
......Áo thì cũng rộng tay áo dài tôi xăn lên được, áo rộng tôi dùng dây lạt cột ngang bụng như xiết dây nịt, còn cái quần nylon, má tôi không cao lắm nên chiều dài không có vấn đề, chỉ có bề rộng lúc xuống cấy thì ướt nên quần xẹp xuống không sao nhưng khi chiều về đi trên đường đê quần bọc gió phình ra còn dưới ống vì sợ đĩa vô chế ba tui luồn dây thun túm ống chân lại, nên khi gió bọc thổi phình lên trông giống như một con rối dưới quê cắm dưới ruộng để đuổi chim, mới đầu thiên hạ còn cười như lâu dần thì nhìn riết rồi cũng quen, có gì lạ đâu một đứa tù cải tạo .....

....Tháng sáu tháng bảy là những tháng mưa dầm, nên mực nước dâng cao nhưng chúng tôi vẫn phải ra ruộng lao động, ruộng nước thì mênh mông, không biết nơi nào nông sâu, tôi đi theo đoàn kẻ trước người sau, tự dưng tôi chạy ra ngoài bờ để vượt lên ngang tầm với cô bạn cùng nhóm, nước là nước tôi hụt chân xuống vũng nước quá sâu, ngập đầu cả thước, tôi không biết lội nên uống nước đã đời (lòng tự nhủ lòng tôi không thể chết một cách vô duyên như vậy, vì đây là ruộng chớ đâu phải là sông mà nước chảy xiết, nên tôi cố nín thở mà đi tới rồi trèo lên) trong đoàn không thấy tôi thì cũng sợ....
.....À thì ra đây là hố nên rất sâu và rộng, nếu tôi không phân tích kịp thời thì có lẽ tôi đã về cõi niết bàn ....hay là số tôi còn nặng nợ trần gian ....nên vẫn nhăn răng mà sống ...sau lần chết hụt tôi quyết tâm tập bơi ....dân ruộng mà không biết lội. Thì nhục quá ...phải không các bạn ..?

Thôi hẹn lại kỳ 16 xem người hùng lao động tập bơi bằng cách nào ?!


Hình Toàn 

7 comments:

Quang Minh said...

Tình bạn của Hình Toàn & Liên hiếm thấy trong cuộc đời nầy. Trong lúc hiểm nguy, khốn khó lúc nào cũng chia xẻ đói khổ, ấm lạnh cho nhau. Trong lúc hoạn nạn mới thấu rõ tình bạn
Cám ơn Hình Toàn đã cho một bài học về " tình bạn " . Tui nhớ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn " cũng có một bài, hình như là " Đôi Bạn " thì phải

Tật Hay Cừ said...

Kỷ lục câu dài tui đoán 220 chữ.
Tui nghĩ Tác giã mà la con dâu hay con rễ thì tụi nó chạy ra khỏi xóm,
cũng còn chưa nghe hết câu.
Tật Hay Cừ

trường tôi said...

Dân vượt biên thời đó mà vô thứ 7 kinh làng khi ra trại ai cũng biết cấy lúa hết, chiến này tàn tạ rùi Hình Tàn ui...Tội nghiệp bạn hiền quá , chúc bạn yêu mau ra trường để kiếm đường vượt biên chuyến khác đừng lo thua keo này mình mần keo khác kkk...

Người vượt biên

Lanh Nguyễn said...

Vô Kinh làngThứ 7 học được cào cỏ cấy lúa là giỏi rồi. Mấy cô ở chợ bị bắt đi cấy lúa không bẻ hết gốc mạ của người ta thì cũng làm cho mạ nổi trắng đồng. Mười người một công không biết tới chiều tối đã xong chưa. Còn 2 người một công thì cô Liên ở nhà trong mòn con mắt. Hay là lại bắt anh "cán giá" nào đó vô cấy phụ nữa chứ gì . Hi..hi..

trường tôi said...

Vừa mới nhận được message của HT hỏi tui là Ê bồ tèo! Người Tật Hay Cừ là ai vzậy sao mà ở không cứ đếm chữ h.o.à.i....

Người đưa tin

Tật Hay Cừ said...

Cừ đếm số hàng câu nào có vẻ dài nhứt. Mỗi hàng chừng 20 chữ. Rồi nhơn ra. Toán lớp Năm lớp Tư mà. Vài giây thôi có gì đâu.
THCừ

Quang Minh said...

Tui cũng trải qua một mùa làm ruộng ở Cái Bần, xả Thuỷ Liễu, quận Gò Quau.
Số là sau học tập cải tạo trở về Rạch Giá, tui sợ gia đình bị liên lụy đưa về kinh tế mới, nên đi về ruộng lánh nạn, đồng thời tìm đường vượt biên. Tui nương náu nhà bà con. Năm đó lủ lụt quá trời, phần thì mạ bị cua kẹp, phần thì nước lủ, mạ chết hết, phải kéo xuồng qua vùng bên cạnh để mua mạ. Đường thật xa, tui và thằng em rể, bà con cô cậu, kẻ trước kéo, người sau đẩy, vượt qua công ruộng đến công ruộng khác. Trên đầu mưa rơi tầm tả, dài mấy cây số. Mệt thở hồng hộc, phá mấy bờ đê, đi từ hừng đông, đến trưa về tới ruộng nhà. Nghĩ mệt một chút rồi bắt đầu cấy. Như Hình Toàn điển tả, còm lưng cúi xuống, tay mặt cắm cọc, tay trái nhét ba tép mạ . Và cứ thế theo hàng rồi đi thụt lùi cho đến hết công ruộng. Trên đầu thì mưa, dưới chân thì ngập nước, lâu lâu thấy ngứa ngứa ở chân, biết là đỉa đeo, vội tới bờ đế, lấy tay bức nhúm cỏ, đưa tới chỗ ngứa, nắm bắt đỉa ra khỏi chân, ( cũng hơi khó vì nó bám chặt vào chân ) máu đổ loang trong nước. Xong rồi lại tiếp tục cấy
Ruộng đã cấy mạ xong, sau đó rải phân cho lúa phát triển. Thỉnh thoảng đi thăm ruộng. Trong những ngày nghỉ thì nhậu, nhà tui vựa cá khô, nên mỗi lần về, trở lại tui có mang theo khô cá đuối, cá nhám. Lúc đó tui còn hút thuốc nên sáng nào ra ruộng cũng mang theo ấm cà phê với ít thuốc rê cùng mấy tờ báo nhật trình để cuốn thuốc rê mà hút cho bớt lạnh trong đêm hoặc lúc mưa dài không dứt