______________________
Phạm Hữu Phước
Tháng sáu 76 tù được chuyển ra Bắc ồ ạt. Từ hai tháng trước bọn tù cũ ở Yên Báy chúng tôi đã được huy động toàn lực đi chặt nứa để làm những cái láng tạm.
Một bệnh xá được thiết lập và bọn chúng tôi gồm nha sĩ Hạnh, dược sĩ Luân và tôi, bác sĩ, được điều về bệnh xá. Chúng tôi là những y nha dược sĩ ở bệnh viện tỉnh Phước Long, bị bắt làm tù binh ngay trên mặt trận khi Phước Long thất thủ và lọt vào tay Cộng Sản hồi đầu tháng giêng năm 75.
Bệnh xá gồm 80 giường cho tù và 20 giường cho khung cán bộ. Chỉ huy trực tiếp là một ông thượng úy bác sĩ quân đội.
Phải công nhận ở tù mà được điều về làm ở bệnh xá là có “qưới nhân phù hộ”. Chúng tôi không phải đi lao động nặng như vào rừng chặt cây, chặt nứa, hay đào hố , làm ruộng... Ăn uống thiếu thốn, người gầy rạc, suốt ngày chỉ mơ tưởng đến một mẫu khoai mì mà phải vắt sức làm lao động nặng thì thật không còn cái khổ nào bằng, nhất là ở Yên Báy mùa đông khí hậu miền ngược lạnh buốt thấu xương, chân chúng tôi nứt nẻ đau nhói trên từng bước đi.
Còn một chuyện lạ nửa, khó tin nhưng có thật, là chúng tôi được ăn cơm không độn. Về bệnh xá chúng tôi ăn theo tiêu chuẩn bệnh nhân, có cơm ăn với nước canh rau nấu với muối. So với tù trong trại thì quả thật chúng tôi đang sống trong cảnh thiên đường hạ giới. Bửa ăn của tù gọi là “ cơm “ cho sang chớ thật ra chỉ toàn bắp vàng rực lẫn với vài hạt cơm làm dáng, có khi mấy tháng liền ăn toàn bo bo hay gạo mục chở từ trong Nam ra.
Theo quy định của trại chúng tôi không được tiếp xúc với ai ngoài bệnh nhân, và suốt ngày chỉ được quanh quẩn đi lại trong vòng rào tre bệnh xá. Một hôm, nổi máu giang hồ tôi xung phong theo cán bộ ra thị xả Yên Báy mua thực phẩm tươi cho bệnh xá. Mấy hôm trước có thằng bạn từ trong trại lén ghé vào bệnh xá và cho tôi 2 đồng. Thằng này lém lắm, không biết nó “cải thiện “ ở đâu ra tiền, tôi cũng chẳng có thì giờ hỏi nó cho ra lẽ vì lở bị bắt gặp chuyện trò là lôi thôi to với quy định của trại. Có lần nó xúi dại :
“ Mầy ăn cắp một viên tetracycline thôi. Tao chạy cho mầy một nải chuối “.
Tôi vốn bản tính thích chuối, thích đến độ ở nhà vẫn gọi đùa tôi là “ông đạo chuối “. Hơn năm rưởi tôi chưa từng được cắn miếng chuối ngọt lịm nào vào miệng. Thèm lắm. Nhưng tôi cũng biết một viên tetracycline trong tù qúy biết chừng nào. Nói có Trời làm chứng, dù thèm chuối nhỏ dải, tôi chưa bao giờ ăn cắp một viên tetracycline để đổi một nải chuối. Có lần khi còn ở chung với anh em trong trại, thấy tôi đói quá, có anh bạn dúi vào tay tôi một mẩu khoai mì nướng :
“ Tui biết anh đói lắm. Nhưng anh đừng đi cải thiện linh tinh. Bọn quản giáo bắt được chửi rủa và giam nhà đá thì mất mặt lắm. Nhục lắm. Dù gì đi nửa anh cũng là trí thức, là bác sĩ. Bọn này kiếm được cái gì chút chút sẽ dúi cho anh “.
Tôi cầm lấy miếng khoai mì mà nước mắt chảy ròng ròng, không kịp nói lời cảm ơn. Trong hoàn cảnh tận cùng mới thấm thía được tình người với nhau. Làm sao tôi có thể ăn cắp một viên tetracycline của những người bạn tù khốn khó để đổi một nải chuối cho riêng mình.
Có 2 đồng rủng rỉnh trong túi tôi cũng muốn ra chợ mua vài trái chuối nhâm nhi cho đả cơn thèm. Tôi rủ thêm thằng dược sĩ Luân đi cho có bạn. Chúng tôi được giao cho một chiếc “ xe cải tiến “. Nói là xe cải tiến cho xôm tụ, thực ra đó chỉ là một chiếc xe bằng gổ xộc xệch với hai bánh xe cũng bằng gổ bao lớp vỏ cao su. Xe khá nặng, tôi kéo cái càng nặng trịch ở phía trước, thằng bạn đẩy phía sau. Trước khi “xuất quân “, anh cán bộ ra lệnh cho chúng tôi vào kho xuất 3 lon gạo, một nhúm muối, 2 cây cải bẹ xanh và một cái nồi mang theo, chuẩn bị cho buổi ăn trưa. Anh còn cẩn thận dặn dò :
“ Ra chợ các anh đừng quan hệ linh tinh nhé! Nhớ nhé ! “
Sắp vào tháng chạp, đã có lất phất những cơn mưa phùn nhè nhẹ. Trời khá lạnh. Đường trơn vì mưa, lại gập ghềnh vì những ổ gà. Hai đưá ì ạch vất vả, thở phỉ phò với tiếng bánh xe lăn ken két trên đường. Cực nhất là phải gắng sức kéo chiếc xe cải tiến chết tiệt, nặng chình chịch, qua những vũng bùn. Bùn đất tung toé đầy người dính lên cả mặt. Anh bộ đội tương đối còn trẻ, có vẻ ít sắt máu, lầm lủi cỡỉ xe đạp theo sau. Thỉnh thoảng anh lại nhắc
“ Các anh khẩn trương lên. Ra chợ ta còn mua rau rồi mới về “.
Gần đến trưa chúng tôi mới đến gần thị xả Yên Báy. Tính ra chúng tôi cực nhọc lắm mới xê dịch được khoảng 8 cây số trong vòng 4 giờ. Anh cán bộ ra dấu cho chúng tôi ngừng lại nghỉ dưởng sức và vào liên hệ với nhà một người dân trong xóm cho chúng tôi mượn tạm cái bếp cho bửa ăn trưa. Ăn xong chúng tôi được nghỉ độ 15 phút rồi mới đẩy xe vào chợ.
Chợ Yên Báy là chợ tỉnh lỵ Nhưng trông cũng lơ thơ và sơ sài lắm. Phần lớn người ta bày bán rau cải, khoai lang, khoai mì, củi khô...Không có những cửa hàng bán đồ điện gia dụng, quần áo dày dép, nước ngọt ... vừa nhiều thứ vừa đa dạng như ở miền Nam. Chỉ có vài cửa hàng bách hoá, thấy người ta bu vào, nhưng tôi không biết họ bán gì bên trong. Bao lâu sống quanh quẩn trong tù với bạn bè, giờ được mở mắt nhìn người qua kẻ lại mình cũng thấy là lạ vui vui. Giá mà có thêm một bóng hồng nào thấp thoáng nhỉ. “ Ngụy “ dù có bị trù dập trong tù, tâm hồn có lúc cũng vẫn lãng đãng khói sương !
Anh cán bộ đi đây đó lựa rau, ngã giá như một bà nội trợ chính cống. Chúng tôi chỉ việc mang rau ra chất lên xe cải tiến. Đi ngang qua quầy bán chuối anh dừng lại, mua hai nải chuối chín cho mình. Anh bóc chuối ăn ngon lành tại chỗ. Thấy chúng tôi lớ ngớ sau lưng, không hiểu sao anh động lòng bẻ cho chúng tôi mỗi đứa 3 trái . Như bắt được vàng, chúng tôi ra tay ngay tại chỗ. Nhưng trực nhớ đến thằng nha sĩ Hạnh ở nhà, tôi nói với Luân :
“ Tao với mầy chơi 2 quả thôi. Còn giành một quả cho thằng Hạnh. Chắc nó cũng thèm chuối lắm “.
Thằng Luân bằng lòng ngay.
Chúng tôi mua “ chất tươi “ cho bệnh xá thế là xong. Tôi được dịp nhìn ông đi qua bà đi lại cho đỡ quẩn mắt trong giây lát , và nhất là được xơi tái 2 quả chuối mong ước. Trên đường về, tôi thấy một tiệm sách đang mở cửa. Tôi nói với anh bộ đội :
“ Xin phép cán bộ cho tôi ghé vào tiệm sách một chút. Tôi coi thử có cuốn sách gì mua được không ?” .
Anh bộ đội nhìn tôi giây lát, nhưng thấy vẻ mặt tôi rất thành thật, vả lại anh cũng biết tôi là bác sĩ chăm sóc cho tù ở bệnh xá nên anh gật đầu ưng thuận, nhưng cũng không quên nhắn thêm :
“ Khẩn trương nhé ! “.
Nói là “ Hiệu sách nhân dân “ nhưng thật ra chỉ là một quầy hàng nhỏ, bên trong có một tủ kính thấp bày bán mấy cuốn tập học trò, mấy cây viết chì, mấy cái tẩy, vài thứ lặt vặt. Trên tường có hai dãy kệ bày những quyển sách ố vàng, bám đầy bụi bặm. Nhưng đặc biệt tường treo la liệt nhiều cờ đỏ sao vàng và hình Hồ Chí Minh. Tôi lúc nào cũng đam mê sách. Hiệu sách gợi lại trong tôi ký ức của những nhà sách, những sạp sách hàng hàng lớp lớp ở đường Lê Lợi ngày xưa. Tôi tính nhẩm trong đầu, mình có 2 đồng bạc, mua nải chuối chỉ ăn được trong chốc lát, nhưng nếu mua được quyển sách thì đọc lâu hơn. Tù thì cái gì cũng thiếu thốn, trừ thời giờ.
Tôi đảo mắt nhìn hai kệ sách. Toàn những sách chính trị chán ngấy mà trại cho tù mượn đọc như Đời bác Hồ, Lenin toàn tập, chiến thắng Điện Biên Phủ...Có vài quyển tiểu thuyết nhưng tôi chưa hề nghe tên tác giả bao giờ. Nhưng mắt tôi bỗng sáng lên, tôi thấy có cuốn Văn phạm tiếng Pháp của Phạm tất Đắc. Tôi biết ông này vì ngày xưa anh tôi mua nguyên một bộ học tiếng Pháp bìa cứng do ông soạn trước kia ở Hà Nội, rồi được tái bản ở Sài Gòn. Tôi chỉ lên kệ nói :
- Chị cho tôi xem quyển kia kìa.
- Phải quyển này không ?
- Không quyển kế đó.
Tôi thấy chị kinh ngạc ra mặt. Một thằng mặt mày phờ phạc, ốm đói, bùn đất đầy người lại chỉ vào quyển Văn phạm tiếng Pháp đòi xem.
- Úi giời. Quyển này để đấy dễ chừng hơn cả năm có ai nhìn tới đâu.
Tôi coi lại giá quyển sách, may quá chỉ có 1 đồng rưởi.
Tôi đưa tiền cho chị. Chị còn nói thêm :
- Anh này rõ dở hơi. Để tiền ăn có phải sướng không. Mua gì cái của nợ.
Chị không biết chứ chộp được quyển sách này tôi như mở cờ trong bụng. Ít nhất trong những ngày tù của tôi cũng có những giây phút giải trí đích thực , hơn là đọc mấy cuốn sách chính trị thổ tả.
Chiều hôm ấy khi về đến bệnh xá, chúng tôi liệng mấy trái chuối cho thằng Hạnh. Nó mừng ra rít.
Quả nhiên quyển sách Văn Phạm Tiếng Pháp đã là nguồn vui cho tôi và cho cả một vài người bạn. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc, cho đến một ngày chúng tôi được lệnh chuyển trại và nó bị tịch thu. Không hiểu sao họ lại đụng vào “ của tư hữu “ của tôi làm gì. Sách không phải thuộc loại tuyên truyền phản động, được in và bán ở "Hiệu sách nhân dân" đàng hoàng kia mà.
PS :
1. - Sau khi được thả ra vào năm 1977, mấy tháng sau Dược sĩ Vũ Văn Luân bị viêm tai giữa vớí biến chứng nhiễm trùng não rồi mất tại Sài Gòn. Để lại vợ vừa mới cưới.
Phạm Hữu Phước
No comments:
Post a Comment