Tuesday, October 4, 2022

. CAO VỊ KHANH NHỜ GIÓ ĐƯA DUYÊN GỬI NGƯỜI-THI-SĨ-SINH-NĂM-1946

______________________



CAO VỊ KHANH NHỜ GIÓ ĐƯA DUYÊN GỬI NGƯỜI-THI-SĨ-SINH-NĂM-1946


  
Khi tôi có dịp đọc lại thơ anh thì chúng ta không còn trẻ nữa. Ðã qua cái thời cứ tưởng thơ chứa đầy thông điệp, thứ thông điệp chuyển giúp giùm nhau tín hiệu của những vì sao cứ nhấp nháy trong cô đơn…
Nguyễn Xuân Sanh. Thư, gởi. Thơ, không gởi.

Vậy mà rồi đọc tập thơ Ðan Tâm của anh in lại ở bên này, trước đây mấy năm, bỗng nhiên tôi lại muốn làm thơ gởi anh, gởi cho một người tôi chưa từng quen biết. Bỗng nhiên tôi thấy ngồ ngộ cái kiểu ngu ngơ của những đứa bé đầy ảo tưởng, viết tên tuổi mình lên một mẫu giấy cùn nhét đại vào chai đậy kín rồi thảy bừa lên mặt biển. Biển cả thì mênh mông…

Biển cả thì mênh mông…

thơ xa mà nỗi buồn kề
hỏi ra mới biết cùng quê Tiền Ðường
câu thơ ngắn, tình dặm trường
sắt son cũng chỉ mình thương nỗi mình (*)

Biển cả thì mênh mông. Nhất là thứ biển dữ đã chia lìa một dân tộc. 30 năm nay, anh và tôi ở hai bên bờ biển dữ đó, chúng ta xa lạ nhau cũng đành. 30 năm trước đó nữa, chúng ta cũng không có dịp quen nhau, anh ở tận đâu ngoài trung, tôi ở tuốt dưới miền tây mù mịt. Anh đã vẩy bút thơ thẩn, tôi thì cứ bận thẩn thờ với mấy cái phận mỏng cánh chuồng… Và ở giữa chúng ta, còn cái biển dữ chiến tranh đã nhận chìm hết mọi dự phóng thanh xuân.

Vậy mà đọc thơ anh rồi tôi lại tưởng như chúng ta có một người quen chung. Nguyễn Du. Ðọc thơ anh rồi, tôi lại nhớ Nguyễn Du vô hạn. Và hổng chừng nhờ có Nguyễn Du mà sóng biển đã đưa thơ tôi về tới tay anh. Và như vậy mà sóng biển mang lại cho tôi thơ  anh làm tặng. Ðọc thơ anh rồi lại thấy có mình ở trỏng. Y như cái ngày Ðạm Tiên hiện về báo mộng cho Kiều trong sổ đoạn trường đã có tên ghi:

tương đồng một lớp tài hoa
một thầy Bạc Mệnh chắc là đồng môn
truy nguyên gốc gác ngọn nguồn
không Tầm Dương cũng Tiền Ðường đó thôi
trẩy chung khúc Vận khúc Thời
cùng tang thương gánh mệnh trời oái ăm
xa người muôn dặm phong vân
dang tay ta chịu Phong Trần đóng đinh
mượn thơ chôn khối u tình
người đâu trắc ẩn nhận mình cùng quê (**)

Cùng quê ? Ờ thì còn quê nào khác ngoài cái quê cùng-đường-bạc-số ! Cái quê không chéo đất dung thân của nguyên một đám bên-trời-lận-đận. Cái quê có những bến-tầm-dương lau lách quạnh hơi thu, có những sông-tiền-đường mênh mông trông vời con nước … Cái quê của những-đạm-tiên nửa-chừng-xuân gãy cánh, của những-thúy-kiều xưa-rủ-là-phong-gấm, mấy chốc đã tan-tác-hoa-giữa-đường… Quê của một loại người sinh ra làm thi sĩ khi mặt đất đã khô hạn và những nhành nguyệt quế đã rụi tàn.

Quê nào anh hả. Ðã có chốn nào vốn dĩ thiệt là quê ta -quê hương với cái nghĩa cưu mang và cái tình âu yếm nhất. Ðã có lúc nào chúng ta thôi khốn khó ngay trên chính nơi chốn đã sinh ra. Ðã có lúc nào, anh và tôi và bạn bè cùng lứa đã được ru hời trên nôi võng quê hương. Hay ngay chính trên quê hương bạc bẽo mà chúng ta đã biết thế nào là oan ức, là bầm dập, là tủi nhục, là lưu đày. Bài thơ đầu tập Ðan Tâm có tựa là Ðất trích, chắc có xa xôi gì đâu với đất đá Dạ Lan. Bốn phía rừng xanh màu nước độc…

Thử tưởng đến cái ngày Lý Bạch bị đưa ra khỏi hoa lệ Trường An, đọa lạc giữa sơn cùng thủy tận ! Thử nghĩ đến ngày một người làm thơ chân thật bị tước đoạt hết giấy bút, lột trần hết mọi mơ mộng rồi nhét vào tay lưỡi cuốc cán trục, đẩy xuống lội sì sụp giữa những luống sình oan khổ …

Thử tưởng lại…
Thử tưởng lại… 
Buổi sớm ngày 1 tháng 5 năm 75, trời vùng biển mù sương. Tôi theo mấy người bạn đi trình diện những người thắng trận. Ðiểm tập trung là khuôn viên của một công thự nằm kề bên cửa vịnh. Trời chưa chịu sáng, gió sớm mặn mùi muối biển thổi rát mặt mày. Ai nấy lặng thinh, lặng thinh vì không có điều gì để nói hay có quá nhiều điều không nói được… Không ai biết mình phải làm gì. Không ai biết mình sẽ ra sao.

Vậy đó, rồi có ai đọc Kiều, Kiều của Nguyễn Du, giọng trầm nghe vừa ai oán vừa châm biếm làm sao:… hàng thần lơ láo phận mình ra chi.

Chắc anh cũng giống như tôi, buổi sáng hôm ấy, từ một chỗ nào đó ở phía nam vĩ tuyến 17, anh  đã hiểu thấu thế nào là hai chữ “lơ láo” hả anh.

Anh và tôi và bao nhiêu đồng lứa khác từ đó chịu cùng một cuộc bể dâu. Cuốn sổ đoạn trường trong tay Ðạm Tiên hẵn đã dầy thêm gấp bội.

Sinh thời, Nguyễn Du  đã có lần ngậm ngùi:

một phen thay đổi sơn hà
mảnh thân chiếc lá biết là về đâu

Hình tượng chiếc lá tuyệt quá hả anh. Trong cơn gió bụi vô tình, người ta, nhất là thứ người ta có ít nhiều chữ nghĩa có khác gì với chiếc lá bị rứt đột  ngột ra khỏi cành. Vốn liếng là mớ chữ nghĩa đã trở thành vô dụng, tư cách theo lễ giáo bị coi như phản đạo đức cách mạng… không là chiếc lá bay vật vờ theo gió cuốn thì còn là gì nữa! Thời đó lại là thời đăng quang  của bóng tối đem về sự ngu dốt, thời lên ngôi của bất nhân đem về những khuyển-ưng với mã-giám-sinh, cấu kết lại để làm một cuộc trả thù vô tiền khoáng hậu. Mà những người như tôi với anh, cái thứ lãng mạn tiểu-tư-sản thì phải kể là một trong những đối tượng bị săn đuổi đến kỳ cùng. Bánh xe “cách mạng” như con quái vật khổng lồ lăn những vòng quay mù quáng, nghiến nát đến tận cùng mọi mầm móng của giá trị nhân bản. Không công khai, nhưng rõ ràng chủ đích của cái gọi là cuộc cách mạng văn hoá xây dựng con-người-mới chính là nhằm loại trừ ra khỏi đời sống cộng đồng một thành phần dân tộc-thành phần học thức - bằng cách thức âm hiểm và tàn độc không thua gì mẹ con Hoạn Thư . Trả thù trong sự ganh ghét và tị hiềm. Làm-cho-mệt-cho-mê-làm-cho-đau-đớn-ê-chề-cho-coi ! Những lệnh lạc tức cười nhằm hạ nhục người tù được gọi là cải tạo viên” trong những trại tù được gọi một cách “thân ái” là trại cải tạo” của những chú vệ binh ngây ngô súng-dài-súng-ngắn, của những tên quản giáo vừa ngu dốt vừa hiểm độc là những bằng chứng điển hình.

Chuyện đã lâu cũng không muốn nhắc lại. Nhưng không nhắc lại làm sao thấu được tình cảnh của một lớp người mà hồn họ nhạy bén đến nghe được tiếng trở mình của một chiếc lá thu, mà đời họ trời sinh ra để làm mối giao cảm giữa đời trước với đời sau. Những người thi sĩ ấy. Hãy nghĩ đến những người thi sĩ ấy trong cuộc đổi đời tàn khốc đó.

Người ta vui, họ vui gấp bội
Người ta buồn, họ buồn gấp nhiều lần
Người ta khổ một, họ khổ mười.
Bởi vì chính họ, vui buồn đau khổ là vui buồn đau khổ cho và cùng thiên hạ.
Người thi sĩ ấy, kẻ khổ nạn, người mang thập tự giá thay cho nhân loại.
Ðã có bao nhiêu hồn thi sĩ vất vơ lay lắt trong cái thời quỹ ám đó !

Thử tưởng lại.
Thử tưởng lại.
Nắng tháng bảy đổ lửa lên nhựa đường lỏm chỏm đá sỏi sau nhiều năm không tu bổ, bụi đất bốc lên có vòi mỗi lúc xe qua. Người qua kẻ lại, thất tha thất thểu mua mua bán bán. Con nít trần trụi, mủi nhểu lòng thòng, tụm năm tụm ba nơi những quán ăn chờ chực những dĩa cơm bỏ thừa. Lính tráng cũ cụt tay cụt chân bò lết trên lề phố xin ăn. Lính tráng mới xúng xính quần áo mới xênh xang mua “đài” mua máy. Chợ trời Rạch Gía. Những năm 78, 79.

Sau gần hai năm “cải tạo”, được trả về làm con-người-mới, tôi đã thay đổi chục lần chuyện kiếm ăn. Kéo xe cây, vác gạo, bưng hồ, đào mương, “chạy mánh”… sau hết, nghe lời xúi biểu tôi phóng ra chợ trời, trải chiếu, che dù làm chuyện mua bán …mạng… Mua bán là mua một bán hai, mua hai bán bốn… Mua bán mà không biết trả giá kỳ kèo thì làm sao bán với mua. Mà lòng tôi, tôi chưa từng biết trả giá với đời. Tôi mua bán mà đứng ngồi không yên, mà băng hăng bó hó sợ mình bán mắc người ta giận, sợ mình bán hố người ta cười.

Anh cũng vậy anh hả. Anh cũng ra chợ. Người thi sĩ ấy.

ma xui quỷ khiến ra ngồi chợ
bán gió rao trăng.. một núi dừa !
mặt người keo kiệt màu cứt sắt
miệng lưỡi cò kè ngọt lẫn chua
...
không có chỗ chơi sao ra chợ
lăn lóc bon chen mấy đống dừa
ba tháng bay vèo ba mươi vạn
tính chuyện tiền nong ngỡ chuyện đùa (**)

Ðọc thơ anh, biết anh cũng mang hồn thơ ra lăn lóc chợ đời, lòng thấy bồi hồi lắm. Ngày xưa đọc Kiều thanh-y-hai-lượt-thanh lâu-hai-lần đã lấy làm thương cảm. Nay anh còn ở đó, mấy chục năm qua hẵn đã hơn một lần cám cảnh mình mà thương nhớ Kiều nhi ! Giữa chốn chợ người nhơ nhớp đó, có lần nào anh há miệng cười mà nước mắt sa. Thân lươn bao quản lấm đầu. Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa !

Trong một lá thư gởi cho bạn, anh đã viết :‘‘từ mấy thập kỷ rồi, cái ‘‘thế giới ở đó” ấy đã giết tuổi thanh xuân đầy lãng mạn và đam mê văn chương của tôi, có lúc đã biến tôi thành một cái xác phàm vai u thịt bắp trần trụi, bâng khuâng và u hoài mất ngủ. Cũng may tâm hồn mình không để bị nhúng chàm, vấy bẩn, ăn dơ…”

 Ôi  “ tâm hồn mình không để bị nhún chàm, vấy bẩn…” Ôi người thi sĩ ấy !

Anh đã sống y như vậy. Tôi biết, dù không quen. Tôi biết, dù 30 năm qua trời đất cỏ cây ở đó còn có lúc xác xơ nói gì lòng con người đến lúc tuyệt vọng. Anh đã sống y như anh nói. Tôi biết, dù giữa tôi và anh 30 năm qua không từng liên lạc. Tôi biết vậy, vì tôi đọc thơ anh. Thơ anh là thơ nòi tình, truyền từ  nhánh máu của những Nguyễn Du, những Chu Mạnh Trinh, những Cao Bá Quát…  những người đã sống và làm thơ như một thi sĩ đích thực, sống và làm thơ chân thật với  tình mình đã sống. Thơ anh đã vậy, tình anh không thể khác được. Tôi bắt gặp trong thơ anh, nhất là lục bát, cái hơi mát rượi hồn hậu của lục bát ca dao, cái nhẹ nhàng mà tinh tế của lục bát Nguyễn Du với những câu Kiều muôn thuở. Tôi bắt gặp trong anh cái mạch thơ vi diệu của một hồn thanh tao, thứ thanh tao không chịu nhún bụi lầm. Lục bát của anh làm nhớ một thời phong lưu tao nhả vào ra những bậc trang đài… thơ như vậy làm sao người làm thơ chịu cho được cảnh lỡ-làng-nước-đục-bụi-trong …

xưa ta cầm tuổi hai mươi
vay em nhan sắc về nuôi tâm hồn
nuôi bao mộng mị vàng son
một đêm trắng mộng… chỉ còn đan tâm (**)

đọc thơ mà nghe  như u ẩn cứ chực chờ trào ra năm đầu ngón tay… bất lực.

Nên tôi không lạ khi nghe tin anh

lấy giẻ rách che tay
cắm chông gai rào miệng
nhặt nhạnh gia tư ít đồ tế nhuyễn
trèo lên xe trâu
lui về quê kiểng
mài răng gặm nhắm cái thanh bần (**)

Anh không dám so sánh với Ðào Uyên Minh nhưng tôi tin Ðào Uyên Minh đời nào cũng có. Hồn làm ra thơ. Thơ đã vậy thì nguồn hồn đã vậy. Thư giả dối nhưng thơ không giả dối. Hồn không thấy trắng thành đen thì thơ không nói đen thành trắng. Hồn đã không chịu cảnh lòn trôn thì thơ cũng thanh khiết để nói điều chân chính. Ðọc thơ anh, càng đọc càng thấy ra cái bóng cô đơn của người thi sĩ, cái giống loài càng lúc càng hiếm hoi.

giỏi giang gì mà tri với ngốc
chỉ biết hôm nay giày rơm áo cỏ
vinh danh “quân tử cố cùng”

Tôi viết những dòng này khi năm sắp hết. Nghe tin thiên hạ đang rộn rịp về quê ăn tết lòng không khỏi ngậm ngùi. Người ở đó còn chưa thấy xuân thì người bên nây kéo về cởi-ngựa-xem-hoa thì có phải là đang dẫm lên những tấm lòng son …
                                                 
CAO VỊ KHANH
(*)   thơ Cao Vị Khanh ̣  
(**) thơ Phạm Ngọc Lư

No comments: