________________________
ĐỖ DUY NGỌC
Ăn sáng, Phở là món chọn đầu bảng. Ừ thì Phở Dậu, làm sao mà không đến đó kêu một tô nạm gân gầu vè. Kèm chén tiết hột gà và chén tuỷ. Ái chà chà! Húp một muỗng đầu tiên sau chuỗi ngày thương nhớ. Nước phở trong, beo béo, là cốt tuỷ của những xương đùi lóc hết thịt hầm mấy chục tiếng đồng hồ. miếng gầu sần sật, miếng nạm bùi bùi, miếng vè dai dai, miếng gân ngầy ngậy, sợi phở như mảnh lụa trôi vào cuống họng. Thêm chút tương Bắc hoà với mấy lát hành tây trắng nuột. Sướng! Cái sướng của đời là được ăn thứ mình đang thèm, cái sướng của cuộc sống là ăn được thứ mình cho là ngon và nhìn chung quanh ai cũng đang thưởng thức cái ngon giống mình. Thế là sướng. Đôi khi đời giản thế thôi. Lại vui, được cười chào nhau vì hình như ở đây ai cũng quen mặt biết tên nhau.
Ừ thì Phở Minh, cái bát phở be bé hợp với người khảnh ăn như tui, nước phở hương vị là lạ chỉ có nơi quán này. Có cảm giác hơi chua, một tý thôi, ngẫm mới thấy, nước hơi đục một tý, cũng một tý thôi, nhưng ngon. Thịt cũng vừa ăn, nạm không xảm, gầu dòn bữa nào gặp hên sẽ có mấy miếng gầu có màu vàng gần như màu áo lụa vàng, ăn beo béo, ngầy ngậy mà không ớn, dai dai một chút trong miệng khiến cho bát phở thêm đậm chất phở.
Phở Minh cũng giống phở Dậu ở chỗ hầm xương bằng củi chứ không dùng lò gaz. Xương hầm qua ba lửa, tức là hầm lần đầu tắt lửa, rồi lại đốt lửa hầm lần hai. Đến lần ba là nồi nước phở đã lấy hết cốt của xương. Mà không chỉ có phở, món ăn nấu bằng bếp củi lúc nào cũng ngon hơn, vị thơm hơn. Thịt, xương bò khi đúng lửa mới dậy mùi thơm của thịt. Hơn nhau chỗ biết canh lửa. Thịt ở Minh thơm do vậy. Đôi khi không phải cứ trang bị văn minh mà đã tốt. Bánh mì nướng bếp lửa cũng ngon hơn lò điện, lò gaz nhiều lắm.
Đặc biệt, Phở Minh không cho bất cứ một gia vị như quế, hồi, thảo quả, đinh hương, mà chỉ dùng gừng nướng và hành khô nên nước phở Minh có mùi vị khác những quán phở khác. Vừa ăn vừa nghe tiếng chuông của chiếc đồng hồ Odo xưa chậm rãi điểm mấy tiếng. Nhớ mấy câu thơ viết về phở ở trên tường của quán mà bụi thời gian đã xoá đi rồi.
"Nổi tiếng gần xa khắp thị thành
Trần Minh phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh…"
Buổi sáng thế là đẹp chứ đòi chi hơn.
Nếu ngại xa thì chạy qua Phú Gia làm bát tái lăn. Quán này chỉ nên ăn tái lăn. Bát phở ở đây hơi lớn, lại cho nhiều hành, chỉ hợp anh trẻ nào cần sung. Nước phở cũng được chỉ có điều hơi nhiều bột ngọt. Thịt cũng vừa chín, được lăn qua trên chảo nên mềm, còn chất ngọt của thịt bò. Quán đông khách lại không gian hơi chật nên ngồi ăn cũng không sướng lắm.
Phở Dậu khoảng 11:30 là hết, Phở Phú Gia dẹp sớm hơn một chút, Phở Minh đến sau 9:30 thì rú xe chạy luôn vì mấy cái tay chủ quán lắc lắc. Ngủ dậy trễ đành chạy ra Phở Lý Quốc Sư ở Đinh Tiên Hoàng. Đây cũng là phở Bắc, nhưng là Bắc sau 75. Rất tiếc là sau mùa dịch Covid, có lẽ kham nổi tiền thuê mặt bằng, quán đã dẹp tiệm.
Phở bắt nguồn từ miền Bắc, nhưng theo tui, hiện nay ở xứ ta lại chia ra phở Hà Nội và Phở Sài Gòn. Phở Hà Nội đại diện cho phở Bắc là phở ô ri rin nấu theo khẩu vị của phở Bắc truyền thống. Có xương đùi bò, có thảo quả, đinh hương, quế hồi, gừng nướng và ngày trước có cả sá sùng. Phở Sài Gòn là phở lai, hầm đủ thứ xương, bớt gia vị và nhiều chỗ là nước luộc thịt và đôi chỗ có thêm đường phèn, củ cải cho ngọt nước. Phở Bắc ngọt xương, phở Sài Gòn hơi ngọt đường. Phở Bắc ngào ngạt mùi phở, phở Nam thơm mùi nước luộc thịt. Phở Bắc không rau không giá, không tương đen, không bò viên chỉ có nạm, gân, gầu, vè và có chỗ có thêm sách. Phở Sài Gòn đủ thứ hầm bà lằng.
Mà phở Bắc lại chia thành hai nhóm nhỏ, nhóm vào Nam từ trước và đặc biệt là sau khi đi bằng tàu há mồm di cư vào Nam 1954 hương vị có khác với mấy quán phở vào sau 75 cũng như phở ở Hà Nội bây giờ. Nếu ai tinh ý sẽ nhận biết ngay. Phở Bắc của những quán sau 75 nặng bột ngọt, nước phở thiếu cái đằm, cái vị, cái mùi của xương hầm, thiếu cái béo của tuỷ. À mà xơi phở thì cũng nên có chút béo. Nhìn bát phở mà trong veo không chút váng mỡ giống ao thu lạnh lẽo nước trong veo thì cũng hơi thiếu thiếu.
Có thể chạy ra đường Trần Quang Khải, ngay đầu đường vào Nguyễn Văn Nguyễn, có quán Phở Hoàng mới mở vài tháng nay. Phở quán này cũng chưa phải là xuất sắc lắm nhưng ăn được. Phở nấu theo lối tân cổ giao duyên, nửa Nam nửa Bắc. Nước lèo ổn, hơi thiếu quế, hồi nên chưa có mùi đặc trưng phở Bắc. Sợi phở là đúng của Bắc, mềm và nhỏ bản. Trên bàn đủ loại tương. Tương Bắc, tương đỏ, tương đen. Lại có rau giá như quán phở Sài Gòn. Cũng có quẩy chiên theo kiểu Bắc, nhỏ và cứng chứ không lớn và mềm như quẩy Nam.
Thịt ngon, nhất là thịt bắp rùa. Món này thường ở quán ngoài Bắc mới có thì phải dù ở Sài Gòn ở các quầy thực phẩm cao cấp đều có bán nhưng giá khá cao so với những loại thịt bò khác. Bắp rùa là phần bắp nhỏ xíu, nằm giữa lõi cái bắp đùi to ở chân con bò. Bắp rùa có những đường gân hình xoắn trắng ở giữa miếng thịt, khi ăn sần sật giòn giòn như bắp hoa. Phần thịt này ít mỡ, những bắp tròn đều, ngắn là bắp ngon. Nhưng với những người sành ăn thì bắp rùa mềm và thơm hơn bắp hoa. Bình thường tô phở ở đây giá 55.000 nhưng tô phở bắp rùa là 90.000. Giá cao nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Nhai miếng bắp rùa trong miệng đã lắm, ngọt, sần sật, dai dai chứ không như miếng tái bình thường. Quán cũng có tiết, tủy ăn cũng được.
Quán rất sạch sẽ, phục vụ nhanh, tốt và thân thiện. Khẩu vị mỗi người mỗi kiểu nên cũng khó phê bình. Tuy vậy, các tín đồ của phở cũng nên ghé một lần ở phở Hoàng. Thêm được một địa chỉ phở cũng là điều thú vị.
Còn một địa điểm phở nữa mà suýt nữa thì quên, đó là quán Phở Cô Uyên, nằm trong hẻm đài liệt sĩ đối diện chùa Vĩnh Nghiêm. Phở đây nước lèo ngọt, thịt mềm, thơm. Sợi phở cũng nuột nà. Có nhiều người trong đó một anh người Pháp bảo món phở ở đây ngon nhất sau khi thưởng thức nhiều quán khác. Anh Tây khen cũng là điều vui với chủ quán rồi. Quán này còn có bún bò Huế, bánh bột lộc, bánh nậm. Ăn để mà nhớ Huế.
Nếu kẹt quá, chạy ra khu Hà Đô vào quán Phố hàng Phở làm một bát cũng đỡ ghiền. Quán tinh tươm, bàn ghế, muỗng đũa sạch không chê. Phở ăn cũng được, kiểu phở Bắc sau 75. Đặc biệt bát phở nào cũng có miếng thịt hầm nhừ vuông vuông, nhai thật kỹ có mùi như thịt hộp, nhai thêm tý nữa lại dậy mùi patê. Quán trang trí phía mặt tiền như một ngõ ở Hà Nội, lại đặt tên Phố Hàng Phở. Nghe rặt Bắc Kỳ. Nhưng phở thì cũng đã thấy lai lai cái gout Nam, dù chưa nặng lắm.
Nếu ngán phở thì ta ăn hủ tiếu hay mì. Thế là phải chạy ra Tôn Thất Đạm ghé Nam Lợi. Ở đây có hủ tiếu, mì gà cá. Nhưng tui chỉ gọi mì hay hủ tiếu cá, không ăn gà vì gà ở đây nát quá không ngon. Ngon bậc nhất ở đây là nước lèo. Ngọt của đạm, ít bột ngọt. Lát cá cắt mỏng như giấy, nhiều khi lẫn với màu trắng của sợi hủ tiếu khiến người ăn khó thấy. Nước đục nhưng bỏ vào miệng cảm giác nó chạy xuống cổ họng, ngon, thật ngon dù giá hơi cao và tô hơi ít. Sức trẻ ăn hai tô còn thòm thèm. Tui chỉ ăn một tô, thiếu thiếu mới cảm thấy thèm, thấy nhớ để ghé ăn tiếp chứ. Đừng quên gọi dĩa bánh pate chaud. Bánh này ở đây ngon bá chấy con bọ chét. Nhìn cách ăn bánh, người ta có thể đoán khách là người từng ăn ở đây rất lâu rồi. Kiểu ăn đấy là cho bánh vào tô, bánh mềm lấy ra ăn chứ không cầm bánh ăn khô như thường tình. Cũng ngộ hỉ!
Chạy tới một đoạn nữa gặp quán bánh canh cua. Ngày xưa nó bán ở ngay Nam Lợi, mấy năm rồi dời về đấy. Cua tươi, nước ngọt, béo đúng chất bánh canh cua Nam bộ. Gọi thêm chai xá xị để nhớ lại một thời.
Còn có Hủ tiếu tôm cua Thanh Xuân. Đây là tiệm hủ tiếu một thời nổi tiếng khắp Sài Gòn. Cái bảng hiệu vẫn còn đó đã tróc sơn và ám bụi. Ông Tiến sĩ Alan Phan khoái ăn sáng ở quán này. Quán bày ghế ở vỉa hè, đồ nghề đặt đầu con hẻm nhỏ. Hủ tiếu ở đây rất đặc biệt nhờ món nước sốt chan lên tô hủ tiếu khô đầy cua và tôm. Quán nổi danh với món nước sốt đặc biệt này. Thế hệ giờ tuổi trên 70 ở Sài Gòn này không ai là không biết món hủ tiếu khô vang bóng của Thanh Xuân. Giờ nó không còn nổi và đông khách như xưa nhưng cũng vẫn là một lựa chọn cho buổi điểm tâm sáng.
Ở Trương Định có quán mì cật. Ăn cũng được nhưng quán xập xệ quá lại hơi dơ. Mì đây ngon, cật làm sạch không hôi. Nước lèo cũng nhiều bột ngọt, ăn xong khát nước khô cả cổ. Mới đây ghé lại thấy quán đã sửa sang lại, trông khang trang hơn xưa nhưng cũng còn cảm thấy chật chội và hơi bí bách.
Xa nữa lại có Thiệu Ký mì gia còn gọi là Mì nhà xác vì nó cùng trên đường nhà xác của bệnh viện Chợ Rẫy. Quán mì này đã có mặt ở đất này hơn 70 năm. Mì ở đây là mì tươi kéo sợi do quán tự làm. Bạn hãy gọi một tô thập cẩm hay tô hủ tiếu sườn non. Ngon hết biết. Có con tôm tươi chiên với bánh dòn dòn, có tóp mỡ béo cũng dòn dòn đúng xe mì truyền thống của người Hoa. Thịt xá xíu ở đây đúng vị, thịt gà xé cũng ngon. Lại có thêm chén nước súp có gan, phèo. Nước lèo được nấu từ xương gà hầm nên ngọt thanh, có vị kiểu người Hoa. Quán cũng có há cảo, xíu mại ăn thêm.
Thích ăn phở, miến gà thì đảo xe về Nguyễn Du, bên hông bưu điện. Quán bình dân nhưng giá cũng đắt xắt ra miếng. Kêu bát phở hay miến với cánh, phao câu. Hay cánh vơi ức gà, hay thuần tuý là đùi với lòng cũng đặng. Nhớ kêu thêm miếng huyết. Trong các loại huyết luộc, có lẽ huyết gà là ngon nhất. Huyết heo nhão, huyết vịt khô xảm, huyết gà ăn xốp, mằn mặn, bùi bùi sướng miệng gì đâu. Nhìn cái nồi nước lèo cao cả thước đầy xương, cổ, đầu cánh gà mà ngợp. Nhờ vậy mà nước phở thanh, đằm vị, húp một muỗng thấy từ từ thấm vào lưỡi, chạy vào họng đúng vị phở gà. Thịt gà chắc, ngọt, da mỏng dòn, đúng là gà ta. Cũng nên nhớ bỏ thêm mấy lá chanh xắt nhuyễn với một ít tương Bắc cho đúng điệu.
Ở Kỳ Đồng cũng có tiệm phở, miến gà đông khách lắm. Người ra vô nườm nượp, quán lúc nào cũng ngập người. Gà cũng lấy chung với quán phở gà Nguyễn Du, nhưng nấu kiểu Nam nên nước khác mùi mà thịt cũng khác vị. Bởi thế cách nấu quyết định hương vị của món ăn là vậy. Kêu thêm dĩa gỏi là đủ cho một buổi sáng đầy đặn.
Nếu chán ăn phở, mì hay hủ tiếu sáng thì chạy qua Tú Xương đến Út Hưng ăn bún bò Huế. Cũng như phở, bún bò Huế ở Sài Gòn cũng có bún bò Huế lai hương vị đã đổi để hợp với người Nam và bún bò Huế đúng chất Huế dành cho người Huế tha hương hay người Trung quen vị mặn của ruốc. Từ xưa người Huế nói tô bún bò mà không có ruốc, không có sả thì không phải là bún bò. Bún bò xuôi vào Nam giảm ruốc, bớt sả lại nấu với khóm, đường tạo độ ngọt. Bún bò Huế chính gốc phải ngào ngạt mùi sả, thoang thoảng mùi mắm ruốc. Ta tìm thấy chất Huế ở tô bún của Út Hưng dù mùi ruốc cũng đã giảm nhiều. Nồi nấu vẫn còn mang đúng tính chất của nồi bún Huế. Đó là cái nồi tròn bằng nhôm, thắt ở cổ nồi nhưng miệng loe ra với bụng tròn, không quai. Người xưa bảo nồi đất nấu cơm, nồi đồng nấu cháo, nồi nhôm nấu bún. Mấy mệ Huế bảo rằng cái nồi như rứa để giữ nhiệt, lúc mô nước cũng nóng. Ăn bún bò phải ăn nóng mới ngon. Ở đây có đủ cho một tô bún bò lưu lạc phương Nam: chả cua, chả lọn Huế, chả bò, giò nạc, giò gân, giò búp, giò móng, bắp bò, lại có cả huyết với bò tái lẫn bò viên. Tào lao rứa? Tui kỵ ăn bún bò với bò tái, nó trật đường rầy và cũng không đúng là bún bò Huế. Nhưng giờ ra Huế cũng thấy người ta ăn vậy. Bún bò Huế ngày xưa chỉ có thịt bò với giò heo. Mà giò sau mới nhiều thịt nha. Người Huế lạ lắm, tặng biếu nhau thì trao giò trước, nhưng thật ra giò sau mới thật là ngon. Giờ bày ra đủ thứ món trong tô bún bò. Thịt bò ở quán này mềm, giò cũng hầm vừa không cứng quá cũng không nhão, gặm có nạc có da mới thú. Lại không có mùi hôi của thịt heo tăng trọng bây giờ. Chả cua cũng vừa ăn. Giá cũng bình dân, vừa túi tiền chỉ có cái là hết sớm quá, hơn 9:00 đã thấy cái nồi không.
Nếu ở đấy đã cạn nồi, ta chịu khó chạy tới Bành Văn Trân ăn bún bò Hạnh. Quán tươm tất hơn quán Út Hưng. Nhưng bún bò ở đây lai Nam nhiều rồi dù chủ cũng là dân Huế. Nước ở đây ngọt, ít mùi ruốc. Thịt cũng vừa ăn, giò cũng được. Cũng có thể gọi là khá, giá cũng hợp cho người muốn tìm một quán vừa miệng và sạch sẽ.
Gần đây có quán Abunbo của Cô Ba Thuỷ, người chủ của mấy quán ăn khá tiếng tăm ở Sài Gòn. Quán này nằm trên con phố rất sang chảnh của Sài Gòn, đường Nguyễn Huệ. Đây là quán bún bò rất đặc biệt, được cô chủ chăm chút từng cái chén, cái đũa, cái lót ly cho đến sợi bún, miếng thịt, miếng chả. Theo chủ nhân, cô ấy muốn kế thừa truyền thống của món bún bò nhưng cũng có cách tân mang dấu ấn của Cô. Nước bún bò ở đây ngoài sườn, đùi heo, bò bắp, ruốc, sả còn nấu với sá sùng. Cho nên nó có nước ngọt thanh, phơn phớt một chút ruốc Huế, đậm đà mùi sả nhưng không hắc. Miếng giò mềm, đậm thịt, gặp miếng gân vẫn sần sật. Nằm ở địa điểm này với những nguyên liệu được kén chọn rất kỹ của cô chủ kỹ tính lại thêm không khí trang trí rất nghệ thuật. Khách trả tiền cao hơn một chút cũng không hề hối tiếc.
Người Sài Gòn khoái nhất hai món: bánh mì và cơm tấm. Cũng như người Hà Nội, ăn phở bất cứ lúc nào, người Sài Gòn cũng thế, sáng, trưa, chiều tối khi nào cũng có thể chơi dĩa cơm tấm hay ổ bánh mì. Bánh mì Sài Gòn thì muôn hình vạn trạng, bất kỳ ở đâu cũng có thể mua được. Đầu đường, góc phố, trong hẻm, ở chung cư. Nhưng người kén ăn chỉ chọn một vài chỗ quen rồi ăn ở đấy tháng này qua năm khác. Hồi trước người ta thường thích bánh mì Như Lan với Hà Nội, nhưng giờ thì khác. Muốn có ổ bánh mì thịt ngon, trước hết phải có cái bánh ngon. Bánh mì Sài Gòn vang danh một thuở giờ không còn ngon như thuở xưa. Cái thì rỗng ruột, bóp vào nát vụn. Cái thì khô khốc, ruột lại không thơm, không có độ nở của bột. Giờ đành chọn được mấy tiệm để ăn.
Ở xứ này giá nào cũng có thể có ổ bánh mì. Bánh mì chan nước thịt giá 8 đến 10.000, bánh mì thịt tầm tầm cũng 15 đến 20.000. Bình thường nhất là 25 đến 30.000. Bánh mì ô môi ở Lê Thị Riêng đã lên giá 60.000 một ổ mà phải xếp hàng dài nhưng chỉ bán buổi chiều. Lại có bánh mì hải sản thấy chào giá từ 200.000 đến 440.000 một ổ. Nhưng có lẽ đắt nhất là bánh mì của anh chàng bếp Hàn Quốc có cái quán nhỏ ở chợ Cũ, giá ổ bánh mì thịt nướng của anh có giá 100 đô la Mỹ tức hơn 2.300.000 đồng, nhưng phải báo trước để chuẩn bị. He...he không biết có khách không? Nhưng vẫn thấy còn sống đấy!
Bánh mì Ngọc Xuyến ở Trần Quốc Toản là một chọn lựa. Bánh ở đây lấy ở lò bánh mì ở mũi tàu đường Trần Quang Khải. Bánh dòn lâu, ruột vừa, nở và thơm. Ăn với thịt nguội cũng ngon, bì với nước mắm cay cũng đặng. Không thì chỉ kẹp chả lụa, chả quế, chả bò đều thú vị cả. Tiệm này cũng có mặt ở Paris do chính chủ định cư mở hình như ở quận 13 thì phải, quán nhỏ xíu mà bán đủ thứ đồ ăn Việt Nam. Cũng khá đông khách. Nhất là mùa Tết Nguyên Đán, quán Ngọc Xuyến Paris bán đủ món dành cho ngày Tết Việt.
Nếu đi sớm thì ghé bánh mì Cụ Lý. Xe bánh mì nổi tiếng trước 75 dù chỉ bán trên vỉa hè. Xe chỉ có một thúng bánh, chả,đứng tựa hàng rào mà đắt như tôm tươi, Cụ Lý lúc đó tuổi trung niên, tóc chải dầu óng mượt. Vừa cắt chả vừa bông đùa. Chả ngon, đậm đà, miếng nào miếng nấy to đùng chứ không cắt lát mỏng như các tiệm bánh mì khác. Không rau, không dưa leo, chỉ có vài lát hành tây. Giờ hình như là con hay cháu Cụ Lý tiếp tục nghề. Cũng bán trên vỉa hè chỗ gần lãnh sự Tàu góc Nguyễn Văn Thủ. Hai vợ chồng bán không kịp, cắt chả không ngơi tay. Cũng hương vị cũ nhưng thiếu chút nước mắm nhỉ của Cụ Lý ngày xưa và những câu bốc phét. Bán từ sáng sớm, đến khoảng 9:00 là hết sạch. Khách đến trễ đành hẹn hôm sau.
Thế là chạy qua Hoà Mã đường Cao Thắng. Tiệm này lâu đời, có mặt đâu từ năm 1958 ở đường Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó mới dời qua đây. Hơn 60 năm, biết bao dâu bể, quán vẫn chẳng có gì thay đổi, chỉ người bán đã qua đến đời thứ ba. Ở đây có thịt nguội ngon, có thêm món chảo trứng, chả chiên. Khách đông kéo dài đầu con hẻm. Ngày nay người ta ăn bánh mì kẹp thịt mang về nhưng có người cho rằng bà chủ Hoà Mã là người có sáng kiến đó. Trước đấy, bánh mì thịt nguội là món ăn khá đắt, công chức sáng đi làm ghé mua một ổ mang đi, phải mang theo một gói jambon, xúc xích, chả lụa kèm theo. Rườm rà quá. Bà chủ tiệm mới nghĩ ra chuyện xẻ bánh, nhét thịt nguội, hành ngò, sauce vào, tiện cả đôi bề. Từ đó món bánh mì kẹp thịt gọn gàng và tiện dụng hơn trở thành cách ăn bánh mì của người Sài Gòn. Cũng có người bảo rằng trong truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh đã có mô tả kiểu ăn bánh mì nhét lạp xưởng, nhưng đó không phải là ổ bánh mì nhét thịt nguội như giờ.
Cũng có một tiệm ở đầu đường Trần Đình Xu, tiệm tên Nguyên Sinh, trang trí như mấy quán ăn nhỏ ở bên Pháp. Bàn vuông trải khăn ca rô. Thịt nguội, chả ở đây cũng ngon không kém nhưng nổi bật nhất là món paté. Món này ở đây có hương vị rất đặc biệt, mùi khác hẳn paté ở các nơi khác. Bởi nó làm bằng gan gà với gan heo cùng bột quế. Chỉ cần ổ bánh mì nóng dòn, phết paté vào là đủ có một ổ bánh mì ngon mà không đâu có. Giá ở đây đắt hơn Hoà Mã một chút nhưng tiệm tươm tất và gọn gàng hơn nhiều.
Bốn tiệm bánh mì thế cũng là đủ, giờ đến cơm tấm sáng. Sài Gòn cơm tấm bán nhiều vào giấc trưa. Nhưng ở đường Nguyễn Phi Khanh có quán cơm tấm khá ngon bán từ sáng đến trưa. Quán nhỏ xíu, chỉ kê được mấy cái bàn nhưng khách khá đông. Cơm đúng nấu từ hạt tấm, có món chả cua độc đáo, sườn ướp, nướng vừa lửa thơm, đậm đà. Có thêm hành phi và nước mắm kẹo. Là một trong nhiều quán cơm tấm ngon mà giá lại bình dân ở Sài Gòn.
Sang thì ghé quán cơm tấm Nguyễn Văn Cừ. Ở đây sườn nướng ngon có tiếng, miếng sườn to chà bá, chả cũng khá, mấy món lặt vặt cũng khó để chê nhưng giá cao quá. Một dĩa cơm tấm cho đủ bộ sườn, bì, chả, lạp xưởng, chén canh khách phải trả từ 150.000 đồng. Đắt nhưng cũng đáng đồng tiền. Nhìn dàn nướng thịt với khói bốc thơm điếc mũi là muốn vào ăn rồi.
Khoái ăn sáng kiểu người Hoa, đến Tân Sanh Hoạt. Quán mở đã lâu đời cũng là quán Dimsum bình dân ở quận 3. Đủ món ăn chơi từ há cảo đến xíu mại khô, xíu mại nước, từ bánh nếp cho tới hủ tiếu, mì. Quán mang hương vị và phong cách Tàu. Anh chàng tính tiền bằng miệng còn nhanh hơn máy tính. Hồi xưa tui làm việc ở rạp Kim Chung đối diện nay là là Nhà Nghệ thuật quần chúng, ăn nhiều từ chủ quán đến chị em phục vụ quen mặt, chỉ cần vào là tự động dọn món, khỏi kêu. Món ăn ở đây chỉ thuộc dạng tầm tầm, chỉ được giá tương đối rẻ. Có một lần tui đến ăn, thấy đống dây điện đường xà xuống tận cửa, có chút máu phong thuỷ trong người bèn bảo với ông bà chủ sao không nhờ dẹp cho gọn đi, để thế không tốt cho chuyện làm ăn đâu? Bà chủ than thở đã kêu, đã nhờ mấy tháng rồi mà chẳng thấy tăm hơi. Chợt nhớ có cậu học trò cũ đang có chức bên Sở Điện lực thành phố, lại có thằng đệ làm giám đốc điện lực vùng này. Bèn gọi, cậu học trò thì ok Thầy, em sẽ cho người xuống. Thằng đệ liền ok Đại ca, đệ cho người đến dẹp. Mấy tuần sau, tui lại ghé ăn, ông bà chủ hân hoan lắm. Đang ăn, bà chủ rụt rè đến, tay cầm phong bì bảo gởi biếu Thầy Hai.
Tui gạt ngang bảo có công lao gì đâu, chỉ mất hai cuộc điện thoại thôi mà, bà làm thế tui buồn bà lắm đó. Thấy tui từ chối cương quyết quá, bà đành thôi. Đến khi tính tiền bà lại bảo không tính, tui giận nói với bà nếu không tính sẽ không ghé ăn nữa. Bà lại thôi. Vừa rồi trước dịch ghé vào ăn thấy quán đã đổi chủ, nghe bảo ông bà chủ trước đã qua Úc định cư, thế là tiệm này đã đến đời thứ tư rồi. Hôm nhà tôi chuyển dạ sắp sinh thằng Út cách đây ba mươi mấy năm, hai vợ chồng đi đến bệnh viện Từ Dũ ghé tiệm này lúc 4:00 sáng đã thấy mở cửa rồi. Nhà tôi ăn một bụng ở đó rồi mới đi sinh. Bởi thế tiệm này dù giờ không còn ngon như cũ, nhưng tui vẫn hay ghé lại đây vừa để ăn vừa để nhớ những kỷ niệm.
Muốn ăn Dimsum sang mà ngon hơn thì vào Tiến Phát ở quận 5. Ở đây món nào cũng ngon, ăn không khác gì mấy tiệm ăn sáng ở Hongkong. Khách cũng đông, cách phục vụ, hương vị món ăn rặt Tàu. Há cảo tôm tươi, mềm, bánh không bị khô, bỏ vào miệng nhai nhận được cái ngon ngay từ lần cắn đầu tiên. Hoành thánh, bánh cuốn tôm cũng là món khách ưa chuộng ở quán này.
Món ăn sáng thế cũng đủ, nghỉ chút đã rồi bàn chuyện ăn trưa nhé.
6.10.2021
DODUYNGOC
ĐỊA CHỈ CÁC QUÁN:
- Phở Dậu, Hẻm cư xá 288 Nam Kỳ Khởi nghĩa. Q.3
- Phở Minh, 63/16 Pasteur, Q.1
- Phở Lý Quốc Sư. 63 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1,
- Phố Hàng Phở. 20 Đường số 7, Khu biệt thự Hà Đô Centrosa Garden. P.12.Q.10.
- Phở Phú Gia, 146E Lý Chính Thắng, P. 7, Quận 3,
- Phở Hoàng, 212 Trần Quang Khải, Q.1.
- Hủ tiếu mì cá Nam Lợi, 43 Tôn Thất Đạm. Q.1
- Hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân. 62 Tôn Thất Thiệp. Q.1
- Phở miến gà Nguyễn Du, 57 Nguyễn Du. Q.1
- Bánh canh cua Tôn Thất Đạm. 8 Tôn Thất Đạm. Q.1
- Abunbo 78 Nguyễn Huệ. Q.1
- Bún Bò Út Hưng. 6C Tú Xương,
- Bún Bò Huế Hạnh, 135 Bành Văn Trân, P. 7, Quận Tân Bình
- Mì Thiệu Ký. 66/5 Lê Đại Hành, Phường 7, Quận 11
- Mì cật. 62 Trương Định, Quận 1,
- Dimsum Tân sanh hoạt. 322 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3
- Tiến Phát - Dimsum. 18 Kỳ Hoà. Q.5
- Cơm tấm chả cua 113 Nguyễn Phi Khanh. Q.1
- Cơm tấm. 167 Nguyễn Văn Cừ, Q.5
- Bánh mì Ngọc Xuyến, 41B Trần Quốc Toản. Q.3
- Bánh mì Hoà Mã, 53 Cao Thắng. Q.3
- Bánh mì Nguyên Sinh. 141 Trần Đình Xu. Q.1
- Bánh mì Cụ Lý. Vỉa hè đường Hai Bà Trưng, gần ngã ba Nguyễn Văn Thủ.
DODUYNGOC
(Trích từ cuốn Ăn mà không chơi, NXB Hội Nhà Văn)
No comments:
Post a Comment