Wednesday, October 12, 2022

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả‘Mùa Thu Paris,’qua đời ở tuổi90

 

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng. (Hình: Hạnh Tuyền/Người Việt)

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả ‘Mùa Thu Paris,’ 

qua đời ở tuổi 90

Khôi Nguyên/Người Việt

EAGAN, Minnesota (NV) – Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như “Mùa Thu Paris,” “Chưa Bao Giờ Buồn Thế,”… vừa qua đời lúc 4 giờ 27 phút, chiều 9 Tháng Mười, tại bệnh viện United Hospital, thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota.

“Bố tôi mất vì viêm phổi nặng và nhịp tim yếu quá!” Bà Hằng Cung, người con gái lớn trong bảy người con (bốn trai, ba gái) của nhà thơ, xác nhận với Nhật báo Người Việt.


Bà Hằng Cung nói thêm: “Chúng tôi rất buồn, rất sốc về sự ra đi của bố. Nhưng cũng rất tự hào về bố, về các bài thơ nổi tiếng của bố được bác Phạm Duy phổ nhạc quen thuộc mà nhiều người biết.”

Theo bà Hằng Cung, nhà thơ Cung Trầm Tưởng “tên thật là Cung Thức Cần, sinh ngày 28 Tháng Hai, 1932, tại Hà Nội, sau đó di cư vào Nam và sống tại Sài Gòn. Sau 1975 ông bị tù cộng sản, gia đình mất nhà và về sống với nhà bà nội tại đường Trần Hưng Đạo, Quận 1. Năm 1993 gia đình sang Mỹ theo diện HO, định cư tại thành phố Eagan, tiểu bang Minnesota, với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Cung Tiến.”

Còn theo một người bạn của nhà thơ, cựu Trung Tá Không Quân VNCH Võ Ý: “Cung Trầm Tưởng là trung tá Không Quân VNCH, trưởng Phòng Kế Hoạch, Bộ Tư Lệnh Không Quân cho đến 30 Tháng Tư, 1975. Sau đó ông đi tù Cộng Sản 10 năm và qua Mỹ năm 1993.”

“Tôi cũng ở tù Cộng Sản 13 năm, ra tù sau Cung Trầm Tưởng, nhưng ở cùng ông trong các trại tù như Long Giao, hay Hà Tây ngoài Bắc,” ông Võ Ý cho hay.

Sách “Cung Trầm Tưởng Một Hành Trình Thơ 1948-2018.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo trang Wikipedia, Cung Trầm Tưởng bắt đầu làm thơ năm 15 tuổi (1947) và có tập thơ đầu tay tên là “Sóng đầu dòng” (chưa in).

“Năm 1949, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, học tiếp trung học tại trường Chasseloup Laubat (nay là Trung Học Lê Quý Đôn).

Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp du học tại Trường Kỹ Sư Không Quân ở Salon-de-Provence.

Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”

“Trong năm này, hai bài thơ của ông là “Mùa Thu Paris” và “Vô Đề” (thơ trường thiên) xuất hiện trong tuyển tập Đất Đứng của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc chú ý.

Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn Nghệ Mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành…”

“Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của ông, đó là những bài “Mùa Thu Paris”, “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” (Phạm Duy gộp lại và lấy tên là “Tiễn Em”), “Bên Ni Bên Nớ”, “Khoác Kín” (Phạm Duy lấy tên “Chiều Đông”), “Kiếp Sau”, “Về đây”…. Tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình Ca của ông thì sáu bài Phạm Duy chọn phổ nhạc.”

Vẫn theo Wikipedia, “Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu tiến sĩ khí tượng học tại Đại Học Saint Louis. Sau đó, ông trở về Sài Gòn tiếp tục làm trong binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc cuối cùng là trung tá (1975).”

“Các tác phẩm của Cung Trầm Tưởng đã in: Tình Ca (Nhà xuất bản Công Đàn, Sài Gòn, 1959); Lục bát Cung Trầm Tưởng (Nhà xuất bản Con Đuông, Sài Gòn, 1970); Lời Viết Hai Tay (Nhà xuất bản Imn, Bonn, 1994; thơ tù cải tạo); Bài Ca Níu Quan Tài (tác giả tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 2001; thơ tù cải tạo); Một hành trình thơ (Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Falls Church, Virginia, Hoa Kỳ, 2012).”

Từ trái: Giáo Sư Quyên Di, nữ tài tử Kiều Chinh và nhà thơ Cung Trầm Tưởng trong buổi ra mắt sách “Cung Trầm Tưởng Một Hành Trình Thơ 1948-2018” do Tủ Sách Tiếng Quê Hương, Diễn Đàn Giáo Dân, và Bạn Già Không Quân Nam California tổ chức ngày 17 Tháng Mười Một, 2019, tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhưng có lẽ, một trong những đoạn thơ của Cung Trầm Tưởng được người đời nhớ nhất là “Lên xe tiễn em đi/Chưa bao giờ buồn thế/Trời mùa đông Paris/Suốt đời làm chia ly…” trong bài “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

Về tang lễ của nhà thơ Cung Trầm Tưởng, theo bà Hằng Cung, “hiện gia đình chưa có chương trình hay ngày giờ cụ thể và chúng tôi sẽ có cáo phó sớm nhất là trong ngày mai, 10 Tháng Mười.’ [kn]


1 comment:

hanthienluong said...

Người về nơi cõi xa xăm
Tôi buồn thương tiếc âm thầm lệ rời
Tiếng thơ còn mãi trên dời
Cung Trầm tha thiết tuyệt vời Người ơi
Nay người viên miễn cõi trời
Nguyện người quênhết chuyện đời vô minh!
HTL ** Kinh viếng hồn thơ tuyệt đỉnh**