Thursday, July 2, 2020

Soạn giả Nguyễn Phương qua đời, hưởng thọ 98 tuổi

_______________

Nguồn Internet

Theo tin từ gia đình, soạn giả Nguyễn Phương - tên thật Nguyễn Văn Hòa - đã qua đời tại Canada ngày 1 tháng 7 năm 2020 hưởng thọ 98 tuổi. Ông là soạn giả nổi tiếng, để lại cho sân khấu cải lương, kịch nói và điện ảnh nhiều kịch bản hay.

Soạn giả Nguyễn Phương qua đời, hưởng thọ 98 tuổi
Soạn giả Nguyễn Phương

Soạn giả Nguyễn Phương sinh ngày 1-7-1922, tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Ông được giới chuyên môn đánh giá là soạn giả đa tài bởi không chỉ nổi tiếng ở lĩnh vực sáng tác kịch bản cải lương, mà còn sáng tác kịch nói và kịch bản phim.

Ông học Trường Collège de Mỹ Tho. Tốt nghiệp Trường Pratique d’industrie Saigon (Bách Nghệ Sài Gòn năm 1940). Sau đó, ông ra Hà Nội học Trường Technique spécial Hà Nội (Trường Kỹ thuật chuyên nghiệp) và tốt nghiệp năm 1943.
Ông làm việc tại Sở Bưu Điện Saigon, Bureau Technique từ năm 1943 – 1948, sau đó gia nhập Đoàn cải lương Tiếng Chuông năm 1948 và bắt đầu sáng tác với bút hiệu Nguyễn Phương.
Ông đã cộng tác với các đoàn hát như: Tiếng Chuông (bầu Căn), Ánh Sàng (bầu Tập). Diễn Kịch Năm Châu, Kim Thoa, Thanh Minh (bầu Lư Hòa Nghĩa), Thanh Minh - Thanh Nga (Bầu Thơ), Dạ Lý Hương (Bầu Xuân).
Thời gian này, ông còn tham gia thực hiện các chương trình sân khấu phát thanh, là trưởng Ban Cải lương phát thanh "Phương Nam" của Đài Phát thanh Sài Gòn và ông là trưởng Ban Kịch Phương Nam thực hiện thường xuyên các vở diễn cho Đài Truyền hình Sài Gòn.
Về phim ảnh, soạn giả Nguyễn Phương còn là tác giả của các bộ phim nổi tiếng như: "Triệu phú bất đắc dĩ" (hãng phim Mỹ Vân), "Sống đời tôi", "Lệnh bà xã" (hãng phim Mỹ Ảnh), "Chàng ngốc gặp hên" (hãng phim Trùng Dương), "Con ma nhà họ Hứa" (hãng phim Dạ Lý Hương).
Sau năm 1975, ông là chuyên viên kỹ thuật sân khấu của các đòan hát Thanh Nga, rồi về đoàn Sài Gòn 3, đoàn Phước Chung, đoàn Hương Nam, đoàn Sài Gòn 2.
"Bút lực của soạn giả Nguyễn Phương rất mạnh, ông viết hăng hái lắm, đa dạng đề tài, tư duy rất tốt và có bố cục chặt chẽ, văn phong rất đời. Ông chuyên bám vào thời sự xã hội để sáng tác, nên kịch bản từ cải lương đến kịch, phim đều thấm thía tính nhân văn" – Kỳ nữ Kim Cương nhắc lại.
Trong sự nghiệp sáng tác kịch bản, ông đã sáng tác hơn 100 kịch bản cải lương và kịch nói, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như: "Người mặt cháy", ""Chiếc lá giữa dòng", "Đôi mắt người xưa", "Ngã rẽ tâm tình", "Bọt biển", "Tình xuân muôn tuổi"… Ông là soạn giả đầu tiên sáng tác kịch bản cải lương dài tập với chủ đề "Bọt biển" (từ tập 1 đến tập 5).
Năm 1989 ông định cư ở Canada cho đến nay.
Thanh Hiệp (ảnh do gia đình cung cấp)
Trích đoạn Đôi mắt người xưa (nghệ sĩ Hữu Phước, Thanh Nga, Ngọc Giàu):

No comments: