Ve,
loài côn trùng quen thuộc với tôi từ tấm bé, nhưng vì sao lại gọi là ve sầu thì
tôi không rõ lắm. Mãi sau này biết sầu, mới dần dà nhận ra (!)
Ngày
xưa rất xưa, thời dân làng chỉ nhận tin qua giọng loa vang vang sau tiếng cốc cốc
của mỏ làng vào rạng sáng hay lúc chiều sập tối, thủa tôi còn loăng quăng bám
chéo áo ngoại ra vườn, tiếng ve đã in vào trí óc non nớt của tôi rồi.
Thời
ấy trước nhà thờ họ ngoại của tôi có cây phượng bé tí, chẳng năm nào đủ sức để
làm nhiệm vụ trọng đại nhất của mình. Chỉ có những chú ve con, một sáng nắng
vàng, bỗng dưng bật lên những âm thanh vui tai đầu tiên, báo cho tôi biết một
mùa hè rong chơi lý thú.
Chính
tiếng ve đã treo hồn tôi lơ lửng trong khu vườn của ngoại, cho dù gió Lào trưa
hè thông thốc thổi, nung quắt queo những đọt tre trổ bông bao quanh vườn nhà.
Tôi mê tít hàng mít thẳng tắp cho trái to bằng cái thùng gánh nước của ngoại,
những chùm cam Xã Đoài chín ngọt. Và, đáng nhớ nhất, lớp vỏ của loài ve vừa thoát
xác, với vết nứt trên lưng, vẫn ngộ nghĩnh bám chặt vào gốc cây!
Lũ
ve giúp cho mùa hè của tôi đỡ trống trải. Mấy đứa bạn học không biết làm gì mà
hè nào cũng chỉ gặp nhau mấy bữa đầu, rồi sau đó biệt tăm. Tôi thui thủi một
mình với ve và nắng.
Sáng
tinh mơ, từ vườn sau đã vọng lại vài tiếng khọt khẹt, sau đó đổi sang rè rè,
khúc dạo đầu chỉ lác đác mấy cây vỹ cầm. Rồi cả dàn đồng ca cao giọng trỗi lên.
Ngoại tôi thức dậy nấu bữa sáng. Tôi vùi mình trong giấc mơ muộn mặc cho tiếng
ve càng lúc càng trở nên inh ỏi.
Mười
giờ trưa, chúng lại râm ran. Tôi mắc võng trong vườn, nằm im thin thít dõi mắt
tìm kiếm. Cam lúc lỉu đung đưa. Mặt trời nóng rực chen qua kẽ lá, rọi vào những
chú ve nhỏ bằng ngón tay út, nâu sẫm, bóng mượt, duyên dáng bám sát vào thân
cây. Chúng rung rung chiếc bụng dưới đôi cánh mỏng, trong veo như cánh chuồn
chuồn, nổi bật những đường gân vàng nâu bóng loáng, khoái chí phát ra giai điệu
của những kẻ vô ưu, nhàn rỗi.
Tôi
nhẹ nhàng ngồi dậy, rướn người đến gần, thoáng thấy đôi mắt màu cam, đẹp như
hai mảnh hổ phách gắn trên chiếc đầu be bé xinh xinh và cây kim nhỏ xíu xếp dọc
dưới thân, dùng để hút sương và nhựa cây. Vừa rón rén đến gần, chúng đã giật
mình vội vã bay lên, gởi lại trên mặt tôi những hạt nước li ti một cách khiếm
nhã.
Chỉ
giận một tí xíu thôi nhưng tò mò lại nhiều lắm. Và tư tưởng chiếm hữu manh nha.
Tôi muốn có những chú ve của riêng tôi, trong chiếc lọ bằng thủy tinh đựng bánh
thuẫn ngày tết của ngoại, để có thể lắng nghe và ngắm nghía chúng thật gần, tìm
ra chỗ phát âm bí hiểm, giải đáp cho câu hỏi tại sao thân nó nhỏ tí mà lại hoạt
động như cái micro, khuếch đại giọng ca vang rền đến mức diệu kỳ!
Sau
nhiều lần rình rập chụp bắt không thành công, nghe lời thằng bé ở kế bên nhà,
tôi lấy mủ mít, bao vào đầu thanh tre rồi len lén chạm vào cánh chúng. Nhưng
khi rón rén đến gần, lũ ranh ma đã đập cánh bay lên, đậu trên cành cao hơn, với
một tư thế đầy thách thức và nhạo báng! .
Tôi
nghĩ ra một cách mới. Chiếc vợt bằng bao nilon quấn trên thanh tre dài chắc sẽ
dễ dàng tóm được chúng!
Bỏ
ra ba buổi trưa, tôi mới vợt được một chú. May mắn cho tôi, là ve đực, biết
phát ra tiếng gọi thiết tha để tán tỉnh bạn tình. Ve cái thì không thể, muôn đời
lặng im. (Sao giống cái nào cũng rụt rè, e thẹn thế!). Tôi mừng đến ngất ngây,
mau chóng cho vào lọ. Nó hoảng hốt, điên cuồng đập cánh, va xan xát vào bức tường
thành trong suốt, è è vài tiếng tuyệt vọng, rồi thôi. Tôi xót ruột thò tay ve
vuốt, an ủi chuyện trò và không quên vạch đôi cánh tìm hai hạt gạo, nơi nhận và
phát âm thanh từ khoang bụng rỗng.
Suốt
buổi chiều kè kè ôm chiếc lọ, đợi hoài chẳng thấy ve mở lời. Hạt gạo dưới cánh
xẹp lép. Chắc do va đập trong lúc cố tìm cách thoát thân. Chán quá, tôi đậy nắp,
bỏ đi chơi...
Sáng
hôm sau, nghe tiếng rền rĩ ngoài vườn, chợt nhớ đến chú ve bé nhỏ của mình, tôi
mở nắp, ngỡ ngàng thấy nó nằm yên, bất động.
Ngoại
tôi bảo vòng đời của ve kéo dài rất lâu. Tiền thân của ve sầu là con lụy. Lụy sống
dưới lớp đất tối tăm từ 2 đến 5 năm, có loài tới 17 năm (sau này tôi mới biết),
bám hút nhựa trong rễ cây để sống. Đầu hè, lụy bò lên cây, thoát xác, tung cánh
lên cây cao hưởng thụ mùa hè huy hoàng, hát ca, yêu đương và duy trì nòi giống.
Chỉ một mùa hè thôi, ve sầu sẽ vĩnh viễn ra đi. Thế mà tôi đã tước đoạt khoảng
thời gian đáng sống ngắn ngủi của nó!
Tôi
ân hận, quyết định làm đám tang. Tôi để nó an nghỉ trong hộp diêm, phủ thêm lớp
giấy thủ công màu vàng bên ngoài, để thế giới bên kia của nó bớt tối tăm, và
trong giấc ngủ dài, nó có thể mơ thấy màu nắng vàng rực rỡ của thế giới bên
này. Tôi đặt hộp diêm dưới gốc cam, nhặt hoa chanh, hoa thiên lý rụng trong vườn
đắp lên mộ, thổn thức như đang đưa tang một người...
Từ
đó tôi không bắt ve, bươm bướm, chim non hay bất kỳ loài động vật nào để chơi nữa
cả. Tôi chỉ ngắm nghía, lắng nghe cảm nhận chúng chơi đùa quanh mình và nhận
ra, giống con người, chúng không thể vui vẻ cất cao tiếng nói và khoe khoang
nét đẹp độc đáo của mình khi bị cầm tù, sẽ chết dần chết mòn khi tự do bị tước
đoạt!
Khi
nắng hè thắp lên cành phượng vỹ trước nhà thờ họ những đốm lửa đầu tiên, tôi
đang học lớp bốn. Một sáng đi học, tôi thấy lửa cháy trên sườn núi và những âm
thanh đì đùng đáng sợ. Trường học đóng cửa, tôi ngơ ngác theo đoàn người trên
những chuyến xe đò nối đuôi nhau vượt đèo Hải Vân để vào phố biển xứ Đà, bỏ lại
sau lưng những chú ve sầu tuổi nhỏ.
Lúc
bấy giờ tôi mới biết sầu là gì. Sầu rơi trên bậc thềm nhà ngoại phủ đầy hoa
cau. Sầu vương trên những cây ổi, mãng cầu, gốc mít... Sầu đong đưa theo nhịp
võng dưới tán lá trưa hè. Sầu thấm đẫm nhớ nhung khúc nhạc ve râm ran mời gọi
...
Còn
những chú ve kia có biết sầu không? Tôi nghĩ là có. Chúng đã phải trải qua một
thời gian dài sống trong tăm tối, nhưng khi thoát ra khỏi lớp vỏ, xòe cánh tung
bay, chúng chỉ có vỏn vẹn 90 ngày để hưởng thụ cuộc sống tự do, yêu đương và ca
hát.
Bất
chợt tôi nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ "Giục giã " của Xuân Diệu:
"Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm"
"Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm"
Xuân
Diệu chỉ có một phút huy hoàng, mình có đến tận 90 ngày, cũng đáng, ve nhỉ!
Thu Nguyễn
No comments:
Post a Comment