Saturday, January 30, 2021

Cuối Năm Đọc Hành Nguyễn Bính

 















Nguyễn Bính đã có lần từ Bắc vào Nam. Con đường xe lửa xuyên Việt thời đó kể đã là thiên lý. Bỏ xứ đi xa đằng đẳng như vậy thì làm hành là phải lắm. Hành Phương Nam.

 

Đôi ta lưu lạc phương nam này.

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến...(*)

 

Tâm cảnh đã không yên thì xuân đến hay xuân đi cũng chỉ là cái cớ. Lòng đã ở ngoài đó thì trời nước trong này chỉ là một dãy bơ vơ. Đầu năm hay cuối năm có khác gì nhau khi thời gian chỉ là thứ dấu mốc cắm chia những đoạn đời hồi ức.

Ta đã làm gì đời ta. Ý nối ý quấn quít, chữ níu chữ không rời làm thơ tuôn ra như bầy ngựa sút cương, xổ bờm mà chạy. Hành. Đọc lên thấy bồi hồi xốn dạ...

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở.

Riêng ta với ngươi buồn vậy thay

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say (*)

 

Say. Uống cạn. Mà chắc gì uống cạn rồi say. Khi ruột đã đau-chín-chiều thì uống bao nhiêu cho cạn nhớ. Túy đảo túy điên sầu tự sầu.

Cuối năm. Đất khách. Thơ ai không nhớ lại nhớ thơ ông. Lại nhớ đúng cái bài hành ông đã làm khi lưu lạc trong nam, lúc năm cùng tháng tận.

Hành.

Những bài thơ dài như không muốn hết. Những ý tình lơ lửng như không biết bám vào đâu. Những câu thơ bảy chữ âm vận mang mang như nỗi lòng sấp ngửa.

Hành. Trăm mối ngổn ngang. Chữ nghĩa ba đào dậy từ lòng lữ thứ.

Đôi ta lưu lạc phương nam này

Trải mấy mùa qua én nhạn bay(*)

 

Phương Nam. Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một màu sương. Nguyễn Bá Trác.

Đọc hành rồi biết ông ở nam mà nhớ bắc nên lòng tôi lại cứ chực chờ đổ ngược mà xuôi nam.

Miền nam. Quê tôi đó. Miền nam, Sài-gòn, lục tỉnh. Miền nam, Vĩnh long, Rạch giá... Miền nam, cái miền đất mưa nắng hai mùa chán phèo, không gợn chút heo may để làm nhớ, không thấm chút mưa phùn để vướng lạnh vai ai. Vậy mà tôi cũng nhớ lắm như ông nhớ quê ông vậy. Xuân đến khắp trời hoa rượu nở. Riêng ta với ngươi buồn vậy thay.

Ông bỏ đất bắc vào nam có non ngàn cây số đã coi là lưu lạc. Tôi ở đất trích mịt mù san dã chắc phải nói là lưu lạc tới chục lần. Ông xa quê vì lý do nào không rõ nhưng dù cay đắng cách mấy ông vẫn còn có chỗ để quay về. Chớ còn tôi bỏ quê vì một lý do rất rõ nên không còn nơi để trở lại. Ông làm thơ giọng điệu cao kỳ ngất ngưởng mà nghe ra sao cứ thấy ngậm ngùi... Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh. Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi. Tôi đọc thơ ông rồi cũng ngậm ngùi theo. Lúc năm cùng tháng tận, tôi thương ông rồi lại thương tôi...

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở (*)

Hoa rượu ?

Mà nào tôi có thấy hoa rượu ra sao. Sao không đọc thử lên như giữa lòng tôi, đã thấy.

Xuân đến khắp trời “hoa mận” nở

Xuân đến khắp trời “hoa mận” nở

Hoa mận. Thứ hoa nở thành chùm trắng muốt cứ rung rinh mớ nhụy vàng như để dỗ ong bướm về chơi. Hồi đó hơi sức đâu mà để ý tới cái thứ bông hoa quêmùa kiểu lòng mương ý rạch. Vậy mà bây giờ sao lại nhớ ơi là nhớ. Nhớ con đường số 4 chạy miệt mài qua những vườn mận Trung lương Bến Lức. Nhớ lớp đất đen vét mương vun gốc bốc dậy mùi sình non sỗ sàng. Nhớ giỏ mận hồng  đào mịn mướt như má con gái dậy thì chất đống hai bên bờ bắc Mỹ thuận. Nhớ cây mận lão đầu nhà cháy nám đạn bom vẫn thủy chung ngọt lịm. Nhớ bầy kiến vàng kiên nhẫn bò ra bò vô nếm mút tranh kình với đàn ong đám bướm. Hồi đó. Cả một giồng đất phù sa từ miệt Cái bè Cai lậy đổ dài tới Sa đéc Vĩnh long bỗng trở mình thơm ngát khi gió cuối năm chớm lạnh làm nở bừng từng chùm hoa mận trắng tươi. Tinh sương, hương đã dậy đồng, bay qua vườn qua rẩy, len qua mấy cánh cửa lá sách, chui vô mấy cánh mũi phập phồng như để chọc ghẹo cái khứu giác còn ngái ngủ. Xuân đến khắp trời hoa mận nở. Một trời bông mận nở.

Quê tôi bừng dậy náo nức theo nhịp mùa sang. Năm sắp hết. Lúa mới phơi giữa sân. Sau nhà đã nghe tiếng chày quết bánh phồng inh ỏi... Rồi Tết đến, rồi...

Chút vậy thôi “hoa rượu” của ông đã làm dậy cả trong tôi mùa màng thời tiết cây trái của một vùng đất thân quen đã bắt đầu lạ lẫm. Chút vậy thôi “hoa mận” của tôi bỗng làm nhớ đến cả những con người ở đó, đã có lúc keo sơn gắn bó giờ thì xa đến ngăn ngắt một biển dâu. Người còn sống, thắc thỏm. Người đã chết, uất hận. Và sự sai chạy của một hẹn thề.

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã

Mà áo khinh cừu chưa ai may

Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo

Ta trói thân vào lụy nước mây

 

Ai biết thương nhau từ buổi trước

Bây giờ gặp nhau trong phút giây

Nợ thế trả chưa tròn một món

Sòng đời thua trắng đến hai tay(*)

 

Ta có làm gì đời ta. Hay ta chỉ bội phản đời ta. Đã có lần nào ngồi lại, ngó ngược ngó xuôi, tính lui tính tới để thấy ta đã làm gì đời ta. Bỏ nước ra đi đâu phải để cầu tư mã. Vậy mà đôi năm đã nhụt chí sờn tâm. Vậy mà mươi năm chuyện nước non đã trơn trớt ngoài đầu môi chót lưỡi. Quanh đi quẩn lại phường tuồng vẫn còn đó, chỉ có cái chữ sắt son là thua thiệt.

Tâm giao mấy kẻ thì phương bắc

Ly tán vì cơn gió bụi này

Người ơi, buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy(*)

 

Ngày Kinh Kha ngược sóng sang Tần, mấy ngàn con dân nước Yên đầu chit khăn trắng vòng tay tiễn ra tận bờ sông Dịch. Việc không thành nhưng ít nữa cũng không phụ lòng Phàn Ô Kỳ tặng đầu và mỹ nữ đã hiến tay-chuốc-chén.

Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt

Giữa chợ ai người khóc nhận thây

Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén

Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay(*)

 

Ông Nguyễn Bính ơi, ông nói chuyện ông mà lồng chuyện đời chiến quốc, cái thuở có những hào sĩ mài dao trủy thủ, ngậm than, rạch mặt, nằm giường gai, nếm mật đắng ... để giữ một lời thề...

Lời thề. Lời nguyền. Rồi ra chỉ là cố sự.

Cuối năm, đọc tới đọc lui mới thấy thơ ông làm mấy chục năm trước mà vẫn còn mới nguyên tới bây giờ. Đời nào con mắt thế nhân cũng trắng dã. Tâm của ông là tâm kẻ thất chí mà thơ của ông là thơ kẻ ngang tàng. Giọng tha thiết kêu rêu mà vang âm lạnh lẽo có khác gì tiếng cười gằn, khinh bạc. Cái kiểu nói cười sang sảng mà bụng dạ rầu rĩ đã quắt queo. Sao không một lần vung tay cho huê dạng.

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết.

Ngày mai ra sao rồi hãy hay(*)

 

Ném tới đồng bạc chót vào cuộc chơi. Hay xả thân tới cùng cho một lý tưởng.

Nhìn từ một góc độ nào đó, cả hai có khác gì nhau. Dẫu sao cũng còn tiếng taychơi-thứ-thiệt. Chẳng hơn cái đám mày râu nhẳn nhụi, sĩ-khí-rụt-rè-gà-phải-cáo, hai con mắt láo liên chỉ chực chờ đón hướng gió mà náu thân. Hai chữ hão hớn, rồi ra, chỉ còn để gọi cho đám yên hùng ngoài bến nước.

Ông có điều khó nói mượn chuyện xưa mà cay đắng chuyện nay. Tôi đọc ông mà thấy nguyên hình kẻ thất thế, bó tay đành đoạn. Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây. Đi đâu? Chẳng qua cũng chỉ để dối lòng. Còn chỗ nào để tới khi cái chỗ phải về đã bít lối, chỉ còn qượn từng đám mây trắng tha hồ, khi ngoảnh lại.

Mây trắng. Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại.

Ở đây không có núi nên không có mây vắt ngang đầu núi. Tôi lại đâu có được cái nghênh ngang như ông tướng tàu nào đó mà chỉ tay cảm thán. Vậy mà đọc thơ ông vẫn thấy mây bay cuồn cuộn về nam. Về Nam.

... trời Nam mù mịt. Hồ trường. Sao lại nhớ Nguyễn Bá Trác. Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương. (**)

Ta đã làm chi đời ta !

Người ơi buồn lắm mà không khóc !

 

Cao vị khanh

(*) thơ Nguyễn Bính (**) thơ Nguyễn Bá Trác

No comments: