Tuesday, January 26, 2021

Xuân Sớm


- Chút quà văn chương gởi anh VTT, chị KQ & nhóm thiện nguyện Cái Răng nhân dịp Xuân về


 

 

    Bà Phước bóp nhẹ mấy ngón tay xương xẩu của chồng rồi cùng con trai bước ra khỏi phòng. Người nữ y tá cũng bước ra theo, sau khi chúc ông Phước ngủ ngon. Ông Phước còn lại một mình trong phòng. Hai chiếc giường kia đã bỏ trống từ hồi trưa. Một người được xuất viện, người kia trở bịnh nặng, phải đưa về khu cấp cứu; không biết có còn trở lại đây nữa không, hay được đưa thẳng xuống nhà xác, như ông Mễ nằm giường ấy cách đây hai tuần. Ba tuần trước, ông Phước từ phòng cấp cứu được chuyển vào phòng này. Coi như bịnh trạng của ông đã qua thời kỳ nguy hiểm. Bây giờ là thời gian điều trị. Ống chân trái của ông Phước bị gãy, các lóng xương bể đã được sắp xếp lại và nẹp bằng một thanh bạch kim. Bác sĩ nói tuần tới chân ông sẽ được bó bột. Nhưng việc xuất viện thì chưa biết, vì có dấu hiệu xuất huyết đường ruột nên vài thử nghiệm phải tiến hành song song với việc chữa trị vết thương chân.

    Từ ngày ông rời nước, đến thành phố này vào năm 1994 đây là lần đầu tiên ông Phước vào nằm bịnh viện vì một tai nạn, có thể gọi đó là tai nạn nghề nghiệp. Số là sáng sớm hôm ấy, như thường lệ, ông Phước đẩy cái xe thùng tự chế của ông đến khu công viên gần nhà, rồi đến khu thương mại sầm uất nằm trên ngả tư trục lộ giao thông. Hơn mười lăm năm rồi, chỉ trừ khi mưa giông hay khi đau yếu, hiếm khi ông Phước bỏ sót một ngày đẩy xe trên các con đường này. Ông đi  vừa là một cách tập thể dục, vừa là dịp để ông thu lượm những lon nhôm bên đường, tại khu công viên, hay từ các bao rác tại các cơ sở thương mại. Ông Phước rất cẩn thận mỗi khi băng qua đường. Hôm ấy nhiều sương mù, khi đến ngả tư, tuổi già mắt kém, nhìn gà hóa cuốc, ông Phước nhìn đèn xanh tưởng là đèn đỏ, liền đẩy xe tay tự chế xuống lộ qua đường bên kia. Khi thấy chiếc xe đen thui trờ tới thì mắt ông đã tối sầm. Ông Phước được đưa vào bịnh viện ngay sau đó. Bác sĩ cho biết ống chân trái của ông bị gãy, nhưng không quá trầm trọng.

    Đúng là một phút xui xẻo, may mà không mất mạng. Bao nhiêu năm nay ông đã biết bao lần đi trên lộ trình đó. Lộ trình nằm trong khu nhà ở nên xe cộ lưu thông rất chừng mực. Từ nhà đi hơn nửa dặm đường thì tới công viên. Từ công viên đi thêm độ một dặm đường nữa là tới khu thương mại. Đoạn đường dài vừa đủ cho một người già đi bộ thể thao mỗi ngày. Khu công viên khá rộng lớn tọa lạc giữa trường tiểu học và các sân bóng rổ, sân quần vợt. Rải rác trong công viên có những nhà bát giác và những lò nướng lộ thiên, rất tiện lợi cho các buổi picnic cuối tuần. Vào các ngày thường cũng có nhiều người tụ tập buổi chiều và buổi tối, già cả bé lớn đều có đủ. Họ đi bộ, chơi thể thao, hẹn hò, gặp gỡ, ăn uống, chuyện trò...Cho nên khu công viên là địa điểm cung cấp cho ông Phước nhiều lon nhôm nhứt; nhiều hôm lượm đầy một bao, ông Phước phải bỏ lên xe tay, đẩy về nhà rồi trở lại tiếp tục. Còn tại khu thương mại thì từ hai năm nay công việc thu nhặt lon nhanh và gọn hơn trước sau khi ông trình bày ý nghĩa của việc ông làm với các chủ nhân. Họ hiểu và rất thông cảm nên mỗi cơ sở cho ông Phước để một cái thùng loại đựng rác, bên trong lót sẵn những bao ny-lông. Mỗi thùng đều có đề chữ “Aluminium Cans Only” hẳn hòi. Mỗi sáng sớm ông Phước chỉ gom các bao lon ấy chất lên xe đẩy. Trước kia thì ông Phước phải vất vả bươi tìm lon trong một cái thùng rác công cộng to, cao và, dĩ nhiên, rất dơ bẩn; nhiều khi ông phải đứng hẳn vào trong thùng rác mới kiếm được nhiều lon nhôm. Mấy tuần nằm trong bịnh viện, bao nhiêu công việc bị trễ nải hết. Lon liếc, bao bị đang chờ ông. Chân ông đau không bằng ngọn lửa đốt trong lồng ngực ông. Ông Phước không biết chân ông rồi sẽ ra sao? Và các dự  định của ông? Ông Phước có ý muốn là sẽ mở thêm phạm vi hoạt động tới các vùng xa hơn. Ông cũng sẽ thực hiện đúng kế hoạch mà ông gọi là Kế hoạch Diều hâu, theo đó thì ông để sẵn tại mỗi tiệm, mỗi văn phòng dịch vụ một thùng chứa lon, mỗi ngày ông ghé qua xớt gọn nguyên bọc, như diều hâu xớt mồi. Nhanh và gọn. Chừng đó thì cái xe thùng nhỏ của ông sẽ chỉ được sử dụng cho những nơi gần nhà. Như vậy càng tốt. Ông sẽ dùng cái xe truck để đi các tuyến đường xa.  Nhiều lon thì nhiều tiền hơn. Ông Phước nghĩ tới cả một vùng Tây Bắc là vùng ông đang ở, rồi lan sang vùng Tây Nam là địa bàn thương mại của người Á Châu, là nơi họ sẽ dễ dàng thông cảm và giúp đỡ ông. Nếu tiện thì ông xoay qua vùng Đông Bắc là nơi bạn ông có mấy nhà hàng và cây xăng, tha hồ mà gom lon. Rồi tại Hội Chợ Tết Việt Nam sắp tới, hội chợ Tết tại các chùa, các nhà thờ…ông Phước sẽ đặt sẵn những cái thùng để đồng bào đi du xuân bỏ những lon không vào. Cả chục ngàn người thì biết bao nhiêu là lon. Những bạn bè của ông nơi quê nhà sẽ có thêm chút tiền mua bánh trái, kẹo mứt cúng kiến ông bà, các cháu nhỏ có bộ quần áo mới. Tết nhứt sắp tới rồi mà chân cẳng thì như vầy, thiệt là họa vô đơn chí.

        

    Nghĩ xa rồi ông Phước không khỏi nghĩ gần. Cái gần chính là cái gia đình gồm vợ con ông. Họ ở bên cạnh ông mà ý nghĩ của họ và ý nghĩ của ông xa nhau hàng ngàn dặm. Thật sự thì ông Phước đã thấy việc này từ ngày ông còn ở Việt Nam. Ông nhớ hồi năm 1984 khi ở tù về, ông được vợ bảo lãnh theo diện đoàn tụ. Lúc đó cha mẹ ông già yếu, ông là con một, nên ông Phước không chịu đi. Đến khi có vấn đề HO, ông Phước cũng chưa chịu đi vì cha ông vừa mất, mẹ thì già yếu thêm. Do vậy vợ con ông trách ông rất nhiều, cho rằng ông không nghĩ gì đến họ. Không chừng họ còn nghi ông có bồ nhí ở quê nhà! Từ đó thỉnh thoảng vợ ông gởi tiền cho ông mà không có một thư từ nào, không có cả thư của các con. Ông bắt đầu biết mọi người đã không hiểu nhau rồi. Khi đến Mỹ ở chung với vợ con, sự cách biệt càng rõ, từ cách sống cho đến cách nghĩ. Vợ ông thay đổi nhiều quá. Các con cũng vậy. Anh em nói tiếng Mỹ cả ngày với nhau làm ông nhức đầu. Càng chán ngán tình cảnh của gia đình mình, ông Phước càng nghĩ nhiều đến những người bạn đồng cam cộng khổ của ông ở quê nhà. Tài chánh eo hẹp với đồng lương quá thấp, ông Phước phải tìm phương cách khác để giúp họ. Ông nghĩ tới việc đi lượm lon nhôm. Ông Phước không quên những ngày đầu của công việc này. Thật sự thì thời gian đầu rất là êm thắm. Ông bắt đầu công việc ngay tại gia đình ông. Ông Phước cũng muốn nhân cơ hội lượm lon giúp người nghèo để cho các con cháu ông biết về lòng thương người và biết quí trọng đồng tiền. Muốn dạy cho con cháu bài học vở lòng về đạo làm người. Nhà ông con cháu đông lại hay uống nước ngọt, vợ chồng thằng con lớn thì hay uống bia, cuối tuần thì hay có tiệc tùng,  nên lon bia, lon nước ngọt cũng nhiều, bỏ đi thì uổng, mỗi pound lúc đó giá là 42 xu. Mỗi tháng ông Phước có trên 20 pounds lon không tại chính nơi ông ở, trị giá cả chục đồng. Riêng tại chỗ làm của ông là một tiệm giặt lớn, có để máy nước ngọt, ông chỉ lượm lon không bỏ vào bao đựng rác. Cứ mỗi cuối tuần  ông đem về nhà một bao  đầy, nặng ba, bốn chục pounds. Đầu tiên ông Phước chứa những lon trong thùng rác, để phía sau vách nhà; rồi đợi khi rảnh, ông Phước cùng hai đứa cháu nội đạp dẹp mỗi lon cho bớt cồng kềnh. Đầu tiên hai cháu chỉ làm lấy vui; sau nghe ông nội nhét vào đầu mỗi ngày một vài chữ, chúng nó hiểu công việc ông cháu đang làm là một loại charity. Rồi ông cháu hì hục mang ra xe đem đi bán. Hai đứa cháu nội trên mười tuổi có vẻ thuộc bài học mà ông muốn dạy. Những người khác thì chưa. Một hai tháng đầu thì trong nhà chẳng ai để ý hay phàn nàn gì về việc làm của ông Phước. Đến tháng thứ ba thì những con kiến, đặc biệt là những con gián từ đống lon làm cả nhà chú ý. Trước hết là vợ ông rồi tới con trai, con gái, rồi con dâu. Bà Phước vượt biên sang Mỹ từ năm 79 với 3 con, thằng lớn lúc đó mới 14 tuổi; thằng Út sanh ra năm 75, khi ông mới vào tù  vài tháng. Bà Phước làm công chức cho City hơn ba chục năm nay. Bà có cái nhìn khác ông về nhiều vấn đề. Chỉ một con gián trước mắt bà đã là chuyện lớn rồi. Ba đứa con thì lúc nào cũng cùng chiến tuyến với mẹ. Con dâu người Tô Cách Lan thì sợ gián hơn sợ ma. Tình trạng này thì thật nguy. Vợ con ông mà không cho ông để lon ở nhà thì không biết ông phải làm sao. Trước mắt là ông Phước cấp tốc dời địa điểm. Ông chuyển tất cả lon ra cái góc sân sau, sát hàng rào, rồi che kín mít bằng mấy tấm vỉ thiếc. Hy vọng không ai thấy; nhứt là không thấy những con gián. Khi đống lon nhiều đủ cho một chuyến truck thì ông đem đi bán. Việc làm ăn của ông Phước coi mòi trôi chảy. Nhưng có một lần ông tưởng rằng kế hoạch của ông bị ngưng. Chuyện xảy ra hồi hè năm trước. Đó là một hôm vợ ông làm sinh nhựt cho cô con gái bằng bữa BBQ ngoài sân sau. Mẹ con bàn tính với nhau, ông Phước không biết chi tiết. Bạn bè của vợ ông, bạn bè của các con, có cả người tình của con gái và của cậu út tham dự. Tất cả trên năm chục người, đầy cả sân sau. Chuyện rắc rối bắt đầu khi tấm vỉ thiếc bị ai đó làm ngã xuống, bày ra một đống lon nhôm, cộng với hàng ngàn con gián to bằng ngón tay, mập ú, láng coóng.  Nghe được mùi thịt nướng, các chú gián càng linh động, bò lổn ngổn khắp sân như những con ma đói. Mạnh ai nấy la làng. Mạnh ai nấy nhảy cà tưng. Thịt thà trà rượu văng tứ tung. Tiệc thịt nướng Tếch-xịt mà phải dời vào trong nhà, thành indoor Bar-B-Q, thì... 12 con giáp chẳng giống con giáp nào. Mặt mày ai nấy đều dài thoòng, nhăn nhó như cái bánh bao chiều, nhứt là phu nhân và các quí tử của ông Phước. Đâu có ai ngờ được là phía sau căn nhà rộng, hai từng, trướng gấm màn nhung, mặt trước hoa kiểng ngay lối thẳng hàng, trong nhà ghế bành, tràng kỷ, đàn piano lung tung... mà phía sau nhà chứa hộp lon để bán! Ai đời nhà của một bà phụ tá trưởng phòng mãi dịch thành phố, nhà của một kỹ sư trưởng công ty điện lực, nhà của cô ba dược sĩ vv... mà chứa cả đống hộp lon dơ dáy trị gía vài xu một cái! Tình cảnh y như cô đào thương sau khi diễn tuồng gột rửa hết mấy lớp phấn son. Thôi thì hôm ấy Mỹ tây, Mỹ ta đều có một big surprised party! Và dĩ nhiên là ông Phước đâu tránh khỏi một big, big problem! Cái mà ông thấy rõ trước hết là cô con gái cưng của ông chạy vào phòng ngủ, đóng kín cửa, chắc là để khóc cho đã vì xấu hổ với người tình đang hành nghề thầy thuốc. Cậu út thì cũng chẳng khác gì cô chị, bạn gái nó cứ đập cửa, kêu ho-ni ơi,  ho-ni à hoài mà nó không mở, chắc để giấu cái cục quê to bằng cái nhà nó đang ở. Vợ ông, con trai lớn, con dâu... chắc cũng có cùng tâm trạng như vậy. Họ cũng cố nói nói, cười cười mà cái cười như mếu. Cũng phải thôi, họ không hiểu một tí gì về ý nghĩa việc làm của ông thì họ xấu hổ trước bàng dân thiên hạ là phải. Còn ông Phước ư? Lúc khách khứa nhảy cà tưng cà tang giữa sân cỏ, lúc vợ con ông tóc tai dựng ngược, muốn chôn sống mấy con gián qủi sứ và một đống lon nham nhở, thì ông Phước đang ung dung đứng sau cửa sổ trên lầu, vén màn nhìn xuống. Ông muốn làm nhà hùng biện nói trước công chúng. Ông sẽ dõng dạc, hùng hồn mà dang tay nói rằng: Các người đang thấy những con gián bò đi tìm mồi dưới chân các người. Vài người bạn của tôi nơi quê nhà hiện giờ cũng như con dế, con giun đang vất vả đi tìm miếng sống. Tôi hãnh diện làm cái việc lượm hộp lon này. Các người cứ thảy ra đi, tôi lượm hết. Tiền của các người vứt bỏ, tôi lượm về, rồi thân ái gởi cho bạn tôi, có gì là xấu hổ! Các người đâu có biết một pound thịt bò để nướng ngày hôm nay ở đây đủ cho bạn tôi mua gạo ăn 2 tháng. Cả mấy chục pounds thịt bò và rượu, và bia...hôm nay có giá trị tương đương với cả ngàn ngày bạn tôi bò lê trên vĩa hè bằng hai đầu gối, giữa nắng trưa, giữa mưa dầm, giữa bụi bặm, bán từng tấm vé số. Nghĩ như vậy cho vui vậy thôi chớ ông Phước dư biết mỗi người có số, các người dưới kia có số tốt thì cứ tận hưởng cái số tốt của mình, cũng không sao, không chết thằng tây nào. Không nói thì ai cũng biết là sau hôm đó ông Phước bị vợ, rồi các con hành hạ tơi bời. Để giữ hòa khí trong gia đình, lần này ông cố giải thích, ông nói cho mọi người biết hoàn cảnh của từng người mà ông giúp đỡ. Tình hình tạm yên, tuy rằng còn có những chống đối ngầm. Họ có vẻ chống đối vì họ không hiểu hết mục đích lượm lon của ông; hay họ biết mà không thể hiểu nỗi. Sống tại nước Mỹ này mà có người kỳ cục, ở nhà lầu, vợ con thành danh, thành đạt...mà nhịn ăn, nhịn mặc, lượm từng cái lon dơ mà không biết xấu hổ. Chuyên cần lượm lon để bán lấy tiền đem cho người khác ở tận đâu đâu! Thiệt hết chỗ nói! Các dâu và con không hiểu đã đành, vợ ông mà không hiểu thì đáng buồn và thêm rắc rối. Cái rắc rối là bà thường xuyên ngăn cản việc làm của ông, còn chê ông làm cái nghề hạ tiện, làm mất mặt mẹ con bà. Quả thật là vợ ông đã quên hết cái khổ của chính bà trong những năm sau 75, quên cái khổ của bao nhiêu người thân quen khác. Ông Phước nói với vợ rằng ông sang Mỹ nhưng những người lính thuộc cấp ngày trước của ông, những bạn bè đã cùng chiến đấu với ông không có điều kiện để đi, họ đang sống trong nghèo nàn, đói khát, bịnh tật. Ông nhắc tới hạ sĩ Cang, người lính truyền tin của ông ở trung đoàn 31, cụt cả hai chân, đang bán vé số tại bến bắc Cần Thơ; binh nhì Nam, người đã cỗng ông cả cây số khi ông bị thương ở trận Tầm Vu, đang nằm một chỗ vì chứng tai biến mạch máu não, vợ con bữa no bữa đói. Hôm ấy mà Nam chạy bỏ ông thì ông chỉ nằm chờ chết. Rồi những An, những Thiện, Đồng...đã một thời sống chết với ông, đang cần sự giúp đỡ, dù ít dù nhiều. Ông Phước là người đến Mỹ muộn màng, sau khi mẹ ông qua đời, nên ông thông hiểu từng hoàn cảnh của những người lính cũ của ông. Sang được bên này, ông muốn tự mình làm ra đồng tiền gởi về cứu giúp họ. Mỗi người vài chục đồng mỗi tháng để họ vui mà ông cũng vui. Mỗi lần lượm những chiếc lon rỗng mà ông Phước thấy lòng mình thêm đầy. Đầy niềm vui. Lúc còn ở quê nhà, nhận tiền gởi về từ vợ con, ông Phước đã ân cần chia sẻ với họ. Cái gọi là tình chiến hữu của ông đơn giản là như vậy, không đao to búa lớn gì hết. Ông biết khi tuổi già sức yếu, ông sẽ không giúp họ được nhiều, nhưng còn hơi thở là ông biết rằng ông chưa bỏ cuộc.

    Điều trước mắt là ông Phước sẽ không bỏ cuộc trong việc vận động vợ con ông tham gia cùng với ông. Ông Phước biết trước đó là một việc vô cùng khó khăn. Cái “lì” trong công việc của ông từ mười mấy năm nay cũng là một cách để khẳng định rằng ông đã suy nghĩ đúng và làm đúng. Tốt hơn hết là họ nên xét lại lối suy nghĩ của mình. Hai đứa cháu nội chỉ hơn mười tuổi mà đã biết giúp ông nội, biết cầm đồng tiền khó khăn kiếm được từ những lon nhôm, cùng với ông đem gởi về quê nội. Thỉnh thoảng, làm như là tình cờ, ông Phước cho vợ xem mấy bức thư hay những tấm ảnh của những người nhận tiền của ông hàng tháng tại quê nhà. Đại để những dòng thư như: “ ...nhờ món tiền của ông thầy gởi về kịp lúc mà má em được chữa trị kịp thời, nếu không thì...” hay: “...số tiền của ông thầy gởi về lần này em dùng hết để bốc mộ vợ em, đưa nó về nằm gần với ông bà cha mẹ, chờ em xuống nằm chung với nó cho đỡ lạnh chưn”…. Đặc biệt là có một thư rất vui: “ Ông thầy biết hông, thằng con lớn của em vừa mới ra kỹ sư. Đó là nhờ bốn năm nay ông thầy cho nó tiền đóng học phí. Từ đây thằng anh sẽ lo cho mấy đứa em”. Còn những bức hình thì có thể làm bà Phước xúc động: hình chụp hạ sĩ Cang bò trườn trên bến bắc, cố mời một ông khách mua vé số; hay hình trung sĩ Lộc có đôi mắt trũng sâu như hai cái hố thẳm, quần áo, mủ nón, tay chân rách nát, chỉ có cây gậy trên tay là còn nguyên hình dáng. Bà Phước biết Cang và Lộc từ khi hai người lính này phục vụ trong đại đội của ông Phước. Cứ như vậy mà ông Phước thi hành chiến thuật tầm ăn dâu, thỉnh thoảng cho vợ đọc những bức thư hay xem vài tấm ảnh, hay những khi vợ chồng vui chuyện, ông Phước nói về người này, người nọ nhờ món tiền của ông gởi về mà giải quyết được bao nhiêu vấn đề khó khăn. Nhứt là những món tiền gởi vào dịp Tết tuy không nhiều nhưng niềm vui của họ thì thật nhiều; niềm vui của ông còn nhiều hơn nữa! Mới nghe vài lần đầu bà Phước ậm ừ cho qua.  Những lần sau bà có ý hỏi lại hay góp vài lời. Qua thời gian, sắt đá còn phải mòn, huống chi là lòng người. Ông Phước nghĩ như vậy. Còn đối với các con thì ông nói chuyện với chúng nó về những gì đang xảy ra tại đây, một cách cụ thể, giấy trắng mực đen hẳn hòi.  Chẳng hạn như chuyện Hội Người Cùi Việt Nam tại Nam Cali kết hợp với Hội Blessed Damien Society thuộc giáo phận New Orleans ở tiểu bang Louisiana làm bao nhiêu việc tốt đẹp cho người cùi Việt Nam từ cả chục năm nay. Bác sĩ trẻ Trần Mai Khanh là điển hình của những tấm lòng vàng nầy. Chỉ cần 140 dollars tiền thuốc men là có thể chữa hết bịnh cùi cho một người cùi. Hay nói ngược lại: vì không có đủ 140 dollars mà một người cùi phải chịu khổ suốt đời, chịu rụng tay, rụng chân, mù mắt.... Nghe như vậy có đứa gục gặt đầu ra điều thông cảm. Cô dâu Tô Cách Lan thì cứ  really, really liền miệng, có vẻ xúc động. Bà Phước tuy không trực tiếp ngồi nghe nhưng coi bộ đồng tình. Ông Phước ghi cho các con cái web site của Hội để chúng nó tìm hiểu thêm. Cũng như ông Phước đã nói về Quỹ Từ Thiện Têrêsa cho các con nghe. Chúng nó có vẻ thích thú khi biết chỉ cần 2 dollars là mua 10 kí gạo cho một người già ở Việt Nam có cơm ăn một tháng. Xem như vậy thì làm nhân đạo đâu có tốn tiền, tốn sức nhiều ! Hôm người phụ trách Quỹ Từ Thiện Têrêsa là Phó tế Vũ Thành An từ Portland về Houston tổ chức một buổi họp mặt, ông Phước rất ngạc nhiên là chỉ cần một lời đề nghị của ông mà cả gia đình đều muốn đi tham dự để biết thêm về quỹ từ thiện nầy. Bữa đó về nhà cô dâu Tô Cách Lan và bà mẹ chồng nói nhiều về chuyện này. Họ còn biết hơn ông là hiện đã có cả ngàn cụ tại Việt Nam đang được sự trợ cấp này. Tình hình trong ngôi nhà này có vẻ khả quan lắm. Tằm ăn dâu mà! Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Ông Phước biết chẳng sớm thì muộn cả nhà sẽ cùng góp sức với ông. Tiên trị kỳ gia, hậu trị kỳ quốc. Giải quyết xong những người nhà, ông Phước sẽ gợi ý với những bằng hữu khác, tại đây và tại các nơi khác... Rồi cả ngàn thùng “Aluminium Cans Only” sẽ rải đều khắp nơi.  

      

    Việc thiện thì nhiều, nhưng mỗi người một tay thì sẽ...vỗ nên bộp. Người xưa đã nói  vậy rồi.

    Ông Phước bỗng nhớ ra là mình đã nghĩ ngợi quá nhiều trên giường bịnh.

    Ba tuần lễ nay chuyện giúp người cùi hay người già xảy ra như thế nào ở nhà thì ông Phước không biết. Ông chỉ biết là ông nằm đây cả tháng thì làm sao mà đi lượm hộp lon, mấy cái thùng “Aluminium Cans Only” của ông chắc đã đầy ứ. Nằm đây thì làm sao mà có tiền gởi về kịp đầu tháng tới. Hôm nay đã gần cuối tháng rồi. Tết cũng cận kề rồi.

 

    Đêm nay ông Phước suy nghĩ nhiều quá, khiến ông mất ngủ.

 

                                                              xxx

 

    Cuối cùng thì ông Phước được xuất viện với cái chân băng bột. Ông có thể xê dịch chút ít được với cây nạng. Chân ông coi như không có vấn đề. Ruột gan ông cũng không có vấn đề gì. Nhưng khi về đến nhà, vào căn phòng riêng của ông thì lòng dạ ông có vấn đề. Ông Phước thấy những tấm giấy biên nhận gởi tiền để trên bàn ngủ của ông. Tên người gởi là tên vợ ông, còn tên người nhận trên các hóa đơn là Cang, là Lộc, là Nam, là An, Thiện, Đồng... Ngày gởi thì mới hôm qua, ngày đầu tháng. Ông Phước thấy tim mình quả thật có vấn đề, nó đập liên hồi, đập không thứ tự, điều mà ông không gặp từ thật nhiều năm nay. Cầm những tờ biên nhận gởi tiền mà tay ông run. Tên vợ ông đó. Tên những người bạn nghèo khổ của ông đó. Ông đâu có hoa mắt, đâu có lầm lẫn gì. Ông Phước với tay cầm cây nạng, lê bước về phía cửa sổ, ông biết trời hôm nay phải đẹp. Ông muốn nhìn bầu trời đẹp hôm nay. Ngước mắt nhìn lên bầu trời trong xanh, không gợn môt chút mây, ông nghĩ tới những nụ cười của bằng hữu quê nhà, rồi nhìn xuống phía cuối sân sau, chỗ góc sân bên trái, nơi ông dùng để chứa hộp lon. Trời! Có thật không đây? Niềm vui òa vỡ. Ông Phước thấy một đống lon đầy vun. Rõ ràng mà! Một đống lon đầy vun! Hai mắt ông Phước bây giờ tuy có ướt nhưng ông không lầm lẫn đâu. Ông thấy rõ mà. Ông nhớ trước khi bị tai nạn ông đã bán hết số lon. Bây giờ một đống lon đầy tại góc sân, không có một tấm vỉ thiếc nào che chắn hết. Một đống lon đầy đó bà con ơi! Dưới ánh nắng chiều, màu sắc từ các hộp lon như nhảy múa rộn ràng. Từ hồi nào mà vợ con ông đã mở lòng, đã xăn tay áo làm công việc của ông vậy cà? Như vậy là quà Tết cũng sẽ đến sớm như mọi năm. Mùa Xuân năm nay cũng đến sớm với bằng hữu của ông, như mười mấy năm qua.

 

    Ông Phước thấy lòng mình no đầy một niềm vui, và gan ruột ông cũng đang rộn ràng nhảy múa.

 

    Tết chưa đến mà ông Phước nghe có tiếng pháo nổ thật giòn và thật rộn rã. Nghe như pháo tết của quê nhà.

 

Trần Bang Thạch

No comments: