Tự dưng lại nhớ người dưng, sao không nhớ ai lại đi nhớ người dưng? Ở đời đôi khi có những sự việc tưởng chừng vô lý nhưng lại có lý rất vô chừng. Nhạc vàng có câu: ”Người dưng ơi hỡi người dưng, từ đây cho đến ngàn sau lòng thương nhớ chẳng hề nguôi...” Câu ca tuy có sáo ngữ, đại ngôn nhưng rõ ràng cái nhớ người dưng rất khắc khoải trong lòng của nhân vật trong bản nhạc hay cũng chính là tâm tình của chính tác giả bản nhạc. Ca dao bình dân thì đơn giản hơn nhưng cũng rất tha thiết: ”Gió đâu gió thổi sau lưng/ Dạ đâu dạ nhớ người dưng vô cùng”. Rõ ràng cái nhớ thiết tha biết bao, tưởng chừng “Người dưng” rất xa lạ, mơ hồ nhưng lại nhớ không quên. Người nào không có “Người dưng” để nhớ ắt sẽ cười cợt cái nỗi nhớ nhung này, phải chăng giống như thiền gia thường bảo:” Kẻ nào có uống nước thì mới biết nước nóng lạnh thanh khiết như thế nào, kẻ nào không uống thì trọn không thể biết, dù cho có nói vạn lời cũng không thể biết.”
Trời đất bắt đầu hanh hao, nắng vàng nhạt dịu dàng, không khí dìu dịu dần, lác đác những chiếc lá đổi màu sớm… Những lúc này nỗi nhớ “Người dưng” dường như tăng thêm. Đất trời càng se sắt thì lòng người càng man mác nhớ thương. Đời người thọ lắm cũng chừng trăm lần thu, có kẻ vài mươi nhưng cũng có không ít người chưa kịp biết thu là gì. Sinh mệnh, tuổi thọ con người vốn vô thường và mong manh lắm; phước mỏng nghiệp dày, thiện ít ác nhiều, tâm tướng tòng sanh chiêu cảm mà ra. Ấy là con người, con vật cũng có những loài sớm sanh tối tử như bọ nước, phù du… ngược lại có những loài sống qua thế kỷ, thậm chí sống hai thế kỷ, tỷ như loài rùa khổng lồ của đảo Galapagos, Aldabra. Ngoài cảnh giới hiện hữu thực tại, còn có những cảnh giới vô hình mà mắt người không thể thấy, tai không thể nghe chẳng hạn như cảnh giới chư thiện, quỷ thần. Các vị phạm thiên đế thích thì tuổi thọ lên đến tám vạn bốn nghìn đại kiếp, cảnh giới của địa ngục thì trường cửu không thể tính đếm được. Tất cả không ngoài nhân duyên, nhân duyên thế nào thì quả báo thế ấy, tất cả không ngoài một niệm tâm. Phật dạy:” Tâm tạo tác, tâm là chủ tể, nhất thiết duy tâm tạo...” là thế! Địa ngục thiên đàng không ngoài một tâm. Tâm địa chính là mảnh đất tâm, địa ngục không phải ở trong đất mà chính là ở trong tâm địa.
Mùa thu chỉ chừng ba tháng mỗi năm, đem thời gian ba tháng thu mà so với dòng thời gian vô thủy vô chung thì đó chẳng qua là một dấu chấm nhỏ trên con đường vô tận, từ những dấu chấm nhỏ duyên hợp mà thành thời gian, thành sơn hà đại địa, thành tất cả những cảnh giới. Tất cả do nhân duyên sanh ra thì cũng do nhân duyên mà diệt! Đem thời gian một mùa thu mà áp vào đời một con người thì cũng khá dài, đời người được mấy mươi mùa thu, tuy lý thuyết là thế, thật ra thì mạng sống con người ở giữa hai làn hơi thở mà thôi. Vạn vật ở thế gian vốn vô thường, lúc thiên hạ thái bình cũng có thể cảm nhận được sự vô thường, chứ không cần phải ở trong hoạn nạn chiến chinh mới thấy được vô thường. Khi con người đối diện với ôn dịch như hiện tại đang xảy ra thì càng thấu rõ sự vô thường hơn. Có nhiều, rất nhiều người mới hôm qua còn đó mà hôm nay chỉ còn lại một nhúm tro trong hũ sành. Có biết bao nhiêu người bị cách ly và rồi chết âm thầm, thật đúng là độc sanh độc tử độc khứ độc lai. Mạng xã hội mấy hôm nay lan truyền hình ảnh một người giao hàng chở sau xe máy một cái sọt bằng nhựa, chứa mấy mươi hũ cốt đi giao từng nhà, cứ như giao một món hàng vậy! Thật đau lòng, dù có đau lòng cách mấy cũng phải chịu, cái thực tế phũ phàng không thể làm gì hơn được. Cơn dịch Coronavirus đã vắt qua hai mùa thu, không biết khi nào sẽ hết, chẳng một ai biết và cũng chẳng có ai dám khẳng định.
Mùa thu đẹp lắm, ừ thì đẹp đấy! Đẹp đến nao lòng. Mùa thu lúc ôn dịch hoành hành nó vẫn đẹp như đã từng trong quá khứ và vẫn đẹp trong tương lai sắp đến. Mùa thu không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Mùa thu là thế, vốn thế, dù con người có đứt ruột nhớ người thân, tha thiết nhớ “Người dưng” thì cũng chẳng thể làm cho mùa thu đẹp hơn hay xấu hơn.
Từ giữa tháng mười trở đi thì mùa thu vào lúc rực rỡ nhất. Đất trời như gấm hoa muôn sắc bừng lên, có lẽ đây là lúc gã họa sĩ thiên nhiên cao hứng tột độ, không còn bình tâm dùng cọ để tô vẽ từng đường nét nữa. Lúc này tâm hồn gã đã trào dâng không còn kiềm chế nổi, gã tung cả khay màu xuống cây cỏ núi rừng. Thế là sơn hà đại địa bừng lên sắc thu, thế là thu ngập trong hồn người. Một đại tiệc làm no nê thỏa mãn đôi mắt và tâm hồn những gã du tử ở trần gian. Cả một phần thế gian rực rỡ trong muôn hồng nghìn tía, dẫu là góc phố tàng cây hay núi rừng sông suối, bờ nước trời mây… Mỗi nơi một cảnh sắc. Bấy giờ trần gian như ống kính vạn hoa mà ngày xưa khi còn bé ai ai cũng từng mê.
Kể cũng lạ thay, khi xuân sang tươi trẻ tràn trề hy vọng, hạ về nhiệt huyết cháy lên, sức sống hừng hực. Mùa đông tuyết trắng lạnh lẽo buồn lê thê… thì chẳng nhớ “ Người dưng” chi cho mấy. Ấy vậy mà khi thu về lòng lại nhớ “người dưng tha thiết! Phải chăng tiếng thiên điểu gọi bầy bay di cư đồng vọng gợi nhớ? Phải chăng bờ nước trời mây phản chiếu tâm hồn gợi lên ảnh cũ? Phải chăng muôn sắc gấm hoa tái hiện “Bản lai diện mục” của tâm hồn?
Làm người sống ở đời chắc ai cũng đã từng có một thời thương nhớ “Người dưng”. Ai cũng từng có một “Người dưng” để thương nhớ. Gọi là người dưng nhưng trong lòng còn thấy tha thiết hơn cả người thân. Là “Người dưng” nhưng sẵn sàng dưng hết cho “Người dưng”. Nếu là bậc đế vương thì dưng cả ngai vàng, giang san xã tắc. Cổ sử từng ghi những Kiệt, Trụ, U vương cho đến Tống Thần Tông, Đường Minh Hoàng… Gần hơn và thực tế hơn đấy là vua tương lai của nước Anh đã bỏ ngôi vàng để sống với”Người dưng” của mình, mặc dù bà ấy là góa phụ, đã có con, trong khi ấy thì ngài là vua sắp kế vị đế quốc Anh. Với hạng thường dân thì dưng hết trái tim cho “Người dưng”. Trong vô số người dưng hết cho “Người dưng” và những cái dưng đó có thể làm tổn quốc hại dân, chí ít tán gia bại sản, thân bại danh liệt, thất thế mạng vong...Riêng bọn nghệ sĩ mà thương nhớ “ Người dưng”, dâng hết cho “Người dưng” thì lại hóa hay, lúc ấy đời có thêm những bản nhạc xuất sắc, những áng văn hay, những vần thơ tha thiết, những bức tranh tuyệt tác, những pho tượng lưu danh hậu thế…
Mùa thu nhớ người dưng cũng là phải lẽ, ai mà đếm được bao nhiêu lá đổ trong mùa thu? Bao nhiêu lá là bấy nhiêu thương nhớ người dưng. Mùa thu rực rỡ muộn sắc gấm hoa, ấy là đỉnh cao của quá trình phát triển, là lúc chín muồi của cây cỏ thiên nhiên, tất cả chín tới, tất cả bừng lên nhan sắc để rồi tàn lụi trước khi đông về. Mùa thu như ngọn đèn phụt sáng lên rực rỡ trước lúc cạn dầu. Mùa thu như người thiếu phụ đằm thắm nồng nàn đạt đến cao độ của nhan sắc và năng lượng nhục cảm trước khi trở về già. Tuổi xế tàn thu tác động đẩy nỗi nhớ “Người dưng” lần cuối trước khi quên lãng ở tuổi già. Nếu mùa xuân, mùa hạ hái hoa cỏ dại tết vòng cho em đội đầu, thì mùa thu lang thang trong muôn sắc, đạp lá vàng mà nhớ “ Người dưng”. Khi nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt cho bài hát Pháp:” Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi, mùa thu đã chết, em nhớ cho...” Thật ra thì mùa thu đâu có chết mà trái tim và tâm hồn người thương nhớ “Người dưng” “ Chết”. “ Chết ở trong lòng một ít”- Xuân Diệu
Mùa thu ở chốn phồn hoa đô hội như Paris, Luxembourg, Praha, New York, Kyoto...Cảnh sắc hòa với kiến trúc cảnh quan nhân tạo, tạo nên những mảng màu tương phản nhưng đẹp đến nao lòng. Mùa thu ở chốn thiên nhiên hoang sơ: Gatlinburg, Colorado, Yellow Stone… thì cảnh sắc thiên nhiên như một biển màu sắc, những con đường xuyên qua núi rừng cứ ngỡ như đường hầm xuyên qua cõi địa đàng. Đi trong cảnh sắc thiên nhiên muôn sắc ấy, lòng nào không lay động, không nao nao nhớ “Người dưng”? Nếu không nhớ “Người dưng” thì “Người dưng” ấy đúng thật là người dưng rồi hoặc là chẳng phải”Người dưng”. Bảo là “Người dưng” nhưng chẳng dưng chút nào, từ tâm hồn, từ trong tạng thức đầy ắp những kỷ niệm, những hạt giống từ kiếp nào đó âm thầm trỗi dậy. Chẳng có cái gì hay sự việc gì mà bảo là tự nhiên cả, nó có nhân duyên, có gốc rễ, có hạt giống ngủ ngầm tiềm ẩn lâu rồi, chỉ chờ khi đủ duyên thì nó khởi dậy mà thôi!
Cây phong lặng lẽ thả những chiếc lá đầy sắc màu rực rỡ vào lòng thu, chiếc lá chao nghiêng trong làn gió thu miên man như con bướm Monarch, từng đám lá đầy sắc màu xào xạc cuốn theo cơn gió tung khắp đồng cỏ. “ Con nai vàng ngơ ngác” hay tác giả bài thơ ngơ ngác? Ngơ ngác vì sắc thu, hơi thu hay ngơ ngác vì thu mà nhớ “Người dưng”? Có lẽ cũng không cần phải trả lời, nói nữa e mất cả mùa thu.
Mùa thu ở Đào bang nói riêng hay xứ cờ hoa nói chung thường gắn liền với hình ảnh lá phong, chùm ngô khô, quả bí ngô ngộ nghĩnh hay hình nộm bù nhìn cười toe toét...Mùa thu là lúc mùa màng bội thu, mùa gặt hái, mùa tích trữ để chuẩn bị đón mùa đông.
Đất trời se se lạnh, gió thu mơn man thổi, nắng nhẹ hanh hao, lá vàng rơi rơi, chim trời tha thiết gọi bầy, lòng người nao nao theo. Mình đã đến nơi này, đã có mặt trong đời, đã sống với mùa thu, đã thương nhớ “Người dưng”. Bao nhiêu dấu ấn in đậm trong tâm hồn, những hạt giống này gieo vào trong tạng thức dù là vô tình hay cố ý thì nó vẫn còn đó. Đó là lý do mà mình gặp lại và sẽ còn gặp lại nữa. Mùa thu đẹp hay mùa thu thương nhớ người dưng ấy là do mình diễn ra, riêng thu vẫn cứ là thu, chẳng đẹp chẳng xấu, chẳng thương chẳng ghét, chẳng nhớ chẳng quên, thậm chí chẳng đến chẳng đi. Nó chỉ là sự biến đổi, là chuyển biến, là phần đoạn và biến dịch mà thôi. Nhà thiền bảo hãy nhìn nó như là nó, nhìn nó đúng thật nó, như thị ( look as is)!
Mùa thu là thế, mùa thu như thế, mùa thu vốn vậy! Nó mặc kệ thời gian, nó cũng chẳng cần anh họa sĩ, nhạc sĩ hay văn thi sĩ ca ngợi. Thu cứ rực rỡ muôn hồng nghìn tía mỗi khi mùa lên. Mùa thu có thương nhớ người dưng ấy cũng chỉ là sự diễn dịch của những gã du tử ngơ ngẩn sự đời.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 09/2021
1 comment:
Hay quá! Từ “ Người Dưng “ mà tác giả đưa chúng ta qua bốn mùa thương nhớ, từ lúc sơ sinh cho đến cuối đời theo dòng thời gian vô thỉ vô chung. Bốn mùa vẫn vậy, tuần hoàn theo thời tiết cảnh vật đổi thay , “ Nhà thiền bão hãy nhìn nó như là nó, nhìn nó đúng thật nó, như thị ( look as is ) “, là “ bản lại diện mục “ muôn đời vẫn vậy
Post a Comment