mấy mươi năm sau,
đọc lại thơ tình Nguyễn Tất Nhiên!
Năm 1992, khi
còn đang ra sức ... làm mướn để kiếm ăn, nghe tin Nguyễn Tất Nhiên vừa
tự ý thoát đi mà bỏ lại thân xác mình trong một chiếc xe đậu càng
đâu đó ở Cali, tôi nhớ dường như có một chút gì động đậy trong tôi, y
như vừa hụt một bước chân. Và một thoáng nghĩ ... chắc phải vậy !
Đêm về có làm một bài thơ tựa là Thi sĩ trong tập note rồi bỏ vào
tủ khóa kín lại. Thơ chắc chẳng có gì hay lắm nên kết bài tôi có
chôm mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền gọi là dựa hơi ... dĩ nhiên là có
ghi chú xuất xứ rõ ràng.
Tôi biết
những người khóc lẻ loi
Lệ là
những viên đá xanh
Tim rũ rượi.
- Tôi không
quen biết Nguyễn Tất Nhiên. Nhưng tôi biết có-những-người-khóc-lẻ-loi
nên tôi kết bài thơ của tôi như vậy.
Vậy rồi
thôi, người đi đã đi khuất, tôi đi làm mướn tiếp tục.
Dĩ nhiên,
như nhiều người khác đồng lứa, tôi đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên đã từ lâu
lắm, từ khi còn tuổi hai mươi. Mãi cho đến khi giả làm người lớn đi
dạy học, dẫu trái tim trẻ không còn xốc nổi nhưng vẫn chưa tới đỗi
lặng lờ. Lắm khi vẫn còn rung động vì một câu thơ hay bất chợt của
ai đó. Kể cả những câu thơ tình rất học trò của Nguyễn Tất Nhiên.
Với những ẩn dụ rất mới, rất khéo, rất bạo, lắm lúc như muốn lung
lay cái khung cũ kỷ đã rêu phong của thi ca truyền thống. Nhưng rồi
thôi. Có điều tôi biết chắc học trò của tôi, trên dưới 16, 17 tuổi đôi
khi 18 ... nhất là mấy cô áo dài trắng tóc thề đến lê thê, nếu khảo
bài hỏi thơ Cao Bá Quát với lại Nguyễn Du thì nhiều phần là ấp úng
mà hỏi thơ Nguyễn Tất Nhiên thì hổng chừng là thuộc làu làu. Nói
vậy không có nghĩa là khắc khe với học trò cũ. Nói vậy để thấy
rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên hồi đó rất được ưa chuộng trong giới trẻ,
nhất là giới-trẻ-học-trò. Điều đó không có gì khó hiểu. Thơ tình
kiểu này thì chỉ có dạ sắt mới ngoảnh mặt làm ngơ đối với mấy cô
nàng tâm hồn còn lơ mơ như nắng sớm. Nắng bờ sông như màu trang
vở cũ, thuở học trò em làm khổ ai chưa. Hay em hãy đứng trước gương
làm dáng, tự khen mình đẹp quá đi em. Rồi anh muốn khóc trong buổi
đầu niên học, bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng. Hoặc hai
năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao, em không còn thắt bím, nuôi
dưởng thời ngây thơ, anh không còn lính quýnh, giữa sân trường trao thơ.
Nhất là những lời thơ dễ thương đó được phổ nhạc rồi tỉ tê trên đài
phát thanh hay các tiệm kem hay các quán cà-phê-văn-nghệ nhan nhản ở
các tỉnh thành miền Nam thuở đó. Thơ đó, nhạc đó được yêu chuộng
song song dù nghịch đảo với nhạc Trịnh Công Sơn. Kể ra, đúng là một
thời trăm hoa đua nở dù nở trong khói đạn mịt mù. Vậy mà không biết
tại sao hồi đó, thích thì thích nhưng rồi vì nhiều lý do nào đó mà
ít khi nhắc đến. Tại quá lứa ? Hăm ba hăm bốn thì đã tới đâu mà tự
thấy đã cỗi. Tại nghề nghiệp ? Có thể. Nhưng đâu ai cấm. Miễn đừng
đem vô lớp mà rao giảng. Nghĩ tới nghĩ lui lại nhớ lời má la hồi
nhỏ cái thằng gì như con lật đật nghĩa là không có chút
nào kiên nhẩn, muốn gì là muốn lấy được. Chắc tại vậy mà lớn
lên trộng trộng chút rồi là chuyện gì cũng húc dầu thẳng vô, được
ăn cả ngã về không, hổng có thích cái chuyện ... chạy vòng vòng.
Thấy êm chèo mát mái thì cặp bến mà hổng được thì rẽ xuồng sang
bãi khác. Chắc tại vậy, mà mỗi lượt nghe chuyện ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân .... tôi thấy làm như hơi ... oải chân. Cái tánh bê tha
đó lớn lên cũng không bỏ. Hồi nhỏ mê hai câu thơ của Đinh Hùng. Làm
học trò không sách vở cầm tay. Có tâm sự đem nói cùng cây cỏ. Cho
đến khi đời đun đẩy cho đi làm thầy cũng hổng chịu chừa. Lại còn
sửa trại ra mà nghêu ngao với bạn bè. Làm thầy giáo không sách vở
cầm tay. Có tâm sự đem kể cùng bia lạnh. Cái lối sống như vậy cũng
vận tới chuyện văn chương của mình. Thơ tình Nguyễn Tất Nhiên đôi khi
nghe hiền quá kể cả khi giận lẫy dù có khi đem cả chúa cả dì tu ra
mà kêu ca. So ra thấy như mình đã quá lứa lỡ thời. Lại nữa, đầu
những năm 70, cuộc chiến ở đó đã lan vào tới thành phố. Những
chuyện làm bận tâm là cái kề bên, cái trước mắt. Là đường liên tỉnh
bị đắp mô, cầu cống bị giựt sập. Là tiếng xe cứu thương chiều chiều
xả cờ hú còi như la hoảng. Là tiếng đại bác dội vào đêm giới nghiêm
như cú đấm cách không vào tim nảo. Là lệnh tổng động viên. Là đứa
học trò trai quá tuổi từ giã đi trình diện Trung Tâm Nhập Ngủ số
4... Là ly rượu nếp than ực-cạn-một-hơi đêm tái ngộ bạn bè trở về
nguyên vẹn sau cuộc hành quân tuốt dưới miệt U minh lúc nhúc đĩa vắt
với hầm chông và B40 và AK 47... Vậy đó, làm sao nói hết cái tâm
trạng phức tạp của một người cùng lứa tuổi với bạn bầy lại được
ưu đãi cho đứng né bên lề, khi cuộc chiến tới hồi khốc liệt nhất.
Và bom đạn thì vô tình. Và sống chết thì bất công hết chỗ nói.
Chắc tại
vậy mà thơ Nguyễn Tất Nhiên có làm tôi nghĩ ngợi. Nhưng không đeo đẳng
cùng tôi.
Chắc tại
vậy, mà bây giờ, mấy chục năm sau, lúc năm sắp cùng tháng đã tận
tới chục lần, nhiều khi rổi rảnh, nghĩ nhớ lung tung lại thấy mình
đã lơ là quá với một tài thơ không-giống-ai mà cũng không ai giống
vậy.
Thử trở
lại cái thời người thi sĩ ấy chưa kịp tuổi đôi mươi mà thơ thẩn đã
chạy vòng vòng trong trái tim của không biết bao nhiêu là người hâm
mộ. 14 tuổi làm thơ. 16 tuổi in thơ. Anh hoa phát tiết ra ngoài ...
Có dịp ra
vô trường lớp lúc đó, ở bậc trung học, chuyện làm thơ in thơ và nổi
tiếng của Nguyễn Tất Nhiên với tôi phải kể là hi hữu. Bên kia bờ bắc
sông Bến Hải thì bít bùng, dòm đỏ con mắt cũng chỉ thấy ... mịt
mùng. Còn khắp nơi ở miền Nam Việt Nam, từ những năm 60, từ quận lên
tỉnh, nơi nào có trường trung học là gần như nơi đó có những ... thi
văn đoàn do những người học trò khoác áo văn nghệ lập ra. Những
người học trò trung học đó, dĩ nhiên vốn là máu mủ ruột rà của
một dân tộc rất sính thơ nên hồn thơ ... phát triển rất sớm. Hay dở
chưa kể, mà hay hay dở cũng là một khái niệm rất tương đối, nội cái
việc làm thơ mà không giấu diếm, mà kết bạn, mà tô vẻ lên mấy tờ
bích báo dán đầy tường, hoặc cặm cuội quay ronéo rồi đem biếu không,
phổ biến dù có giới hạn đã là một chuyện hết sức ... không thường.
Hơn nữa, thơ vượt ra ngoài giới hạn của nhóm, của địa phương để lan
tỏa ra khắp mọi miền đất nước càng là một
chuyện phi
thường hơn nữa. Nguyễn Tất Nhiên khi còn rất trẻ, là một người làm
thơ trong số người làm thơ phi thường đó.
Dĩ nhiên để
cho công bằng, hẵn phải nói rõ hơn chút xíu. Thơ Nguyễn Tất Nhiên, dù
hẵn là đã hay như ... thơ nhưng để cho được phổ biến rộng rãi đến
vậy, một phần cũng là nhờ công phổ nhạc của Nguyễn Đức Quang ngay
từ bài đầu tiên Vì tôi là linh mục rồi đến Phạm Duy, Anh Bằng và
vài nhạc sĩ khác. Nói vậy không có chút nghĩa gì là hạ giá thơ
Nguyễn Tất Nhiên xuống thứ bậc nào hết. Nói vậy để hiểu rõ hơn
tình cảnh của người làm thơ trong thời buổi loạn ly. Dĩ nhiên thơ phổ
nhạc mà hay thì điều kiện tiên quyết là thơ ... phải hay. Tiếng đàn
Bá Nha hẵn là phải đạt đến cung bậc thưởng ngoạn của Tử Kỳ mới
thành ra tri âm tri kỷ. Nhưng chuyện phổ biến lại là một chuyện khác.
Thử nghĩ coi, trong một xả hội đương hồi giặc giã, cái chuyện ngồi
nhẩn nha mở sách ra đọc, lật từng trang giấy in mà săm soi chữ nghĩa
lắm khi lại là một chuyện không dễ làm. Ngoài bưng biền thì đạn nổ
triền miên, người chết không kịp trăn trối. Trong phố xá thì biểu
ngữ, lựu đạn cay mờ mắt, người sống càng lúc càng lao đao. Chợ búa
thì giá cả leo thang bất kể làm mâm cơm càng lúc càng teo tóp ...
Người có ngồi yên thì lòng cũng chẳng yên mà thơ với thẩn. Sách báo
dẫu đầy tràn mà thời gian để nhẩn nha thưởng thức dường như cũng
hạn chế. Học trò ở quê lắm khi vừa học đêm vừa canh chừng nhào
xuống hầm trốn đạn pháo kích. Lính tráng ngoài mặt trận có khi
phải che đèn dưới phòng tuyến mà coi, chữ còn chữ mất. Thành ra, thơ
văn dẫu hay cách mấy cũng khó mà tìm người san sẻ. Tại vậy, mà
phương tiện truyền thông rộng rãi nhất là mấy cái ra-dô ra rả ngày
đêm. Mà ra-dô thì ít khi đọc thơ. Ra-dô thì phát nhạc nghe mệt nghĩ.
Ấy là chưa nói đến băng cát-sết bán đầy ngoài chợ trời mà người ta
thâu, sang nhạc “ vô tư” bất kể đến bản quyền tác giả. Từ đó, người
ta nghe nhạc bất cứ lúc nào và ở đâu. Học hành, tình tự, làm việc,
mua bán, hành quân, uống cà phê, nhậu nhẹt ... gì cũng có thể có
“phụ diễn tân nhạc” miễn phí.
Tại vậy mà
nói nhạc đã góp phần đem thơ Nguyễn Tất Nhiên đến với mọi người
rộng rãi hơn. Tại vậy mà gần như ai nấy cũng có lần biết qua cô ...
em-hiền-như-ma-soeur hay ông linh mục không-mặc-chiếc-áo-dòng. Kể ra thơ
với nhạc đã duyên nợ nhau từ tiền kiếp !
Từ những
bài thơ đầu tiên sau đó được in lại trong tập Thiên tai, hẵn là ai
cũng phải nhận rằng thơ có gì lạ lắm. Không lạ vì cái loại đề tài
chuyên khoa thất tình. Mà lạ vì những câu thơ giản dị, chữ nghĩa nhẹ
nhàng trơn tru gần như thoát ra tự nhiên ngoài cửa miệng. Không có
kiểu cách làm dáng, đua đòi. Vậy mà thấm lòng người còn hơn khăn tay
thấm nước mắt.
Thử đọc
lại đôi câu, hẵn là một trong những bài tình thứ nhất
Đôi mắt
tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn
anh rất... Bắc Kỳ
Anh vái trời
cho cô dễ dạy
Để anh đừng
uổng mớ tình si
Hay
Anh vái trời
cho cô dửng dưng
Coi như Hà
Nội - xứ hoang đường
Để anh còn
dắt cô đi dạo
Còn rủ cô
vào rạp cải lương
Thơ 7 chữ
vốn trịnh trọng mà tỏ tình nghe nhẹ hửng như nói chơi, nói chơi mà
ăn thiệt. Thi ảnh chẳng cần vay mượn đâu cho xa. Thi ảnh là cái trước
mắt, gần bên, nhan nhản ... Cái đáng nói là làm sao biến cho được
những thực thể loanh quanh, lắm khi gần như vô vị thành cái thi vị.
Còn rủ cô vào rạp cải lương. Những năm 60, 70 ở miền Nam khi mà người
ta còn đang dậm dựt với These boots are made for working với tiếng hát
của Nancy Sinatra hoặc nhún nhảy với Poupée de cire, poupée de son qua
cái giọng nhí nhảnh của cô nàng France Gall ... chưa kề đến nhạc rumba
boléro Việt Nam ê a không biết mệt từ đầu trên xuống tới xóm dưới ...
mà dám rủ rê người ta đi coi cải lương thì quả là bạo còn hơn bỏ vô
khu ... làm cách mạng. Có thể cũng do cái tánh ngang ngạnh ngược
đời. Hoặc một chút nghịch-ngợm-trửng-giỡn-con-nít. Đã gọi người ta
là cô em Bắc kỳ nho nhỏ, tóc “demi-garçon” mà rủ đi coi cải lương thì
cũng giống như kêu con gái lục tỉnh đi xem chèo cổ. Rủ rê mà làm như
chọc ghẹo xỏ xiêng không bằng. Ai mà hổng giận. Nhưng điều đó có nói
lên được gì không bản chất của cái loài gọi là ... thi sĩ. Muốn là
làm, bất kể. Và lắm khi, ngược đời.
Bài thơ làm
cho gái Bắc lại rặt cái giọng Nam kỳ. Trực tiếp, ngay bon chẳng thèm
vòng vo chi cho mệt. Mà dễ thương hết mức. Nếu được cho khen một
tiếng theo lối nói của mấy ông chuyên làm mai mối hồi xưa là ... không
có môi miếng. Ờ, nói thẳng, nói ngay, nói huỵch tẹt .. mà điều bộ
dễ lắm sao cái lối nói ... không rào trước đón sau. Chẳng biết, hồi
đó, bài thơ có làm xiêu lòng ai không chớ bây giờ đọc lại thấy mấy
câu tán tỉnh đó mới duyên dáng làm sao. Chữ nghĩa tuôn ra đâu như có
sẵn, chẳng cần phải moi óc nặn tim làm chi cho mệt. Người có thấy ra
sự chân thành trong chữ nghĩa đó chăng. Lời lẽ chân thành mà gây ra
xúc cảm đến vậy, há chẳng phải là thơ thì là gì ! Thơ làm cho
người đọc, nhất là cùng lứa tuổi học trò như thi sĩ, xúc cảm và
yêu thích vô cùng. Nhưng xui rủi ( hay may mắn ! ) là dường như người
trong cuộc chẳng mảy may xúc động. Có phải chính vì sự từ chối của
ai đó nên đời thấm thía thêm được hai năm tình lận đận, mới có
màng ta chạy vòng vòng quỳ té dưới chân người, đời mới
hoảng vía biết thêm có ông linh mục không mặc áo nhà dòng,
mà chỉ biết giảng lời tình nhân gian. Hổng phải sao . HL
Mencken có lần đã nói hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật
chính đã chết ngay từ chương đầu ! Nếu tình mà nồng thì làm gì đời
có những câu thơ tình lạnh ngắt như giọt mưa vở trên tượng đá.
Uổng lắm thay !
Có một bài
thơ làm đâu cũng khoảng đó, lúc vừa 19 tuổi, rồi được phổ nhạc làm
người ta mê mãi với âm khúc nhẹ nhàng, những nốt nhạc lên xuống trầm
bổng mà âm vực không quá cách biệt làm nghe ra như tiếng thì thầm
của những giọt mưa rớt trên tóc, trên vai, trên vạt áo dài ai đó ...
Bài hát Em hiền như ma soeur soạn từ bài thơ 5 chữ với cái tựa cụt
ngủn Ma soeur. Dì phước, bà phước hay chơi tiếng tây thẳng thừng
... ma soeur. Những danh xưng nghe rất quen tai mà gần gũi thì chừng như
không. Nhất là đối với đám con nít mới nứt mắt đã được gởi vào
nội trú trong các couvent hay khi phải vô nhà thương ... thí. Là lạ ở
bộ áo choàng phùng phình lớp trong lớp ngoài, lắm khi thêm cái mũ
trùm đầu với đôi cánh như sắp sửa bay lên trời ... Họ giấu mình trong
những nhà tu kín hay xốc vác việc đời trong những bệnh viện, những
viện mồ côi, những nhà dưởng lão ... Họ sống trong một thế giới
riêng, tách biệt khỏi những xáo động của cái đám đông lố nhố người
phàm mắt thịt. Và ít hay nhiều, tự dưng trong xả hội nẩy sinh ra một
khoảng cách. Cái khoảng cách giữa tội lỗi và thánh thiện, giữa địa
ngục và thiên đàng. Tự dưng rồi như có một cái gì làm e dè khi phải
xáp lại gần cái cõi người lẻ ra là thân thiện lắm. Vậy đó, tự
nhiên rồi cái thế giới đó trở thành gần như cấm kỵ, đứng xa mà
nhìn chớ có trà trộn mà ... vô đạo. Tín đồ, hay ngay cả người lương,
hẵn ai cũng có niềm tin như vậy.
Vậy mà, có
lúc có chuyện lạ xảy ra ... Người ta chắc có người rủa thầm, có người
cười khà. Nhưng thích hay không thích, hẵn đều không khỏi ngạc nhiên
khi có kẻ gọi người mình yêu là ... ma soeur ngon ơ, cái danh xưng vốn
dĩ mang tính cách tôn nghiêm. Trong chỗ riêng tư thì không nói gì. Đằng
này, giữa chỗ đông người ... Cái chuyện đem tình riêng xáp lại gần
chùa chiền hay nhà thờ không phải là hiếm. Khi Điệp tìm tới Lan ( **)
thì ni cô cắt đứt giây chuông. Khi hoa trắng thôi cài trên áo tím thì
anh làm chiến sĩ giữ quê hương ... giữ cả lầu chuông nóc giáo đường (
***). Vậy thôi, người ta đứng né né bên hông nhà thờ hay ngoài cổng
chùa. Chưa có ai xắn xả nhào vô tới trong cấm địa. Vậy mà, bỗng dưng
có người gọi đích danh người mình yêu, người mình si là ma-xơ. Gọi
mà không sợ phạm thánh. Quả là yêu thương hết dạ. Tuy nhiên gọi được
vậy rõ ràng là từ chí tình tới chí lý ! Đinh Hùng có lần cũng
tung hô quá mạng. Ta đặt em lên ngai thờ nữ sắc. Trong âm thầm chiêm ngưỡng
một làn da. Mà điều Kỳ nữ của Đinh Hùng nghe ra xa xôi quá. Xa như
cái thế giới mộng mị mộng hoài rồi cũng chỉ thấy chiêm bao. Đằng
này ma-xơ của Nguyễn Tất Nhiên gần gũi hơn nhiều, áo chùng trắng hay
xám, thánh giá đeo cổ ... là những hình tượng rất quen thuộc. Chỉ
có điều, dù có đó mà khoảng cách đạo đời đã bày ra đó. Vậy mà
Nguyễn Tất Nhiên dang tay ra cái một, bất kể luật đời luật đạo. Yêu
là vậy phải không ? Phá đổ hết mọi rào cản. Làm cho cái mộng của
thi sĩ gần xịt. Gần như trong một vói tay. Và thiệt. Thiệt như ...
thơ. Nói theo ngôn ngữ thời thượng, đó là một bước đột phá phải kể
là huê dạng.
Ðưa em về
dưới mưa
Nói năng
chi cũng thừa
Phất phơ đời
sương gió
Hồn mình gần
nhau chưa?
..........................
Hỡi em cười
vô tội
Ðeo thánh
giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều
sám hối
Tính nết vẫn
hoang đàng!
...........................
Em hiền
như ma soeur
Vết thương
ta bốn mùa
Trái tim
ta làm mủ
Ma soeur
này ma soeur
Thơ làm như
vậy hỏi những người mười bảy mười tám tuổi kể cả vừa đôi mươi
những năm 70 làm sao không thích. Thơ mềm như từng ngón tay vuốt lưng em
tóc dài ... Nghe ngọt xớt như nước-đá-chanh-đường và êm như tiếng ai
rúc rích sau lưng. Bởi vậy chắc cũng có hơn một người khó chịu nhưng
rồi chắc ai cũng nhoẻn miệng cười xòa. Thơ ... “ mi-nhon ” quá mà.
Phải không ?
Chính những
bài thơ tình đầu đó lúc mới 16 ? 17 ? Hay 18 tuổi ?, cái tuổi người
ta hay nói ăn-chưa-no-co-chưa-ấm mà lời lời đã như dao nhọn xoáy khoáy
vào mắt vào tai vào tim người đọc thơ. Dở lại hết mọi trang tình sử
từ xưa thiệt xưa đến nay thiệt nay, từ mấy ông Tàu tới mấy ông Tây
xuyên qua mấy ông Việt ta, có ai đã cả gan gọi người trong mộng - dù
là mộng vở- là ác quỷ, tay thủ dao găm ... Thất tình, người ta làm
thơ nỉ non, trách móc ... là chuyện dĩ nhiên. Và thường thì rất nương
tay với ... “ thủ phạm ”, thường giữ giọng tủi hờn biết thân biết
phận kể cả khi oán trách. Đằng này ... Nhưng xài tới những ẩn dụ
vừa cực kỳ mới mẻ, táo bạo đến độc đáo ... là chuyện không thường.
Người từ trăm năm. Về như dao nhọn. Ngọt ngào vết đâm. Ta chết âm thầm.
Gác qua bên cái chuyện tình cảm lằng nhằng, nói về thơ chính thị,
hẵn phải công nhận rằng người con trai mới lớn, tuổi còn trung học
mà thơ sáng tạo như chưa từng. Tính cách mâu thuẩn, nghịch đảo trong
ẩn dụ là thi pháp mới lạ gây ấn tượng sâu lắng đến tận niềm riêng
của người đọc. Nhất là người đọc còn non xèo như lá cỏ. Người làm
thơ thì tuổi đời còn quá trẻ mà tuổi thơ văn đã già gấp mấy tuổi
đời.
Thêm nữa,
một bài thơ khác mà hẵn lúc đó đã gây ít nhiều phiền phức. Và
chắc cũng đã làm cho hơn một người buồn lòng. Nhưng khoan ... Đọc lại
trọn bài thơ, nếu đoạn đầu có những câu có thể kết tội thì đoạn
sau có những câu đủ cho người xá tội. Thơ lắm. Thơ kể cả khi nhắc
lại mấy cái chuyện tầm xàm mà miệng đời hay rêu rao. Và thơ hơn nữa
khi tụng ca mối tình đã thất thoát của chính mình.
ta sẽ về
thương lại nhánh sông xưa
thương lại
bóng hình người năm năm trước...
em nhớ giữ
tính tình con gái Bắc
nhớ điêu ngoa
nhưng giả bộ ngoan hiền
nhớ dịu dàng
nhưng thâm ý khoe khoang
nhớ duyên
dáng, ngây thơ... mà xảo quyệt!
…………………..
nghe nói em vừa
thi rớt Luật
môi trâm anh
tàn héo nụ-xa-vời
mắt công nương
thầm khép mộng chân trời
xin tội nghiệp
lần đầu em thất vọng!
ta - thằng ôm
hận tú tài đôi
không biết
tìm ai mà kể lể
chim lớn thôi
đành cam rớt lệ
ngày ta buồn
thần thánh cũng thôi linh!
.....................
em chẳng
bao giờ rung động cũ
ta năm năm
nghiệt ngã với tình đầu
nên trở về
như một con sâu
lê chân mỏng
qua những tàn cây rậm
nuôi hy vọng
sau ngàn mưa nắng lậm
lá-xanh-em
chưa dấu lở loang nào
để ta còn
thi sĩ nhất loài sâu
nhìn lá
nõn, tiếc, thèm... đâu dám cắn!
nếu vì em
mà thiên tài chán sống
thì cũng
vì em ta ngại bước xa đời !
Bài thơ với
phong cách rất là chững chạc, chữ nghĩa trân trọng và thi ảnh hoa lệ
là một lời thú tội chân thành. Chân thành còn hơn Nguyễn Bính tại
vì yêu quá đấy mà thôi sau khi đã lên tiếng cấm đoán tình nhân đủ
thứ còn hơn cái đám độc tài đảng trị thời nay cấm dân ! Nghĩ đến
số tuổi lúc sáng tác mà giựt mình. Người như vậy, tánh tình như
vậy, vốn mơ mộng, phóng túng đến ngông nghênh mà xuống nước thủ thỉ
những lời tạ tình rất mực như vậy hỏi ai mà không vuốt giận cho
đành !!! Còn lời thú nhận nào dễ thương hơn nữa :
nếu vì em
mà thiên tài chán sống
thì cũng
vì em ta ngại bước xa đời !
Thì cũng
vì em ta ngại bước xa đời . Nghe ra như cả một bản tuyên ngôn để vinh
danh tình yêu vĩnh cữu dù đã bị tình vật đến xất bất xang bang hẵn
là còn nhiều lần hơn hai năm lận đận với tình yêu.
Đã hết đâu,
cõi thơ của Nguyễn Tất Nhiên mênh mông lắm. Đã đành, lúc đó còn bận
bịu với mấy cô yêu nữ tóc dài tóc ngắn, nhưng cái đầu vốn dĩ không
có biên giới thì thơ có biên giới nào đâu. Ngay cái lúc tuổi yêu đương
đang sung mãn, người thi sĩ ấy đã có những sắc mắc cao vời vợi và
sâu thăm thẳm về cái cõi người với thân phận làm dân nhược tiểu. Thử
đọc lại một bài thơ làm đâu vào khoảng 1971, năm 19 tuổi. Chiều
mệnh danh tổ quốc. Mặc dầu lo yêu đó, lo thất tình đó, lo đủ trăm
ngàn thứ lặt vặt của một người còn trong tuổi học trò, cái đầu
hẵn sống cõi trăng sao nhiều hơn cõi trần thế, vậy mà cái đầu đó
nghĩ ra tựa một bài thơ làm giựt mình. Chiều mệnh danh tổ
quốc. Lối dùng chữ đặt câu quả ư là sắc mắc. Thay vì “nhân danh”
như thói thường. Không ! “ Mệnh danh ” mới đúng độ. “ Mệnh danh”, dấu
nặng âm trắc trục trặc nghe ra như có gì ép uổng, lộ ra sự tiếm danh
( mạo danh) của cái-gọi-là-lý-tưởng, làm liên tưởng đến một sự lạm
dụng chữ nghĩa. Từ đó, thơ như một nụ cười nhếch mép, mỉa mai cái
sự-thật-phi-lý vẫn được rêu rao dù thơ không kết tội. Thơ chỉ phô bày
một sự thật hiển nhiên. Ở phía nào, thì nhân danh một lý tưởng, nhân
danh một chủ nghĩa để đòi hỏi một sự hy sinh đánh đổi bằng cái
chết cũng đều là vô lý. Bài thơ không cường điệu bằng những danh từ
rổn rảng. Hay thảm thiết. Bài thơ kể lể bằng một giọng điệu tự
nhiên như vô cảm. Vậy mà âm hưởng làm tiếc thương người trong cuộc,
thương lây sang cho cả một lứa trẻ bị bầm dập vì sự xúi biểu của
quyền lực ngoại bang và tham vọng mù tối của đám người cuồng tín.
Ai biểu thi sĩ nghĩa là ru với gió ! Không, người thi sĩ ấy.
Người yêu
tôi khóc ngất
Chiều quân
đội nghĩa trang
Rạt rào
hơi gió nóng
Cho đau tà
áo tang
...........................
Người yêu
tôi khóc ngất
Trước quan
tài sĩ quan
Trước hai
chàng lính đứng
Thao diễn
nghỉ lạnh lùng
.........................
Đọc tiếp
để thấy cái tinh tế của một kiểu đầu óc thường bị rêu rao là cứ lơ
mơ nơi những phương trời viễn mộng ...
Người yêu
tôi khóc ngất
Trung úy
thản nhiên cười
Lồng trong
khung ảnh đẹp
Dựng sau
bình bông tươi
Dự đám tang
một người lính tử trận, người thi sĩ chưa tới tuổi hai mươi nghe thấy
gì ngoài những hình ảnh quen thuộc trong bất cứ một đám tang lính
nào đã xảy ra trong suốt 7000 ngày đêm trên cái xứ sở khốn nạn của chúng
ta. Quan tài, vòng hoa, nhang khói, những vành khăn trắng, tiếng khóc,
tiếng kèn đồng ai oán v. v... Mọi thứ mà ai cũng thấy. Ở đây lại có
một thi ảnh độc đáo mà đã mấy ai nhận ra.
Người yêu
tôi khóc ngất.
Trung úy
thản nhiên cười.
Người yêu
tôi khóc ngất. Trung úy thản nhiên cười. Có thấy ra được sự tương
phản độc ác của một hoạt cảnh quen mắt đến gần như không còn làm ai
thấy lạ. Thân nhân của người chết khóc ngất. Nhưng trên di ảnh đặt
trước đầu quan tài thì hình người cười tươi. Đâu có ai chụp hình
người chết bao giờ. Cho nên khi đột ngột mất đi, người ta chỉ còn
cách lục tìm những tấm hình cũ, khi còn sống. Khổ nỗi, hình những
người chết trẻ được chụp lúc còn sống hẵn cũng trẻ trung làm gì
thiếu những nụ cươi đầy sức sống. Cho đến khi, chuyện xảy ra, giữa
khi cha mẹ em út bạn bè và góa phụ hay tình nhân khóc lóc thê thiết
thì người chết ... cười ! Nụ cười tương phản với tiếng khóc. Sao cả
hai xảy ra trước cùng một thảm cảnh. Sự mâu thuẩn làm ra cái bi đát
đến tột cùng, được thi hóa một cách thản nhiên như một ngọn gió
thoảng nhẹ qua vai mà ai dè thấm lạnh. Chính sự mẩn cảm tuyệt vời
của người làm thơ đã phát hiện ra cái nghiệt oan tưởng chừng vô
nghĩa đó.
..........................
Sự vinh
thăng bất ngờ
Là đem
theo nước mắt
Là danh dự
xót xa
Là một lần
đắp mặt
Một lá cờ
quốc gia
.............................
Chiều quân
đội nghĩa trang
Chiều mệnh
danh tổ quốc
Có muôn
ngàn câu kinh
Có muôn
ngàn tiếng khóc
Có chuyến
xe nhà binh
Đưa
"Thiên Thần" xuống đất
Còn ai,
còn ai chăng?
Mua cờ bằng
tính mệnh
Cho tôi đừng
biết tên
Cho tôi đừng
nhận diện
Cho tôi đừng
chứng kiến
Xác
"thiên thần" rã manh
Người yêu
tôi khóc ngất
Chiều quân
đội nghĩa trang
Vài dặm bụi
lang thang...
Cho tôi
đừng biết tên. Cho tôi đừng nhận diện. Cho tôi đừng chứng kiến ... là một tiếng kêu thương
bi phẩn, biểu lộ một thái độ nhân bản tuyệt vời. Không muốn nhìn,
không muốn thấy những tang thương. Mà có được đâu. Tiếng kêu xin trong
vô vọng. Cuộc chiến tranh đó là một tai họa mà mọi người đều có
phần. Vì vậy, tiếng kêu như một phản kháng bất lực, nghe tội nghiệp
làm sao, tâm hồn mềm như lá cỏ của những người mang mệnh thương vay !
Nhưng có phải vậy thôi đâu, người làm thơ còn đẩy tới chập choạng hư
vô, những cảm nghĩ sâu từ vô thức ...
Kể chuyện
đám tang, rạch ròi như một đoạn phim chiếu lại, với những suy nghĩ
cặn cùng để rồi kết luận ngon ơ với hình ảnh chẳng ăn nhằm gì hết
với dàn bài đã sẵn. Bài thơ dứt với câu áp chót coi như đã đủ ý.
Nhưng không. Còn thêm Vài dặm bụi lang thang. Như nói bâng quơ vậy. Mà
điều cạn tình cạn lý. Huyệt mộ lấp kín rồi. Nước mắt lau khô. Nỗi
buồn cất lại. Mọi người ra về. Cái còn lại ? Cái còn lại là ...
những hạt bụi lang thang bay dài theo chiều tối. Hạt bụi nhẹ lắm, mờ
lắm như có như không. Có phải đó là hình ảnh đích thực của mọi thứ
giá trị mà cuộc đời này đặt để cho con người. Từ gặp gỡ đến chia
ly, từ tiếng cười đến tiếng khóc, từ có đến không, rồi ra ... rốt
lại còn có gì đâu ngoài những nhúm bụi vật vờ. Triết gia !
Đọc thơ
Nguyễn Tất Nhiên, nhất là những bài thơ năm chữ, lắm khi tưởng như
không phải là thơ mà chính là ... thơ ... thứ thiệt. Bởi vì thơ là
luật là lệ, là câu cú vần điệu. Mà muốn có luật lệ thì phải suy
nghĩ, phải cắn bút, đôi khi phải vò đầu, phải ... phải ... Vũ Hoàng
Chương có lần than rằng phút-linh-cầu-mãi-không-về,
bâng-khuâng-giấy-trắng-chưa-hề-mực-đen. Dẫu chỉ là một cách nói,
nhưng ít hay nhiều cũng chứa nhiều phần trăm sự thật. Đằng này, đọc
thơ Nguyễn Tất Nhiên có cảm tưởng như thơ phát ra liền tù tì khi
người thơ làm thơ. Kiểu như mây thì bay, nước thì chảy, và Nguyễn Tất
Nhiên thì ... thơ. Vui cũng thơ mà buồn cũng thơ. Chẳng cần vò đầu
nặn óc, chẳng phải o ép vặn vẹo chữ nghĩa. Si tình cũng thơ mà
thất tình càng thơ. Đọc lên tưởng là dễ dàng lắm mà thơ không dễ
dãi chút nào. Không có chữ nghĩa bóng bẩy, càng không làm bộ làm
tịch ra vẻ bí hiểm triết lý cao siêu. Có điều cái bất thường đã ẩn
tàng trong cái rất mực bình thường. Hổng chừng nếu lấy biệt hiệu
là Hồn Nhiên cũng không có gì là sai chạy !!!
Hai năm
tình lận đận
Hai đứa
cùng xanh xao
Mùa đông,
hai đứa lạnh
Cùng thở
dài như nhau
Chuyện lở
dở không làm ai vui. Nhất là kiểu người-đó-ta-đây càng như chọc gheọ
thêm nỗi buồn.
Hai năm
tình lận đận
Hai đứa
đành xa nhau
Em vẫn còn
mắt liếc
Anh vẫn
còn nôn nao
Lời thơ đi
một mạch êm ru như một tiếng thở dài. Tưởng tình qua như một cơn gió
thoảng. Không. Người con trai ở đây nặng lòng hơn nhiều lắm. Bắt quàng
chuyện mình qua hình ảnh cây thánh giá trên nóc chuông nhà thờ là
một thú nhận tuyệt vời. Có phải muốn xác nhận tình yêu đã đóng
đinh mình lên thập giá, như Chúa bị đóng đinh trên đinh đồi Golgotha
mặc tình cho thiên hạ ném đá dập vùi. Dẫu vậy Chúa có than phiền
gì đâu. Chúa xuống trần là để cứu rỗi nhân gian. Như người tình chịu
thua nhưng vẫn sung sướng vì đã có lần tìm được tình yêu.
Anh bây giờ
có lẽ
Xin làm
người tình thua
Chuông nhà
thờ đổ mệt
Tượng Chúa
gầy hơn xưa
Chúa bây
giờ có lẽ
Rơi xuống
trần gian mưa
..........................
Anh bây
giờ có lẻ
Thiết tha
hơn tín đồ
Nguyện làm
cây thánh giá
Trên chót
đỉnh nhà thờ
Cô đơn
nhìn bụi bậm
Làm phân
bón rêu xanh
Làm phân
bón rêu xanh. Chỉ
xin làm phân bón cho rong rêu là thứ loài hạng bét. Ai nói sao không
biết. Chớ còn lời nguyện ở đây thì quả là thượng hạng. Làm sao
không thương cho đành !
Thơ đi sát
với cuộc đời nên đi thẳng vào lòng người ngon ơ. Thơ làm như ở với
người thơ đâu sẵn, như hơi thở, như nhịp tim, buồn vui giận hờn gì
cũng ra thơ ngay trong khoảnh khắc. Vì vậy mà lời thơ trong sáng, nhịp
thơ suông sẻ, tiếng thơ nhẹ nhàng, thanh thoát như tiếng nước suối róc
rách một buổi đầu xuân khi tuyết đang tan mà ngược lại nghĩa và ý
thì nặng trĩu như trời còn đông dưới mấy tầng tuyết phủ. Thơ ở đó
mà tình thơ cũng ở đó. Làm thơ như chơi nên người đọc cảm thấy ...
chơi vơi.
Lần theo
những bước đời rất mực chênh vênh của tuổi trẻ đa đoan. Đọc thêm đôi
dòng lục bát của Nguyễn Tất Nhiên, thể thơ làm thì dễ ợt mà hay
thì khó dàn trời. Đọc thêm để thấy cái tài hoa của người thơ mà
tuổi đời vừa chớm hai mươi. Bài Chuyến đò Cữu Long.
Đò qua
sông, chuyến đầu ngày
Người qua
sông, mặc áo dài suông eo
Sông hiền
sóng lạ lùng reo
Trời bao
la cũng nhìn theo... ái tình
Người qua
sông, qua một mình
Nắng trên
sông, nắng vàng hanh mái đầu
Xin em vài
sợi tóc nhầu
Trói thân
ta với nghìn sầu chung nơi
Mong em
gìn lấy ơn trời
Thấy quanh
năm, thấy ta đời tai ương!
Người qua
sông, mặc áo hường
Nắng dương
gian, nắng buồn hơn trước nhiều
Lục bát
không thèm theo nhịp chẳn như thói thường. Lục bát phóng túng, phá
cách như cái tuổi trẻ phá rào. Cấu trúc thơ lắt léo mà thơ nghe ra
suông sẻ, êm đềm. Hơi thơ lúc ngắt quảng, lúc xuôi liền một mạch kéo
theo mớ hình ảnh buổi sớm mai lóng lánh thứ nắng sớm mịn bâng trên
vạt áo hường nhan. Đò ngang qua sông có tượng trưng gì cho một sự ngăn
cách. Xử dụng điệp tự (để nhấn mạnh) mà âm vọng lại nhẹ hều. Người
qua sông, qua một mình. Nắng trên sông, nắng vàng hanh mái đầu. Cách
ngắt câu chẳn lẻ bất thường làm bài thơ trở nên sinh động, phá vở
cái cấu trúc quen mắt của lục bát, làm thay đổi hẵn tiết tấu quen
tai. Thay vì hoặc hai hoặc bốn, người làm thơ trẻ không ngần ngại cắt
nhịp ba-ba hay ba-năm. Nhịp lẻ gợi ra cái trắc trở của cuộc tình. Người
qua sông, mặc áo hường. Ngắt câu ba-ba tỏ vẻ dứt khoát, chấp nhận
chuyện lẻ đôi. Người qua sông, người đứng lại bên bờ. Đến câu tám,
ngắt câu ba-năm, làm thay đổi hẵn âm hưởng của thơ. Đang dứt khoát
bỗng nhùn nhằng. Dù chấp nhận nhưng làm sao không buồn. Nỗi buồn sẽ
kéo dài cho đến bao giờ ai biết. Nắng dương gian, nắng buồn hơn
trước nhiều. Thử đọc lên thành tiếng, tự nhiên chữ “ buồn”
-trầm bình thanh- phải hạ giọng xuống, thanh âm như lắng lại rồi ngân
dài ra, rồi cao giọng lên với chữ “ hơn ” -phù bình thanh- hiển hiện
cái lắt léo của tình cảm. Như xác nhận sẽ còn buồn lâu, buồn sâu,
buồn hoài, buồn dài dài ... Thơ điệu vầy ai vui cho nỗi. Có phải
trong cái buồn, thơ đã có cái đẹp tự thân.
Rồi lại
thêm cái áo dài suông eo. Trời, chữ nghĩa mới điệu làm sao
! Cái kiểu áo dài trắng của nữ sinh những năm 70, hai tà lất phất
mà eo thì thả lỏng, không chít cũng không thắt cho dáng đi ra vẻ
thõng thượt lụa mềm. Chữ “suông eo” quả là đắc địa. Suông eo vì eo
áo đã buông ra, mà buông ra là thả mặc tình cho gió thong thả lắt lay
càng ra chiều ẻo lả . Vậy mà sao hồi đó không ai nghĩ ra để cho
người con trai mới hai mươi tuổi đầu đã thành nhà ngữ học !
Kể ra cũng
đã đáng được ngả nón chào thua trong cái chợ thơ rất ư là bát nháo.
Tính ngưng rồi bỗng dưng lại nhớ quàng thêm một bài thơ tình khác.
Nhưng lần này là loại tình nước tình nhà nên chắc không làm ai giẫy
nẩy. Một bài thơ 7 chữ khi đã xa quê. Tình thơ hồn hậu như hàng cau
quê cũ, êm đềm như nước đọng dưới cầu ao, xa quê rồi còn vọng mãi
theo lòng. Nhớ nội.
Mưa nắng
hai mùa trên xứ nội
Vun trồng
từng luống mạ vồng khoai
Mấy dây trầu
"lẹt" tươi màu lá
Ôm ấp hàng
cau với tháng ngày
.................................
Từ lúc giặc
về, con biệt xứ
Nát lòng
chim quốc nhớ quê hương
Mấy thu
vàng úa đời xa cội
Chẳng biết
mộ phần nội có yên?
Mấy thu
vàng úa đời xa cội. Chẳng biết mộ phần nội có yên ? Trời ơi, ai cảm sao không
biết chớ bây giờ đọc lại mà muốn chảy nước mắt. Thơ về quê cũ nghe
sao mà êm dịu như muốn vuốt ve cái quê cũ đã bỏ đi. Hỏi mà chắc cũng
biết lòng người tàn tệ, sau cuộc tương tàn, cả những núm đất cũng
không yên thân. Ai nói thi sĩ chỉ lo chuyện trên trời. Chuyện dưới đất,
đã nói thay giùm cho bao nhiêu người hằng đau nỗi đau xa cha xa mẹ, bỏ
nước bỏ quê. Mà nói giùm bằng một giọng điệu hiền lành, âu yếm như
tiếng thủ thỉ giữa bà cháu, những ngày còn chung ấm lạnh.
Thơ còn
nhiều lắm. Có khi còn viết cả nhạc. Nhất là cả một dòng thơ sau năm
75, những năm còn kẹt lại ở đó và sau khi đã vượt thoát qua xứ
người, với những cảm hứng mới khi con tim đã thôi xốc nổi. Rất nhiều
những bài thơ có tựa cùng bắt đầu bằng chữ “ Tâm ... ”, làm như đang
dọn đường cho một hướng đi tĩnh lặng, tìm tới một cõi ít tị hiềm
hơn cái cõi nhân gian. Nhưng khổ nỗi, mấy khi kẻ tài hoa mà chịu hứa
tới bạc đầu !!! Cũng đành !
Mà thôi,
nói hoài cũng không hết chuyện. Đã hứa chỉ nhắc lại thơ tình ! Điều
cốt yếu là thơ tự lúc đầu đã hiển hiện rốt ráo tài hoa của một
thi nhân, thi nhân thứ thiệt không cần nhản hiệu.
“ Truyền
thuyết ” kể rằng : thi sĩ có yêu một người con gái- bạn đồng trường,
mà tình vô vọng nên tình hiển lộng thành thơ. Cái chuyện đó phải kể
là một chuyện rất thường-tình-ở-huyện. Trai gái mới lớn phải lòng
người khác phái rồi đem kể lể bằng văn xuôi hay văn vần thời nào
cũng có. Có người, vốn tánh e dè thì chép tay vô nhật ký rồi giấu
kín. Có kẻ gan dạ hơn thì nắn nót rồi gởi cho mấy tờ nhật trình
với một bút hiệu kêu như gió thoảng mây bay. Lắm khi được đăng trong
mục văn nghệ mầm non hay hoa thơm cỏ lạ gì đó, với hàng chữ nhắn
nhủ bài-lai- cảo-xin-đừng-gởi-cho-báo-khác. Có khi, thơ gởi đi rồi đi
luôn chẳng thấy hồi âm. Nhưng có sao, miễn là có dịp được trang trải
nỗi lòng ra giấy trắng mực đen sau khi đã không dám mở miệng nhắn nhe
gì hết với người trong cuộc. Cuộc tình chưa bồi đã lở coi như cũng
có phần nào giải tỏa. Vậy rồi thôi. Có khi thôi một cách ngang xương.
Cái mộng làm văn thi sĩ rồi cũng ngưng ngang. Trường hợp Nguyễn Tất
Nhiên thì lại khác. Người ta nói người thi sĩ ấy vì thất tình mà
làm thơ. Dường như không hẵn là vậy. Thất tình chỉ là cái cớ.
Nguyễn Tất Nhiên làm thơ ... thất tình vì Nguyễn Tất Nhiên là thi sĩ.
Thi sĩ. Tôi chắc người buồn từ một thuở. Đất trời còn dậy dáng
hoang sơ. Cõi trong chưa tỏ niềm trăn trở. Người đã buồn vui một cõi
mơ. Tôi biết người buồn tự bấy giờ. Mẹ cha vừa kịp nối duyên tơ.
Những tinh thể trắng còn dong ruổi. Người đã vùi thân một cõi thơ...
.............................
Có người kể
có khi trời trưa nắng chang chang mặc cái manteau mua ở khu Dân
sinh, mồ hôi nhễ nhại đạp xe chạy vòng vòng ... hay ra đứng sửng
giữa ngả tư đường, ngó trời ... (*)
Người ta
còn kể, lâu lắm rồi, Rimbaud làm thơ từ năm 15 tuổi, thơ như một thứ
tiên tri thấu thị và đời sống như một con tàu say. Le bateau ivre...
Người ta
còn kể tiếp, Van Gogh mà mỗi nét vẻ như một vết đau quằn quại ...
Người ta
còn nhắc đến Bùi Giáng còn-hai-con-mắt-nhớ-người-một-con ...
v. v ... và
v. v...
Nhưng có
cần không. Mỗi thi nhân là một thế giới riêng. Riêng với cái nghĩa
cực cùng của nó.
Từ bài thơ
Tình tuyệt vọng Sonnet d’ Arvers mà Khái Hưng dịch ra lục bát Tình
tuyệt vọng, nỗi thảm sầu. Mà người gieo thảm như hầu không hay cũng
đã có không biết bao nhiêu thơ tình lỡ, tình trễ, tình buồn, tình
hận ... nhưng phải nói dường như không có thơ tình lụy nào dễ thương,
dễ mến, dễ yêu, dễ nhớ, dễ chịu ... và dễ dàng cho bằng thơ tình
của Nguyễn Tất Nhiên. Những câu thơ tình để tán tỉnh hay thở than nghe
ra đều hồn nhiên, nhẹ nhỏm như lời thủ thỉ của gió mát với trăng
thanh, của hoa xuân với ong bướm, của những cặp tình nhân kiểu Paul et
Virginie. Platino amor.
Những năm
cuối cùng sống ở Cali, xứ Mỹ, nơi có rất nhiều người Việt sống,
hẵn là không thiếu người mến mộ cũng như ghét bỏ. Hẵn dường như đã
có một chọn lựa. Minh khúc 2. Khi mà, dòng đã xa sông, thì trăng vẫn
chiếu buồn trong tháng ngày. Khi mà chim đã xa bay, thì cây vẫn
trái tình hoài trông mong. Khi mà mồ cỏ thu đông, thì xuân xanh vẫn
phượng hồng hè xưa. Để sau cùng, chọn cái chết tự ý, có phải
là lời đáp trả sòng phẳng cho mọi tiếng đời dị nghị. Là cách hoàn
trả cả vốn lẫn lời cho thứ ân phước độc dược mà mạng số đã dành
riêng. Tài thơ đó, loài thi sĩ đó ngay cả giữa vinh quang, muôn đời
rồi vẫn cô đơn, lầm lũi đi giữa thế gian. Ai hiểu, ai san sẻ hạnh
phúc, ai sớt bớt tai ương. Hay chỉ toàn ngộ nhận. Những ngộ nhận vốn
dĩ là bản chất của cuộc đời. Cười khóc với thế nhân nhưng rồi giữa
trùng trùng nhân thế ai là kẻ san sẻ cho hết được những khúc nhôi
trong cùng tận của lòng riêng. Người đã đẩy hồn thơ tới tận cùng
biên giới của mộng và thực, của thiên đường và địa ng̣ục, của yêu
thương và ghét bỏ, của thiên tài và điên loạn.
Phần số
của thi sĩ có phải đã từ tiền định. Sẵn rồi. Sẵn đâu từ khi mới
phôi thai. Sẵn đâu từ khi người dân thành Athène tuyên bản án chung
thẩm cho loài thi sĩ : Hãy đội cho họ vòng nguyệt quế rồi đuổi họ
ra khỏi thành phố.
Còn lời
kết án nào hùng biện hơn nữa cho cái loài thi sĩ, những người được
sinh ra để làm đẹp cho đời. Và làm khổ cho chính mình. Như có lần,
chính người thi sĩ ấy đã nói :
Ta phải khổ
cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề
cho tóc bạc với thời gian
Còn lời tự
thú nào khinh bạc hơn nữa, người thi sĩ ấy ...
Cao vị khanh
(*) Thái
Thụy Vi ?
(**) Truyện
Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan.
Lan và
Điệp, tuồng cải lương của Trần Hữu Trang
Chuyện tình
Lan và Điếp, nhạc của Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng ...
(***) Hoa
trắng thôi cài trên áo tim, thơ củ a Kiên Giang
No comments:
Post a Comment