_____________________
Nhà quàn thật là thâm thúy. Đầu tháng mười, đầu mùa Thu, thời tiết dịu dàng lại, mây gió hiu hiu làm người ta dễ chạnh lòng liên tưởng đến mùa Thu cuộc đời. Chắc người tham dự sẽ đông lắm. Anh chị Bông cũng sẽ đi tham dự. Hai vợ chồng từ bấy lâu nay vẫn muốn chu tất cho “căn nhà” cuối cùng của cuộc đời mình, mà ai cũng cần phải có, không muốn cũng không xong.
Năm giờ chiều chủ nhật anh chị Bông đến nhà hàng Thiên Thai đã thấy khá đông người, nhìn quanh hầu hết toàn là những ông bà tuổi chiều tà. Có vài người trẻ trẻ chắc là đi tham dự để “mua nhà” cho cha mẹ già hay người đau bệnh quỹ thời gian không còn là bao. Anh chị Bông ngồi vào một bàn với những người xa lạ, Các bà “chiều tà” nhưng ai cũng ăn diện và trang điểm tươi như hoa, cứ tưởng như các bà đang đi ăn đám cưới hay sinh nhật bạn bè. Mua mộ phần là để đấy và ai cũng ước mơ mình sống lâu trăm tuổi. Người ta nói chuyện với nhau về nhà cửa con cháu, về tuổi già và cái chết. Mọi người đồng quan điểm mình lo trước hậu sự là đỡ phiền cho con cháu sau này. Anh chị Bông thì nói với nhau chuyến này chắc sẽ mua hậu sự với giá rẻ đây.
Tiệc tàn anh chị Bông ra lấy hẹn với chị Tiên, một nhân viên nhà quàn. Hẹn nhau đi xem đất nghĩa trang vào ngày mai.
Từ ngày sang định cư ở Mỹ gia đình chị Bông đã mấy lần dọn nhà và hai lần mua nhà. Chị Bông vốn nhát gan sợ ma, tiêu chuẩn khi đi thuê nhà hay mua nhà ngoài chuyện gần chợ búa, điều quan trọng nhất là phải ở chốn sáng sủa đông vui, mặc dù chị Bông luôn cảm xúc thích thú với những cảnh vắng vẻ hoang sơ, bóng cây thâm u, đường dài cô quạnh, sông nước đìu hiu… Căn nhà đầu tiên chị Bông mua nằm đối diện một trường tiểu học, sáng trưa chiều người ta chở con đến và đón con về thật đông đúc nhộn nhịp, dù hàng ngày chị Bông phải hứng chịu cảnh kẹt xe ngay trước cửa nhà, nhưng nhìn lũ học trò giờ ra chơi chạy đùa vui vẻ, giờ tan học chúng tung tăng ra về là chị yên tâm và vui lây.
Vài năm sau chị Bông muốn đổi nhà khác rộng rãi hơn. Lần này anh Bông lại phải chiều theo vợ, căn nhà chị Bông chọn phía sau có một khu apartment lớn. Chị Bông đã sang tận nơi xem khu apartment ấy, số người thuê đông, trẻ con chạy chơi trong các sân cỏ apartment náo nhiệt chẳng thua kém gì khu trường tiểu học của căn nhà trước .
Mỗi lần ra vườn sau ngắm hoa lá cành xong chị Bông đều nhìn qua khe hở hàng rào, phóng tầm mắt sang khu apartment và hài lòng lúc thấy có kẻ đi người lại. thỉnh thoảng còn có xe police lượn qua lượn lại và có khi nửa đêm nằm bên nhà chị Bông còn nghe tiếng còi xe cảnh sát hú bên kia. Đôi lúc cao hứng chị Bông ước gì được trở lại cái thuở đi thuê mướn nhà chị sẽ chọn nơi “lý tưởng” này, dù nó “lu bu” thế nào nhưng đông vui là chị Bông thích rồi. Hàng xóm của chị Bông nhiều người Mễ, mà gia đình Mễ vốn truyền thống ở chung nhiều người, nhà nào cũng xe cộ đậu tràn lan từ trước cửa và tràn xuống lề đường.
Thế là căn nhà chị Bông được ưu ái bao quanh bằng các hàng xóm Mễ và hàng xóm khu apartment. Hết nghe nhạc tiếng Spanish phía trước thì có nhạc giật gào thét của mấy chú mấy cô Mỹ đen phía sau. Chưa kể thỉnh thoảng còn được nghe những tiếng cãi nhau từ apartment, giọng Mỹ đen thật tốt, âm thanh sang sảng vượt khoảng cách không gian, vượt hàng rào gỗ vọng sang nhà chị Bông. Vui lắm.
*
Trưa thứ hai anh chị Bông đến nhà quàn Mây Chiều gặp chị Tiên. Nhà quàn này anh chị Bông đã đến vài lần thăm viếng tiễn đưa người quá cố nên chẳng xa lạ gì. Nhưng bước chân vào chốn này chị Bông luôn cảm giác ớn lạnh với tông màu nâu của nhà quàn, từ cánh cửa, bàn ghế đến những bức tranh treo tường. Những thứ không biết nói đã đành mà cả mấy nhân viên tiếp khách, hình như cũng ít nói, họ lịch sự từ tốn, đi đứng và ăn nói nhẹ nhàng làm như sợ…đánh thức những hồn ma đang nằm trong nhà quàn hay đang yên nghỉ trong nghĩa trang rộng lớn ngoài kia, quanh nhà quàn này.
Vợ chồng chị Bông được mời vào một phòng tiếp khách, đi qua hai hành lang hẹp im ắng chị Tiên cẩn thận dặn dò coi chừng va đầu vào một cái kệ ở góc tường. Lời dặn không thừa vì chị Bông trông thấy một quan tài mở sẵn trong một căn phòng mở cửa nên vội vã đâm sầm bước nhanh. Chị Tiên thấy và trấn an:
– Chị đừng sợ. Quan tài trưng bày cho khách xem ấy mà, không có xác người nằm trong ấy đâu.
Chị Bông run sợ mà vẫn tò mò:
– Khiếp quá, sao lại để quan tài trong phòng khách. Thế chị làm ở nhà quàn có… thấy ma bao giờ chưa?
– Ma thì chưa thấy hình bóng nó ra sao nhưng có thấy hiện tượng ma rồi. Tôi thường làm việc ở nhà quàn đến 7 giờ chiều mới về, có một buổi chiều muộn tôi đang say sưa làm cho xong một số việc tồn đọng bỗng nghe tiếng trẻ con cười nói ngoài cửa. Tôi nói vọng ra “các cháu đừng làm ầm ĩ quá nhé” thì chúng im ngay. Tôi nghĩ chắc cha mẹ chúng đang cầu kinh bên phòng chapel nên chúng chạy ra ngoài chơi. Lại nghe tiếng trẻ con cười nói khúc khích, tôi lại nhắc nhở cho chúng im. Nhưng đến lần thứ ba nghe tiếng chúng cười nói nữa tôi không kiên nhẫn chịu trận vì không thể làm việc được, liền mở cửa ra ngoài thì không gian hành lang vắng tanh, chẳng thấy một đứa trẻ con nào và tôi bước sang phòng chapel mới biết nãy giờ chẳng có ai trong ấy. Tôi hoảng sợ vội cuốn gói ra về ngay lập tức dù công việc còn dở dang…
Chị Bông rùng mình:
\– Ma trẻ con đấy, chúng nghịch ngợm dọa nát chị ngay trước cửa phòng làm việc.
– Ừ, từ ngày ấy là tôi đổi giờ giấc làm việc, ra về sớm từ 5 giờ chiều. Vào mùa Thu và mùa đông chiều tối rất nhanh, tôi cũng rời khỏi nhà quàn… rất nhanh.
Chị Tiên sẵn đà kể tiếp:
– Làm ở nhà quàn 15 năm nhưng tôi ít khi dùng restroom trong nhà quàn, mỗi lần cần là tôi chạy sang tiệm 7-Eleven bên kia đường gần nhà quàn để đi nhờ. Có lần một nhân viên nhà quàn vào restroom và cô ta thất thanh chạy bay ra ngoài hét to lên “Có Ma”. Khi cô vào cuộn giấy toilet tissue trong restroom không người mà vẫn đang tự động rolling thả một đống giấy xuống sàn nhà.
Chị Bông tò mò hỏi thêm:
– Thế những nhân viên khác có sợ ma không chị?
Hầu hết ai cũng yếu bóng vía khi làm trong nhà quàn, thế nên chỉ một thời gian ngắn là họ thôi việc, nhà quàn phải thường xuyên tuyển nhân viên là thế. Mấy nhân viên chúng tôi bảo nhau khi làm việc một mình trong phòng nên mở nhạc cho có âm thanh, có tiếng động, vì hồn ma chỉ hiện về nơi vắng vẻ, im ắng. Thế là từ đó tôi luôn mở nhạc khi làm việc.
– Vậy chị vừa làm việc vừa tha hồ nghe nhạc tình Bolero.
Chị Tiên dãy nảy lên:
– Ấy chết. Ngồi một mình nghe nhạc Bolero thở than ảo não. Thí dụ như Chế Linh ai oán rên rỉ “Nếu mai anh chết em có buồn không?” Hay “Đáp mộ cuộc tình” thì càng rùng rợn hơn. Bởi thế tôi toàn mở nhạc kích động huyên náo dù chẳng thích nghe loại nhạc này bao giờ.
Chị Bông khen:
– Chị Tiên thật can đảm khi làm việc cho nhà quàn. Tôi thà thất nghiệp ăn mì gói chứ không đi làm nhà quàn đâu.
– Cô nhân viên trang điểm xác chết mới can đảm gan dạ chị ạ, cô ta làm việc một mình trong phòng với mấy xác chết, trang điểm người này xong đến người kia. Cô cận kề, sát mặt với mặt người chết để đi từng màu sắc phấn son cho khuôn mặt tái nhợt, thâm tím hay méo mó, sứt mẻ biến dạng vì bệnh hoạn vì tai nạn được trở về bình thường và tươi tắn lại.
– Chị ơi, thí dụ ai mà bảo tôi ngủ chỉ một đêm trong bất cứ căn phòng nào của nhà quàn, sáng ra cho tôi 100 ngàn đồng tôi cũng từ chối ngay lập tức.
Anh Bông nghe chuyện nãy giờ mới lên tiếng nhắc nhở vợ:
– Không ai thừa thì giờ và thừa tiền để thách đố bà như thế đâu. Chúng ta đi mua đất huyệt mà bà làm như đi phỏng vấn chị Tiên chuyện rùng rợn ở nhà quàn.
Chị Tiên vội trở về với công việc:
– Nào mời anh chị ra ngoài đợi tôi lấy xe đưa anh chị đi một vòng nhìn tận mắt nghĩa trang rộng lớn của chúng tôi trước khi anh chị chọn mảnh đất nào.
Chị Tiên lái xe chiếc xe màu đen của nhà quàn đưa khách đi một vòng quanh nghĩa trang, giới thiệu những khu đất trống chưa chôn và những khu mồ mả đã chôn. Chôn kiểu hỏa táng an táng và lần đầu tiên chị Bông nghe đến kiểu chôn nổi trên mặt đất. Khi chết cũng mỗi người mỗi ý thích không ai giống ai.
Anh chị Bông đang đứng trước một khoảnh đất mới bên cạnh một bóng cây khá to cao, đối diện bên kia là dãy hàng rào gỗ sân sau của khu nhà cư dân, khu nhà có lầu kiểu dáng khá đẹp sang.
Không biết mặt mũi chủ nhân những căn nhà sát khu nghĩa trang nhưng chị Bông cũng thầm khâm phục và ngưỡng mộ họ đã dám mua nhà nơi này, từ cửa sổ lầu nhìn sang hay chỉ cách một hàng rào gỗ với vài chục bước chân là hàng xóm của họ, những mồ mả hàng hàng dãy dãy .
Chị sẽ chọn nơi này, có người sống ở gần là có sự đông vui
Anh Bông hiểu ý vợ:
– Mua “căn nhà” cuối cùng bà cũng chọn chốn đông vui.
Chị Bông thở dài:
– Cho dù lúc ấy em có tiêu diêu miền cực lạc nhưng em vẫn sợ vắng vẻ cô đơn.
Chọn xong đất vợ chồng chị Bông lại lên xe theo chị Tiên trở lại văn phòng để làm giấy tờ. Thấy một chiếc xe rác nhỏ đậu trong một lô đất nghĩa trang, hai người công nhân đang nhặt hoa trên từng ngôi mộ vứt vào thùng rác gần đó. Chị Bông hỏi và chị Tiên giải đáp:
– Mỗi năm hai lần vào đầu tháng Tư và đầu tháng Mười nghĩa trang lại vứt bỏ hoa cũ trên mộ. Thân nhân biết trước hoặc lấy hoa về hoặc lại mua hoa mới đặt lên mộ cho sáu tháng kế tiếp. Hoa trên mộ cho vui lòng người dưới mộ và vui mắt người sống. Dĩ nhiên là hoa nhựa để chịu đựng thời tiết nắng mưa.
Vào văn phòng chị Tiên liệt kê giá cả đất đai, bia mộ và hàng chục thứ khác mới thấy bao nhiêu thứ tốn kém từ nhỏ nhặt nhất nhà quàn cũng đều tính vào người chết với giá đắt hơn ngoài chợ. Mang tiếng là được giảm 20% nhưng giá thành vẫn cao, giảm giá chỉ là cách quảng cáo chào hàng để thu hút khách hàng mà thôi. Hèn gì chủ nhà quàn nào cũng giàu có.
Đời người chỉ một lần chết mấy ai tính toán thiệt hơn, biết là đắt cũng đành chấp nhận.
Chị Bông hỏi chị Tiên:
– Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, ngày mai ngày kia nhưng cũng có thể một hai chục năm nữa. Nếu lúc ấy nhà quàn Mây Chiều đã chật kín và đóng cửa thì tôi có mất “nhà” không? Tôi nghe nói khi nghĩa trang đã kín hết chỗ thì chủ nghĩa trang sẽ giao cho thành phố quản lý. Nghĩa trang thuộc về thành phố, thành phố cắt cỏ chăm sóc nghĩa trang như chăm sóc cảnh quan đường xá.
Chị Tiên khẳng định:
– Đúng thế. Nhưng mấy chục năm nữa nhà quàn Mây Chiều vẫn còn đất chôn, vẫn hoạt động và… chờ anh chị.
– Tôi thấy nhà quàn “Greenwood” trong thành phố này vừa đóng cửa nên lo xa thế thôi.
Anh Bông góp ý:
– Chắc họ đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả. Nhà quàn Mây Chiều vừa to lớn vừa khôn khéo, họ quan tâm đến cộng đồng rộng lớn của người Việt Nam ở đây nên đã thuê mướn nhân viên người Việt như chị Tiên để thu hút khách hàng Việt và họ đã thành công.
Giấy tờ giá cả xong xuôi anh chị Bông ra về sau khi đã hẹn ngày gặp chị Tiên lần nữa để trả tiền.
Nếu trả góp thì phân lời là 2 chấm. Anh chị Bông không muốn đến cuối đời còn “trả góp” làm giàu cho chủ nợ nên sẽ trả tiền mặt.
Hai vợ chồng ra xe chị Bông than thở:
– Mình mua nhà mấy lần, lần nào em cũng vui thích khi được đi xem nhà và chờ mong ngày dọn vào, nhưng lần mua “nhà” cuối cùng của chúng ta thì trái lại em chẳng tha thiết gì mà thấy lòng nao nao buồn.
– Bà buồn vì tiếc tiền phải không? Món tiền mua căn nhà cuối cùng cũng bằng tiền mua căn nhà đầu tiên của chúng ta khi mới đến Mỹ đấy.
Chị Bông trầm tư:
– Cũng tiếc tiền nhưng chỉ là chuyện nhỏ. Em đang nghĩ đến căn nhà hiện thời của chúng ta, cái phòng ngủ rộng thênh thang, cái phòng tắm sạch sẽ sáng láng… Em nghĩ đến khu vườn sau đầy hoa hồng vào mùa hè, mùa thu, nghĩ đến patio chiếc chuông gió đong đưa. Căn nhà em đã ưng ý với hàng xóm xung quanh. Vậy mà cũng chỉ là nơi ở tạm, rồi một ngày nào đó em sẽ từ giã nó để dọn vào căn nhà… cuối cùng này.
Anh Bông vụng về chia sẻ:
– Người ta ở lâu đài, biệt thự rồi cũng lìa đời, cũng bỏ nhà cửa ra đi. Bà tiếc gì căn nhà quèn của chúng ta.
Anh Bông lái xe từ từ trong nghĩa trang để hai vợ chồng cùng nhìn ngắm nơi chốn mà một ngày nào đó hai vợ chồng sẽ gởi nắm xương tàn. Nhìn những dãy mộ, mộ bia nằm, mộ bia đứng, mộ cao, mộ thấp. Họ là ai, bao nhiêu tuổi, thành phần giàu nghèo sang hèn thế nào chị Bông làm sao biết được. Nhưng chị biết chắc một điều họ sẽ là hàng xóm trăm năm của chị. Chị Bông lại thấy từ xa hai anh công nhân vẫn đang nhặt hoa trên mộ vứt vào thùng rác. Rồi chị Bông sẽ vào ở đây, “căn nhà” cuối cùng chị vừa mua xong. Ngày nào đó không phải như những lần dọn vào nhà mới như trước kia chị đã từng hớn hở vui tươi, lần cuối cùng này chị sẽ không tự dọn vào được. Ai sẽ đưa chị vào nhà? và trên nấm mộ ai sẽ đặt cho chị bó hoa?
Họ có nhớ mỗi chu kỳ 6 tháng nhà quàn sẽ dọn dẹp hoa cũ và có ai sẽ mua hoa mới đặt lên mộ, lên trước cửa căn nhà vĩnh cửu của chị không?
– Nguyễn Thị Thanh Dương.
Nguồn: Việt Báo
No comments:
Post a Comment