NGUYỄN NGỌC HOÀNG
Rồi mùa đông cũng chầm chậm đi qua,
mang theo những cơn gió lạnh sắt se thấu thịt da người. Có buổi sáng đầy nắng,
trời hanh hanh mùi cành non chồi lộc. Những ngày đầu mùa xuân thành phố tôi ở
cũng e ấp, bẽn lẽn như người con gái mới lớn. Bốn mùa cứ tuần hoàn quy luật,
nhưng mùa xuân năm nay đâu còn hương vị của mùa xuân năm trước. Những cơn gió
cuối đông trở ngọn, khiến lòng chúng ta chùng lại với bao ý niệm của sự sống và
cái chết thật vô thường. Ở một lứa tuổi nào đó, ngày mai chỉ là sự nối tiếp của
hôm nay và trừ đi khoảng thời gian vật lý. Hầu hết trên các trang Blogs có nhiều
phân ưu, có nhiều hình ảnh tiếc thương cho những người thân yêu ra đi vĩnh viễn?
Đề cập đến không phải là tiêu cực, bi quan mà để nhận được lẽ vô thường, quy luật
tất nhiên của kiếp người. Mùa xuân tiếp nối một mùa đông gió rét qua đi và đưa
tay đón mùa hè trước mặt. Vài hôm trước có cô bạn năm xưa, "rất xưa"
gửi điện thư nhắc tôi một nơi chốn, một kỷ niệm tươi đẹp của tuổi đôi mươi. Trường
nữ trung học Gia Long, mấy xe bán bò bía ở chùa Xá Lợi và một nhà thơ: Bùi
Giáng.
"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía
sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng..." (*)
Hình ảnh chùa Xá Lợi, Sài Gòn trước
1975
Có thể nói khi nhắc đến trường nữ
trung học Gia Long, mà không nhắc đến dãy xe bán bò bía dọc theo phía trước và
bên hông chùa Xá Lợi là một thiếu xót lớn. Ngọc Nhung là em gái của Phạm Chí
Trung, người bạn thời đại học của tôi. Trung học khoa sử địa và có giọng hát thật
trầm ấm, ngọt ngào trong những ca khúc trữ tình của Phạm Duy và Vũ Thành An.
Mái tóc bồng bềnh, nụ cười thật tươi cùng giọng hát trời phú, Trung luôn thu
hút các người đẹp quanh mình. Quen nhau trong các đêm văn nghệ không ngủ, trình
diễn liên trường tôi thường ghé nhà Trung để nghe tập hát. Nhiều lần Trung nhờ
tôi đi đón cô em gái đang học lớp 12 trường
nữ trung học Gia Long. Nhà hai anh em Trung ở đường Yên Đỗ, góc cuối Trương
Minh Giảng, nên Nhung đạp xe đến trường cũng khá xa. Có lúc trời mưa, dậy trễ
cô nàng phải lặn lội đón chuyến xe lam đi học. Và đây chính là lý do tôi được
thay Trung đi đón cô em gái của bạn. Ngày đó không có điện thoại di động, nên cũng
hên xui may rủi, khi đi đón được khi về không. Ngọc Nhung dáng người hơi ốm và
rất cao. "Nhất dáng, nhì da", Nhung có đủ hai thứ. Với một chiều cao
vượt trội nên rất dễ dàng nhận ra Nhung trong đám đông những trưa tan học.
Không như anh mình, Trung hơi ngâm ngâm còn Nhung thì ngược lại, nước da trắng
mịn đến thấy cả chỉ máu trên má. Tôi vốn đã nhát gái nay lại càng có nhiều mặc
cảm khi đi bên cạnh nàng, cứ như hình ảnh một "chàng ngốc bán than".
Năm đó Ngọc Nhung được chọn làm "đoàn quân nữ vương" diễn hành trong
dịp lễ Hai Bà Trưng (do hai trường nữ trung học Gia Long và Trưng Vương Sài Gòn
tổ chức).
Bò bía, tôi nhớ chỉ là củ sắm xào, lạp
xưởng cắt mỏng, đậu phộng rang giả nhỏ rồi cuốn với bánh tráng rau râm, ăn với
tương ngọt và tương ớt. Vậy mà không hiểu sao các cô nữ sinh Gia Long và mấy
chàng "đứng cổng trồng cây si" ghiền đến như vậy? Dĩ nhiên là trong
đó có cả tôi. Khối lớp 11, 12 hoc buổi sáng và khối lớp 10 buổi chiều. Nên trưa
nào, nhất là có mưa lâm râm đói bụng mà gặp mấy cuốn bò bía, ăn với người đẹp
thì ngon, hương vị để đời. Các bạn đừng tưởng người đẹp là "thực như miêu"
đâu nghen. Nhung ăn uống tự nhiên như người Sài Gòn. Hai dĩa bò bía, dĩa 2 cuốn,
nàng chỉ liếm môi là hết sạch và còn chê tôi "con trai gì mà ăn như mèo,
thua cả con gái!". Vậy đã xong đâu, sau hai dĩa bò bía nàng còn gọi thêm
ly chè đậu đỏ bánh lọt nước đá bàu, trước khi từ giã cổng chùa Xá Lợi! Mãi những
mai sau, tôi vẫn chưa quen ăn vặt, nhưng gặp toàn là những tay ăn vặt có hạng.
Đi chơi hay ở nhà bà xã có thể vặt vãnh mọi thứ trừ cơm, đến cả mấy ngày. Thuộc
dòng "hai lúa", tôi thiếu cơm một ngày là tinh thần xuống cấp, phải
mau chóng tìm cho bằng được chén cơm.
Hình ảnh dĩa bò bía và nước chấm
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng
thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời
Nhiệm (?), thì gặp một "cái
bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn
đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người
say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con
chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi
tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ
sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. Tôi
đã nhiều lần gặp Bùi Giáng đi lang thang trong thành phố, như một hành khất
giang hồ với vài ba chú chó. Nhưng chỉ biết kính trọng, thương cảm nhìn ngắm từ
xa. Và chừng như cả nhân viên công lực, dân chúng thành phố Sài Gòn đều biết đó
là Bùi Giáng. Không ai trêu ghẹo, cũng không ai làm khó dễ gì ông. Nhưng lần này lại khác, ông cầm gậy kéo hai
con chó đi thẳng đến chiếc bàn thấp của Nhung và tôi. Hai đứa vội đứng dậy, ông
ngồi xuống ghế và nói với Nhung:
- "Thưa ái khanh, trẫm đói bụng...",
rồi ông cầm mấy cuốn bò bía còn lại, chấm tương ăn ngon lành.
Chuyện ngàn năm một thuở, tôi vội
mua thêm hai dĩa bò bía, một ly chè đậu đỏ bánh lọt và cùng Nhung ngồi xuống ăn
với ông. Vừa ăn, ông vừa xé cuốn bò bía cho hai con chó cùng ăn. Đôi mắt sáng,
tinh anh của ông phía sau chiếc kiếng cận dày cộm, buột dây thung đủ màu tạo một
thần sắc thật đặc biệt, dị thường. Không thể nói ông già, cũng không thể nói
ông trẻ, chỉ có thể nói đó là thi sĩ Bùi Giáng. Một Bùi Giáng ở giữa chúng ta.
Một trích tiên ha xuống đời thường để thành Bùi Giáng. Lúc ăn uống ông không hề
nói câu nào. Cho đến lúc ăn xong, ông ngước nhìn Nhung:
- "Ái khanh có thuốc hút không,
cho trẫm xin một điếu"!
Tôi móc gói thuốc Marlboro trong túi
mời ông. Quả thật, ông chẳng hề để ý đến
sự có mặt của tôi mà chỉ nhìn Nhung chờ đợi. Tôi đưa gói thuốc cho nàng. Rõ
ràng chỉ có Nhung là gây được sự chú ý và khiến nhà thơ đầm thắm, tỉnh táo lại.
Nàng đưa gói thuốc, ông lắc đầu và chỉ lấy một điếu. Ông hút thuốc thật chậm
rãi, trầm tư và dường như có thần sắc hơn? Có nhiều nữ sinh, người đi đường hiếu
kỳ đứng vây chung quanh chúng tôi. Sau khi hút hết điếu thuốc, ông đứng lên chấp
hai tay xá tạ Ngọc Nhung:
- "Cảm tạ... cảm tạ ái khanh!
Trẫm xin chào, xin chào..."!
Rồi ông ngẩng cao đầu, kéo hai con chó vừa đi vừa vẫy tay không nhìn lại. Hình như ông nói lẩm bẩm gì đó, cả tôi và Nhung đều nghe không rõ. Nhìn dáng dấp gầy ốm, liêu xiêu của ông với hai con chó, tôi chợt chạnh lòng như có gì nghèn nghẹn trong cổ. Còn Nhung thì cũng không khác gì hơn, đứng ngẩn người nhìn theo dáng ông khuất dần ở cuối con đường Bà Huyện Thanh Quan. Đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo, dịch giả nổi tiếng: Bùi Giáng, người đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam những bài thơ tuyệt tác, những tác phẩm dịch thuật từ tiếng Anh, Pháp, Đức... và cả Hán ngữ thật công phu, giá trị và thật tài hoa. Đến lúc hai đứa tỉnh hồn, tôi nói với Ngọc Nhung, nhờ hôm nay đi với người đẹp tôi mới có dịp hiếm hoi trong đời, ngồi ăn bò bía chung với nhà thơ Bùi Giáng.
Năm tháng trôi qua, có mấy lần hội ngộ? Đời người vạn nẻo chia xa, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong lòng sa mạc, là hạt muối mong manh giữa biển đời bát ngát, bao la. Gặp đã là duyên, đã là kỳ ngộ. Ngọc Nhung đậu tú tài II, cũng vào đại học sư phạm Sài Gòn khoa Anh ngữ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nhung lấy chồng là một dược sĩ có tiệm thuốc ở tỉnh Đồng Nai. Dạy học hơn 30 năm, Ngọc Nhung nay đã về hưu và đang sống cùng con cháu ở quê chồng... Tưởng đã không còn nhớ, đã biệt mờ tâm cảnh vậy mà có lần tình cờ nhận được tin nhau. Ngọc Nhung nhắc lại những buổi trưa ở trường nữ trung học Gia Long, những dĩa bò bía chia nhau trước cổng chùa Xá Lợi và lần gặp gỡ hy hữu nhà thơ Bùi Giáng...
Mong thời gian không phụ những tấm
lòng. Dù bất cứ ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, đôi khi bạn cần có lần chợt nhớ về
một người, một nơi chốn, một kỷ niệm dù mờ nhạt chìm sâu. Đó chính là hạt trân
châu, viên đá quý mà bạn có được trong suốt cả một kiếp người thoáng chốc, rồi
vĩnh viễn trôi xa..!
Durham,
North Carolina
Nguyễn
Ngọc Hoàng
No comments:
Post a Comment