************************
Sáng nay trên trang Facebook, ca sĩ Bảo Yến báo tin nhạc sĩ Quốc Dũng vừa ra đi ngày 24-9-2023. Khoảng mười mấy năm trước Quốc Dũng có sang Hoa Kỳ và ghé ở nhà người quen ở San Jose. Tôi chở Quốc Dũng ra quán cà phê Dạ Thảo, ngồi nghe anh kể chuyện văn nghệ. Anh nói rằng lần này sang Mỹ và sẽ xuống Quận Cam để gặp một nhạc sĩ nổi tiếng mà Quốc Dũng ngưỡng mộ. Bạn có biết người nhạc sĩ đó là ai không - tôi thoáng suy nghĩ - thì ra đó là nhạc sĩ Lam Phương!
Anh sinh năm 1951 tại Thái Lan rồi lúc 3 tuổi được ba má hồi hương về Việt Nam. Anh tốt nghiệp thủ khoa trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Thời xưa tôi đã thán phục ngón đàn Mandolin réo rắc của anh. Đầu thập niên 1970 , Quốc Dũng nổi tiếng với bài hát anh sáng tác là Mai. “ Mai, anh đã yêu em thật rồi, anh đã yêu em thật nhiều, một tình yêu quá cô liêu”. Bài hát điệu Valse, tông Fa trưởng, đoạn giữa chuyển sang tông Re thứ nghe ngọt ngào.
Thời điểm đó, một số nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc, chú ý đến những cách chuyển hợp âm, tạo nét mới và sinh động cho dòng nhạc Sài Gòn mà ca khúc Mai là một thí dụ. Cho nên tên tuổi nhạc sĩ Quốc Dũng gắn liền với bài hát Mai. Theo lời tác giả thì có nhiều bạn gái mang tên Mai, cho nên ai cũng nghĩ là bài hát đó viết riêng cho mình. Và những chàng trai cũng có thể hát tặng bản Mai cho người mình yêu mang tên đó.
Khi đàn Mandolin thì tay phải cầm miếng khảy, vê sợi dây đàn cho đều tạo nên âm thanh liên tục, đó là nét riêng của cây đàn này. Và từ đó, chuyển sang tập đàn ghi ta thì cũng dễ dàng; cho nên ngón đàn ghi ta của Quốc Dũng cũng rất điêu luyện.
Nhạc sĩ sáng tác ca khúc thời đó ít người đàn hay nhưng Quốc Dũng lại đàn rất hay, đây là nét đặc biệt của anh. Tôi nhớ khoảng năm 1973-1974, có cuốn phim Trường Tôi mà Quốc Dũng đóng vai một học sinh trung học, ôm đàn ghi ta hát trong sân trường, cuốn phim đó giới trẻ vào rạp coi rất nhiều.
Rồi biến cố 30-4-1975 xảy ra, đời sống người dân Miền Nam bị đảo lộn, trong đó có sinh hoạt ca nhạc của Quốc Dũng. Khoảng năm 1976, anh có mở lớp dạy đàn trong một căn phòng nhỏ trên lầu chung cư đường Trần Hưng Đạo. Tôi có đến chỗ này một lần, thử xem cách anh dạy đàn ra sao, đó là lần duy nhất gặp mặt anh tại Sài Gòn.
Mấy chục năm sau, gặp nhạc sĩ Quốc Dũng lần thứ nhì tại nước Mỹ. Anh tâm sự rằng mãi đến cuối thập niên 1990 thì sinh hoạt ca nhạc của anh mới khởi sắc. Anh có mở một phòng thu âm, làm hòa âm cho nhiều bài hát, dùng cả âm thanh đàn dân tộc như đàn bầu, sáo, tranh... và được nhiều người thuộc phái đẹp yêu thích.
Tôi nói với anh rằng là cuối cùng nhạc sĩ Quốc Dũng cũng trở lại với phong độ của mình thì anh trả lời là lúc đó tuổi anh đã trên năm mươi nên đã không còn những cảm xúc nồng nhiệt của thời tuổi trẻ. Anh tiếc nuối cho khoảng thời gian hơn hai chục năm từ 1975 đến 1995, cuộc đời văn nghệ của anh đã bị thời thế làm lu mờ.
Tôi đưa anh trở lại nhà người quen của anh ở San Jose, chúng tôi đánh bóng bàn với nhau và anh tặng cho mấy cuốn CD nhạc anh sáng tác. Tôi cũng muốn tặng lại anh mấy cuốn CD gồm nhạc Trần Chí Phúc đã thực hiện, nhưng ngại ngùng, nên tôi chỉ đóng vai một người ái mộ anh.
Bây giờ nghĩ lại nếu lúc đó tôi nói rõ mình cũng là nhạc sĩ sáng tác thì hai chúng tôi có thể trao đổi với nhau những kinh nghiệm viết ca khúc và bàn sâu hơn về câu chuyện âm nhạc.
Khoảng mười năm trước ở Sài Gòn, anh lái xe hai bánh bị té, đầu dập xuống mặt đường, tổn thương não bộ. Theo lời kể của ca sĩ Bảo Yến trên Facebook cách đây vài ngày, thì có một thầy thuốc Đông Y từng ở Bắc Cali nhiều năm (ông này tôi quen thân), sau này về làm việc tại quê nhà đã chữa trị cho Quốc Dũng bớt bệnh nhiều, bằng châm cứu, thuốc bắc thuốc nam, những phương pháp ngoại khoa không phải Tây Y.
Rồi hôm nay 24-9-2023, cũng trên Facebook, ca sĩ Bảo Yến báo tin nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời. Đối với những người Việt Nam ở Mỹ thì ra đi ở lứa tuổi thất tuần vẫn coi là trẻ. Người xưa có câu câu thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Đời người tuổi bảy mươi là hiếm).
Người nhạc sĩ sáng tác có trái tim yêu thương nồng nhiệt cho nên thỉnh thoảng đập lỡ nhịp, và khi lớn tuổi cũng khó mà sống thọ. Có lẽ hậu quả của vụ tai nạn té xe đã làm giảm sức khỏe của nhạc sĩ Quốc Dũng.
Sáng ngay ngồi coi lại trên Youtube chương trình Thúy Nga chủ đề nhạc Quốc Dũng. Cũng nhờ những chương trình ca nhạc này để lưu giữ lại các tác phẩm ca nhạc và hình ảnh người nghệ sĩ cho mọi người thưởng thức.
Những ca khúc của nhạc sĩ Quốc Dũng phong phú nhiều thể loại với gần một trăm bài. Ngay từ sáng tác đầu tay là Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa đã cho thấy nét tài hoa của anh; rồi bản Mai, Hoang Vắng, Đường Xưa, Bên Nhau Ngày Vui...
Giã biệt nhạc sĩ Quốc Dũng, đàn hay, sáng tác hay. Những người con gái tên Mai sẽ nhớ mãi tên anh.
-- Trần Chí Phúc
-- Trần Chí Phúc
(Quận Cam,California, Hoa Kỳ, Sáng Chủ Nhật 24-9-2023)
No comments:
Post a Comment