Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Linh có việc nhờ tôi giúp nên cô đến chỗ tôi, chuyện việc làm đã đành, đành không ai muốn nói tới nữa. Cô bỗng cầm cái thẻ trên cổ tôi xăm xoi, rồi hỏi, “Anh làm ở đây bao nhiêu năm rồi, sao cái hình trên thẻ của anh trẻ quá vậy?”
“Nghĩa là em nói, bây giờ anh già quá, phải không?”
“Thì anh coi đi, nhìn cái hình trên thẻ của em nè. Em mới làm ở đây có tám năm, vậy mà đôi khi em thấy em trong gương, cứ tưởng là mẹ em chứ không phải em. Con gái em cũng nói hình thẻ của mẹ là mẹ, còn mẹ bây giờ là bà ngoại… Nghe đau lòng thì thôi.”
“Anh thì, hôm đó đi xe chung, thằng con lớn của anh thấy cái thẻ của anh, nó nhìn ngắm, rồi nói: Con dùng cái thẻ này đi vào hãng bố làm. Bạn bè bố nhìn ra con chứ nhân viên an ninh hay bảo vệ chắc không biết đâu… Thời gian mà em.”
“Nhưng đàn ông dù sao cũng đỡ hơn đàn bà. Anh già hơn năm ngoái, năm kia một chút cũng đâu có sao; tóc anh bạc mấy sợi rồi bạc hai bên thái dương trước khi bạc cả đầu cũng đâu có sao… Đàn ông dễ hơn đàn bà là tóc bạc vài sợi đã thấy khó coi, phải tốn tiền, mất thời gian đi nhuộm; rồi mắt mờ là thấy xong đời…”
“Để anh kể cho nghe, hôm anh S khều anh, chỉ sang chỗ em làm. Em nhướng nhướng, đưa ra xa rồi kéo lại gần vẫn không đọc được hàng số nhỏ như kiến bò trên cái board. Anh ấy nói anh, kết nạp con Linh vô Hội cao niên của ông được rồi đó, coi nó nhướng thấy thương hông? Nhưng đâu có ghê dữ vậy, làm gì đã xong đời. Anh đoán sau này, em đẹp lão như mẹ em vậy, nhưng còn lâu lắm em gái.”
“Lâu gì mà lâu. Lúc em mới vô làm, anh hay ghé nhà nhậu với ông xã em. Anh hay chọc con gái em nhìn như cây tăm xỉa răng vì nó ốm quá. Rồi anh hết hồn hôm thấy nó lái xe tới hãng đón em. Anh nói, ‘Trời đất ơi, con tăm xỉa răng lái xe rồi đó hả?’ Hôm gặp mẹ con em trong chợ, anh nói nó cao hơn em một cái đầu. Tới hôm đám ma bà nội nó, anh đâu có nhìn ra nó. Nó về nói em, con tới chào bác mà bác không nhìn ra con…”
“Thì hồi nhỏ mình thấy thời thời gian một năm mới tới tết một lần là lâu lắm, nhưng về già thì thời gian như bóng câu qua cửa; Và sống bên đây, đời sống quá cập rập với cơm áo gạo tiền nên chỉ biết mở mắt ra là đi làm, chiều về tới nhà đã hết pin, ăn uống qua loa, đi ngủ sớm như cắm xạc cái điện thoại, thức dậy lại đi làm. Trời hết nóng thì lạnh, hết lạnh lại nóng, ngày tháng vùn vụt qua…”
“Để em kể anh nghe: Hôm thằng con trai em, nó hỏi ngày tháng năm sinh của em để nó điền đơn gì đó. Xong nó nói: Mẹ năm mươi hai tuổi rồi hả mẹ, sao mẹ còn trẻ quá vậy? Nó làm em mừng như trúng số, nó đâu biết em hết hồn em luôn. Mới hồi nào mẹ em dẫn em đi học lớp mẫu giáo, em khóc thấy mồ luôn vì sợ, mà không biết sợ gì nên càng khóc. Vậy mà bây giờ em hơn tuổi mẹ em hồi dẫn em đi học ngày đầu…”
“Hồi anh còn nhỏ, phải thứ bảy cuối tuần mới được xem truyền hình ở sân Hội đồng Xã do mấy chú Xây dựng Nông thôn chiếu cho bà con xem. Anh nhớ hoài về cái trụ xi măng xây cao lên giữa sân Hội đồng Xã, nhìn như cái miếu lớn bên đường. Trên đó có cái tivi trắng đen, còn chưa có điện nên xài bình ăc quy. Người ta làm mái che mưa che nắng cho cái tivi vì đâu nhà ai trong xóm có đâu, cả xóm xem chung cái truyền hình của Phong trào Ấp chiến lược ngày xưa. Có cây ănh ten cao vút lên trời là điều tụi nhỏ anh không thể hiểu nó bắt sóng truyền hình bằng cách nào mà tụi anh chưa bao giờ thấy nó bắt như bắt tôm hay bắt cá nên không thể nào hiểu, nhưng không có nó thì tivi không có hình. Nên có đứa trời mưa giông, không sợ xập nhà mà vái ông trời cho cây ăng ten đừng bị gãy. Anh nhớ, lần đó xem tuồng cải lương gì thì không nhớ, nhưng đêm về khó ngủ vì trong tuồng: ông Thành Được bị người ta vu oan cho tội giết người, ông phải đi tù mười tám năm ngoài côn đảo. Hồi ông mãn hạn tù, trở về. Đứa con ông chưa từng thấy mặt đã mười tám tuổi. Cô gái trẻ đẹp, con nhà giàu không tin ông già rách rưới trước mặt là cha ruột của mình, làm cho biết bao người rơi nước mắt. Anh về khó ngủ vì không tưởng tượng nổi thời gian mười tám năm là bao lâu? Anh đã sống từng tuổi này, chuyện làng trên xóm dưới gì cũng biết hết vậy mà anh mới có chín tuổi đời. Không hiểu nổi đi tù mười tám năm là bao lâu, mình phải sống thêm chín lần tết nữa mới có thể trả lời người khác là tôi mười tám tuổi, trong khi mong tết tới hằng năm đã dài cổ nói gì tới chín lần tết nữa mới được mười tám tuổi để biết mười tám năm là bao lâu. Tất cả những hình ảnh, cả suy nghĩ năm chín tuổi như mới hôm qua, anh nhớ rõ, nhớ hết, nhưng thời gian đã trôi qua hơn năm mươi năm rồi - mười tám năm có xá gì với cuộc rong ruổi này…”
“Nhiều khi em cũng hết hồn, định hỏi con gái hay con trai, đứa nào lục đục trong bếp đó? Nhưng nhớ ra đâu có đứa nào ở nhà, tụi nó đi học xa hết rồi. Lúc đó mới nghĩ tới con mèo, nó quậy cái gì trong bếp nữa rồi. Sau đó là buồn lắm anh ơi, cho con mèo ăn xong là ngồi luôn trong gian bếp ồn không chịu nổi với hai đứa con cãi nhau, sanh nạnh làm ít làm nhiều, ăn ít ăn nhiều... sao bây giờ yên vắng như chùa hoang. Buồn đủ thứ, buồn tuổi già gõ cửa không báo trước, mới mấy hôm trước còn đọc lén được điện thoại của người bên cạnh vậy mà mới mấy hôm sau đã không đọc được chữ sờ sờ trước mặt... Buồn vô lý mình mong con lớn cho đỡ cực thì tụi nó lớn rồi, đỡ cực rõ ràng thì lại buồn nhà vắng lặng quá! Đâu có cách nào làm cho tụi nó nhỏ lại được. Em ngồi suy nghĩ mình ên vì ông xã em hay đi làm thiện nguyện ngoài nhà thờ vào thứ bảy. Em ở nhà một mình, nghĩ rồi sợ một hôm nào, con gái em dắt bạn trai về nhà giới thiệu, ra mắt… là coi như em đi toi hết đứa con gái. Rồi tới thằng con trai…”
“Thì ông bà mình nói, có làm cha mẹ mới hiểu lòng cha mẹ. Hồi em dẫn bạn trai về nhà ra mắt gia đình, em đâu có hiểu nỗi buồn trong lòng mẹ em đâu? Rồi em sẽ có những trải nghiệm mà anh đã từng, con trai anh dẫn về nhà một cô bạn gái là Mỹ trắng, cũng dân ăn học chứ không phải ăn chơi. Đâu ai biết nỗi buồn sâu thẳm nhất trong anh thành hiện thực: không phải là một cô gái Việt? Rồi anh tự an ủi mình, nó không dẫn về nhà một cô Mỹ đen đã là may, hay một cô Mỹ trắng ngầu hình sự, uống rượu như uống nước, xăm mình tùm lum đã là phước ba đời… Chúng ta sống trong ngục tù bao la này, cửa nào cũng lên thiên đàng chứ không phải cửa nào cũng xuống địa ngục như người ta nghĩ. Thiên đàng hay địa ngục là tùy ở suy nghĩ của mỗi người. Người thiên về chấp nhận dễ thấy vui hơn kẻ cứng đầu. Biết vậy nhưng biết đâu có nghĩa là làm được…”
“Em nói con gái em rồi: Con lớn thì có bạn trai, mẹ không cấm. Nhưng con mà dẫn về nhà một thằng Mỹ đen thì mẹ bỏ nhà đi cho con ở…”
“Nói vậy thôi chứ đàn bà đã là đàn bà từ trong vườn địa đàng… Ông bà mình nói: nước mắt chảy xuôi… Nó dẫn về nhà một thằng Mỹ đen thì em còn hậm hự được, chứ nó ẵm về một thằng nhóc đen thì em khóc tiếng Miên cũng đâu bỏ cháu ngoại em được…”
“Thì cứ hù doạ trước đi, rồi trời cho sao chịu vậy chứ làm gì được con cái bên đây? Nhưng con dâu anh có ngoan với vợ chồng anh không?”
“Ngoan. Thuộc người có học, có giáo dục gia đình hơn cả con trai anh. Điều anh nói em vẫn không hiểu. Khi anh còn đi học, còn chưa có bạn gái, nhưng chị dâu anh sinh ra đứa bé, anh đã thấy tình thân, tình máu mủ với đứa cháu gọi anh bằng chú. Anh tự thấy mình có trách nhiệm với nó từ nay, từ đây, với đầy đủ tinh thần: chết cha còn chú sảy mẹ bú dì. Trách nhiệm của người chú còn đang đi học, chưa làm ra tiền thì yêu thương cháu mình là điều có thể, điều làm ngay. Anh làm ngay việc đã quyết định trong lòng, có hcút tiền thời đi học thì qúy lắm, nhưng sẵn sàng nhịn chầu cà phê thuốc lá với bạn bè để mua đồ chơi cháu… Nhưng anh với mấy đứa trẻ lai gọi anh bằng ông chú, dù biết trong nó có một phần huyết thống của mình, nhưng sự chấp nhận không dễ dàng chút nào với những đứa cháu ngoại của anh của anh. Cô cháu gái lấy chồng Mỹ trong ý muốn của chị dâu anh vì đàn ông Việt độc tài, độc đoán, gia trưởng… ngu thấy mẹ mà cứ tưởng mình là trời. Ít nhất là anh hiểu suy nghĩ của chị dâu anh sau nhiều năm chị trở thành thành viên trong gia đình anh. Anh cũng hiểu luôn suy nghĩ trong lòng người anh của anh. Anh ấy thuộc loại người chấp nhận những gì ngoài khả năng để yên thân, yên bề gia thất. Anh biết, rồi ngày ấy sẽ đến với mình, ngày anh đón nhận đứa trẻ lai gọi anh bằng ông nội, nhưng tình thân không tiết ra từ bên trong mà cứ phải giả dối bên ngoài cho gia đạo bình an. Anh không biết nói sao cho em hiểu vì đôi khi anh cũng không hiểu mình muốn gì, suy nghĩ từ đâu đến, chúng đi về đâu? Anh chỉ thấy chính xác mình là người bảo thủ, độc đoán, gia trưởng, ngu thấy mẹ mà cứ tưởng mình là trời. Thôi đi làm đi, anh sửa cái nhíp cho em xong rồi nè…”
“Đơn giản hơn một chút cho dễ sống đi anh già. Anh suy nghĩ nhiều thì mệt đầu anh chứ thay đổi được gì đâu! Thằng con trai em nói sau này nó sẽ về Việt nam cưới vợ cho bà ngoại với mẹ vui. Nó moi tiền bà ngoại tới sạch túi, cháy túi bà ngoại nhưng em thấy bà ngoại vui là được nên lờ đi cho nó. Còn con gái em thì coi bộ sẽ lấy chồng Mỹ vì nó không dám nói ra nhưng cách, kiểu nhìn đàn ông Việt của nó cũng không khác gì chị dâu của anh. Ông xã em lớn tiếng với em thì thằng con trai không nói gì nhưng nhỏ con gái ra mặt, nó không chống đối hay lên tiếng gì với ba nó, nhưng nó vỗ về, an ủi em… hành động nhỏ, nhẹ nhàng nhưng hơn bao lời bênh vực, chống đối.”
“Thôi đi làm đi. Mai mốt xài cái nhíp thì nhớ dùm nó không phải cái kềm. Em cứ dùng nhíp để xeo với nạy thì nhíp nào chịu nổi.”
“Không phải em. Con nhỏ Mỹ đen ca đêm đó. Em nói nó lần thứ ba thì nó tố em kỳ thị. Sếp đưa riêng cho em cây nhíp để xài riêng. Em giấu tuốt trong cùng hộc tủ thì nó vẫn tìm ra để tiếp tục ngu ngốc, cẩu thả… Có hồi nãy, không biết anh có vô làm hôm nay không nên em định hỏi thằng Móm có thấy anh không? Nhưng thấy nó đang khóc nên em chết trân đứng nhìn. Nó làm cho em một trận, ‘Bộ khóc lạ lắm hả? Làm cái gì nhìn tui như bắt hồn vậy? Em đi luôn, không biết trả lời sao nữa. Anh rảnh đi hỏi thăm em gái của anh đi?”
“Cái này mới đúng là em chọc chửi chứ không phải anh nha…”
…
Biết đã lâu câu: lạnh tanh như chùa bà Đanh. Nhưng bây giờ cô đơn rảo bước trong hãng xưởng mới biết lạnh lùng, lạnh lẽo ở chùa bà Đanh ra sao! Đi mà nghe rõ bước chân mình, nghe giai điệu rệu rã của xương cổ chân theo từng bước một, giai điệu của lời thiên thu gọi không có từ khoá, không bắt đầu và không kết thúc… Tôi đến chỗ Móm trong im lặng tứ bề, nhìn nó buồn và cô đơn thật nên cất tiếng hỏi, “Sao buồn vậy Móm?”
Nó nhìn tôi chắc không mắc chửi như nhìn Linh nên tử tế hơn, “Buồn thì nhằm nhò gì! Em khổ thấy mồ em luôn...”
“Làm gì khổ, ai làm em khổ…?”
“Ai dám làm em khổ, em bằm người đó cho vịt ăn. Nhưng má em làm em khổ nên em… khổ. Em đã nói với má em là em có chồng rồi. Vậy mà má em cứ kêu em cưới vợ hoài. Nói làm sao cũng không hiểu. Em khổ muốn chết luôn…”
“Một bà già Việt nam thì làm sao hiểu cho con trai của bà khi em nói với bà: Em có chồng rồi! Em cũng phải hiểu cho má em với chứ. Vấn đề là em giải thích như thế nào mà bà già hiểu nhưng không buồn, và chấp nhận được…”
“Anh, chị của em bình thường thì đâu có nghĩa là em cũng không sao. Nói làm sao má em cũng không hiểu, em chịu hết nổi ở chung với ba má em nên em dọn lên Dallas. Xấu hổ như con gái trốn gia đình theo trai, một mình lặn lội đi xin việc làm, mướn chỗ ở share phòng, một mình cô đơn - em buồn cỡ nào, khóc miết cũng không được gì mấy năm trời. Chừng em lấy chồng mới đỡ buồn, hai đứa mướn chung cư ở, có bạn đi về bớt cô đơn. Đâu phải em muốn vậy đâu, trời sanh ra em như vậy, má em không chia sẻ nỗi buồn của em mà cứ ép em hoài. Tết năm ngoái em về thăm ba má em, thăm gia đình. Hỏi má muốn gì con mua cho má, quần áo nói làm chi, vàng vòng em cũng mua luôn. Xin em mua cho cái điện thoại biết chụp hình, em mua luôn. Má em em không thương thì ai thương, em không nhớ má em thì em là đứa con trời đánh hả?
Vậy là có cái điện thoại chụp hình được rồi thì đi chùa, thấy con gái nhà ai cũng chụp hình người ta rồi gởi cho em, ‘con ưng đứa nào để má đi hỏi cưới cho con…’ Em khổ thiệt là khổ luôn với má em, xa xôi gì từ đây chạy về Houston thăm má em, vậy mà một năm rồi em không về thăm má em. Em nhớ má em biết chừng nào, bả mê ăn bún mắm mà ba em không cho ăn vì cao máu. Đêm em nằm ngủ không được, chỉ muốn xách xe chạy tuốt về Houston chở má em đi ăn tô bún mắm. Già rồi sợ gì chứ, chết sớm một chút còn hơn sống thêm vài năm thèm thuồng thì vui cái gì chứ? Nhưng em không dám về nhà vì cứ bắt em đi coi mắt, coi mặt người này người khác… Mình không thích mà gật đầu bừa là phá hoại cuộc đời con gái người ta, ai đi làm chuyện thất đức như vậy được chứ… Em khổ quá rồi mà sao má em không hiểu cho em. Em đi làm không nghỉ ngày nào, không dám ăn xài phung phí. Chồng em em còn không bao nó ăn ngoài tiệm, đứa nào ăn đứa đó trả tiền. Về nhà ăn chung thì chia tiền chợ. Em để dành tiền để mua sắm cho má em bất cứ thứ gì má em muốn mà em có đủ tiền là mua liền. Bây giờ tiền bọc trong túi biết nặng mà không dám về nhà dẫn má đi ăn, đi chơi, mua vòng vàng đeo cho đã mắt, hết thèm cả đời má em từ khi còn ở nhà với ông bà ngoại tới lấy chồng cũng không có vòng vàng như người ta. Tết nhứt tới rồi, con không thương, không nhớ mẹ là bất hiếu; không về thăm là ân hận suốt đời… nhưng cứ về là bắt lấy vợ…”
…
Nó khóc không cầm được nước mắt, không biết xấu hổ gì nữa. Cứ hu hu khóc cho đã đời, khóc cho vơi đi những muộn phiền. Kể ra nó khổ hơn tôi nhiều vì con tôi dẫn về nhà một cô Mỹ trắng đâu có gì lạ trong đời sống Hợp chủng quốc này. Nếu con trai tôi dần về nhà một thằng Ấn độ mà bảo là vợ con thì tôi chết trên ghế sofa vì đứng tròng. Nó chỉ nói nó đã có chồng chứ chưa bao giờ dám nói với má là nó đã gả cho một thằng Mỹ trắng cùng hệ.
Ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay… cuộc đời là mây, gặp lạnh thành tuyết rơi đầy để tan đi. Linh chắc hiểu vì sao thằng Móm bỗng nổi cơn dữ với chị Linh vào một ngày tuyết rơi, hãng vắng như chùa bà Đanh, còn lại mấy người mà không hiểu cho nhau thì ai hiểu…
Phan
No comments:
Post a Comment