Sunday, January 28, 2024

XUÂN BÂY GIỜ



From Facebook

 XUÂN BÂY GIỜ

Ngày mới tháng này năm nay
Thế là mùa xuân lại về với đất trời, với con người và muôn loài. Mùa xuân vốn chẳng của riêng ai nhưng mình “tự tư lợi” một tí để xưng là xuân dân tộc, xuân Di Lặc, tết cổ truyền... Những khái niệm và cụm từ này quen thuộc nằm lòng, đã in sâu vào tâm thức bao thế hệ người Việt Nam. Những người Việt dù sống ở đâu, phương trời nào lòng cũng hướng về mùa xuân mới với tết cổ truyền. Ngay cả những thế hệ sinh sau này ở hải ngoại cũng nao nức vui với tết cổ truyền.
Mùa xuân này có khác gì xuân xưa và xuân mai sau chăng? bảo là xuân về nhưng liệu xuân có đến đi? Chẳng phải ngàn năm trước thiền sư Mãn Giác đã nói: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”? Ừ thì cứ cho là có đến đi nhưng xuân mãi là xuân trong lòng người, mai vẫn là mai của mùa xuân, mùa xuân phải có mai và mai luôn nở vào xuân.
Mình vui với phút giây hiện tại này không có nghĩa là chối bỏ quá khú hay tương lai, vì không có quá khứ thì sao biết hiện tại và tương lai? Ý Phật dạy là quá khứ đã qua đừng mang vào trong hiện tại, cái quả đã thành thì không thể thay đổi, đừng vì cái quả ấy mà sanh lòng hối tiếc. Nếu quả xấu thì kham nhẫn và quả lành thì biết là quả lành, đừng vì quá khứ mà quên hiện tại này. Thọ quả khổ thì đừng vì quả khổ đó mà tạo thêm nhân khổ. Thọ quả lành thì hãy tạo thêm nhân lành. Đành rằng tánh không hay chơn đế thì chẳng cả nhân quả, nhân quả cũng là hư dối. Mình là phàm phu, là Phật tử sơ cơ thì nhất định phải biết nhân quả, phải cố tạo nhân lành. Hiện pháp lạc trú không hối tiếc quá khứ, không kỳ vọng tương lai, vui với phút giây hiện tại, bây giờ và ở đây. Tuy nhiên kinh Suy niệm về nghiệp cũng rất rõ ràng minh bạch: “ Đời nầy đau khổ, đời sau đau khổ, người tạo nghiệp bất thiện đau khổ cả hai đời, xét ác nghiệp đã làm khiến lòng sâu khổ, sanh vào khổ cảnh nhiều hơn. Kiếp này an lạc, kiếp sau an lạc, người tạo nghiệp lành hai đời an lạc, xét việc thiện đã làm tự tâm hoan hỷ, sanh vào lạc cảnh hạnh phúc nhiều hơn”
Phật tử sơ cơ chúng ta chớ có hiểu lầm hiện pháp lạc trú là vui với hiện tại mà chối bỏ quá khứ và tương lai. Nhà thiền thì vẫn bảo quá khứ, hiện tại, tương lai cũng chỉ trong một niệm này. Vậy thì hiện pháp lạc trú là chính một niệm này.
Xuân về tết đến, hoa nở chim ca, đất trời phong quang, muôn loài hớn hở, lòng người hân hoan. Con trẻ mừng thêm tuổi mới nhưng với kẻ đã và đang về già thì là bị bồi thêm tuổi. Thật tình mà nói thì tuổi tác chẳng có ý nghĩa gì. Người đời bảo sống lâu lên lão làng nhưng nhà Phật thì tuổi tác chỉ là thời gian năm tháng, là vô nghĩa. Người được xưng trưởng lão không phải bởi sống thọ, sống lâu mà là người sống đời phạm hạnh, ly dục tri túc, tinh tấn, trì giới, trí huệ…
Mùa xuân ngày tết lên chùa lễ Phật dâng hương là cái nếp sống muôn đời của người Việt. Xưa nay người dù là Phật tử hay không Phật tử, thậm chí người vô thần, người thờ cúng qủy thần, mê tín… cũng lên chùa (tuy nhiên việc lễ Phật với cái tâm khác nhau, mục đích khác nhau). Việc viếng chùa lễ Phật vốn không chỉ trong ngày tết, tuy nhiên trong ngày tết điều này tự dưng cảm thấy như thiêng liêng hơn, thăng hoa hơn. Phật điện trang nghiêm, tôn tượng Phật từ bi, hương trầm thoang thoảng, chuông chùa ngân nga mình như cảm nhận phút giây này cổ kim cùng hiện, quá khứ, hiện tại, tương lai cùng ở phút giây này. Mình như nối tiếp với tổ tiên, với chư Phật ba đời mười phương.
Mùa xuân ngày tết em có gì bâng khuâng chăng? lòng nhớ tiếng pháo chăng? Mùa xuân ngày tết, đêm giao thừa mà không có tiếng pháo quả là thấy thiếu vắng trong tâm hồn, hụt hẫng rất nhiều. Tiếng pháo giao thừa, pháo xuân đã hằn in trong tiềm thức, dù có bị cấm đoán nhưng tâm thức vẫn gợi lên . Xưa nay lạ gì những thể chế độc tài toàn trị luôn có những lệnh cấm vô lý, kỳ cục. Có một điều là liệu cái lệnh cấm pháo ấy sẽ tồn tại được bao lâu? Sự tồn tại mấy mươi năm của một thể chế độc tài chỉ là một khoảnh so với quá khứ ngàn năm của dân tộc và thời gian vô tận ở phía trước. Hiện tại tuy cấm pháo (ấy là ở quê nhà) nhưng tiếng pháo, hình ảnh pháo của ngàn xuân xưa vẫn còn đó và xuân sau này ắt lại tưng bừng rộn rã. Nhà Phật bảo các pháp do duyên sanh thì các pháp cũng do duyên diệt, đến một lúc nào đó tiếng pháo xuân, pháo tết lại đì đùng trên mọi miền quê hương. Tiếng pháo lại thiêng liêng hiển hóa trong đêm giao thừa, xác pháo với cánh hoa đào, hoa mai… lại rắc trên những nẻo đường xuân.
Xuân về tết đến lại là lúc vùng phương ngoại đang tiết đông lạnh giá, điều ấy cũng không ngăn cản được lòng người nao nức đón xuân dân tộc tết cổ truyền. Các chùa vẫn giữ được lệ sinh hoạt xưa nay, cửa chùa mở rộng đón Phật tử và đồng bào đến mừng xuân. Xuân dân tộc tết cổ truyền tất cả các chùa đều cùng tâm nguyện cầu: “Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, thế giới hoa bình, chúng sanh an lạc, khuyến người hành thiện, hướng người về ngôi tam bảo...”
Xuân dân tộc tết cổ truyền, người Việt lên chùa lễ Phật dâng hương đã trở thành nếp sống của tổ tông bao đời nay. Đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa tinh hoa của hai nền văn minh lớn trên thế giới. Người Việt chịu ảnh hưởng nặng văn minh Trung Hoa từ văn hóa, tư tưởng, lịch sử, ngôn ngữ, lịch pháp… Khi đạo phật từ Ấn Độ du nhập vào nước ta thì người Việt kết hợp việc du xuân với lên chùa lễ Phật. Thế là tư tưởng triết học Phật giáo đã kết hợp với những đặc tính văn minh Trung Hoa và hòa quyện vào truyền thống của tộc Việt. Nước Việt nhỏ xíu ấy vậy mà vô cùng phong phú về lịch sử và văn hóa. Nước Việt bé tí teo nhưng lại là điểm hội tụ của nhiều nền văn minh và văn hóa của các tộc người khác nhau: Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Óc Eo, văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Hoa, văn hóa Champa, văn hóa các dân tộc miền thượng du và dĩ nhiên văn hóa của tộc Việt. Văn hóa Việt dung hòa, tiếp thu nhiều đặc điểm của các nền văn hóa văn minh khác chứ không hề hòa tan hay mất gốc, bởi vậy có không ít người cho là tộc Việt không có văn hóa riêng, cho là văn hóa tộc Việt toàn vay mượn. Trong những nét bản sắc văn hóa của tộc Việt thì ngày tết lên chùa lễ Phật dâng hương là một điểm đặc sắc. Người Việt trong nước lên chùa dâng hương lễ Phật là đương nhiên. Người Việt sống ở nơi văn minh phát triển, vật chất đủ đầy, tự do dân chủ...nhưng lòng vẫn hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về gốc gác tổ tiên. Ngày tết không ai bảo ai nhưng ai ai cũng lên chùa dâng hương lễ Phật. Mùa xuân ngày tết với truyền thống “mùng một tết cha mùng ba tết thầy” là điểm đặc biệt vậy.
Xuân về tết đến, có những người đủ điều kiện thì về quê ăn tết, những người không có điều kiện hoặc không thể về quê thì vui với tết hiện tại ở nơi này, ngay bây giờ, vui với phút giây hiện tại của tháng này năm nay. Cái phút giây hiện tại bây giờ và ở đây nó kỳ diệu lắm. Sống với hiện tại bây giờ và ở đây không tiếc nuối quá khứ đã qua, cái nhân đã gieo. Sống với phút giây hiện ạti bây giờ và ở đây, không kỳ vọng cái tương lai chưa đến, cái quả chưa thành. Sống với xuân này, vui với tết hiện tại ở nơi này, mình không thể chờ đợi ấy chính là cái tết đẹp và ý nghĩa. Mình không thể chờ hay mong đợi một cái xuân hay cái tết nào đó đẹp hơn ở tương lai khi mà mình không sống với cái xuân hiện tại, cái tết bây giờ ở đây.
Đời người không thể chờ, ngắn lắm, chỉ ở giữa hơi thở vào ra. Thân này không thể chờ, nó có thể tan hoại vì bất cứ lý do gì và với bất cứ thời gian nào. Thực tế nó vẫn đang âm thầm hoại trong từng phút giây, cứ mỗi khoảnh khắc trôi qua có vô số tế bào sanh diệt. Học Phật càng không thể chờ, cổ nhân đã bảo: “Mồ hoang lắm kẻ tuổi còn thơ” kia mà! Sống với tháng ngày hiện tại, học và hành theo Phật ngôn, lên chùa lễ Phật, nhớ Phật, tưởng Phật, làm theo lởi Phật cũng là vui sốngtrong hiện tại.
“Mùa xuân ơi, ta nghe ,mùa xuân hát...” lời bản nhạc văng vẳng khắp đất trời, dư âm trong hồn mình, bản nhạc không chỉ có trong mùa xuân, tuy nhiên trogn màu xuân thì dường như tha thiết hơn, những phút giây cảm xuân thì lại càng nghe thấy hiển hiện cả mùa xuân trước mắt, mùa xuân trong lòng. Mình dường như cảm nhận được cái cảm xúc của thiền sư Mãn Giác khi ngài ngồi trong thất “thấy” “trước sân một cành mai” vừa nở trong đêm. Ngài “thấy” “xuân tàn” nhưng hoa mai chưa bao giờ rụng hết, hoa mai vĩnh viễn trong mùa xuân ngày tết, vĩnh viễn trong tâm hồn. Hoa mai luôn hiển hiện ngay ở phút giây hiện tại.
Mùa xuân ngày tết mình lại nhớ cái hình ảnh ông tăng Tâm Quang ngồi trong ngục thất đón xuân. Chốn lao tù mà nhất là lao tù của những chế độ độc tài tàn bạo thì nó kinh khủng lắm, nơi ấy làm gì có xuân mà đón, chốn ấy chỉ có khổ đau cả thân xác và tâm thần. Nhờ đóa hoa mai vĩnh viễn không tàn của thiền sư Mãn Giác mà ông tăng Tâm Quang có được mùa xuân riêng để mà vui với mùa xuân ngày tết trong chốn lưu đày. Ngồi trong ngục thất “thấy hoa mai nở đêm qua”, ngoại cảnh hiện tại không ngăn cản được sự “tiếp nối” giữa ông tăng trong ngục thất với thiền sư Mãn Giác trong thiền thất, đó là sự diệu dụng khó có được ở những người thường tình trong thế gian.
Xuân dân tộc tết cổ truyền đẹp lắm em ơi! Đẹp hơn hết là ngay bây giờ và hiện tại ở đây, ta không thể chờ đợi hay cầu vọng ở một mùa xuân nào khác, không thể chờ một cái tương lai mà ta chưa biết và chưa chuẩn bị gì. Nhờ cái phút giây hiện tại ở đây mà mình sống, mình đi qua những mùa xuân, mà nào chỉ có mùa xuân, còn có cả mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Sống và đi qua nămtháng bốn mùa.
Thanh Nguyễn
Ất Lăng thành, 0124
All reactions:

No comments: