Thursday, July 25, 2024

Nhân ngày 20 tháng 7, kể chuyện những ngày chia đôi đất nước 1954

 *****************************************************


Tạp bút



Năm Giáp Ngọ 1954 có thể gọi là năm đại diện cho tuổi thơ tôi. Chỉ trong một năm 1954 đã có quá nhiều biến cố xảy ra dồn dập trước mắt chú bé mười hai tuổi mà suốt trong đời chưa có thời điểm nào đặc biệt như vậy. Trong ý nghĩa lịch sử, đó là năm cuối cùng áp dụng chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn có điều chỉnh. Là năm có Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, lấy con sông Bến Hải làm ranh giới, với làn sóng một triệu người di cư từ Miền Bắc vào Nam cùng với nhiều người tập kết ra Bắc. Cũng là năm ông Ngô Đình Diệm về nước chuẩn bị thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa. Trong hạn hẹp bản thân, 1954 là năm học cuối cùng của tôi ở bậc tiểu học – lớp Nhất trường An Hòa, rồi thi đỗ tiểu học, sau đó thi đỗ vào lớp đệ thất trường Ngô Đình Diệm, sau đổi là Quốc Học. Đây là lớp đệ thất đầu tiên và cũng là cuối cùng của trường Quốc Học trước 1975. Thầy Nguyễn Bá Nhiệm, phụ huynh thường gọi là thầy Trợ Nhiệm, vừa là hiệu trưởng vừa dạy chúng tôi lớp Nhất đã để lại quá nhiều kỷ niệm cho học trò trường An Hòa vào năm 1954 và tại lớp chúng tôi. Bóng dáng thầy luôn luôn, trực tiếp hoặc gián tiếp, đứng đằng sau các sự kiện sôi động của năm 1954 tại trường.
    Làn sóng người di cư từ Bắc vào Nam sau hiệp định Genève để lại trong tôi kỷ niệm đáng nhớ tại một làng quê Thừa Thiên. Bọn nhỏ chúng tôi đã có dịp gặp từng nhóm nhỏ những người dân di cư từ Miền Bắc đi vào thôn xóm. Những bà mặc váy  nâu. Đàn ông quần áo luộm thuộm. Dưới mắt dân quê sống trong các lũy tre làng suốt đời không giao lưu với ai, những người di cư không khác người từ một đất nước xa xôi nào đó đến với họ. Họ đâu biết đây là những người tình nguyện vào Nam xây dựng chế độ Cộng Hòa. Trong lớp, chúng tôi tập hát quốc ca “Này Công Dân ơi…”. Thầy giáo nói chuyện với học trò về tiểu sử chí sĩ Ngô Đình Diệm. Một đại đội lính từ miền Bắc vào đóng quân tạm gần trường học, thường xếp đội hình tập luyện chuẩn bị duyệt binh. Tôi còn nhớ câu chuyện xảy ra với cậu bé Vinh, anh họ tôi, bị ông hiệu trưởng tát một cú trời giáng vào má.
    Buổi sáng chào cờ trong sân trường, hiệu trưởng giới thiệu lá quốc kỳ, và đặt câu hỏi về ý nghĩa của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Có lẽ bị cán bộ Việt Minh tuyên truyền trước đó, cậu bé Vinh đã dại dột vọt miệng: Cờ ba que. Hiệu trưởng nghe được, đã tát Vinh một tát với thái độ giận dữ, nhưng một lúc sau, khi vào lớp ngồi im lặng suy tư, thầy gọi bé Vinh vào đứng trước mặt và dạy cho cậu bài học không nằm trong chương trình. Như một người cha nhân từ trước một đứa con bé bỏng, thầy dặn nó, con còn nhỏ không được nghe lời ai nói chuyện chính trị như vậy. Bé Vinh vòng tay cúi đầu hứa với thầy không phát ngôn bừa bãi nữa. Thầy giảng cho nó biết, lúc này là buổi giao thời, xã hội còn nhiều chuyện phức tạp xảy ra không lường trước được, phải thận trọng lời ăn tiếng nói.
    Đúng như lời thầy, ban đêm cán bộ Việt Minh họp dân làng giải thích đất nước chỉ chia cắt tạm thời theo hiệp định Genève, họ chỉ tập kết ra Bắc bên kia sông Bến Hải, hai năm sau sẽ có tổng tuyển cử thống nhất đất nước và sẽ trở về đoàn tụ… Ban ngày, loa phóng thanh từ các góc ngã tư, chợ, bến xe rầm rộ tố cáo miền Bắc độc tài, đói khổ, chủ nghĩa tam vô…, ca tụng tài đức Ngô chí sĩ… Còn nhớ vào mấy đêm trăng thu, bọn nhỏ chúng tôi từng đến một ngôi làng lân cận  xem đội văn nghệ sáu thiếu nhi trai gái của mấy ông cán bộ nằm vùng Việt Minh nhảy điệu Re Fa Sol.
    Buổi giao thời chia đôi đất nước ảnh hưởng rõ rệt lên một cậu bé từ làng chài ven biển học cùng lớp với tôi. Ngôi làng chịu nhiều ảnh hưởng của kháng chiến. Sau Genève, cậu bé lặng lẽ bỏ làng chài đến ăn ở tại một ngôi chùa để tiếp tục việc học. Tại đây, hắn kể nhiều câu chuyện xảy ra ở làng chài ven biển. Làng hắn có nhiều người tập kết ra Bắc. Một vài gia đình vội vã khăn gói ra đi giữa đêm khuya như chạy trốn. Tôi nói, làng tôi cũng có người tập kết, như gia đình cậu tôi có chú Trâu con nuôi của cậu. Trước khi tập kết, chú Trâu vẫn đến từ giã mẹ tôi, ra đi bình thường, đâu cần phải lén lút chạy trốn. Hắn bảo, mi không biết gì cả. Gia đình nào khăn gói kéo nhau đi sạch trơn, đó là gia đình có cha anh là cán bộ quan trọng hoạt động kháng chiến đã bị dân làng biết rõ, tức là đã bị lộ. Nếu không tập kết toàn bộ, người ở lại khó sống với chính quyền mới. Hắn nói, bên họ (kháng chiến) đã có lệnh bắt buộc những gia đình loại này phải tập kết. Ra thế. Hắn còn kể nhiều chuyện kín khác nữa tôi không nhớ hết. Ban ngày bọn nhỏ chúng tôi lại vui thích kéo nhau đi tập hát… Trăng trung thu Miền Nam. Ngời tươi sáng, sáng trong lòng ta. Ca vang lên ước nguyện chung xây nền Cộng Hòa Tự Do…
    Trở lại chuyện bé Vinh bị tát tai. Hiệu trưởng đã cắt cử nó vào đội tuyên truyền cổ động ngày trở về của cụ Ngô. Sau chuyến di hành cổ động, nó đã tường thuật cho các bạn cùng lớp nghe… Đội gồm mười nam nữ thiếu nhi đại diện các lớp trong trường tiểu học. Tất cả tập trung tại một ngã ba trạm dừng xe buýt. Một xe dodge nhà binh có gắn loa phóng thanh, chở theo máy phát điện. Hai băng biểu ngữ chào mừng Ngô chí sĩ treo sát hai bên thành xe phía ngoài. Trưởng đoàn, một thiếu uý trẻ tuổi, với bộ quân phục chỉnh tề ngồi ghế trước cạnh tài xế. Mười thiếu nhi nam nữ lên ngồi trên hai hàng ghế đối diện phía sau. Mỗi em ngoe nguẩy trên tay một lá cờ vàng ba sọc đỏ và được phát cho một ổ bánh mì thịt…
    Xe khởi hành đúng bảy giờ rưỡi sáng, chạy về hướng Bao Vinh. Loa phóng thanh vang lên bản hùng ca suy tôn Ngô chí sĩ. Ông thiếu úy cho rải truyền đơn dọc đường. Qua khỏi Bao Vinh, đến Địa Linh, xe dừng lại. Loa phóng thanh vang lên giọng người sĩ quan đọc tiểu sử cụ Ngô. Sau mỗi lần đọc xong tiểu sử, ông ta chuyền micro xuống hai hàng ghế phía sau cho nhóm thiếu nhi hát đồng ca những bài hát ca ngợi tài đức…, những bài hát bọn nhỏ đã tập luyện thuần thục ở Trường. Người dân tươi cười đứng nhìn bọn nhỏ phất cờ ca hát. Xe dừng một chốc. Lại đọc tiểu sử, ca bài suy tôn.
    Lúc xe ra khỏi Địa Linh,trời chuyển mưa lớn. Xe chạy ngược chiều gió bắc. Tấm bạt che không ngăn được nước tạt vào. Bọn nhỏ ngồi co cụm tránh mưa. Xe lăn bánh trên con đường rải đá lởm chởm. Ông thiếu úy tắt máy phát điện. Xe lắc lư vượt qua làn mưa ngược chiều. Bên ngoài, con đường băng ngang cánh đồng lúa non. Xa xa vài thửa ruộng hoang bao phủ bằng một màn nước đục vàng. Phía biển, lẩn khuất sau lũy tre làng là những mái ngói đỏ au, những mái tranh đen xám. Phía bắc, làn mưa mù phủ kín đến tận chân trời…
    Sau hai giờ ngồi trên xe cổ động, bọn nhỏ dùng bữa trưa với thức ăn nước uống mang theo. Mười giờ sáng, mưa bớt nặng hạt. Xe đến Sịa, một địa danh bọn nhỏ chưa lần nào đặt chân đến. Chúng có dịp trông rõ chiếc thuyền cá giăng câu với năm ba người kéo lưới lên bờ. Người dân với nón lá, chân đất, áo quần lem luốc…
    Ông thiếu úy trưởng đoàn ngồi ăn nghỉ bên bờ phá Tam Giang, gần bến đò Sịa – Thế Chí… Phá Tam Giang chỉ rải rác một vài thuyền câu giăng lưới. Chừng nửa giờ sau, xe quay lại đậu ngay tại chợ Sịa – giữa buổi trưa vẫn có đông người mua bán… Bỗng dưng trời nắng sáng, cơn mưa dứt hẳn. Máy phát điện khởi động. Loa phóng thanh lại mở hết công suất. Giọng ông thiếu úy vang lên, làm khuấy động một vùng yên tĩnh, đánh thức người dân khu chợ ra khỏi nhà, tụ họp bên đường đứng nghe tin tức. Bọn nhỏ vỗ tay hát theo nhip những bài hát cổ động. Lúc xuống xe đi bộ, mỗi em đều cầm sẵn ảnh cụ Ngô và truyền đơn đi vào các nhà dọc đường phố phát cho dân…
    Ông thiếu úy đến trụ sở xã bàn chuyện gì đó trước khi trở lại bật máy phóng thanh cho đợt cổ động cuối cùng. Khi ông thiếu úy tắt máy phóng thanh, chuyến di hành kết thúc. Bọn nhỏ lên xe. Xe vòng lên quốc lộ Nam Bắc hướng về thành phố Huế và  trở về nơi xuất phát lúc 4 giờ chiều cùng ngày, chấm dứt cuộc di hành. Mười tên thiếu nhi trường tiểu học An Hòa đã có mặt vào thời điểm chuyển mình của lịch sử ngày chia đôi đất nước…
    Cũng chính cậu bé Vinh đã mang thơ của Thế Viên về làng. Một hôm bé Vinh từ trường học về, cho tôi tập thơ tuyên truyền của Ty Thông tin Thừa Thiên Huế, cổ vũ phong trào di cư. Đó là tập thơ của nhà thơ  Thế Viên, Phạm Đình Bách… Ở Sài Gòn lúc đó, Mai Thảo với Đêm Giã Từ Hà Nội cũng được nhà nước Đệ nhất cộng hòa in cả trăm ngàn bản, giúp nhà văn Mai Thảo trở thành nhà giàu Nguyễn Đăng Quý ăn chơi phè phỡn. Văn  thơ tuyên truyền của Mai Thảo, Thế Viên lạ thay, không phải là loại rẻ tiền. Những câu thơ của Thế Viên không ngờ lại gây mầm thơ cho tôi lúc học lớp Nhất trường tiểu học An Hòa. Tôi vẫn còn nhớ những câu thơ Thế Viên:
 
Em vào đây
Chim ca vạn lối
Sông núi cười vang dội sóng trùng dương
Hà Nội xưa ba mươi sáu phố phường
Rũ áo lên đường
Em nhớ gì không
 
Đây xuân thắm tóc bồng
Còn xuân ngoài ấy bên sông rũ buồn
Núi Nùng trắng đục mù sương
Cửa ô hoa khép mưa tuôn lệ người
Miền Bắc khổ lắm em ơi
Xuân về ai chép những lời thơ xuân
Quê Nam hoa sáng tưng bừng
Xuân về ta chép muôn vần thơ yêu
Dù cho gió sớm mưa chiều
Hoa xuân vẫn nở diễm kiều khắp nơi
 
Em vào đây
Nắng đẹp núi đồi
Trăng soi bến nước
Lúa Đồng Nai xanh mướt cuối trời sâu
Cheo leo tre uốn nhịp cầu
Xứ Dinh vẫn đẹp miếng trầu đưa duyên
 
Em vào đây
Xuân thắm tóc huyền
Bài ca viễn xứ không nghiêng mắt sầu
Em vào đây hết thương đau
Thuyền thương mở rộng con tàu ra khơi…
 
Quê tôi ngày ấy tìm đâu ra những câu thơ như vậy. Phải chăng vì bài thơ tuyên truyền nói trên mà Thế Viên, sau 1975, phải đi học tập cải tạo để chết rục trong tù ? Cũng may, Mai Thảo đã trốn thoát trong đường tơ kẽ tóc để vượt biên qua Mỹ, làm sống lại tạp chí Văn nổi tiếng trước 1975…
 

– Phan Tấn Uẩn

 

No comments: