Đoàn Xuân Thu
Nằm ở Bắc Phi (North Africa), giáp với Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) và Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), tiếng Anh: The Kingdom of Morocco. Tiếng Pháp: Maroc. Tiếng Việt là Ma Rốc.
Ma Rốc từng là một thuộc địa của Pháp suốt 44 năm dài, từ năm 1912 đến năm 1956. Nhưng Lục tỉnh Nam Kỳ chìm trong vòng nô lệ tới hơn cả trăm năm.
Cùng thân phận nhược tiểu, thuộc địa của thực dân Pháp, cùng thời gian; nên Lục tỉnh Nam Kỳ cũng không xa lạ gì với Ma Rốc
.Bằng cớ: nói không ai hiểu là nói tiếng Ma Rốc. Ma Rốc nói lái là ‘móc ra’. Cữ nhậu nầy tới phiên mình trả. Nhậu chực hoài ai chơi với mình?
Người Việt, trong đó có tui, nhớ tới Ma Rốc vì Ma Rốc sản xuất hộp cá mòi Sumaco tui ăn hồi còn chút éc.
Cá mòi, tiếng Anh ‘sardine’, loài cá dầu nhỏ thuộc họ cá trích. Tên Sardine được đặt theo một hòn đảo Sardina trong Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), vùng biển có rất nhiều cá sardine, cá mòi.
Là nước xuất cảng cá mòi đóng hộp nhiều nhứt thế giới, 600,000 tấn/năm, hơn 62% sản lượng đủ loại cá, Ma Rốc đánh bắt được.
Cá mòi Sumaco được sản xuất tại tỉnh Agadir, ven Địa Trung Hải. Agadir cách thủ đô Rabat của Morocco khoảng 466 km về phía tây nam.
Trong một hộp cá mòi (sardine in tomato sauce) của Ma Rốc, có cá mòi (Sardines) loại cá nhỏ, thịt trắng và sốt cà chua (tomato sauce) làm từ cà chua tươi, bóc vỏ, bỏ hạt, nghiền nhỏ được nấu chung với tỏi, dầu ô liu, húng quế, ngò và gia vị Maroc như tiêu và ớt paprika.
Vào thế kỷ 19, Pháp xua quân chiếm nhiều nước trên thế giới làm thuộc địa để bóc lột tài nguyên, trong đó có Việt Nam và Ma Rốc. Pháp đã xây dựng các công ty sản xuất cá mòi tại Ma Rốc. Rồi cá mòi của Maroc được vận chuyển đi phát cho lính Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, ăn hoài cũng ngán, lính Lê Dương Legionnaire (Légion étrangère) đem bán cho dân địa phương. Thế là, người Việt mua Sumaco một món xa xỉ mà ai cũng muốn được ăn thử một lần.
(Rồi sau tháng Tư, 1975, thuyền nhân Việt Nam tị nạn CS vượt biển đến được Đảo Galang, trong quần đảo Batam, Indonesia. Hay Pulau Bidong ở Kuala Terengganu, Malaysia.
Trong khẩu phần lương thực được Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc phát mỗi ngày: có cả cá mòi đóng hộp. Ăn hoài tất ngán, bà con mình đem hộp cá mòi đi đổi lấy cá tươi của ngư phủ địa phương.)
Lâu lâu, bữa nào siêng siêng, tui đẩy ‘trolley’ cho em yêu đi Coles supermarket Footscray. Tui hay thấy mấy bà Úc đen, ú nu như con hà mã, mua Tuna trong dầu Olive hộp 185g giá $2.20. Còn em yêu mua về một hộp cá mòi Sumaco của Morocco nặng 125 gr giá $1.75 với hai ổ bánh mì. Tui nịnh em: “Đi chợ giỏi ghê; biết lựa mua cá mòi của Ma Rốc vừa ngon, vừa rẻ!”
Bấy lâu nay, tui nghe mấy nhà tâm lý dạy tui là đàn bà, con gái, nhứt là người Việt mình, khoái nịnh lắm. Nghe nịnh là mấy em sướng tỉ tê, nhắm mắt để mật rót vào tai đến nỗi không thấy đường đi. Chính vì vậy trong kho ngữ vựng tiếng Việt mới có chữ ‘nịnh đầm’. Tụi Tây có chữ ‘galant’.
Nhưng anh giáo dạy trường Việt ngữ thứ bảy chê tui ngu. Ảnh giảng: nịnh là khen dóc; đầm là phụ nữ. Nịnh đầm, tiếng động từ, khen, ca ngợi, tâng bốc phụ nữ một cách quá mức, không chân thành để lấy lòng em đem về xào khóm nhậu chơi. Nịnh đầm là nói dóc, không chân thật mà là chân giả (dối).
Còn ga lăng (galant), mượn từ tiếng Pháp, có nghĩa là lịch duyệt, là vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa. Anh nào biết ga lăng tất sẽ đào hoa. Lúc đó được mấy em mê tít thò lò thì mặc tình mà đào mỏ, làm Casanova cho ấm cái tấm thân ‘ròm’.
Giacomo Casanova người Ý, sinh ra tại Venice đào hoa, tưng bừng gái gú bu như ruồi nhưng em nào cũng tin như bắp nướng là ảnh yêu chỉ một mình em. Còn mấy con ngựa bà khác ảnh chỉ qua đường ghé lại mà thôi.
Tui hỏi email của Casanova để xin làm đệ tử. Anh giáo bĩu môi nói: Chừa chỗ cho người ta dốt với. Trình độ lèng èng cỡ anh thì sức mấy? Dẻo miệng cỡ tui thì may ra. Nhưng ổng chết mấy mươi đời vương rồi. (1725-1798).
Em yêu của tui dĩ nhiên rất khoái nịnh. Ngày nào không nghe nịnh là em ăn cơm nuốt không trôi. Em nói và biểu tui không được cãi: “Sumaco của mấy thằng hải tặc Thái Lan mắc gấp đôi của người ta. Cho em, em đem đi vụt thùng rác.
Vậy là em mua một hộp cá mòi Sumaco của Ma Rốc về làm điểm tâm. Lửa vừa, em yêu đổ dầu ăn, tỏi vào chảo. Thêm hành tây, chút muối xào trong vài phút cho thơm. Thêm cá mòi với nước sốt cà chua, đường, nửa muỗng cà phê tiêu và 3 muỗng canh nước. Đun sôi và để nhỏ lửa trong 2 phút rồi tắt bếp. Em phết bơ bánh mì, trút cá mòi vào với ngò rí và một nhúm tiêu đen.
Món cá mòi bánh mì của em yêu ngon hết xẩy. Bữa điểm tâm, sáng, nhưng về hưu rồi, đâu có đi cày, cuốc gì, bịnh gì mà cữ? Tui uống beer, ăn cá mòi, hành tây ngâm giấm. Ngà ngà say, tui chui vô phòng để ngáy pho pho mơ về quê cũ.
Nước Úc với nền văn hoá đồ hộp dành cho dân “low income”, dân thu nhập thấp, dân nghèo như tui. Trái lại, quê mình hồi xưa, dân có tiền mới được ăn đồ hộp nhập cảng từ bên Tây.
Tui thời thơ ấu, ba tui làm Bưu Điện, hôm nào phải trực về trễ ba hay mua đồ ăn về cho vợ, cho con. Bữa ba mua bánh gan, bánh da lợn của em Thuý bán trên lề đường Trưng Trắc Mỹ Tho. Bữa ba mua một hộp cá mòi Sumaco với mấy ổ bánh mì về cho con. Má vẫn chờ ba về để ba má ăn cơm chung.
Hộp cá mòi Sumaco của Ma Rốc đối với người xa xứ, già như tui, gợi lại những hồi ức sâu đậm về thời thơ ấu. Tui nhớ cá mòi Sumaco rắc tiêu ăn với củ hành xắt lát mỏng ngâm giấm và bánh mì mới nướng.
Thương thằng em, chia cho mầy một miếng. Để ba mất, anh em mình đều khóc. CS vào thôi đã hết những ngày vui.
ĐXT
No comments:
Post a Comment