_______________
NGÔ QUANG HÒA
Kính gởi quý vị độc giả,
Vào đầu thế kỷ 21, một người Việt ở Australia trở về Việt Nam. Họ đến
quê tôi tìm mua một con Long mã để trang trí nơi nhà hàng của họ. Có lẽ họ là
người đồng hương nên mới biết con linh thú này. Con Long mã, theo đơn đặt hàng,
đã được tái sinh bằng chất liệu tổng hợp để bảo đảm độ bền nhưng nặng hơn con
Long mã xưa. Nếu đem ra múa thì khó tìm được người lực lưỡng thích hợp. Tuy
nhiên yếu tố này không quan trọng vì người đặt hàng chỉ cần một món trang trí để
nhớ về quê hương. Đến khi làm thủ tục hải quan, nơi đây không ai biết đó là con
gì. Họ có nhờ người bên ngành văn hóa thẩm định nhưng cũng chẳng ai nắm rõ. Cuối
cùng, Long mã đã không được thông quan. Nó lại quay về nơi đã sản sinh ra nó.
Biết được việc này, tôi vô cùng xúc động. Tâm tình của người xa xứ đó khiến tôi
trăn trở.
Trong bài hồi ký của tôi đang viết dở dang
có ghi lại ấn tượng sâu đậm về con linh thú này. Tôi quyết định tìm gặp một số
vị cao niên để tham khảo thêm tài tiệu về con Long mã. Trong buổi lễ hội kỳ yên
tôi xin phép được quay phim và chụp ảnh cặp Long mã tham dự đưa đón sắc
thần. Thật là thú vị khi tôi len lỏi trong đám đông, rất nhiều trẻ con để ghi
hình. Bọn chúng có vẻ hăm hở, thích thú ngắm nghía cặp Long mã nhảy múa nơi sân
đình, tuy không được điêu luyện như ngày trước. Tôi đã tìm thấy hình ảnh của
mình ngày trước trong bọn họ. Tuy nhiên, với tay nghề quá tệ, phần video
clip không được như ý. Chỉ ghi được vài tấm ảnh tàm tạm để minh họa.
Mong rằng bài viết ngắn này đến được với
người đã có tấm lòng hướng về quê hương.
Ngô Quang Hòa
Ở quê tôi, những khi có tiếng trống múa lân nổi lên là tôi cảm thấy rộn ràng.
Những ngày Tết ta, nhiều đội lân (lân sư tử, nguồn gốc từ Trung Hoa) thi nhau
tranh tài trên đường phố. Tôi thường len lỏi đi theo đội lân cả buổi. Tôi cũng
tranh nhau với đám trẻ nít những viên pháo chưa kịp nổ. Có lần còn suýt bị phỏng
tay, nhưng vẫn không chừa.
Ngoài
dịp Tết, ở quê tôi còn thấy xuất hiện vài lần những con lân lạ vừa hiếm vừa độc
đáo trên toàn cõi Việt Nam. Riêng ở miền tây, con lân này chỉ thấy xuất hiện ở
Châu Đốc, Long xuyên và vài vùng phụ cận vào những dịp lễ hội.
Lễ
hội kỳ yên cúng đình thần được tổ chức trang trọng và gây nhiều ấn tượng nhất.
Nơi nhà việc (dân gian gọi là nhà làng) bắt đầu nhộn nhịp từ nhiều ngày trước.
Nơi đây cất giữ sắc thần sẽ được long trọng rước đi, chuyển về đình làng ngoài
sông Cái.
Từ tờ mờ sáng ngày cúng đình, tiếng trống lân từ xa xa
đã réo gọi tôi ngay khi còn nằm trên giường. Chạy ra sân, tôi nhập vào một đám
con nít lần theo tiếng trống. Một đoàn lân, rồi hai đoàn lân xuất hiện ở đầu đường
dẫn đến nhà việc. Đến trước cổng, hai con lân đảo quanh xua đám con nít tạo một
vòng tròn trống thật lớn. Chúng nghênh ngang đùa giỡn theo nhịp trống. Có lúc
hai con đối mặt, quần thảo nhau như cảnh lưỡng long tranh châu trên nóc mái nhà
làng. Một hồi, trống lân kết thúc. Đoàn lân nghỉ ngơi. Hai con lân được xếp nằm
dài hai bên cổng nhà việc.
Bọn con nít chúng tôi bu lại, tranh nhau ngắm nghía, vuốt
ve. Thân mình lân được đặt nằm dài dưới đất. Phần đầu thì gác lên mặt trống
nghênh ngang như một con mãnh thú, rất sinh động. Đầu lân vàng khè không giống
loại lân sư tử mấy ngày Tết. Đó chính là đầu rồng, giống y hệt đầu rồng. Một cặp
sừng nhô ra nhiều nhánh trên đỉnh đầu. Râu mũi thì tua tủa lắc lư. Miệng rồng
điểm hai hàng răng nổi cộm chứ không phải răng vẽ như lân sư. Đầu rồng nối với
thân bằng một khúc vải vàng có in từng lớp vẩy rồng màu vàng điểm chấm đỏ. Thân
rồng là một sườn mây tre rỗng ruột tạo dáng một con ngựa, to hơn một vòng ôm
người lớn. Thân cũng được sơn, vẽ y như mình rồng hợp với đầu và khớp với vải nối.
Trên lưng rồng có một chiếc hộp dài, trên đó cắm một thanh gươm xuyên qua một
hình bát quái. Vài người lớn tuổi nói chiếc hộp đó đựng bản Hà Đồ. Hình bát
quái là báu vật của Thái Thượng Lão Quân, còn cây kiếm thì không có ai giải
thích. Tận cùng phía sau là một chiếc đuôi to bằng cườm tay mềm mại uốn cong
lên thành hình chữ S. Trên đầu chữ S, lủng lẳng một mặt tròn bằng vải, to bằng
cái đĩa, tua tủa những chiếc kỳ màu xanh lá như đuôi lân. Chúng tôi thích thú sờ
nắn, lúc lắc chiếc đuôi khiến các chú múa lân phải khổ sở ngăn cản bảo vệ con
“lân mã”. Các chú bảo không được phá phách con vật linh thiêng này, tội chết.
Nó không giống các con lân ngày Tết đâu. Lân mã chỉ để múa vào những dịp lễ hội,
cúng tế ở làng. Trước khi “xuất long” (đem lân ra biểu diễn), các chú phải làm
lễ cúng bái cẩn thận. Khi đã kết thúc lễ hội thì cũng lại làm lễ “niêm long” (cất
rồng, trùm kín lại). Thật ra tên gọi đúng của nó là “long mã”. Lâu dần, dân
gian gọi trại đi thành “lân mã”.
Trong nhà việc bắt đầu nổi lên khúc nhạc inh ỏi. Nào trống,
nào chiêng, nào kèn thi nhau tấu lên rộn ràng. Học trò lễ xếp hai hàng thẳng tắp
trước bàn thờ nhà việc. Họ mặc những chiếc áo thụng xanh, đầu đội mũ như các vị
quan triều đình vẫn thường mặc lúc thượng triều. Vị chủ tế nghiêm
chỉnh xướng to lên điều khiển cả chục học trò lễ. Học trò thay phiên tiếp xướng
với vị chủ tế. Họ cung tay, bước tới, thoái lui, quì bái nhịp nhàng như một
đoàn ca vũ chuyên nghiệp. Họ là những thanh niên ưu tú đủ tài đức được tuyển chọn
để tham gia việc cúng tế.
Sau những nghi thức trang trọng, sắc thần được thỉnh ra
và đưa lên chiếc kiệu gỗ chực sẵn ngoài sân. Chiêng trống bắt đầu tùng,
tùng…tùng, beng, beng... beng. Trống “long mã” cũng bắt đầu nổi lên
phụ họa. Hai con “linh thú” trổi dậy, nhún nhẩy, chuẩn bị vào cuộc. Đám người
xem bu xung quanh thành một vòng tròn trước cổng. Bỗng trống “lân” đổi sang điệu
thúc giục. Đầu “lân” vươn cao hết tầm tay người múa, mạnh mẽ xoay qua xoay lại
như muốn xua đuổi vòng người bao quanh. Một vòng dây từ thân rồng choàng qua cổ
người múa đầu để giữ lấy thân “rồng” luôn cao khỏi mặt đất (khoảng ngang thắt
lưng). Lúc này mới thấy khúc vải nối phần đầu với thân giúp nó xoay trở dễ
dàng. Người múa đằng đuôi khom lưng khuất trong mình lân, chỉ ló ra đôi chân mặc
chiếc quần vàng có vẩy tiệp với thân rồng.
Múa
“long mã” khó nhất là người múa đuôi. Anh ta cứ phải giữ tư thế khom lưng bên
trong thân lân và phải ngước mặt theo dõi từng động tác của người
múa đầu. Như thế mới theo kịp từng chuyển động sắp tới của điệu múa. Khi người
múa đầu phóng tới thì anh ta cũng phải sải chân kịp thời. Bất chợt, đầu “rồng”
khựng lại thì anh ta phải “thắng” một cái “két”. Hai người múa không ăn ý thì,
một là người sau ghì lại khiến người trước bật ngửa khi chồm tới; hai là người
sau “đứt thắng” đẩy người trước té nhào.
Một con bắt đầu co chân lên nhún nhẩy, động tác
báo cho người múa đuôi sẵn sàng. Theo nhịp trống dồn dập, “linh thú” chồm tới,
sải quanh vòng tròn, hung hăng đe dọa. Vòng tròn người xô đẩy nhau dãn ra mở rộng
đường cho đoàn kiệu rước sắc thần. Con “long mã” kia cũng vùng lên tiếp sức phi
nước đại dẫn đường đến đình làng. Được một khoảng xa, nó lại quay về đi cặp
theo con “lân mã” trước. Hai con cùng bước nhún nhảy rất lạ mắt (sau này, khi
xem phim Pháp tôi mới biết đó là “nước kiệu” được dành riêng để đón tiếp các bậc
vua quan). Thỉnh thoảng một con lại vượt lên trước để dẹp đám người hiếu kỳ cản
lối. Theo chân con Long mã còn có ông địa. Cũng với cái bụng phệ và chiếc quạt
phe phẩy như ông địa của lân sư tử. Đặc sắc hơn là một ông Tề Thiên cầm thiết bảng
múa may dẫn đường. Ông Tề đeo mặt nạ khỉ, bận một bộ đồ bằng vải bao bố tời
đánh tơi ra giống bộ lông khỉ. Áo và quần liền nhau, trùm cả lên đầu. Người xem
liên tưởng ngay đến chuyện thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh : Bạch Long, Tam
Thái tử của Long vương biến thành con ngựa phò Huyền Trang trong truyện Tây Du
Ký.
Chiêng trống đoàn cúng đình vẫn cứ thong thả xen vào
tùng, tùng,…tùng, beng, beng,...beng. Suốt đoạn đường đưa rước sắc thần, trống
“long mã” nhiều lần đổi nhịp, khi khoan thai khi dồn dập. “Long mã” cũng theo
đó mà đi nước kiệu hay phi nước đại.
Tôi say mê đeo theo đoàn “long mã” đến đình thần. Đến
giờ cơm trưa tôi vẫn không về nhà. Có năm, tôi còn ở lại nhận xôi thịt
sau cuộc lễ. Tôi ngồi cạnh mấy chú trong đoàn “long mã” vừa ăn xôi, vừa bắt
chuyện huyên thuyên. Và rồi lần nào cũng thế, tôi lại phải chịu đòn và thút
thít hứa “không dám vậy nữa”.
Sau ngày thống nhất, “long mã” bị liệt vào sổ đen là con lân “giáo phái” (của
Phật giáo Hào Hảo). Nó không còn được xuất hiện nữa. Thời gian cứ trôi. “Long
mã” chìm vào quên lãng. Nhịp trống mai một dần. Điệu múa cũng không ai nhớ rõ.
Sau
năm 1990, người ta xét lại “lý lịch” con “long mã”. Nó lại được xuất hiện trong
các kỳ biểu diễn tranh giải múa lân. Những người yêu thích con Long mã tìm lại
những nghệ nhân xưa để nhờ “phục sinh” con Long mã. Người ta cố moi trong ký ức
để dựng lại hình dáng con linh thú. Long mã ngày nay sống lại với những món
trang trí tân thời. Đường nét trên đầu rồng nổi bật nhờ những đường viền bằng dẫy
lông thỏ trắng tinh. Người ta còn trang sức cho nó với những hoa văn bằng nhựa
đủ màu. Long mã trở nên đẹp đẽ, sắc sảo hơn nhiều. Một số người lớn tuổi nói đẹp
thì có đẹp nhưng không “thật” như ngày trước.
Sau
mười mấy năm nằm yên, bị cùm chân lâu ngày, Long mã xuất hiện với những nhịp
chân nặng nề, chậm chạp. Không còn thấy nó nhún nhảy duyên dáng theo nước kiệu,
hay hùng hổ phi nước đại nữa. Cũng có thể nó đẹp nhưng lại già nua chăng? Nhịp
trống và điệu múa có vẻ nghèo nàn đơn điệu (có phần lai trống lân sư). Còn đâu
những nước kiệu, nước sải, phi nước đại ngày trước. Nghệ thuật “long mã” chỉ
còn trong ký ức. Bọn trẻ con lớn lên sau này không có được những giây phút hăm
hở, reo hò sôi nổi như chúng tôi ngày xưa.
Về chuyện con Long Mã. Thú thật tôi không nắm rõ nguồn
gốc. Do vậy, bài viết của tôi chỉ nhằm nhắc lại chuyện đời xưa. Rất tiếc vì
chuyện con Long mã ở miền Tây đã từng bị xem là thứ “kỵ húy” nên thất truyền.
Những bô lão hiểu biết nhiều đã lần lượt nằm xuống. Người còn sống thì không nắm
được gốc tích chính xác. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, nếu tích con Long mã
có liên quan đến “nước sông Hoàng hà dâng cao” từ đời Phục Hy, thì ở miền Tây,
đặc biệt vùng Châu Đốc, Long Xuyên là nơi đầu nguồn của con nước đổ hằng năm,
thì con Long mã có vẻ gần gũi với đời sống nơi đây hơn. Từ năm 1918, ông cha
ta, đặc biệt là Thoại Ngọc Hầu đã tìm ra giải pháp khắc chế con nước nổi bằng
con kinh Thoại Hà (Đông Xuyên) từ Núi Sập đến Rạch Giá. Rồi từ năm 1919 đến năm
1924 có thêm con kinh Vĩnh Tế ở Châu Đốc. Chính con kinh này đã chia dòng lũ ra
biển Hà Tiên. Sau đó, con kinh Cái Sắn được mở thêm cũng giúp thoát nước lũ của
sông Hậu ra biển Rạch Giá.
Rất mong những vị thức giả góp thêm những hiểu biết quí
báu của mình để làm sáng tỏ một loại hình văn hóa nghệ thuật rất Việt Nam.
No comments:
Post a Comment