tác giả Kỳ Phan
Trong làng nghệ thuật miền Nam, Minh Đức Hoài Trinh là một cái tên được nhiều người biết đến, tác giả 2 bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành những bản tình ca bất hủ là “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” và “Đừng Bỏ Em Một Mình”. Tuy nhiên ít người biết về câu chuyện ly kỳ như tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời bà – một người phụ nữ Việt Nam tài giỏi có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng luôn tự tin kiêu hãnh, mang ánh mắt sắc lạnh và dường như luôn chất chứa nhiều tâm sự.
Trong số những câu chuyện kể về Minh Đức Hoài Trinh, có một câu chuyện được cho hoàn cảnh ra đời của bài thơ nổi tiếng Kiếp Nào Có Yêu Nhau được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Câu chuyện diễn ra vào khoảng những năm cuối cùng của thập niên 1940, Minh Đức Hoài Trinh khi đó vẫn còn là một nàng thiếu nữ 17 tuổi trong sáng, nồng nhiệt và nhiều khát khao cống hiến. Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần hội ngộ Minh Đức Hoài Trinh tại vùng kháng chiến vào năm 1948 đã kể lại ấn tượng về bà như sau:
“Tôi bấy giờ đang là quân nhân… bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con… ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa để xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thái Mai coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ“…
Chính trong hoàn cảnh tưởng như vô cùng thuận lợi đó, Minh Đức Hoài Trinh lại gặp phải một cú sốc cuộc đời. Khi ở trong hàng ngũ của Việt Minh, có một lần bà được giao nhiệm vụ về Huế để tiếp cận, thuyết phục một chính khách nổi tiếng là Phan Văn Giáo, (ông là Đại biểu Chính phủ miền Trung dưới thời Bảo Đại về tái lập Chính quyền sau năm 1945.)
Tuy nhiên sự tiếp cận này lại dẫn đến một tình yêu sâu sắc giữa 2 người. Điều đau đớn là khi tình yêu vừa nảy nở cũng là lúc vị chính khách kia bị chính đơn vị của bà Hoài Trinh cho người thủ tiêu. Khi ấy bà đã mang trong mình một sinh linh, bị bất ngờ và cực kỳ thất vọng.
Câu chuyện này được người cháu ruột của Minh Đức Hoài Trinh là PTH kể lại. Cô còn cho biết người con gái của Hoài Trinh và Phan Văn Giáo sau đó sống tại Paris rồi đi tu.
Tuy nhiên theo lịch sử ghi nhận thì người chính khách mà bà Minh Đức Hoài Trinh từng tiếp cận là Phan Văn Giáo sau đó vẫn còn sống (sau khi bị ám sát hụt nhiều lần), từ khoảng năm 1950, ông gặp nhiều thăng trầm trong con đường binh nghiệp, bị cắt chức rồi bổ nhiệm chức mới rồi lại bị phế truất. Ông chuyển đến Pháp từ năm 1954 rồi mất vào khoảng năm 1968 trên đất Pháp.
Vào thời điểm viết bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau (khoảng cuối thập niên 1940), có lẽ Minh Đức Hoài Trinh đã nhầm tưởng rằng người tình chính khách đã không còn trên cõi đời nữa sau vụ ám sát, nên đã viết những lời thơ vô cùng đau đớn và day dứt.
Nguyên văn bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau của Minh Đức Hoài Trinh như sau:
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Lệ nhoà trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi.
Và như thường lệ, vị “phù thuỷ âm nhạc” đại tài là Phạm Duy đã bắt được những ý thơ tuyệt đẹp của Minh Đức Hoài Trinh thả tung lên bầu trời âm nhạc thành một tuyệt phẩm não lòng. Từng câu hát cất lên da diết, ai oán, sầu muộn lột tả trọn vẹn nỗi đau của nàng thiếu nữ. Nàng ước mong được gặp lại người tình trong kiếp sau.
Ở câu hát: “Anh đâu anh đâu rồi? Anh đâu anh đâu rồi?”, lời hát và giai điệu đột ngột bị đẩy lên cao vút, thể hiện sự thảng thốt của nàng thiếu nữ khi không thấy người yêu xuất hiện nữa dù nàng đang một lòng nghĩ về chàng và cầu nguyện.
Để rồi khi chàng xuất hiện, nàng lại vội vã trốn tránh, hoảng hốt xua tay:
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã (đã) quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa… anh ơi !
Có thể nói, nếu bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” của Minh Đức Hoài Trinh là những dòng thơ ủ rũ, sầu buồn, nhiều day dứt, suy tư thì ca khúc “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” qua lăng kính Phạm Duy là những trường đoạn cảm xúc mãnh liệt, cuốn hút và rực rỡ…
No comments:
Post a Comment