"Sài Gòn những ngày tháng xa xưa" của TTL đã cho tôi cảm hứng viết bài nầy
Mạch Vạn Niên
___________________
Cà phê Năm Dưỡng nằm trong một góc của Ngả Sáu Sài Gòn, một bên là đường Hùng Vương, bên kia là đại lộ Lý Thái Tổ.
Năm 1965 tôi là thằng chân ướt chân ráo lên Sài Gòn như thằng Mán về thành, may mắn được thầy Trần Ngọc Thái lúc đó làm hiệu trưởng trường Pétrus Trương Vĩnh Ký nhận vào lớp Đệ Nhất B2. Tôi nói may mắn là vì tôi không phải thi vào như mấy học sinh khác, một phần là nhờ anh chị tôi quen biết với thầy gởi gấm, một phần nữa cũng nhờ tôi là học sinh khá mà thầy Thái từng biết qua khi thầy còn làm hiệu trưởng trường Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá trước kia. Thầy vui vẻ cười hiền - nụ cười thầy sao giống quá nụ cười của Tổng Thống Kennedy - nói với anh chị tôi, tưởng ai chớ thằng Niên thì khỏi phải thi, nó là học trò giỏi của trường Nguyễn Trung Trực mà ! Tôi nghe qua mà khoái cái lỗ nhĩ !
Thực ra hồi còn học ở Nguyễn Trung Trực, lớp tôi có rất nhiều anh chị em học giỏi. Nhưng tôi ngán nhất là Hoàng Thị Tố Lang. Cô bé hạt tiêu ( nhỏ con và nhỏ tuổi nhất lớp ) nhưng học giỏi không ai bằng ! Nếu tôi tự khen mình là Đông Phương Bất Bại thì phải công nhận cô bé nầy là Độc Cô Cầu Bại ! Hai đứa tôi chia nhau hạng nhất hạng nhì mỗi tháng !
Được thầy Thái khen phồng cả lỗ mũi, vậy mà khi vào học rồi mới nhớ lời thầy Phạm Văn Giáo nói khi xưa về tôi " xứ mù thằng chột làm vua " . Có phải khi xưa tôi tự cao tự đại quá chăng !? Chắc là vậy ! Cho nên tôi đã bị truất mất hai lần lãnh thưởng ! Đáng đời !!! Bây giờ tôi là dân Pétrus, sợ thua chúng bạn tôi gạo bài cả ngày lẫn đêm, nhưng so với tụi Pétrus gốc tôi cũng chỉ ở hạng xoàng. Có lần tôi leo lên tới hạng 5 trong tháng là hết.
Kể ra thì tôi không tệ lắm đâu. Tôi cũng là một trong những thằng giỏi toán nhất nhì lớp, chỉ thua tụi nó về sinh ngữ thôi. Nhờ vậy mà tôi có một đống bạn thân dù là tôi chỉ mới học năm đầu mà cũng là năm cuối của trường Pétrus.
Lớp tôi có tới ba con lân ( ba thằng trùng tên Lân ) . Lân Lùn ( Nguyễn văn Lân ), Lân Cao ( Trần Ngọc Lân ), Lân Võ Sĩ ( Nguyễn Hữu Lân ). Cả ba đứa tôi đều chơi thân, nhưng thân nhất là Lân Võ Sĩ. Thằng dẫn tôi tới quán Cà Phê Năm Dưỡng đầu tiên là Lân Võ Sĩ. Thật ra Cà Phê Năm Dưỡng đâu xa, nó nằm cách trường tôi một cái bồn binh Ngả Sáu .
Nếu Sài Gòn thuở ấy có rất nhiều quán cà phê, từ quán trang trí rất hippi của Jo Marcel ở đại lộ Nguyễn Huệ đến quán Hầm Gió của Nam Lộc trên đường Võ Tánh hoặc văn nghệ hơn như quán Thằng Bờm của Vũ Thành An ở đường Đề Thám v.v...thì tôi chỉ chấm có hai quán là Thu Hương trên đường Hai Bà Trưng ở Tân Định và Cà Phê Năm Dưỡng gần trường tôi mà thôi vì nó vừa túi tiền và mỗi nơi một vẻ. Cà phê Thu Hương dành để dẫn đào mà không sợ sạch túi vì ngoài cà phê phin còn có thức uống khác cho đào...Còn cà phê Năm Dưỡng nếu dẫn đào vào thì chắc nàng " ngàn năm mây bay " !
Nói vậy không có nghĩa là Cà Phê Năm Dưỡng dở hay dơ. Đúng ra Cà Phê Năm Dưỡng là cà phê bình dân pha bằng vợt chớ không bằng phin và dành cho dân ghiền cà phê như học sinh và sinh viên chúng tôi.
Lần đầu tới quán Năm Dưỡng nhấp chút cà phê chợt thấy có mùi vị quen quen. Hình như có một chút mặn mà trong ly cà phê Năm
Dưỡng. Vâng ! Tôi chợt nhớ tới quán cà phê anh Xía ở đường Gia Long kế khách sạn Giang Nam, xéo xéo bên kia là nhà sách Tấn Hoá ở Rạch Giá quê tôi. Nhớ tới tiệm Tân Nam Dương chuyên bỏ mối cà phê rang sẵn. Tôi còn lạ gì mùi cà phê Moka mà tiệm Tân Nam Dương rang pha với bơ hàng ngày bay qua khiêu khích khứu giác của tôi vì nhà tôi ở sát vách. Còn cà phê anh Xía thì trưa nào trước khi tới trường tôi với Huỳnh Nhựt Hồng ( vị quốc vong thân ) cũng ghé ngang làm một ly hắc xịt ( cà phê đá ).
Bạn ơi ! Dù có đi đâu nếu là dân ghiền thì khó mà quên mùi cà phê Rạch Giá. Nó đặc biệt là nhờ nước sông Kiên lờ lợ pha vào làm ly cà phê đậm đà .
Nhấp ly cà phê làm tôi bạo gan hỏi người có nước da ngâm ngâm tuổi chừng bốn mươi ngoài có cái tên là Năm Dưỡng đang chọt chọt chiếc đũa vào khuấy khuấy chiếc vợt cà phê, có phải ông là người Rạch Giá không ? Ông cười ! Sao chú biết ?
Thưa ông ! Ly cà phê mà tôi đang uống tôi biết ông có pha chút muối để giữ hương vị đậm đà mùi gió biển quê hương làm sao đánh lừa được vị giác của thằng ghiền nặng như tôi. Gặp ông và nhấp ly cà phê tôi mới thấm thía mấy chữ THA HƯƠNG NGỘ CỐ TRI !
Nếu ông còn sống tuổi chắc đã cửu tuần ! Than ôi ! Người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ !
Mạch Vạn Niên
5 comments:
Gửi anh Niên một bài viết có nói về Cà phê Năm Dưỡng nhân đọc bài viết của anh . Người viết không phải là người Gạch Dá mình đâu nên hình như không thấy cái mằn mặn trong cà phê như anh nói ... Mời anh và các bạn cùng đọc . Quên nữa HTTL rất thích cái chữ "ngán" anh dùng trong bài viết nầy . Thanks anh Niên
TL
SAIGON CÀ-PHÊ VĨA HÈ
Thảo-Nguyên
(Thương nhớ về những người bạn của tôi ngày xưa trọ học ở khu vực Lý-Thái-Tổ và Nguyễn-Duy-Dương Saigon)
Nói đến cà-phê Saigon vào thập niên 60 là khoảng thời gian chúng tôi trọ học thì những quán bán cà-phê Saigon lúc bấy giờ có những đặc-điểm,những nét riêng khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ dù thời gian đã 50 năm qua rồi.
Saigon có những quán cà-phê sang trọng có máy điều hòa,cà-phê ở trên sân thượng của các toà nhà cao ốc hay ở trước tiền sảnh của các nhà hàng khách-sạn có tiếng ngày xưa như Givral,Continental, Bắc-Cực v.v… hoặc ở ngã tư các đai-lộ Lê-Lợi,Hàm-Nghi …dành cho người nhiều tiền,khách du-lịch vừa uống cà-phê vừa ngắm cảnh,các nhà văn,nhà thơ,cánh nhà báo đến đấy vừa nhâm-nhi cà phê, thu-thập tin-tức vừa viết bài .
Saigon cũng còn có những quán cà phê,những hàng cà phê được bày bán dọc theo hàng hiên các dãy phố hẹp hoặc ở dưới những gốc cây,tàn cây cao, to mát ở dọc theo những con phố Saigon như đường Hàn- Thuyên,đường Nguyễn Trung-Trực, đường Huyền -Trân Công-chúa,trước nhà thờ Đức Bà, bên hông Bưu Điện Saigon…Tuy nói là quán nhưng thật ra chủ nhân những hàng cà phê nầy bày ra những chiếc bàn thấp lộ thiên với những chiếc ghế đẩu cũng thấp lè-tè kê san-sát nhau.Khách hàng những quán cà phê nầy đa số là người lao động tay chân nghèo,công chức lương thấp, thành phần học- sinh,sinh-viên ghiền cà-phê ngon như chúng tôi.Thực sự cà-phê ở đây không thua kém những nơi sang trọng mà chúng tôi vừa nêu ở trên.Quán cà-phê ở những nơi nầy lúc nào cũng chật ních người,ngồi chen-chúc nhau :vừa uống cà phê vừa đọc báo,hoặc vừa uống cà-phê vừa nói vừa bàn luận đủ mọi thứ chuyện trên đời,thật vui.Các bác chạy xe xích-lô thì vào quán uống l ly cà-phê giải khát,lấy lại sức sau 1 cuốc xe mệt nhọc,đường xa. Dù xa lạ nhưng gặp nhau nhiều lần những người khách ở đây thành thân quen từ lúc nào chẳng hay.
Ngoài những quán cà-phê đặc-biệt vừa ngon,vừa rẻ như trên, chúng tôi còn được bạn bè giới-thiệu hoặc do sự đồn-đại nào đó trong giới ghiền cà-phê như chúng tôi nếu đạt được 2 tiêu-chuẩn vừa ngon,vừa rẻ lại nếu có thêm được chỗ ngồi thoáng ngắm xe cộ, thiên-hạ đi trên phố được thì càng tốt, chúng tôi sẽ tìm đến, không bỏ qua.
Lúc ở đường Lý-Thái-Tổ có nhà nấu cơm dành cho sinh-viên,học sinh với giá ưu đãi,chúng tôi cùng một số bạn tìm nhà trọ gần đấy để tiện việc ăn cơm nên trong dịp nầy chúng tôi đã phát hiện ra quán cà-phê NĂM DƯỠNG ở góc đường Cao Thắng .Quán cà-phê nầy đặc-biệt với món cà-phê sữa và quán được mang tên của chủ quán (Chú Năm Dưỡng) .Hương-vị tách cà-phê sữa nóng,bốc khói,mùi thơm bốc lên tận mũi …chúng tôi chưa thấy có quán cà-phê nào sánh bằng.Cách pha, châm cà phê ở đây gần như cha truyền con nối và như có một bí-quyết nên mỗi lần có dịp trở về Saigon chúng tôi cũng lặn lội đến quán nầy để tìm lại hương-vị tách cà phê của những ngày xưa…
Cám ơn TL và Thảo Nguyên đã chia xẻ kinh nghiệm về cà phê.
Tôi có ông bố vợ ở Khánh Hội, tuy
chức vụ khá lớn ở Phủ Tổng Thống, nhưng mỗi ngày đi làm qua khỏi cầu Calmette vào khu chợ Cũ là ông ghé ngang góc đường Phó Đức Chính ngồi xuống chiếc ghế đẩu trên lối đi cùng bà xã tôi ( lúc đó chưa lấy tôi) để hai cha con cùng thưởng thức ly cà phê sáng và ông đặt tên cho cà phê vỉa hè nầy là cà phê Góc Me. Sau nầy khi chúng tôi lấy nhau rồi ông mới dẫn tôi tới giới thiệu và tôi phải công nhận ông là dân sành cà phê. Cà Phê Góc Me mà ông khen quả thật không thua bất cứ cà phê nào mà tôi từng uống qua.
Sao MVN co cai gu giong toi,hoi hoc o DHSP sai gon, toi cung dang ky hai quan ca phe 5 Duong o hem 21 Nguyen thien Thuat va quan Thu Huong o dau cau Kieu Hai ba Trung, quan 8 Duong co caphe sua da ngon, hinh nhu luc pha che ong da cho vo mot ti nuoc mam nhi Phuquoc chu khong phai muoi ,vi luc rang caphe nguoi ta da cho muoi vo roi.Con quan Thu Huong thi caphe filtre da ngon,do dich than ong chu quan cham nuoc va vo da cho minh, lai nua co co con gai ngoi thu ngan trong cung xinh lam.
Tháng 5-2015, Sài Gòn vừa tưởng niệm 40 năm…. Nhiều cảm xúc cho tháng ngày này. Không chỉ ký ức cuộc chiến mà còn là hoài niệm về hình ảnh Sài Gòn chất chứa những nhân ảnh giờ đã là muôn năm cũ!
Mây vẫn bay, ngày vẫn trôi đi, ai chẳng có một cái quán để nấp bóng còn đang bồng bềnh ở đâu đó trong tâm tưởng. Chút hoài cảm mong manh rằng có một ngày nào đó, ngồi bên quán vắng chiều hôm bỗng dưng bắt gặp lại một vài khuôn mặt quen thuộc qua một dòng nhạc, qua những giọt cà phê đang lặng lẽ buông rơi… Để hoài cố nhân với còn ai nữa, những người của dĩ vãng thấp thoáng ẩn hiện trong một ngày nhạt nắng…
30 năm trước, lúc người viết bài này còn là sinh viên trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, cứ mỗi lần lịch học ở cơ sở 1 trên đường Nguyễn Văn Cừ (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), là bè bạn rủ nhau sang bên kia đường để nhâm nhi cà phê Năm Dưỡng góc Ngã Sáu Sài Gòn. Quán không có bảng hiệu riêng. “Năm Dưỡng” là tên ông chủ quán.
Cà phê là món điểm tâm...
Tôi còn nhớ, cà phê Năm Dưỡng ở số 251/2 Nguyễn Thiện Thuật, nằm trên con hẻm nhỏ nối liền với Lý Thái Tổ. Hẻm đó còn có nhà của... nghệ sĩ Hùng Cường. Thuở ấy, may mắn lứa sinh viên còn được hưởng cái thú nghe đâu vốn là “đặc sản” của quán từ trước 1975: Mấy ông bà khách hàng của Năm Dưỡng thường ngồi chồm hổm trên ghế, cà phê đổ ra cái đĩa cho nó nguội mới uống. Cà phê Năm Dưỡng hay hát đĩa cải lương của Hãng Dĩa hát Việt Nam, loại đĩa 78 vòng vừa dầy vừa nặng. Dĩa hát được nhiều khách nhớ nhất là Tư Ếch đi Sài Gòn do Văn Huờng ca vọng cổ được phát tới phát lui.
Cà phê Năm Dưỡng pha bằng vợt chớ không bằng phin và dành cho dân ghiền cà phê như học sinh và sinh viên nghèo thời ấy. Hồi đó trước quán còn có ông già người Tàu bán húng lìu ngon lắm...
Anh bạn đồng nghiệp Trần Tiến Dũng nói rằng người Sài Gòn - Chợ Lớn ngày xưa thức giấc sớm, cứ tầm bốn, năm giờ sáng là bếp ở tiệm nước hoặc bếp ở quán hẻm phố đỏ lửa nấu nước pha cà phê. Hình ảnh phổ biến nhất của cà phê vợt lại là cái siêu đất, loại siêu nấu thuốc bắc và cái vợt bằng vải dài như chiếc vớ của người đi giày bốt.
Ở các tiệm nước của người Hoa còn có kiểu uống cà phê vợt chấm giò quảy hoặc bánh tiêu. Nhiều người lớn tuổi, dân lao động nghèo, kiểu uống cà phê này có thể thay thế phần ăn điểm tâm sáng. Thật là ngon lành biết bao khi cầm nguyên cả cái bánh giò quảy chấm vào ly cà phê hoặc ngắt từng miếng bánh nhỏ rồi dùng muỗng vớt chung với cà phê lên nhâm nhi.
Hình ảnh quen thuộc là một ông già người Hoa ngồi chồm hổm trên cái ghế đẩu hỏi chuyện với người xung quanh: “Lị biết bữa nay xố sổ con gì không? Ngộ hôm qua nằm mơ thấy tiền cột thành xấp cao như núi, tính nhịn ăn một bữa mua vé số. Có trật thì đói một chút cũng không chết à”. Vậy rồi mấy người trong quán cùng lên giọng lơ lớ bàn số đề với ông già ngồi chồm hổm...
Và nói đến cà phê vợt mà không nhắc đến ngón nghề rót cà phê của các tay pha chế thì có khi thiếu sót. Cái hình ảnh đưa siêu cà phê lên cao rồi để cho dòng cà phê chảy ra từ cái ống siêu làm tràn miệng ly cà phê đọng lại trong cái dĩa. Cái ngón nghề rót tràn ly này sao khéo quá, tràn chút xíu, để dư cà phê cho khách chút xíu thôi, vậy mà thành một phong cách uống kề môi miệng vô cái dĩa vừa thổi vừa húp.
Có người giải thích về phong cách húp chút cà phê dư trong dĩa là: Cà phê mới rót nóng hổi, hương cà phê tràn trên mặt cái dĩa, kề mủi, miệng vô là cách tận hưởng hương cà phê. Cách giải thích đó không hề suy diễn vì chỉ với món cà phê vợt người ta mới có phong cách húp cà phê trong dĩa, cũng như chỉ ở Chợ Lớn người đời nay và người đời sau mới cảm nhận được mùi vị các giai thoại về ban hội nhất thống giang hồ, truyền kỳ về các ông vua ve chai, vua ấp hột vịt, vua bột ngọt, vua chiếu bóng... nhưng trên hết là mở ra không gian văn hóa của những người Hoa chọn Sài Gòn làm chốn quê nhà.
Nhắc kể về một thuở cà phê Sài Gòn, các thế hệ sinh viên đàn anh (và cũng là bạn vong niên!) của người viết bài này, cứ mỗi lần gợi lại là miên man trong dòng chảy đậm đặc hương cà phê kỷ niệm...
Tiếc là tôi không có tấm hình nào của chú Năn Dưỡng. Tối nhó chú hay ở trần và tay phải đeo 1 vòng cẩm thạch.
Post a Comment