Bây giờ đã vào tháng Mười Hai. Trời lạnh nhưng nắng vẫn mượt mà óng ả, trời càng trong càng nắng lại càng lạnh, những hạt nắng như những viên thuỷ tinh lung linh, xuyên qua tấm màn ren mỏng chiếu vào cây Giáng Sinh đặt ở góc phòng. Cuối năm, dọn dẹp lại căn phòng nhỏ chất đầy báo chí và sách vở, bỗng dưng tờ tạp chí “People” nằm dưới chồng báo đập vào mắt tôi, để chợt nhớ rằng đã được đọc một bài phóng sự rất hay, viết về những đứa bé chào đời sau khi cha của chúng nó là những người lính đã hy sinh ở chiến trường.
Đó là câu chuyện của nước Mỹ, những đứa bé được chào đời từ tinh trùng của người cha để lại, cất giữ trong những ống nghiệm được đông lạnh. Để làm gì thì không ai hiểu, nhưng đã làm cho tôi vô cùng xúc động, khi nhìn thấy hình ảnh những đứa bé trai hay gái, giống y hệt như hình ảnh người cha đã ra đi mãi mãi không bao giờ trở về. Những người tình hay người vợ ấy đối với tôi họ phải có một tấm lòng can đảm và một tình yêu vô cùng mãnh liệt, khi dám chấp nhận hoàn cảnh cô đơn và đóng vai người mẹ của đứa con không một lần ân ái. Có thể trước khi ra đi người lính đã linh cảm thấy được thân phận mình trong bối cảnh chiến tranh “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, nên anh ta đã để lại cho người tình một chút hy vọng mong manh, kỷ vật vô gía của tình yêu chân thật nếu như một ngày nào đó thân xác ấy đã tan thành tro bụi.
Thế nhưng không ngờ tôi lại chứng kiến một câu chuyện tương tự như vậy xảy đến trong gia đình người chị bà con của tôi. Một buổi chiều tháng Mười Hai mùa Giáng Sinh, cách đây khoảng 10 năm, trời đã xâm xẩm tối để sáng lên những ánh đèn trang hoàng nhấp nháy từ hai dãy nhà trong xóm. Tiếng chuông điện thoại reo và nghe giọng nói quen thuộc của chị từ xa vọng đến:
“ Merry Christmas”, sau câu chúc xã giao chị vào đề ngay, giọng sũng đi vì buồn:
“Có rảnh không lên đây chơi với chị, buồn nẫu cả ruột, con với cái”
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
“Chị đang ở đâu, có chuyện gì thế?
Giọng chị có vẻ rời rạc:
“Chị đang ở San Antonio, lên đây lâu rồi, chăm sóc cho con bé sinh nở không có ai. Cả nhà giận lắm, nhất là anh ấy đổ hết mọi thứ lên đầu chị là đã cho con bé đi học xa. Không ai hỏi han gì tới nó, nhưng chị thì không thể được, cháu sinh được 4 tháng rồi nhưng cái buồn thì thấm tận gan phổi cả mẹ lẫn con.”
Tôi an ủi chị:
“Chuyện ấy theo em không có gì quan trọng, nhất là đối với giới trẻ ở bên này, chị liệu thu xếp cho cháu hợp thức hoá là xong.”
Chị tức tưởi rồi oà lên khóc:
Chị tức tưởi rồi oà lên khóc:
“Nếu nghĩ như cô thì mọi chuyện đã dễ giải quyết, cùng lắm thì mình muối mặt với họ hàng bè bạn một ít lâu rồi cũng đâu vào đấy. Đằng này, cha con bé không còn nữa, nó chết rồi, rơi máy bay chết tận chiến trường Iraq. Con bé không có cha, cha nó là một người lính, hai đứa học cùng trường với nhau. Rồi nó nhập ngũ, cứ đi đi về về rồi để lại cho con bé cái bào thai trong bụng mẹ, không hiểu sao con chị nó ngu thế, học hành chưa xong mà đã làm mẹ, trời ơi là trời!”
Nghe chị rên rỉ khóc lóc, tôi hiểu nỗi thất vọng trong lòng người mẹ đã kỳ vọng bao điều tốt đẹp ở tương lai đưá con gái, chưa gì đã chịu cành góa bụa. Thở dài vì câu chuyện không vui trong mùa Giáng Sinh, tôi hẹn với chị là sẽ lên thăm chị ngay trong tuần lễ áp Lễ Giáng Sinh năm ấy.
Quá giang một người quen đến San Antonio để thăm mẹ con chị. Trong lúc chờ chị đến đón trước cổng thành Alamo, đối diện với khu River Walk của thành phố được tiếng là xinh đẹp quyến rũ nhất của tiểu bang Texas. Buổi chiều hôm ấy đèn hoa đã nhấp nháy trên khắp các nẻo đường, hàng cây xồi lá vẫn xanh biếc mặc dù tiết trời đông buốt lạnh. Tôi đưa mắt quan sát xung quanh, chợt bắt gặp một người lính trẻ đang ngồi nghỉ chân trên chiếc băng đá nhìn vu vơ vào các cửa tiệm buôn nhấp nháy ánh đèn, vẻ tư lự của người lính trẻ khiến tôi hình dung ra nỗi cô đơn của anh ta trong một chiều mùa đông làm tôi chạnh lòng.
Tính nhạy cảm khiến tôi có thể tưởng tượng ra đủ thứ chuyện, ngầy ngật buồn vì hình ảnh người lính cô đơn về phép ngồi trên ghế đá, cũng như có những buổi tối trời mưa đi đâu về, tôi vẫn thương thầm cho người cảnh sát phải làm nhiệm vụ của anh ta lái chiếc xe tuần cảnh lẫm lũi đi vào những con đường vắng. Ở đó có bao nhiêu nguy hiểm rình rập họ, bóng tối và sự ác thường đồng loã với nhau làm cho cuộc sống đầy những bất trắc.
Chị đón tôi với khuôn mặt hốc hác trong chiếc áo dạ xậm màu, chiều đông lạnh lại càng lạnh hơn vì gió, gió luồn vào tận xương mặc dù ở đây trời hiếm khi có tuyết. Trên đường lái xe về nhà, chị kể thêm cho tôi nghe về đứa con gái duy nhất của anh chị, hiện tại hay tương lai đời nó chỉ là một màu xám xịt khi làm mẹ một đưá con không cha. Tôi không đồng ý với chị về cách suy nghĩ đó, chỉ đến khi bước vào căn chung cư nằm khá xa thành phố, nhìn thấy đứa con gái của chị đang bế đứa con xinh như một thiên thần nép đầu trên ngực mẹ nó, ánh đèn nhấp nháy từ một cây Noel nhỏ đặt trên bàn, có chân dung của người lính trẻ thì tự nhiên tôi cũng thấy nghẹn ở ngực. Sự cảm động đến bất chợt khi nhìn ngắm một hạnh phúc quá đớn đau, mà vẫn là hạnh phúc vì vẻ đẹp thiên thần của đứa trẻ thơ, tương phản với nổi u uẩn của mẹ nó và tấm hình của người cha đã tử trận.
Cháu chào tôi với một nụ cười gượng gạo trên đôi môi góa phụ còn ngây thơ và nét xuân sắc tuổi trẻ, lòng tôi chùng xuống khi tiến đến chìa tay để bế đứa bé vào lòng:
“Chao ơi! Cháu tôi xinh quá, con gái phải không?”
Liếc nhìn qua tấm hình người lính, con bé giống bố như đúc ở mái tóc tơ vàng óng, nước da trắng hồng , riêng chỉ đôi mắt màu nâu đen hơi buồn là của mẹ. Chị ngồi xuống bên tôi, giọng buồn bã:
“Vâng, cháu con gái mai sau lại làm khổ mẹ, chị cũng muốn chết vì mẹ con nó…”
Tôi đưa mắt nhìn chị như ra dấu không nên nói những lời dằn vặt ấy với đứa con gái đang đau khổ của mình. Đứa bé nhìn tôi toét miệng cười, bốn tháng tuổi mà nhìn nó bụ bẫm như đứa sáu tháng. Chao ơi! Nụ cười ấy, ánh mắt ấy mới chính thật là đôi mắt thiên thần, chính chị đang có trong tay một thiên thần mà không cảm thấy được điều ấy sao?
Buổi tối hôm đó không khí dường như ấm cúng hắn lại vì sự có mặt của tôi. Bữa cơm ngon hơn, đưá cháu gái đã tươi tỉnh hơn khi thấy tôi luôn nựng nịu cháu bé với tất cả sự trìu mến của một người có tính yêu trẻ con, và đứa bé đã biết loi choi trong vòng tay của mẹ, nụ cười ánh mắt ấy có tiền chắc gì đã mua được. Khuya hôm đó tôi hơi khó ngủ vì suy nghĩ lung tung, ra tìm nước uống thì đúng lúc đó tôi thấy hắt lên tường cái bóng người mẹ ôm con trong đêm khuya, dưới ánh đèn ngủ mù mờ căn phòng nhỏ. Cho mãi đến bây giờ hình ảnh ấy vẫn y nguyên trong lòng tôi, tôi lặng người đứng nhìn phía sau lưng của người mẹ xoã mái tóc mây, ôm đứa con thơ trong lòng để ru ngủ khi đứa bé thức vào lúc nửa đêm vì khát sữa. Giá như có cái máy chụp hình tân kỳ như bây giờ để thu vào hình ảnh ấy, nó sẽ là một bức ảnh giá trị hơn nhiều tuyệt phẩm khác mà không cần phải có nhiều màu sắc rực rỡ.
Hình ảnh ấy cũng làm tôi chạnh lòng khi nhớ đến thời chiến tranh, đất nước tôi đã có biết bao nhiêu góa phụ tuổi hai mươi ngồi ôm con trong nỗi cô đơn như vậy. Buổi sáng mùa đông từ trong khung cửa sổ của căn chung cư, nhìn ra bên ngoài hàng cây trơ trụi lá, vài con chim vẫn ríu rít tìm mồi. Tôi tìm cách hỏi chuyện đứa cháu để hiểu nó hơn, khác hẳn với tâm trạng buồn rầu của bà mẹ, tôi thấy nó có vẻ bình thản và bằng lòng với kỷ vật vô gía là đứa con xinh xắn trong vòng tay của mình, chính tình yêu là một mãnh lực tuyệt vời để cháu bằng lòng với hoàn cảnh.Khi chỉ có tôi và chị, tôi đi thẳng vào vấn đề của đứa cháu gái tội nghiệp, vì hiểu chị đang lúng túng chưa tìm được phương cách nào dễ chịu hơn:
“Theo em, chuyện của cháu không có vấn đề gì ghê gớm cả, ngọai trừ nhà chị có thêm một đứa cháu dễ thương. Cứ xem như đó chỉ là sự bồng bột của tuổi trẻ, mà không thể nào nói là thiếu tình yêu vì cháu đã can đảm cưu mang đứa con bé bỏng của mình. Xã hội này có rất nhiều “ Single Mom” nhưng không phải người nào cũng giống người nào. Một đứa bé chào đời ở xứ sở này nếu cha mẹ không lo được thì nó cũng không bị bỏ bê, vẫn có thể sống được nhờ sự giúp đỡ của chính phủ, có phần ưu đãi nữa chị ạ. Cái chính là anh chị phải gạt bỏ thành kiến cố chấp khi nghĩ con mình là một đứa con hư, chị là người phải giơ đôi tay ra cho cháu bám vào, nó sẽ đứng dậy, “Đáng phục nhất của đời người là biết đứng dậy khi té ngã”, câu này nằm trong mười bốn điều của đức Phật mà em đọc được ở đâu đó chứ không phải của em.”
Một nụ cười tuy không tròn lắm nở trên đôi môi héo hắt của chị:
“Cô đi chùa từ khi nào thế?”
Tôi cười to lên để trêu chị:
“Em không đi chùa và cũng không đi tìm Phật ở chùa, nhưng em có cái duyên để những câu hay hay lại bất chợt đến với em, và nó đã nằm lại để tự nhiên biến thành triết lý Sống.”
Không để chị nói thêm, tôi tiếp tục giải tỏa cho chị những thành kiến khắt khe đã thấm vào tư tưởng hằng bao năm nay:
“Chị cứ làm đi và sẽ thấy kết quả của lời em nói, đừng sợ ai cười hay lên án vì tuổi bảy mươi cũng chưa gọi là lành, huống gì cháu còn quá trẻ. Sống chết với tình yêu để có một kỷ niệm giữ lại trong đời đâu phải là điều đáng khinh. Không ai chia cho mình được cái xui, cái hên, hạnh phúc hay đau khổ chỉ có mình gánh chịu thì mình cũng đừng sợ tiếng chì tiếng bấc của người khác. Chị phải thuyết phục anh, giận hờn rồi cũng nguôi ngoai, đớn đau bao nhiêu rồi cũng lắng xuống. Hai cháu trai trưởng thành đã có gia đình riêng, chỉ còn anh chị thui thủi vào ra ở nhà thì tại sao không mang cháu về, ông bà hủ hỉ với cháu bé, săn sóc cháu cho mẹ nó trở lại trường học. Em nghĩ sau lần này nó sẽ ý thức được bổn phận trách nhiệm của một ngươi mẹ, cháu sẽ làm lại cuộc đời tốt đẹp hơn”.
Hình như thấm thiá với những lời phân giải của tôi, thái độ của chị đối với con gái dễ chịu hẳn trong những ngày tôi ở chơi với mẹ con chị. Cháu đẩy xe cho con đưa mẹ và khách đi dạo phố, thăm một vòng các nơi như cổ thành Alamo rợp bóng cây xanh, nơi ấy ngày xưa cũng là bãi chiến trường, những ụ súng hay lô cốt xung quanh bức tường thành đã để lại trong lịch sử nước Mỹ bao nhiêu trang giấy đánh đổi bằng máu xương của người lính thời chiến tranh.
Chúng tôi đi bộ trên bờ sông San Antonio River Walk, nó còn được gọi là khu Paseo Del Rio, một khúc sông hẹp nhưng thơ mộng nhờ những con đường lát đá ven bờ sông. Một bên vách đá dựng đứng có dây leo chằng chịt, nhiều cây cầu bắc ngang sông dành cho người đi bộ, đường đi lên lại chạy thẳng vào những phố xá thương mại rất đông người qua lại. Trên đường phố vẫn thấy nhiều bóng dáng những người lính trẻ, vai mang ba lô, chắc họ lang thang chờ chuyến xe về với gia đình trong những ngày Lễ đặc biệt , hay chờ chuyến bay để ra một chiến trường nào đó không chừng. Những khuôn mặt trai trẻ ấy lại gợi cho tôi nghĩ đến bố của đứa bé tội nghiệp, ra đời mà không hề được nâng niu trong đôi tay của bố.
Một thời gian sau tôi nghe chị khoe đã thuyết phục được chồng để đem con và cháu về lại Houston, tôi cũng mừng cho chị. Đứa con gái đã trở lại trường tiếp tục học chuyên ngành và cuối cùng ra trường với tấm bằng dược sĩ. Ngày con ra trường, nhìn thấy đứa cháu bé bỏng ngày nào của mình tung tăng chạy đến trao cho mẹ nó bó hoa hồng thật tươi thắm, tự nhiên chị bật khóc. Mừng mà khóc, những đau khổ ngày nào trôi đi theo dòng nước mắt, y như những gì tôi nói nếu những lúc con cái vấp ngã, cha mẹ không giơ tay ra nâng dậy thì chắc kết quả là đi luôn xuống vực thẳm. Đứa cháu bé bỏng ngày nào tưởng là nỗi bất hạnh của mẹ nó nay là món quà vô giá mà thượng đế đã ban cho gia đình. Anh chị vui hẳn lên vì trong nhà đã có thêm tiếng cười tiếng khóc con trẻ, con bé lớn lên càng ngày càng xinh đẹp và dễ thương, chính nó đã mang niềm hạnh phúc vô bờ bến cho tuổi gìa đỡ hiu quạnh.
* * *
Cách đây hai năm cũng vào mùa Giáng Sinh, vợ chồng bạn tôi từ Canada sang chơi, nhân dịp này tôi lại đến San Antonio lần thứ hai vào mùa đẹp nhất trong năm. Đẹp bởi vì ban ngày, River Walk giống như người con gái thanh xuân với vẻ xinh tươi mơn mởn ngồi phơi nắng giữa ban trưa. Ban đêm, River Walk vào mùa Giáng Sinh lại tăng thêm phần quyến rũ, nồng nàn như một bông hồng đã khoe hết vẻ đẹp mãn khai của nó dưới sương khuya.
Một tuần lễ trước Giáng Sinh trời thật lạnh, dòng sông hẹp uốn quanh thành phố bỗng trở nên huyển ảo tuyệt vời vì ánh đèn giăng mắc khắp nơi, từ những quán cà phê, tiệm ăn, những “building” nằm dọc theo hai bên bờ phản chiếu xuống mặt nước, y hệt một bức tranh nhiều màu sắc rực rỡ. Chúng tôi co ro đi sát vào nhau tìm hơi ấm, bờ sông thấp hơn mặt đường nên ít gió, hầu hết hàng quán ven bờ sông vào mùa này đều có những lò sưởi thiết bị như những cột đèn, phả hơi ấm cho khách ngồi uống cà phê ngoài trời không bị lạnh, người đi dạo cũng nhờ vậy cũng ấm áp được đôi chút.
Người ta đốt những ngọn nến lồng trong giấy hoa đặt trên những bệ đá hai bờ sông, ánh nến lung linh phản chiếu xuống mặt nước xẫm màu đẹp lạ lùng. Trời lạnh như cắt vào xương tuỷ mà các đôi tình nhân vẫn ngồi sát vào nhau trong quán cà phê thưởng thức nhạc Giáng Sinh, chưa kể có những quán cà phê vài người nghệ sĩ đang chơi đàn guitar, những bản nhạc Gíng Sinh qua tiếng đàn “guitar espagnol” vui tươi, réo rắt, khách bộ hành đi qua không quên đặt vài đồng lẻ thưởng cho ban nhạc đã cống hiến cho họ một đêm vui.
Mọi người xuống thuyền đi dạo phố đêm San Antonio, những chiếc thuyền hoa người chen nhau lên xuống. Bạn tôi thì thầm:
“Đâu thua gì Venise, nhất là mùa này hình như còn có phần đẹp hơn nữa đấy.”
Tôi chưa bao giờ tới Venise và chỉ thưởng thức trên phim ảnh, nhưng quả thật San Antonio vẫn có gì gần gũi quyến luyến hơn vì nó thuộc tiểu bang tôi đã sống gần hai mươi năm nay. Càng về đêm, quán cà phê, quán ăn vẫn đông khách, người đi thuyền vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Thuyền nổ máy tách bến rồi đi vào những khúc sông tối nhưng ánh đèn từ hàng cây, nhà cửa hai bờ sông phản chiếu dưới lòng sông lại rực rỡ như hội hoa đăng. Khi thuyền chạy qua một bến sông gần nhà thờ, dòng nhạc Giáng Sinh do các em bé trình diễn trên bờ vang vang những bản nhạc quen thuộc mùa Giáng Sinh vọng tới, tiếng chuông leng keng đưa tâm hồn mọi người trở về những mùa Noel trong cuộc đời.
Tôi chưa bao giờ tới Venise và chỉ thưởng thức trên phim ảnh, nhưng quả thật San Antonio vẫn có gì gần gũi quyến luyến hơn vì nó thuộc tiểu bang tôi đã sống gần hai mươi năm nay. Càng về đêm, quán cà phê, quán ăn vẫn đông khách, người đi thuyền vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Thuyền nổ máy tách bến rồi đi vào những khúc sông tối nhưng ánh đèn từ hàng cây, nhà cửa hai bờ sông phản chiếu dưới lòng sông lại rực rỡ như hội hoa đăng. Khi thuyền chạy qua một bến sông gần nhà thờ, dòng nhạc Giáng Sinh do các em bé trình diễn trên bờ vang vang những bản nhạc quen thuộc mùa Giáng Sinh vọng tới, tiếng chuông leng keng đưa tâm hồn mọi người trở về những mùa Noel trong cuộc đời.
Chắc hẳn mỗi người đang trôi nổi nỗi niềm riêng về những mùa Noel trong dĩ vãng, tôi cũng thấy lại hình ảnh mình những năm còn trẻ tuổi, tiếng hát trong trẻo tuổi thanh xuân vút lên âm điệu “Đêm Thánh Vô Cùng” cùng với ca đoàn thời đi học. Đêm thơm mùi hoa sứ, ngôi thánh đường với những tiếng chuông ngân niềm hy vọng. Đêm Noel của tuổi niên thiếu với tiếng đàn phong cầm trong ngôi nhà thờ nhỏ, tâm hồn còn tinh khôi và đơn sơ như con chiên non nằm trước máng cỏ.
Thế rồi tôi lại miên man nhớ tới mùa Giáng Sinh ở San Antonio hơn mười năm trước với gia đình người chị họ. Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ đã làm ấm lại những trái tim buồn bã, bây giờ họ đã tìm được hạnh phúc, khép lại một quá khứ buồn rầu để có một tương lai sáng sủa. Không biết đối với mọi người mùa Giáng Sinh ra sao, riêng tôi, mùa Giáng Sinh ở tuổi nào vẫn đem lại màu xanh tươi vui mà tâm hồn tôi luôn mở ra để đón nhận.
Nguyên Nhung
( Mùa Giáng Sinh 2011)
No comments:
Post a Comment