Nguồn : Thời báo online
Ngày 9 tháng 11 năm 2011
Bạn ta,
Cách đây đã lâu, truyền hình Mỹ có chiếu cuốn phim về một phụ nữ Mỹ - do Sally Struthers đóng-sang Việt Nam đi tìm chồng mất tích ở Bắc Việt trong thời chiến. Đó là một cuốn phim rất dở do những người không biết gì về Việt Nam thực hiện. Các vai phụ được chọn một cách cẩu thả cũng đóng góp không nhỏ cho sự thất bại của cuốn phim.
Trong một cảnh được hiểu là diễn ra tại một bản nhỏ thuộc vùng thượng du Bắc Việt, khán giả nghe được một giọng đàn ông lè nhè mời bạn bè ngồi với ông ở một chiếu tiệc dùng những món do vợ ông ta nấu. Ông ta gọi vợ là "bà xã".
Tôi không xem tiếp cuốn phim đó nữa chính vì hai chữ "bà xã" này.
Thứ nhất, hai chữ "bà xã" không hề có trong tiếng Việt miền Bắc, và lại càng không thể có trong ngôn ngữ của đồng bào Thái ở vùng thượng du.
Thứ hai, tôi ghét hai chữ "bà xã" vô cùng. Tôi ghét hai chữ này không kém hai chữ "ông xã".
"Ông xã" là người chồng. "Bà xã" là người vợ. Lai lịch của những chữ này có thể là từ cái chức vụ cũ ở miền đồng quê miền Bắc có từ thời vua Lê Thái Tổ. Đó là cái chức chỉ huy thấp vào bậc nhất: xã trưởng, người đứng đầu vài ba thôn, dưới cả chức vụ lý trưởng.
Người giữ chức vụ đứng đầu xã, ông xã trưởng, thường bị coi là thiếu hẳn những nét văn minh tiến bộ của thị thành. Vì công việc và trách nhiệm của chức vụ đảm nhận, ông còn là người không có được bao nhiêu cảm tình của người dân trong xã. Bởi thế, tất cả những nét xấu xa, hủ lậu, lạc hậu, quê mùa, dốt nát đều được đổ lên đầu của ông xã trưởng cho bõ ghét. Có thời, chức vụ của ông và ông lý trưởng đã bị các báo Phong Hóa và Ngày Nay đưa lên chế giễu suốt nhiều năm bằng những bức hí họa. Ông xã trưởng được họa sĩ vẽ thành một nhân vật to béo như một con lợn và được đặt cho cái tên là Xệ. Ông lý trưởng mắt ba vành sơn son, lại thêm tính tình lẩn thẩn quê mùa thì cho mang cái tên Toét. Nhiều họa sĩ khác sau đó cũng khai thác những nét hủ lậu, thiếu văn minh của các ông Xã Xệ và Lý Toét.
Từ những nguồn gốc không mấy vẻ vang, hiển hách lắm, những chữ "ông xã" được đưa vào khẩu ngữ hằng ngày để gọi người chồng. Hai chữ này được đem ra dùng trước vì phụ nữ không được trao cho giữ chức vụ hành chính ở trong làng. Người phụ nữ, khi dùng hai chữ "ông xã" để gọi đùa người đàn ông trong gia đình của bà thì bà không ngờ là bằng việc đó, bà đã đi bước đầu tiên của lối nói đầy nhục mạ và rẻ rúng nhắm vào những người đàn ông Việt Nam.
Trong những năm đầu của thập niên 60, một số đông đảo những người chồng Việt Nam bị cho mang cái tên "ông xã", bên cạnh sự thân mật cũng mang theo đầy vẻ rẻ rúng, miệt thị.
Khi những người đàn ông quay lại để gọi những người đàn bà là bà xã thì những người đàn ông này cũng gián tiếp, nhưng chính thức nhìn nhận mình là ông xã, chồng của những người đàn bà mà các ông vừa giọi là bà xã.
Những chữ "nhà tôi", "bố cháu", "mẹ cháu", "má sấp nhỏ", "ông già thằng Mi Xen", "má con Mạc Gô", "già tía thằng Tí Cu", "cha thằng Đực Nhỏ"" đầy những thân tình bị thay thế bằng "ông xã" và "bà xã" đầy hình ảnh ngu đần, trì độn, quê kệch.
Tôi nghĩ thế nào cũng có ngày những người đàn ông đang sống trong hạnh phúc, sau bữa cơm chiều, kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh những người đàn bà hạnh phúc không kém và nói rằng các ông sẽ không bao giờ gọi các bà là "bà xã" nữa vì ông thấy các bà rất mực thông minh, sang trọng, tỉnh thành... vì tiếp tục gọi các bà là "bà xã" là không coi các bà có những điều tốt đẹp vừa kể trên hay sao.
Và các phụ nữ này cũng sẽ hứa không bao giờ gọi chồng là "ông xã" nữa, dù cho đang trong cơn nóng giận, mất khôn cách mấy đi chăng nữa.
Sau đó, chỉ còn các phụ nữ Mỹ là còn tiếp tục gọi chồng là "hubby" và những người đàn ông sẽ gọi vợ là "the missis" hay "the missus" cho nhà quê nhà mùa với nhau chơi.
Chứ mặt mũi sáng như gương Tàu thế kia mà bị gọi là bà xã thì chịu gì nổi? Bị gọi là "bà xã" thì thà bị gọi là "con mẻ" còn vui hơn.
No comments:
Post a Comment