Friday, January 25, 2013

PPS Gửi Người Bạn Cũ

______________

https://www.box.com/s/7k3yd9pdo16kspeutjkb

GỬI NGƯỜI BẠN CŨ
Nguyên Nhung
Mỹ Vân thương nhớ,

Lâu rồi hai đứa mình không viết thư thăm nhau, nhưng mỗi lần nhắc đến quãng ngày vui thời trẻ tuổi, tao vẫn nghĩ đến mày nhiều hơn tất cả đám bạn thời trung học. Hai đứa mình có một tình bạn lạ lùng lắm, có khi biền biệt hằng bao nhiêu năm không gặp, nhưng hễ gặp thì tao có cảm tưởng như thời gian và không gian không ảnh hưởng gì tới tình bạn của tụi mình cả. Gặp nhau năm 75, rồi đến 5 năm sau mới gặp lại, tao mò đến nhà mày vào đúng bữa cơm trưa, lại sà vào mâm rồi có gì ăn nấy, y hệt thuở tụi mình học chung với nhau trong ngôi trường Nữ Trung Học Đoàn thị Điểm ở Cần Thơ ngày xưa. Hôm lớp mình được chọn đi đón chiến sĩ trở về từ mặt trận, duyệt binh ở đại lộ Hoà Bình. Chưa tàn buổi lễ, hai đưá đói bụng quá bèn "chuồn" về nhà mày ở đầu đường Phan thanh Giản, ăn cơm nguội với mắm sống, mày còn nhớ không?
Mỹ Vân ui!
Tao vẫn nhớ hoài nồi cơm nguội đã được hai đứa mình tuy mang tiếng "nữ thực như miêu" đánh sạch bách ngày hôm đó. Những con mắm sặt của má mày làm gửi từ Cái Tắc ra cho chị em mày ăn đi học, qua bàn tay khéo léo và nghệ thuật trộn mắm của mày, nó ngon tuyệt trần đời. Tao rất dốt môn Nữ Công Gia Chánh, mỗi khi học môn này, tụi mình hay châu đầu vào nhau để nói chuyện, nhưng món mắm của má mày làm chưa chắc ngon, nếu không được mày xé nhỏ, trộn chung với tỏi, ớt, đường và mấy trái tắc. Bây giờ nhớ lại tao vẫn thèm, hương vị cuả tô mắm sống ăn với cơm nguội, dưa leo, khế chua, chuối chát và mấy cọng rau thơm, sao nó ngon quá xá!
Nhà mày ở Cái Tắc, mỗi khi Xuân về ngày mùng một Tết, hai đứa mình chở nhau trên chiếc xe "gắn máy" cọc cạch của ba mày rong ruổi về quê ăn Tết với má mày. Qua nhịp cầu Cái Răng, hình như đã ngửi được mùi nem nướng, tao nhắc mày nhớ tới món nem nướng bất hủ của vùng Cái Răng đó nghe, cái quán ven đường lúc nào cũng tấp nập xe cộ của khách sành điệu từ Cần Thơ ghé vào thưởng thức. Có một lần tao theo chị bạn về chơi nhà chị ở con đường nằm ven sông Cái Răng, người ta trồng nhiều hoa phượng đỏ. Đường từ nhà ra chợ hơi dốc, buổi chiều hôm đó trời mưa lâm râm, hai đứa rủ nhau khoác áo mưa đi dạo phố. Tao vẫn nhớ hoài những cột điện xiêu xiêu hắt ánh đèn vàng vọt xuống lòng đường, tao vừa đi vừa làm thơ như một đứa thất tình:
" Cái Răng khuya phố lên đèn,
Mưa giăng giăng lạnh buồn len vào hồn
Tay ôm cho chặt cô đơn
Hỡi tôi, sao lại dỗi hờn chi tôi."
Tuổi trẻ tụi mình nhiều cái kỳ cục lắm, buồn vui bất thường, mấy cánh phượng rơi lả tả trên mặt cỏ cũng đủ héo hắt ruột gan, một mặt sóng lăn tăn đẩy vào bờ cũng hắt hiu thương nhớ. Từ ngoài con lộ liên tỉnh Cần Thơ - Sóc Trăng, đường từ quận Cái Răng vào Cái Tắc, hai bên đồng ruộng trống trải, đến ngã ba Vị Thanh - Cái Tắc là đã nhìn thấy khu vườn cuả ba má mày rồi. Ở đấy có những buổi trưa tụi mình ngồi dưới gốc dưà, nhìn ra đường xe chạy, gió trưa mát rượi, tụi mình nhâm nhi mấy con khô nướng của má mày làm, sao má mày hiền và làm lụng cực nhọc ghê. Má mày làm khô để dành cho ba mày nhậu, và cũng làm món mặn gửi cho con đi học xa, hai thứ khô được ướp mặn, ngọt khác nhau, nhưng nó gửi gấm hết cái tình cuả người vợ, người mẹ Việt Nam trong đó.
Nói tới món khô nướng của má mày tao cũng nhớ mẹ tao. Hồi mới di cư vào Nam, nhà tao nghèo, mẹ goá con côi nên chuyện "thịt cá hương hoa, dưa cà căn bản" rất bình thường, nhưng món cá khô của má mày nó hơi khác với món cá khô của mẹ tao một chút ở chỗ mặn, lạt. Và cũng ở chỗ mày là con gái miền Tây, dân Cần Thơ gạo trắng nước trong, tôm cá ê hề, ngoài món ăn thiệt thì những món ăn chơi vẫn ấp lẫm trong nhà, con khô má mày làm ăn với chút đồ chua dầm trong chén tương đen trộn tỏi ớt ngòn ngọt, tao lại nhớ con khô nướng mặn chát, nằm cong queo mà mẹ tao cho tao ăn hồi bé.
Đó là những buổi chiều nắng xiên khoai, mày dân miền Tây nên đâu biết nắng xiên khoai là gì, nếu không trôi nổi từ Bắc vào Nam, tao cũng làm gì biết được cái nắng chiều ngả bóng đằng Tây, hắt lên những luống khoai mì miền Đông Nam bộ, cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị bữa cơm chiều. Suốt ngày chạy chơi trong khu vườn sắn, tao đói ngẫu, khi ngửi mùi khô nướng toả bay từ căn bếp lợp mái tranh, thú thiệt với mày chưa khi nào trên đời lại có cái mùi hấp dẫn như vậy. Bữa cơm nhà quê còn có thêm bát tương quả cà, với dĩa cá khô nướng, tô canh rau dền, rau diệu hái được trong vườn, búp măng tre vưà cắt xong ăn ngọt lịm, chị em tao trời thương nên đưá nào cũng mũm mĩm, da trắng má hồng, môi đỏ như son, đâu thua gì con nhà khá giả. Ngoài ra, món quà cuả mẹ tao cho các con chỉ là mấy củ khoai lang nướng vùi trong bếp than hồng, vừa xém vỏ mùi thơm đã bốc lên ngào ngạt. Mùi của đồng ruộng, hương là hương quê mà sao nó thơm lạ thơm lùng, bây giờ đi cùng khắp mọi nơi, ăn nhiều món ngon vật lạ, tao vẫn không tìm đâu ra được mùi khói bếp, mùi cá khô, mùi khoai nướng cuả mẹ tao ngày xưa...

Mỹ Vân thương nhớ,
Nhớ lại chuyện tụi mình ngày xưa, ui thôi có bao nhiêu chuyện để nhớ. Nhưng buồn cười nhứt là hai đứa mình chỏi nhau nhiều cái đến tức cười. Tao thấp người, tuy không lùn tỳ như con Hồng, con Sáu nhưng đứng với mày thì như cây bông bụt bên cành tre miễu, nói tới màu da thì theo từ ngữ tiếng Anh, nó đối nghịch với nhau như mặt trời và mặt trăng. Đáng lẽ mày sinh trưởng ở miền Tây sông Hậu, nước ngọt trái lành , dân tứ xứ đồn rằng mấy cô gái Cần Thơ tắm nước dừa, nên da trắng bóc như hột gà. Nhưng da mày đen, tao nghĩ mày rửa mặt bằng nước dừa, ra đường bắt nắng nên rít chịt, vì thế mà da mày ngăm ngăm như da bánh ít. Tao với mày hai đứa tương phản nhau, bây giờ tao mới nghĩ ra giờ học Anh Ngữ, tụi nó mỗi lần học bài này liền đem tao với mày ra làm thí dụ. Đứa miền Bắc, đứa miền Nam, đứa cao đưá thấp, đứa trắng đứa đen, đưá tiếng khao khao, đứa trong leo lẻo, vậy mà tình bạn bè lại hòa hợp với nhau hơn chị em trong một nhà vậy.

Mày còn nhớ lớp học của tụi mình ngay đầu cầu thang đi lên không? Có dãy hành lang màu vàng đục, giáp với con đường Ngô Quyền đi thẳng vào Cầu Cả Đài, trước đó phải đi ngang cổng ngôi trường Phan hàng xóm. Đứng ở chỗ này mỗi buổi sáng đi học sớm, tụi mình tha hồ "chiếu tướng" mấy anh trường Phan mà không sợ bị "đá lông nheo" lại, vì phe mình đông, " mãnh hổ nan địch quần hồ" phải không nhỏ? Hí, hí! ...Tụi mình tha hồ bình phẩm anh này đẹp trai, anh nọ đen thui như con cháu SiHaNúc, có anh mắt cận thị đạp xe ngang cứ hếch mắt lên nhìn, bị tụi mình chọc coi chừng đụng cột đèn... Nhớ lại thuở đó vui quá trời, sau này khi thôi học, có dịp đi ngang ngôi trường cũ, tao lại thấy nước mắt rưng rưng, bỗng nhớ làm sao hình ảnh những bóng người muôn năm cũ, rồi tự hỏi bây giờ ai còn ai mất?

Trong đám bạn mình và những anh bạn trường hàng xóm ngày xưa, trước năm 75, đa số đi lính vì đến tuổi tòng quân nhập ngũ, sau này tao có dịp gặp lại, ngồi lềnh khênh ngoài chợ Trời kiếm sống, tuy nghèo nhưnng chưa thấy ai đạp lên đầu nhau mà cướp miếng cơm. Có người sửa xe đạp, có người chạy xe ôm mắt loạn thị, không có tiền thay mắt kính, ngó cột đèn thấy một thành hai đâm xầm vào cột đèn bể mắt kính, ngã chỏng gọng. Giá hồi xưa còn đi học mà té như vậy, tụi mình đứng trên hành lang sẽ tha hồ vỗ tay reo cười trên sự đau khổ cuả đương sự. Nhưng thời tuổi trẻ đã qua rồi, tụi mình đã trưởng thành để biết khóc, biết cười đúng chỗ, thấm thiá tận xương tuỷ nỗi đau cuả bè bạn, tao nghe chuyện cười không nổi, chỉ muốn chảy nước mắt...
Tao với mày còn nhiều chuyện để kể nhau nghe lắm, về cái lớp học đầu năm đệ nhị cấp, tụi mình học lớp sáng, buổi chiều là mấy đưá nhóc con đệ nhứt cấp. Khi bước vào năm học, tụi mình "xí" ngay cái bàn cuối lớp, dù thú thiệt với mày, mỗi lần nhìn lên bảng, tao bị cái đầu của Ngọc Thanh nó che gần hết, nên cứ phải nghiêng qua mày để chép bài. Bởi vậy lâu ngày thành tật, tao "copy" bài của mày luôn cho tiện, đầu tao hay nghiêng nghiêng về một bên, tụi cùng lớp nó bảo tao hay điệu với "con trai" nên nghiêng đầu nghiêng cổ làm duyên làm dáng. Thôi bỏ chuyện đầu cổ đi nghe nhỏ, tao nói chuyện cái bàn học của tụi mình, cái hộc bàn trong ngôi trường cũ, không biết người ta ra làm sao, chứ đối với tụi mình, cái hộc bàn thuở ấy là một thế giới riêng tư đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò.
Hồi ấy tụi mình bày bừa cái hộc bàn như căn bếp ngổn ngang những chén, đũa, soong, nồi sau bữa cơm, và tự nhiên cứ xem là cuả mình mà không nghĩ gì đến tụi em đồng môn lớp chiều. Hoặc sau này có lớp đêm dành cho những người lớn tuổi mà còn ham học, tao với mày cứ ngang nhiên xem đó là cuả riêng mà "xả rác" vô tội vạ. . . Một buổi sáng, tao nhận được một lá thư xếp làm tư bỏ trong hộc bàn. Lá thư viết như vầy:
" Chị gì. . . ui! Đừng xả rác trong hộc bàn mà em phải dọn dẹp mỗi ngày. Mong chị thông cảm!"
Rất mến chị,
H...."
Đọc thư, tụi mình mắc cỡ quá chừng, bèn dọn dẹp sạch sẽ và viết thư xin lỗi cô em vì sự bê bối cuả hai bậc đàn chị không nên nết, nó đã không chửi mình mà lại còn thòng câu "rất mến chị" dễ thương nữa. Tao có chút văn chương làm buà hộ mạng nên tán đâu dính đó, bởi vậy hôm sau tụi mình tới lớp, lại nhận được thư hồi âm cuả cô em đồng môn rất dễ thương kia. Tụi mình đóng vai hai bà chị, cô em gái ấy bây giờ không biết trôi dạt về đâu, nhưng hồi đó lâu lâu có để lại trong hộc bàn cho hai bà chị gói kẹo bạc hà, mấy bông ngọc lan đã uá gói trong một tờ giấy học trò cũng vàng úa, còn ngược lại tụi mình cũng giao du văn nghệ bằng những bài thơ rất lãng mạn của tuổi đôi mươi.
Ê! Nói tới đây tao lại nhớ nét chữ của mày, người sao chữ cũng vậy. Tao hay nghiêng đầu cho nên vì vậy chữ cũng nghiêng nghiêng lả lướt, mày cao như cây tre nên chữ dài ngoằng, ốm nhom, tụi mình thay nhau chép thơ tình thời đại cho cô em bé lớp chiều. Bây giờ nghĩ lại, nếu cô em đồng môn học hành lơ mơ thì cũng tại tụi mình đầu độc nó bằng những vần thơ sầu đời vì yêu của Xuân Diệu, T.T.K.H, hay sau này có anh Nhất Tuấn với mấy bài thơ tuyệt vời như "Chủ nhật này Trẫm nhớ ái khanh không?".
Tụi mình cứ thư đi tin lại với cô em lớp chiều gần một năm học mà chưa biết mặt nhau. Có lần em đi tập thể dục buổi sáng, lò mò lên lớp để ngó dung nhan tụi mình, nhưng bị bà Giám Thị bắt gặp đuổi xuống cầu thang. Ngày hôm sau tao với mày nhận được thư em viết, nói rằng có thấy hai chị một mập một ốm, một trắng một đen đang ngồi lúi húi với nhau chùm nhum vào cái hộc bàn, bởi thế vẫn chưa nhìn rõ mặt. Chao ui là mắc cỡ! Giá nó biết là hai đưá mình đang ăn vụng chùm ruột với muối ớt để dưới hộc bàn, giá nó biết có những lần đang ngậm kẹo bị thầy kêu lên hỏi bất tử, cục kẹo còn ngắc ngứ ở trong miệng, không nuốt vào được mà cũng không nhả ra được, cho nên cứ ấm a ấm ứ như cóc nghiến răng gọi Trời làm mưa...
Cái hộc bàn ấy còn biết bao chuyện để kể. Sau này, ngoài con nhỏ em ra thì cái anh chàng học lớp đêm cũng mon men làm quen với bọn mình, khi đọc lén thư cuả cô bé đồng môn lớp dưới. Quen thì quen, tao viết thư nhanh như ăn kẹo đâu có ngán ai, nhất là lại được mày tiếp sức. Anh chàng viết chữ đẹp như "rồng bay phụng múa", khoe rằng đang cố lấy mảnh bằng Tú Tài để đi Sĩ Quan Thủ Đức. Tao với mày bèn khuyên chàng ráng học, đừng thơ từ vớ vẩn mà thi rớt, bởi vì con gái thời nay "thà chết ngắt trên cành mai, còn hơn sống mãi trên tay cánh gà.." Ứ hự! Đọc thư xong thì anh hết ý kiến, biết tụi mình thuộc liên danh "Con bà Chằng" nên anh tự động "stop", thế là tụi mình chỉ còn giao lưu văn nghệ với cô em bé bỏng kia thôi.
Chuyện còn dài lắm nghe nhỏ, vui nhứt là lâu lâu có mục"em gái hậu phương" gửi thư ra chiến trường cho "anh trai tiền tuyến". Thư tụi mình viết bị thầy cô kiểm duyệt còn hơn thông tin văn hoá, vì không được phép ghi địa chỉ vào lá thư. Tụi nó ngồi ngậm bút hằng giờ viết không nổi lá thư, nhất là lại viết chung chung cho "người hùng không chân dung" ngoài tiền đồn xa vắng. Tao lẹ tay thảo một đường bay bướm cho anh chiến sĩ của lòng tao, sau đó tụi mày lần lượt "copy" cho nó nhanh và gọn. Bây giờ nghĩ lại cũng tức cười, nếu chẳng may những lá thư của lớp mình cùng được đến một nơi nào đó, chắc hẳn các anh chiến sĩ sẽ được đọc một lá thư giống nhau y hệt không sai một chấm, phẩy.
Mãi một hôm, tao nhớ đến một tuần mà em bé lớp chiều không viết thư cho tụi mình, tự nhiên hai đứa đều trông thư con nhỏ. Tao chỉ sợ má nó biết nó hay cho mình kẹo mà rầy rà, hoặc nhỏ mê viết thư để không thuộc bài bị điểm xấu. Hai đưá tụi mình nghĩ trật lất. Sáng hôm đó tao với mày nhận được thư cô bé, mày dành đọc trước, đọc thư xong tao thấy mắt mày đỏ hoe, đưa lá thư cho tao. Thì ra em viết thư kể chuyện ba em là sĩ quan tác chiến, đã tử trận ngoài chiến trường, em sắp phải từ giã hai chị vì mẹ em đưa các con về quê ngoại. . . .
Ơi! Chiến tranh là gì, ai đẻ ra chiến tranh làm chi cho gia đình tan nát, con mất cha, vợ mất chồng. Chiều đó tao và mày đạp xe vào trường, tụi mình muốn được nhìn mặt cô em bé bỏng tội nghiệp vưà mất cha, không biết sau này mẹ em xoay sở ra sao với bầy con dại? Hai đưá mình canh giờ chuông reo vào lớp, len lén lên cầu thang rồi núp ngoài cửa nhìn mặt cô em kết nghĩa. Tới bây giờ tao vẫn nhớ, tao nhận được em trong một lớp học gần bảy chục nữ sinh, bởi một vành khăn tang quấn ơ hờ trên mái tóc, khuôn mặt em buồn buồn, trông mũm mĩm rất dễ thương. Bà Giám Thị còn lảng vảng trên hành lang, tao với mày vội chạy xuống sân trường mà nước mắt tuôn ròng ròng. . .
Thời gian ấy tụi mình chỉ hơn mười bảy tuổi mà sao biết buồn như bà gìa bảy mươi. Cái hộc bàn chưá đầy những thơ thẩn, truyện ngắn, truyện dài cho mày đọc. Tao bắt chước mấy nhà văn nổi tiếng, viết "phơi ơ tông" chuyện tình "anh tiền tuyến, em hậu phương" cho tụi mày đọc từng ngày giờ ra chơi, thú viết văn làm tao học hành lơ mơ không giống ai, nhưng được tụi mày tận tình theo dõi những mảnh tình học trò bay theo dấu chân chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Hồi ấy tụi mình còn bất mãn thường xuyên, căn bịnh kinh niên thời loạn, tao còn lẩm nhẩm đọc hoài bài thơ:
" Tôi biết em hãnh diện
Khi sống trong đất nước chiến tranh
Có những quốc gia bạn trợ giúp
Hoặc bằng tiền, hoặc bằng vũ khí,
Bằng mạng sống thanh niên
Em sẽ có dịp thay phiên chọn người yêu là người ngoại quốc
Em sẽ có dịp cặp tay họ đi dạo phố
Em sẽ nghênh ngang nói mãi với họ câu "I love you"
Em sẽ nhiều tiền hơn vợ một công chức chánh ngạch
Một nữ giảng sư Đại Học ở đất nước này. . ."
( * thơ Huyền Vân Thanh).
Bài thơ đó hay lắm, tao có chép nguyên bài thơ vào tập vở, lâu ngày không biết để đâu. Khi lớp làm báo tường, tao làm bài thơ cũng phản ảnh được tuổi trẻ tụi mình hồi ấy:
" Khi đứa con gái chổi dậy
Bĩu môi, chẩu mỏ,
Với mười ngón tay sơn đỏ
Và bực tức: " I don't care!"
. . . . . . . .
Những tháng ngày nổi loạn cuả tuổi trẻ cũng qua nhanh, tụi mình rời trường như đàn chim vỡ tổ. Ba mày nhậu nhẹt hoài lương không đủ ăn, má mày trông vào mảnh vườn, nuôi con heo con gà, bắt con cá dưới mương làm khô nuôi chị em mày ăn học, nhưng bịnh rề rề khiến mày bỏ học dở chừng đi tìm việc giúp mẹ và nuôi thân.
Qua rồi tuổi thơ ngây áo trắng học trò, tụi mình đi làm lăng nhăng ít lâu rồi lấy chồng, tao vớ được "cành mai" còn mày thì đúng là "sống khổ trên tay cánh gà", duyên nợ tơ hồng từ cái quán cơm do mày làm chủ. Mày lấy chồng Bắc, anh ta lính độc thân, ở nhà trọ, cơm hàng cháo chợ mà gặp mày để kết duyên chồng vợ. Mày dẹp quán cơm theo chồng về làm dâu ngoài miền Đông, bà mẹ chồng mày sao khắc nghiệt quá chừng, nói ra nói vào, mày chịu không thấu cãi lại liền bị thằng chồng mày nó "uýnh" cho nhiều trận bầm da tím thịt, rồi vẫn cứ ở với nhau.. . .mày phải nuôi tới năm đứa con, bốn đưá con mày và một đứa con... của người ta.
Tao cũng lên xe hoa, vác va ly theo chồng vào căn cứ để nghe "đại bác đêm đêm vọng về" rồi cuống quýt chui vào hầm tránh đạn. Thời gian ấy căn cứ gần như vài đêm lại bị pháo kích, nhà nào cũng làm một cái hầm nhỏ xíu bằng bao cát ở trong nhà, tao bị ám ảnh nên nhiều đêm chong mắt không ngủ được. Chừng mơ mơ tỉnh tỉnh nghe đạn bay như xé gió, chạy vội vào hầm chỉ đút được cái đầu mà bỏ nửa cái thân ở bên ngoài. Lắm lúc tao buồn cười nghĩ bậy, nếu hôm nào quả đạn phang trúng mông thì coi như tao chết mà "tiêu diêu cái bàn tọa".
Ai ngờ số mệnh trớ trêu cứ đeo đẳng bọn mình như oan gia. Tới năm 75 tao gặp mày, mày cười chọc tao gặp quả báo, phen này thật "chết ngắt theo cành mai". Tao với mày ít khi gặp nhau, nhưng mỗi lần gặp thì vẫn chuyện trò như pháo ran, y hệt lúc ngồi chung lớp hồi ấy. Tụi mình lâu lâu gặp nhau để chỉ ăn chung với nhau một bữa cơm, quả trứnng luộc dầm chao ăn với rau tập tàng nấu canh, sao nó ngon gì đâu. Đến chừng gia đình tao sắp khăn gói gió đưa đi Mỹ, mày mới thủ thỉ nói với tao rằng "Đời đúng là Tái Ông mất ngựa, cứ xoay xoay hoài khônng biết thế nào là may với rủi."
Mỹ Vân thương nhớ!
Mấy hôm nay mưa hoài, "ở đây bốn mùa mưa gió ai ơi!", ngồi trong căn nhà cửa đóng then gài, tao bỗng nhớ đến mày và ngôi trường cũ.Lâu lắm rồi tao với mày xa nhau đến mười ngàn dặm xa, mà vẫn gọi nhau bằng hai chữ "mày tao" thân tình đó. Nhìn qua khung cửa kính, trời lạnh nên những nụ hoa đào chưa nở kịp vào mùa Xuân, chỉ có những giọt nước mưa đọng dưới mỗi nụ hoa, nhìn như những giọt lệ. Tao chợt thèm con cá khô nướng cuả mẹ tao với má mày, những người mẹ Việt Nam cả đời tần tảo nuôi con mà chẳng hề trông đợi con đền ơn sinh thành dưỡng dục.
Mày hỏi tao bây giờ làm gì? Ui sao thực mắc cở khi trả lời mày, vì tao vẫn đem "bán chữ cho đời mua . . . dzui". Giá chi bán được kha khá tiền tao đã gửi về giúp mày "đổi đời" cho đỡ khổ. Giúp cho thằng con mày cố công học hành kiếm mảnh bằng nuôi tấm thân, đi xin việc đến rã cả hai chân mà bị người ta hỏi bằng giả hay thiệt. Cho những cô cháu gái xinh xinh thôi hãnh diện vì đã có "cuả quý trời cho" để kiếm tấm chồng, bỏ ghế nhà trường mà thoa son dồi phấn, chờ về làm dâu xứ người dù rằng chồng gìa khằn, toét mắt, cụt giò đi khập khiễng...


Ôi cái đời đàn bà Việt Nam khổ thiệt khổ, từ thời tao với mày đã biết khổ rồi, bây giờ hết chiến tranh đến hơn ba chục năm mà đời con cháu mình vẫn chưa hết khổ. Lạy Trời xin ban mọi ơn lành cho quê hương, cho tất cả mọi người được no cơm, ấm áo.
Thư bất tận ngôn...nhé mậy!
Thương mến
NN

« Fewer matches

5 comments:

Kim Quang said...

Đoc Gửi Người Bạn Cũ, thấy NN sành điệu món ăn dân giả của miền Nam ghê
Chị ăn chay mà nghe NN diển tả phát thèm . Máy ông nghe khô nướng tưởng tượng thêm xị đế hà hà...
Dùng từ rặc dân miền Nam...
Còn gợi cái thuở đi hoc làm nhớ quá nhớ thương quá thương
Hình ảnh cô hoc trò NN trông hiền lành dể thương hết biết
Mới vào chị xem hình ảnh pps cho nhừ tử rồi mới đọc truyện sau. Coi có dể ăn cắp không?
Mọi thứ tổng hơp thành tiểu phẩm hấp dẫn.
Thôi , chị khen NN không thấy đã bằng được các thầy khen
Trong tất cả các thầy chỉ có một ông thầy lạnh quá trùm mền chắc không có coi đâu
Mọi khi thầy thức khuya đậy sớm lắm.
KQ

rachgia said...

wow nghe NN diễn tả nào món mắm sặt xé nhỏ trộn chanh đường tỏi ớt với chuối chát khế chua .... ui da ngon hết biết rồi khô nướng .... PPS rất đẹp NN ơi . NN chọn hình là hết xẩy . Khen thì cũng hơi thừa song phải nói mà thôi . Nhìn sân trường . Nhìn tà áo trắng năm xưa .Nhớ quá cái thời tuổi trẻ ngày nào của chúng mình

Đông An said...

NN ơi,
Đọc "Gửi Người Bạn Cũ" mình nghe thèm "chảy nước miếng" các món ăn dân dã mà NN đã nêu lên vì mình cũng là dân Miền Tây mờ ,mắm sống trộn chanh ớt đường ăn với cơm nguội ngon ơi
là ngon, còn món khô nướng quê mình thường trộn với xoài sống thêm chút đường nữa đó NN. Nếu bạn không nói nguồn gốc thì mình cứ nghĩ bạn là dân Miền Tây chính cống rồi.
NN đã ghi lại những kỹ niệm buồn vui thời học sinh giữa hai bạn ai đọc cũng đều thấy cảm động và như bắt gặp những cảm giác thân quen ở trong ấy NN ơi. Một tình bạn dung dị, chân thành.
Hình ảnh và nhạc đệm rất đẹp, những tấm ảnh thời học trò rất thanh mãnh thơ ngây xem hoài không thấy chán. Cám ơn bạn đã cho thưởng thức một câu chuyện rất hay về tình bạn, về những
kỹ niệm đẹp của cái thời "nhất quĩ nhì ma" í mà.
Thân mến
Đ.A

Anonymous said...

Chào chị NN !
Chị viết lá thư gửi cho người bạn cũ mà tui tưởng như chị đang viết hồi ký Bên Giòng Lịch Sữ...
Câu chuyện chị ăn mắm sặt sống làm tui nhớ Má tui quá trời. Bà cũng tự tay làm mắm sặt và mám rô mà chị biết mấy con cá đó ai bắt vê không ? Tui đó !
Hồi còn ở quê tui thường đi ra mấy cái vũng nước ngoài ruộng tát cho cạn rồi một mình mặc sức mà bắt cá về nhà cho Má làm mắm.
Nhưng tui ăn mắm sống hơi khác chị một chút là xé nó ra rồi chấm với dấm ớt cho bớt mặn và ngoài cơm nguội tui còn ăn với bắp luộc cũng để nguội trồng sau hè .
Ui ! Nói tới còn thèm rỏ dãi !
Thôi nhé ! Cám ơn chị gợi lại cho tui một kỷ niệm mà lâu rồi tui quên mất.
TT.

Nguyên Nhung said...

Bài Gửi Người Bạn Cũ thực ra chất chứa nhiều thứ trong ấy lắm, nhiều bạn mình thích không hẳn chỉ vì gợi nhớ những kỷ niệm mà còn là một câu chuyện bao gồm đủ thứ trong đó, chúng mình sinh ra trong thời chiến tranh khổ thiệt hén TL, chưa kể lấy chồng thời chinh chiến, chưa kể sau năm 75 cũng nhiều phen điêu đứng chết ngắt theo cành mai nữa,bạn TT nào đó nói đúng đó, chúng mình đi theo dòng lịch sử quê nhà, nên cũng hứng chịu những buồn vui của đất nước.