Sunday, February 12, 2017

Sân khấu thành phố vắng tiếng hát cải lương!





_______________

Chuyển đến từ Chị Lý Mỹ Hạnh

NGUYỄN PHƯƠNG

Tết Đinh Dậu 2017, theo dõi sân khấu cải lương ở Việt Nam, tôi thấy không có quảng cáo hát Tết nhiều như trước năm 1975. Các rạp hát ở THHCM, Nhà hát Thành Phố, Nhà hát Hòa Bình, Trung Tâm Ca Nhạc Lan Anh, Nhà hát Bến Thành, Rạp hát Thủ Đô Chợ Lớn, đều không có chương trình biểu diễn nghệ thuật. Lịch biểu diễn của các nhà hát này gần như trống trơn.
Trung Tâm Nghệ Thuật Cải Lương Hưng Đạo (tức rạp Hưng Đạo cũ) được chủ thầu xây dựng bàn giao từ ngày 18/ 4/2014, phải sửa chữa lại đến nay mới khai trương hát trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Nhà hát Trần Hữu Trang khai trương rạp mới và hát Tết Đinh Dậu với ba tuồng: Hiu Hiu Gió Bấc, Hồn Ma Báo Oán, Mộng Hoa Vương.
Trung Tâm Nghệ Thuật Cải Lương Trần Hữu Trang chỉ có 680 ghế mà hát Tết này, vé bán không được nửa rạp (Trước 1975 rạp Hưng Đạo cũ có 1200 ghế, hát Tết nào cũng hát hai suất từ mùng một đến mùng 7 mà vé hát bán hết rạp, phải thêm ghế súp trên đường đi hai bên hàng ghế giữa từ cuối rạp đến gần sát mặt tiền sân khấu.)
Khán giả nói: “Hát Tết mà không kiêng kỵ, tuồng Hiu Hiu Gió Bấc, tuồng Hồn Ma báo Oán, ai mà đi coi? Xui cả năm! Tuồng Mộng Hoa Vương thì kết cuộc sứ thần Ngô Trung Cảnh bị giết chết, Mộng Hoa Vương đưa xác của Ngô Trung Cảnh lên thuyền, bà bỏ ngôi vương nữ, hộ tống xác chết người yêu về cố quốc của kẻ bạc mạng! Tuồng chết chóc, đau thương mà đem ra hát Tết, chỉ có Quỷ vương đi coi thôi !”. Họ nói Quỷ vương xem hát, chắc ý muốn nói là các ủy viên cộng sản!

Ngày mùng 8 Tết (4/2/17) nhóm cải lương Hồ Quảng gồm có Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm, Tú Sương, Chí Linh, Vân Hà, Chí Cường, Hề Hiếu Cảnh, Thanh Ngọc, Lê Khanh diễn một suất hát Thân Xuyến Mừng Xuân tại sân khấu Lê Hoàng số 144 đường Đinh Tiên Hoàng Quận Bình Thạnh. Cũng nhóm nghệ sĩ này diễn tại sân khấu Lê Hoàng (Bình Thạnh) một suất hát ngày mùng 9 Tết (5/2/17) tuồng hồ quảng Mai Trắng Se Duyên.
Ở các tỉnh lớn như Mỹ Tho, rạp hát Vĩnh Lợi (Rạp Thầy Năm Tú xưa) ở gần Chợ Mỹ Tho cũng vắng bóng các đoàn hát. Rạp hát Tây Đô (tỉnh Cần Thơ) số 15 đường Trần Hưng Đạo quận Ninh Kiều cũng đóng cửa gần suốt năm qua, nay dịp Tết cũng chẳng có đoàn hát cải lương nào hát. Ở tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát Nón Lá Cao Văn Lầu, xây theo mô hình ba chiếc nón lá úp xuống với khán phòng A có 850 ghế nhưng Tết này cũng đóng cửa, không có đoàn hát cải lương nào đến diễn.
Khi tôi điện thoại hỏi một soạn giả đàn em ở Nhà hát Trần Hữu Trang thì anh ấy trả lời: “Hiện nay Nhà Hát Thời Tối Đèn! Hy vọng Nhà hát Trần Hữu Trang khai trương rạp mới để sau này có sân khấu cho các đoàn hát khác về hát, nhưng còn lo một nỗi là tiền mướn rạp cao quá, rạp lại có ít ghế, thu không đủ chi, chắc không có đoàn nào dám mướn. Chỉ có Nhà hát Trần Hữu Trang của chánh phủ, hát ở rạp nhà, khỏi trả tiền mướn rạp nên hát chơi lai rai để quảng cáo”.
Tôi hỏi: “Từ năm 1990, đến nay hơn 25 năm, năm nào cũng có thi tuyển Chuông Vàng Vọng Cổ, đã chọn được hơn ba mươi chuông vàng vọng cổ và đào tạo được cả trăm người biết ca vọng cổ. Khắp miền Nam có cả trăm Ban đàn ca tài tử. Hồi xưa chỉ có vài Ban đàn ca tài tử ở MỹTho, ở Bạc Liêu, Cà Mau, vài tỉnh ở Hậu Giang, vậy mà khai sanh được sân khấu nghệ thuật cải lương, ngày một phát triển, tạo được một thời hoàng kim của sân khấu cải lương. Ngày nay, đã hết chiến tranh, riêng ở thành phố đã đào tạo được hàng trăm ca sĩ và hàng chục chuông vàng vọng cổ mà tại sao không vực dậy được sân khấu cải lương? Ai giết chết sân khấu cải lương?”
Anh bạn tôi nói : -“Điều này khó trả lời quá! Có chuông vàng vọng cổ thì phải có tuồng hay, phải có khán giả thích cải lương mua vé, phải có nhiều rạp hát, phải thuận tiện đường sá xe cộ cho khán giả đến rạp hát, phải có điều kiện cho dân chúng làm ăn dễ dàng, có thu nhập cao mới có tiền đi coi hát giải trí. Những điều kiện vừa kể, hiện giờ khó kiếm. Để giải trí, bây giờ có bia ôm, hớt tóc ôm, cà phê võng (cũng ôm luôn), karaoké cũng ôm, xem hát bóng có giường nằm, vừa xem vừa… ngủ cũng được. Hát cải lương thì xưa quá rồi! Hai chục năm qua, kiếm không ra một tuồng cải lương nào hay. Tuồng viết theo “định hướng chính trị” hát được một ít suất rồi dẹp. Các đoàn hát vẫn hát lại những tuồng cũ trước năm 1975 và một số tuồng đã sáng tác trong các năm từ 76 đến 80. Tuồng cũ hay nhưng tái diễn hoài khán giả cũng ngán, hết muốn xem tuồng cũ. Những chuông vàng vọng cổ như mấy con chim én mới ra ràng, đâu có thể đem lại mùa xuân cải lương! Thêm nữa, đường sá gì mà hể nước sông lớn hay trời mưa thì nhiều đường như con sông thay cho đường đi. Làm sao mà chạy xe đến rạp hát được? Mưa xuống, nước ngập gần tới yên xe, máy hư, lại đẩy bộ và tốn tiền sửa xe, thà ngồi nhà coi Ti vi còn sướng hơn. Cải lương chết là phải rồi!”
Câu nói “Chuông vàng vọng cổ như chim én mới ra ràng, đâu có thể đem lại mùa xuân” khiến cho tôi nhớ những danh ca vọng cổ Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Út Hiền, Út Bạch Lan, Thanh Hương, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Thanh Nga, Ngọc Hương, Ánh Hồng, Lệ Thủy… những nghệ sĩ khi được công nhận là danh ca vọng cổ thì cũng như những con chim mới ra ràng nhưng dưới bầu trời có tự do dân chủ thì họ đã góp phần xây dựng một thời hoàng km của sân khấu cải lương. Chỉ kể đến một hậu sinh, một khôi nguyên vọng cổ trong năm 1964, nghệ sĩ Minh Vương, mới 14 tuổi đầu đã là người góp phần không nhỏ cho lịch sử cải lương miền Nam trong thập niên 60 của thế kỷ trước.


Minh Vương năm 14 tuổi




 Khôi nguyên vọngcổ Minh Vương: Đường lên đỉnh cao mơ ước!
Nghệ sĩ Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, sinh năm 1950, tại Cần Giuộc, tỉnh Long An. Từ năm lên 10 tuổi, bé Vưng lên Sàigòn , học trường Trung Học Hưng Đạo, đường Cống Quỳnh. Trong gia đình không có ai theo nghề hát, nhưng bé Vưng lại thích ca cổ nhạc vì trường Hưng Đạo ở gần rạp hát Hưng Đạo, là rạp thường xuyên có những đại ban cải lương trình diễn trong những năm 1960 – 1975. Bé Vưng thường đi xem hát cải lương hoặc coi tập tuồng ban ngày ở rạp hát, em mơ ước được trở thành một nghệ sĩ như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga… Để thực hiện mơ ước đó, em Vưng theo bạn học qua cầu chữ Y, học ca vọng cổ với thầy Bảy Trạch, nhạc sĩ cổ nhạc đoàn cải lương Kim Chung.
Năm 1964, các nhật báo Sàigòn tổ chức cuộc thi ca vọng cổ tại rạp Quốc Thanh, người đoạt giải Khôi Nguyên Vọng Cổ là em Vưng, 14 tuổi, học trò của nhạc sĩ đờn kìm Bảy Trạch.
Ngay sáng hôm sau ngày công bố danh hiệu Khôi Nguyên Vọng Cổ, ông Bầu Long đã phái ông Phạm Thọ Minh, phụ tá đắc lực của ông tới tìm bé Vưng và ông Bảy Trạch, chở hai người xuống tỉnh Long An, gặp cha mẹ của Vưng để ông bà và bé Vưng (vị thành niên) ký kết cho bé Vưng, hát trên sân khấu Kim Chung, hai năm với số tiền giao kèo là 10.000 đồng

Bầu Trần Viết Long đoàn Kim Chung đổi tên Minh Vưng thành tên Minh Vương trên sân khấu Kim Chung.
Lúc đó Kim Chung có 5 đoàn hát, Minh Vương được đưa đến đoàn Kim Chung 3, ca vọng cổ trước khi mở màn hát tuồng. Hai năm sau, khi  16 tuổi Minh Vương mới được vai tuồng hát trong vở Tâm Sự Loài Chim Biển  và Áo Vũ Cơ Hàn. Báo chí kịch trường khen tặng. Số lượng khán giả đến xem Minh Vương hát tăng lên. Ông Bầu Long đưa Minh Vương về hát ở đoàn Kim Chung 1, thường trực rạp Olympic ở trung tâm thành phố Sàigòn. Khán giả đổ xô đến rạp Olympic để coi Minh Vương hát ngày một đông. Trong khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga làm bá chủ sân khấu loại tuồng xã hội thì Kim Chung chiếm hàng đầu loại tuồng kiếm hiệp màu sắc.
Với loại tuồng kiếm hiệp, Minh Vương nhập thân vào những vai kiếm sĩ cô đơn, trong những khung cảnh mưa gió bảo bùng hoặc sa mạc khô cháy, rong dủi tìm kẻ thù hoặc cứu người, tìm sự công bằng, tìm những mối tình vời vợi tựa như ảo ảnh. Khung cảnh lãng mạn trữ tình là mảnh đất thuận lợi cho những giọng ca ai oán, cô quạnh và cho một Minh Vương vốn có ưu thế về sắc thái, gợi buồn, gợi nhớ, gợi cảm.
Minh Vương thành công trong các vai: Hà Sơn Thái trong tuồng Vầng Trăng Năm Cũ; vai Lý Nhị Lang trong tuồng “Hắc Sa Thôn Huyết Hận “, vai Lữ Phụng Sơn trong tuồng “Người Trai Sa Mạc”, Vai Cao Nguyên Bình trong vở “Đêm Lạnh Chùa Hoang”, vai Trác Phùng Quân trong tuồng “Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn”.
Nếu điểm từng tâm lý của những vai tuồng kiếm hiệp thời đó thì vai nào cũng yêu đương, thù hận và hành động như nhau, bàng bạc tựa áng mây trôi giữa trời mà thôi, nhân vật của Minh Vương thời gian ấy không bận tâm đến chuyện lưu lại một cá tính sắc sảo nào như loại tuồng xã hội, mà chỉ man mác những nỗi niềm buồn thương. Những nỗi niềm không thuộc về dấu ấn của một cá nhân nào, chỉ bàng bạc chất lãng mạn, chung chung cho những phận đời. Đọng lại vẫn là những bài ca vấn vương trong trong tâm trí khách mộ điệu vì làn hơi của kép trẻ đẹp Minh Vương.


Minh Vương có cách ca luyến vút lên cao ở những từ cuối câu 2 bản vọng cổ rất là mùi mẫn, duyên dáng, có sắc thái riêng của Minh Vương mà người nghe không thể lầm lẫn với các giọng ca khác. Trong vai Cao Nguyên Bình trong vở “Đêm Lạnh Chùa Hoang”, Minh Vương ca khi bị tuyệt vọng vì yêu, lời ca như ray rức, đau xé lòng khi phải chia tay người yêu. Cải lương lúc bấy giờ dành đất diễn cho những mối tình tam, tứ éo le, thảm sầu, để cho diễn viên phô diễn chất giọng ấm áp, sầu cảm mà Minh Vương là một trong số những danh ca làm rơi lệ nhiều khán giả đa cảm thời đó.
Một người đẹp ngành xuất nhập cảng đã si mê, đeo đuổi Minh Vương và sau cùng cô đã bắt được cả hồn lẫn xác của chàng trai kiếm sĩ của sân khấu. Năm 1971, cô Lê Thị Thu, người đẹp kể trên, kết hôn với Minh Vương.
Năm 1972, cô Thu, bà xã của Minh Vương, xuất tiền thối lại tiền contrat của Bầu Long để Minh Vương đứng ra lập gánh hát lấy bảng hiệu là Đoàn cải lương Việt Nam. Cô Thu trở thành Bầu Thu, một thời vang danh trong làng bầu gánh cải lương, và Minh Vương có cơ hội chọn lọc tuồng tích, chọn lọc vai diễn để phát triển tài nghệ của mình. Bầu Thu, người bạn đời của Minh Vương đã giúp anh lèo lái gánh hát, giúp anh mọi điều kiện vật chất, giúp cả trong việc chọn vai tuồng, cách thức diễn xuất. Sự thành công lúc này của Minh Vương là sự thành công của một cao đồ dưới sự chỉ điểm của danh sư Bầu Thu, với kinh nghiệm làm xuất nhập cảng mà lợi nhuận là mục tiêu chính yếu nên việc quảng cáo, liên lạc báo chí, mua chuộc đào kép, bà Bầu Thu cũng có những chiêu thần sầu quỷ khốc giúp cho tên tuổi Minh Vương được bay cao vời vợi trên nền trời sân khấu cải lương miền Nam. Ở đoàn cải lương Việt Nam của bà Bầu Thu, Minh Vương đóng cặp chung với Phượng Liên trong tuồng “Nắng Thu Về Ngõ Trúc”. Anh nhập vai Tạ Thập Cơ, xuất sắc từ giọng ca đến diễn xuất, xứng kép xứng đào với Phượng Liên, một nữ diễn viên đẹp sắc sảo, ca ngâm hơi vang lộng, được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.
Cũng ở tại đoàn này, Minh Vương có dịp diễn chung với Mỹ Châu, Ngọc Bích và Thanh Nga (năm 1972, đoàn Thanh Minh Thanh Nga ngưng hoạt động).
Minh Vương sống với cô Thu, có được 3 đứa con: 2 gái, 1 trai. Con gái lớn tên Nguyễn Minh Thanh, hiện có gia đình, định cư tại Mỹ. Con gái thứ hai tên Nguyễn Minh Ánh, có chồng thương buôn ở Việt Nam và con trai Út hiện đang học Đại Học Bách Khoa ở Sài gòn.

MINH VƯƠNG LỆ THỦY

   
Sau năm 1975, Minh Vương hát cho đoàn cải lương Sàigòn 3, vở tuồng Mái Tóc Người vợ trẻ  với Thanh Kim Huệ, Tài Lương, Minh Tâm. Sau đó anh hát cho đoàn Sống Chung vở Thạch Sanh Lý Thông. Anh đã qua các đoàn cải lương Trung Hiếu, đoàn Hương Mùa Thu, sân khấu Tài Năng tiền thân của nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn Văn Công, đoàn 2/84, và các đoàn tỉnh như đoàn Tiếng Ca Sông Cửu, đoàn Hương Tràm, đoàn Đất Mũi. . .
Ngoài ra Minh Vương thu nhiều tuồng cải lương vidéo và được khán giả tán thưởng như các tuồng: Chuyện Tình An Lộc Sơn, Sơn Nữ Phà Ca, Hàn Tín, Tiêu Anh Phụng, Thoại Khanh Châu Tuấn, Nửa Bản Tình Ca, Tô Ánh Nguyệt, Đoạn Tuyệt, Lôi Vũ... Tiếng ca của Minh Vương đã diễn tả được tâm trạng của nhân vật, nét diễn tự nhiên của Minh Vương đã chinh phục được người xem. Anh thành công lớn qua vai Nguyễn Trãi, cùng đóng chung với Ngọc Giàu trong vai Thị Lộ, vở Rạng Ngọc Côn Sơn.
Sau 1975, khi Minh Vương hát ở đoàn cải lương Sàigòn 3, lương của đào, kép chánh như Thành Được, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Minh Vương, Mỹ Châu, Phượng Liên, Ngọc Giàu. . . mỗi người chỉ lãnh 10 đồng bạc một xuất hát. Cơm thì ăn cơm hội (nấu ăn chung cho toàn đoàn, đào, kép và công nhân sân khấu cũng một khẩu phần như nhau). Khi hát ở rạp Long Vân, bà Thu theo đoàn với Minh Vương, bà phản đối việc ăn cơm hội, buộc Minh Vương phải tranh đãu với Trưởng đoàn Hiếu (cán bộ của Sở VHTT đến chỉ huy đoàn), Minh Vương không ăn cơm hội, đoàn phải trả cho Minh Vương tiền cơm mỗi ngày là 10 đồng, bà Thu tuy không có hát hay có phận sự gì trong đoàn, cũng được hưởng 10 đồng tiền cơm. Minh Vương không làm theo lời bà Thu, liền bị bà mắng chưởi thậm tệ và tát tai Minh Vương trước mặt mọi người. Bữa đó Minh Vương xấu hổ, đòi tự vận và không hát, nên đoàn phải nghỉ hát, trả tiền vé lại cho khán giả.
Để cho mọi việc được êm thắm, bầu Hiếu trả lương tối cho Minh Vương thêm 20 đồng tiền cơm, cộng với số lương quy định là 10 đồng một xuất hát.
Chưa tới một tháng sau, bà Thu buộc Minh Vương đòi tăng lương. Và được tăng lương nhiều lần nhưng bà Thu vẫn giựt dây điều khiển Minh Vương, nhảy từ gánh hát này qua gánh hát khác, đồng lương tới đoàn mới là tăng thêm lên hơn đoàn cũ. Minh Vương bản tánh hiền lành ít nói, mọi việc quyết định đều nằm trong tay bà Thu. Anh bị bạn bè cười là một anh hùng sợ vợ. Minh Vương nghe dư luận, khó chịu nhưng không thể tranh cãi với ai, mà càng không dám tranh cãi với bà Thu, nên anh chọn biện pháp đi hát chầu. Hát chầu cho đoàn tỉnh này năm, ba bữa, rồi đi hát chầu cho đoàn khác bảy, tám hôm. Khi thì ở Nha Trang, khi ra Quảng Ngãi, lúc thì trở về Cần Thơ, lúc lại tới Năm Căn, Đất Mũi. Khi đi hát chầu liên miên như vậy, phải chịu cảnh ăn ở kham khổ như thời còn ăn quán ngủ đình, nhưng mỗi xuất hát anh được trả cho một chỉ vàng. Bà Thu không thể bám theo chân của Minh Vương, thả cho anh bay nhảy theo hát chầu, miễn là khi về Sàigòn anh phải nạp đủ những khâu vàng mà bầu gánh trả cho anh. Minh Vương có nhiều thời gian xa khỏi sự kềm chế của bà Thu, biết được cái tự do của một con người là vui như thế nào, nên ngoài những lời nói ra nói vô của bạn bè, tự anh cũng cảm thấy không thể mãi mãi là con cờ bằng vàng cho bà Thu sử dụng để gặt hái ra tiền. Việc phải đến đã đến, Minh Vương và Bà Thu kéo nhau ra tòa ly dị. Cả cái cơ ngơi đồ sộ tại đường Võ Văn Tần tức đường Trần Quý Cáp cũ, bà Thu chiếm hữu. Minh Vương ra khỏi nhà, hai bàn tay trắng với nghề hát cải lương. Đó là đầu năm 1996.
Bà Thu và Minh Vương cắn đắng nhau từ năm 1994, Minh Vương phải qua sống tạm nơi nhà của cô em gái, địa chỉ số 10 đường Nguyễn Thị Tần, Phường 3 Quận 8. Lúc này Minh Vương hát cho nhà hát Trần Hữu Trang và thu vidéo, thu nhập không được nhiều như trước vì cải lương đang hồi sa sút trầm trọng.
Năm 1995, Minh Vương về Cà Mau quay vidéo 5 bài ca cổ, ca ngợi quê hương Cà Mau của tác giả Trọng Nguyễn (cán bộ Sở VHTT Cà Mau), trong số đó có bài ca ngợi Siêu thị của bà Bé Tư. Tháng sau, Minh Vương đi hát tăng cường cho một số đoàn lưu diễn Cà Mau và anh nghỉ ở khách sạn thuộc Công Ty của bà Bé Tư. Dịp này, bà Bé Tư có đến khách sạn, gặp Minh Vương để cám ơn về việc anh ca bài ca ngợi công ty của bà. Từ chỗ quen biết đó, bà Bé Tư biết luôn gia cảnh của Minh Vương, ly dị vợ, bị đuổi ra khỏi nhà, không có chỗ ở, phải ở tạm nhà của cô em gái, bà giới thiệu Minh Vương với Công Ty Xây Dựng và Kinh Doanh nhà Gia Định để Minh Vương mua góp căn nhà ở đường Nơ Trang Long, số 360F/10 Phường 13 Quận Bình Thạnh với giá là 158 lượng vàng bốn số 9.
Minh Vương đã trả tiền làm 4 đợt, đợt đầu, ngày 16/1/1997 (79 lượng vàng), đợt nhì, ngày 10/3/97, trả 27,67 lượng vàng. Đợt 3, ngày 8/3/97, trả 10,57 lượng vàng và đợt 4 ,28/8/98,trả 20,865 lượng. Báo chí Cà Mau và một số nhà tai mắt nêu lên việc này, cho là bà bé Tư lấy tiền của cơ quan cho Minh Vương mua nhà, nào là bà Bé Tư cuốn gỏi cuốn, luộc trứng, kho cá kho mang đến khách sạn cho Minh Vương ăn…
Minh Vương phải hai lần ra Tòa để chứng minh số vàng anh trả để mua nhà là của anh chớ không phải của bà Bé Tư trao cho anh.
Theo thơ trần tình của Minh Vương về vụ mua nhà, đăng trên báo Pháp Luật TPHCM thì số tiền trả đợt đầu, ngày 16 tháng 1 năm 1997, 79 lượng vàng tương đương với số tiền là 404 triệu,520.448 đồng. Từ 1995, Minh Vương ra khỏi nhà bà Thu với hai bàn tay trắng, trong tình hình cải lương sa sút không hát được, vậy mà chưa tới hai năm Minh Vương có dư một số tiền là hơn 404 triệu đồng. Gánh hát nào trả nổi số lương đó? (trừ bà Bầu mới Bé Tư thay cho bà Bầu Thu, bà Bầu cũ của Minh Vương!)
Thông qua chuyện đời của Khôi nguyên vọng cổ năm 1964 nghệ sĩ Minh Vương, ta thấy có danh ca vọng cổ thì phải có soạn giả tài ba, có soạn giả phải có chế độ tự do sáng tác, có nhiều rạp hát ở khắp các quận huyện thì khán giả mới đến xem đông đảo, đường xá an ninh, thuận tiện giao thông, dân chúng được tự do kinh doanh phát đạt thì sân khấu cải lương mới sống được. Sau năm 1975, dưới chế độ toàn trị của đảng CS Miền Bắc, mọi thứ tự do đều bị ngăn cấm, dân kiếm sống đã khó khăn thì văn học nghệ thuật khó mà được tự do phát triển.
Tuyển chọn nhiều Chuong vàng vọng cổ chỉ là một thứ tung hỏa mù để che lấp tội ác tiêu diệt một ngành nghệ thuật sân khấu của dân tộc.
Soạn giả Nguyễn Phương

Đầu năm Đinh Dậu 2017

No comments: