Sunday, August 19, 2018

Viễn Du (tiếp theo)

____________________

BẠN LÁNG GIỀNG


  Câu chuyện chấm dứt, chúng tôi lửng thửng  ra xe, cùng lúc đó Tiểu Thu đi ngang qua tôi liền hỏi lát nữa nhà văn tiếp tục sự nghiệp cứu nước có trở ngại gì không? Không có gì trở ngại, chỉ có một điểm duy nhứt là lão Google cho biết vắng tắt vài ba câu về thác Kakabeka nên tôi cũng chỉ qua loa về cái thác nầy cho anh chị em trong đoàn biết mà thôi.  
                     Bác tài Robert tiếp tục đưa con bạch mã thẳng tiến về thác Kakabeka. Dân địa phương ở đây ít ai gọi nguyên tên thác nầy mà họ chỉ gọi tắt là  thác Kaka cho khỏi trẹo họng. Chính vì cái tên rút ngắn quá đặc biệt mà dân Quebecois và dân du lịch Pháp quốc ít khi đến viếng thác nầy. 
                     Anh chị em trong đoàn viễn du bắt đầu thả hồn thì tiếng micro sang sảng của cô Kim Oanh đã hoàn hồn anh chị em để nghe Tiểu Thu một lần nữa thuyết trình về thác Kakabeka. 
                    Thác Kakabeca nằm về phía Bắc Ontario và dọc theo ven Bắc Đại Ngủ Hồ. Tháp có độ cao khoản 40m và gần một cây số đường ven suối dành cho du khách.  So với thác Niagara, thác Kakabeca nhỏ hơn nhiều. Tuy không hùng vĩ như thác Niagara nhưng thác Kakabeca cũng thu hút du khách không kém gì thác Niagara. Gần ven thác có một khách sạn du khách muốn trú ngụ tại đây để ngắm toàn diện thác phải giử chỗ trước ít nhứt là một năm...và giá cả đắt gấp ba lần khách sạn cùng cở.
                    Cái qua loa của nhà văn phải hơn 10 phút mới chấm dứt, đúng vào lúc bác tài   đang tìm chỗ cho phái đoàn xuống ngắm thác.
                    Cửa xe vừa mở, anh nhiếp ảnh viên đã phóng xuống biến mất trong dòng lủ lượt của du khách. Chỗ phái đoàn ngắm thác đổ là ở hạ nguồn, còn thượng nguồn ở khá xa có cầu bắt ngang qua. So với cảnh huy hoàng, hùng vĩ của thác Niagara; thác Kakabeca tuy nhỏ hơn nhưng dòng thác đổ trắng xoá chảy cuồn cuộn ra sông cũng làm cho khách thưởng ngoạn thấy nao nao. Đang cô độc đứng trên một bực thang dành riêng cho du khách, anh Cương với dàn máy nghề nghiệp không biết từ góc nào tới nói:" anh coi tư thế đăm chiêu của anh nè." Tui thầm nói " đăm chiêu cái gì, tui đang tìm hình bóng các Sơn nữ Phà Ca tắm suối mà không thấy đâu?" Vừa thấy nhiếp ảnh viên, quí bà, quí cô không bỏ lở dịp để ông phó nhòm trổ tài. 
                     Phái đoàn từ từ trở về xe, khi đi ngang qua một vườn hoa đủ màu sắc rực rở trước cửa khách sạn, cô Kim Oanh ngừng lại tập họp quí bà ,quí cô để chụp ảnh; còn quí ông không được hân hạnh đứng chung, rất tiếc anh Cương không có mặt để chụp một bức ảnh có thể nói có ý nghĩa nhứt, đặc biệt nhứt :" đó là hoa biết nói đua sắc với hoa thiên nhiên". Tội nghiệp các đóa hoa thiên nhiên bấy lâu nay hằng ngày khoe sắc, khoe hương cho thiên hạ thưởng lảm; không dè hôm nay đành phải xếp cánh, ngừng toả hương trước các đoa hoa chẳng những muôn sắc mà còn nủng nịu làm cho các anh chàng đứng chung quanh phải thẩn thờ...
                     Chặn đường tử chỗ thác đến chỗ nghỉ đêm là Winnipeg phải mất ít nhứt là 7g30' nên cô trưởng đoàn phải chia làm 2 chặn. Chặn thứ nhứt chạy 3g30' tới Siêu thị Wall Mart để đoàn du hành thực hiện câu Nam tả, Nữ hữu và mua thức ăn dằn bụng cho khỏi bị đòi hỏi trên đoạn đường dài của chặn sau....
                     Xe chạy chưa tới 10 phút, thác Kakabeca bị đổi tên một lần nữa bởi đoàn du khách. Chỉ có bác tài Robert là còn tỉnh táo, còn hầu hết đầu nghiêng một bên thả hồn theo dòng thác đổ, đồng thời biến tên suối Kaka thành " Suối Mơ". Không biết quí Bà, quí Cô mơ thấy gì chớ còn bên cánh đàn ông chúng tôi, một số có tâm hồn văn nhân thi sĩ mơ thấy tiên nữ giáng trần vừa tắm suối vừa múa khúc nghê thường. Số còn lại nhiểm mùi tục lụy  mơ thấy Sơn Nữ Phà Ca cùng bạn bè đang tắm suối mà xiêm y vắt ngổn ngang trên cành ....
                      Đúng vào lúc khúc nghê thường châm dứt và đoàn Sơn nữ Phà Ca sắp sửa lên bờ, giọng cô Kim Oanh lại một lần nữa cắt ngang dòng Suối Mơ đang chảy tràn trong mộng đoàn du khách: " một tiếng nữa chúng ta sẽ dừng lại, còn bây giờ cô Bạch Tuyết sẽ lên làm nhiệm vụ điều khiển chương trình văn nghệ".
                     Mấy hôm rày, những bản nhạc ruột thuộc lòng đã được trình bài hết rồi, nên hôm nay cô Bách Tuyết phải xử dụng Karaoke trong Iphone để truyền đạt bản nhạc yêu thích của cô cho anh chị em trong đoàn Viễn Du nghe, tiện và lợi vô cùng, khỏi cần phải học thuộc lòng chi cho nó mệt óc. Tiếp theo là anh Đức Thắng, mấy ngày trước, chúng ta đã nghe bản Cô Hàng Nước với giọng ca trầm ấm không thua gì ca sĩ Canh Thân, hôm nay anh trình bày bản Cô Láng Giềng, giọng ca không bao giờ " Đức Thắng" mà cũng không bao giờ đứt "dây thiều"... Sau đó dàn nữ ca sĩ hùng hậu nhứt của đoàn viễn du, cô Mai, cô Cúc, Tiểu Thu, Mai Thoa đã biến không gian chật hẹp của hai hàng ghế thành một sân khấu đại nhạc hội. Không chịu thua nữ giới, ông chủ tịch Cộng Đồng đã chụp micro trổi giọng "oanh vàng"; cái hay của ông chủ tịch là một khi cầm micro là ông thao thao bất tuyệt bất cứ đề tài nào, còn ca nhạc là ông phải ca liền tù tì ít nhứt là hai bản, bản nhạc nào cũng gợi thương, gợi nhớ đến những người bạn của ông. Ông chủ tịch vừa trả micro cho cô Bạch Tuyết, anh Tấn Hưng một tay hoạt náo viên từ từ tiến lên. Với giọng nữa Trung nữa Nam, anh xáo động đoàn Viễn Du bằng 2 câu của Hướng Đạo để hướng đạo viên khỏi nhớ đoạn đường dài:
          Một cây số đi chân, mỏi ghê mỏi gớm
          Hai cây số đi chân, mỏi gớm mỏi ghê cái giò..
          Một, hai, ba...
          Ba cây số đi chân...
                    Cứ thế đoàn Viễn Du đi đến cây số 15, một số đã bỏ cuộc, một số cố lếch theo. Thấy vậy, anh Tấn Hưng liền đổi đề tài, không đi bộ nữa mà anh cho đoàn Viễn Du uống cà phê và ăn bánh mì. Anh Tấn Hưng nói:
           Uống cà phê ...thì anh chị em trả lời:
           Ăn bánh mì....
                 Uống cà phê và ăn bánh mì có ba lần là anh chị em đã no cành hông đành nhìn anh Tấn Hưng ăn uống một mình....Chương trình ban văn nghệ Bạch Tuyết vui như vậy là quá thành công, nếu ông chủ ban văn nghệ Tùng Lâm vang danh một thời có mặt ở đây chắc phải mời cô Bạch Tuyết hợp tác...
                  Để chấm dứt chương trình văn nghệ, cô Bạch Tuyết mời tui lên để kể một chuyện vui.. Câu chuyện tui kể như vầy:
                 Có một anh chàng ở Sài Gòn, bao nhiêu tiểu thư miền Nam nhan sắc chim sa cá lặn anh không hề để mắt tới, anh chỉ mặn mà một cô gái gốc Quảng Nam. Một tuần Lễ sau đám cưới, bà má vợ phone tới, anh chàng bắt phone:
                -  Thứ bảy nầy hai con có rảnh không, mẹ mời hai con qua nhà mẹ dùng cơm.
                 Thay vì nói con bận việc không tới được, anh chàng trả lời:     
                    - Thưa mẹ, thứ bảy nầy con kẹt.
                  Bên kia đầu dây, bà mẹ gằn giọng hỏi:
                    - Con nói gì, con nói lại coi....
                   Anh chàng thực tình lặp lại :
                     - Thưa mẹ con kẹt...
                   Chưa nói xong, anh nghe bà mẹ đập điện thoại một cái rầm. Hoảng hồn, anh chạy tìm vợ nói không biết vì sao mà mẹ có vẻ giận dữ. Cô vợ hỏi:
                      - Anh nói gì với mẹ vậy ?
                    Anh chàng trả lời:
                      - Mẹ phone mời tụi mình tới ăn cơm thứ bảy tới...
                    Vậy anh trả lời với mẹ như thế nào?
                     Thì anh trả lời :
                      - Thưa mẹ con kẹt...
                  Cô vợ vừa nghe chữ kẹt đã bật ngữa ra than :
                     -  Thôi chết rồi, chữ "con kẹt" ở quê em nó khác nghĩa với chữ "con kẹt ":của anh. Thôi để em giải thích cho má em nghe.
                  Cô vợ liền phone cho mẹ :
                   -  Thưa mẹ, xin mẹ thứ lỗi cho chồng con vì chồng con không biết "con kẹt" ở quê mình nó khác với "con kẹt" ở miền Nam.
                 Bà mẹ giận dữ trả lời:
                    - Tao làm y tá hơn 40 năm rồi, "con kẹt " Nam Trung Bắc tao đều thấy hết, nó giống nhau có khác gì đâu!!!!!!
                Nói xong, tui nhanh chân về chỗ ngồi. Tui liền hỏi bà xã, câu chuyện anh vừa kể, em thấy như thế nào? 
                - Còn thế nào nữa, Người ta nghĩ anh là một ông già mất nết...
               Ồ, vậy hả em? Nhưng em đừng lo...vì CÁI NẾT chỉ dùng duy nhất cho các cô từ khi biết đi đến lúc bước lên xe hoa là chấm dứt không còn dùng nữa. Bởi vậy trong việc dựng vợ, gả chồng thì cha mẹ đàng trai thường hỏi bà mai :
               - Nết na con nhỏ đó thế nào chị? Có được không? Có đầm thắm, có dịu dàng...không?
               Còn cha mẹ đàng gái hỏi:
                - Tánh tình thằng đó có được không chị? Nó có hiền từ, vui vẻ hay cộc cằn chị...?  
              Đến khi có chồng, cái nết không còn dùng nữa mà thay thế bằng chữ tánh tình. 
     Hai bà sui gia hỏi bà mai:
                - Tánh tình chi sui tui bên đó như thế nào chị?...
               Hơn nữa, các cô có nhan sắc, có nết na thì các chàng trai sắp hàng dài cả cây số trước cửa; còn các cô không được một nhan sắc trời cho mà có nết na tuy không có hàng dài cả cây số nhưng trước ngỏ cũng dập dìu ong bướm qua lại. Thập niên 60, có một bài thơ làm rúng động lòng người của một gái ở Đà Lạt. Bài thơ có tựa là :
                " Em là gái trời bắt xấu".
                 Như tựa đề, cô gái có Tâm hồn thi sĩ nầy không được thừa hưởng một khuôn mặt trời cho, nhưng bù lại nết na cô dịu dàng, tiếng nói êm như ru nên một thi sĩ thiếu tá đã bỏ vợ con để lập tổ ấm cùng cô...
                   Đúng như người xưa đã nói: " cái nết đánh chết cái đẹp". 
                  Anh hơi dong dài như vậy là để em biết tụi anh không mất nết vì:
                    " CÓ NẾT ĐÂU MÀ MẤT".
                  Nhưng anh có hai cái mất, cái mất thứ nhứt,
 đó là từ khi đặt chân lên đất nước nầy anh đã" MẤT NƯỚC" và sang đây anh không đi dạy lại, anh thêm một cái mất nữa là:
                                                    " MẤT DẠY". 
                 Bác tài từ từ quanh cua để xe vào trước cửa khách sạn Super 8, tại đây đã có một số đông bà con, bạn bè của đoàn viễn du đứng chờ.......

               

1 comment:

Thích bò bía nguyễn said...

Đang rầu đọc xong truyện của ông Thầy bổng dưng cừ...mím chi he he !!!
Thích lãng du