Friday, August 17, 2018

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 33

____________________

Tự truyện của Hình Toàn


Hình Toàn, em trai & Chế Ba

Chị em chúng tôi dọn qua nhà anh Liếng share một phòng, nhà có đầy đủ hết chúng tôi không phải sắm sửa gì trong phòng sẵn một chiếc gường đôi có nệm, chị em tôi bốn người (hai gái hai trai) nên nhờ anh Nghĩa chở đi goodwill mua thêm tấm nệm, tối hạ xuống ngủ hai người nhưng thằng em kế tôi thấy cô em vợ là gái ngủ sofa cũng tội nên đổi, nó ngủ ngoài phòng khách cô bé kia ngủ chung với chế ba một giường, tôi với thằng út ngủ trên tấm nệm, cũng hạnh phúc chán ..rồi cuối tuần anh bạn lại chở đi chợ trời để kiếm mua chảo nồi chén dĩa, của người dư xài hoặc sắm đồ mới nên đem bán rẻ, chế tôi mua được giá hời nên mừng quá, ai tới nhà cũng đem ra khoe .. 
     Ôi niềm vui của người tỵ nạn nghèo, mua đồ cũ mà cũng mừng hết lớn
nói chung lại lúc đó đời sống những người mới đến định cư, các chợ thường lui tới là chợ trời và goodwill thỉnh thoảng đi chợ á châu mua gạo nước mắm (chợ nhỏ thôi không đầy đủ các mặt hàng như sau này)

     
Hình Toàn và chiếc máy may mới mua
 Lãnh được cái check đầu tiên, chị em chúng tôi đi Sears mua liền chiếc máy may nhỏ loại để bàn và mua vải về may quần áo (vải thì chỉ lựa loại vải khúc bán sổ đóng nên rất rẻ) thời đó tui thấy người ta thường mặc áo đầm khi ra phố, nên chế ba cũng may vài ba cái cho tôi và chế, chế ba may rất đẹp. Hơn nửa năm nay lần này chị em tôi được mặc đồ mới, vì chế ba là thợ may, mà ở đây vải thì rẻ nên chúng thường đi tiệm vải kế bên K Mart on sale, tuy nghèo khó vậy nhưng cuộc sống rất vui, cuối tuần thì ưa tụ họp nhà bác 7 nấu thức ăn vn, nên cũng đỡ nhớ quê hương nhớ gia đình, đi đâu chơi anh bạn cũng chở bốn đi em tôi theo, khi thì San Francisco khu phố tàu, cầu Golden Gate, khi thì bờ biển Santa Cruz khi đi park nướng thịt, lúc thì đi vườn hái cherry, chúng tôi chỉ tìm những niềm vui rẻ tiền để khuây khỏa nỗi buồn xa xứ.



Hình Toàn với chiếc áo đầm mới may

   Mỗi tuần thứ bảy hay chủ nhật anh Nghĩa thường qua chở chị em tôi đi chợ trời mua rau quả vừa được đi chơi vừa mua đồ rẻ, tình cờ gặp được anh bà con của tôi (lúc đó người vn mình thường đi chợ trời lắm) rồi biết thêm gia đình ông chú bà thiếm (cùng họ) cũng ở Oakland và cho chúng tôi số phone để liên lạc, thời buổi đó gặp đồng hương đã quí rồi, nay gặp bà con còn mừng hơn nên tuần sau anh Nghĩa lại chở chị em chúng tôi đi thăm (lúc ấy gđ bác 7 muốn kiếm anh Nghĩa là cứ gọi sang nhà tôi là y như rằng có mặt y ta, đi học xong về là qua nhà tôi) tình nguyện làm tài xế hỏng lương

     Cuối tháng 12 gia đình ông chú bà thiếm tôi (kêu theo vai vế trong họ) gả cô con gái út làm tiệc đãi nhà, nên trưa thứ sáu nhờ anh Nghĩa đưa bốn chị em lên Oakland để phụ giúp bếp núc ( lúc đó vn mình cưới gả, giỗ quảy gì cũng đều nấu nhà vì ít có nhà hàng vn vả lại cũng không có tiền mà đãi nhà hàng) chúng tôi ở đó đến chiều chủ nhật mới về, nên tôi bảo anh bạn về đến chủ nhật hãy lên rước, nhưng y ta nói khỏi về cũng ở lại đến chủ nhật luôn tôi hỏi :
     — Quần áo đâu anh thay 
    Tui có đem sẵn vài ba bộ rồi để trong cóp xe (à thì ra chàng ta tính trước)
     — Anh ở lại thì cũng phụ người làm công việc 
     --- Tui biết dzồi ..
Trong buổi tiệc cưới có một anh quen biết ở nhà với gđ ông chú tôi, khi vb đi chung ghe với họ, qua đảo không có thân nhân nên khai là cháu nên đổi sang họ Hình của ông chú tôi, giờ cũng ở San Jose, biết thì biết dzậy chớ tôi không để ý đến, chuyện người ta tôi không quan tâm, giờ việc đầu tiên của tôi là tìm trường đi học. Nhưng vì qua Cali gần cuối năm nên trường cộng đồng đã nhập học, chị em tôi ghi tên học tại các trung tâm dạy sinh ngữ cho người mới đến, sáng tôi và chế ba đón hai chuyến xe mới tới trường, thằng út thì có xe trường tới đón, còn thằng em kế đi tìm việc làm (nhưng chưa có) 

    Sang năm 82 gần đến hè mùa trái cây, tôi và thằng em kế theo anh Nghĩa và mấy đứa em đi Fresno hái trái cây mướn, đi từ hừng đông sáng đến chiều kiếm chưa tới 10$ một người, cực quá tôi làm một ngày rồi nghỉ, còn thằng em tôi vì chưa có việc làm nên cũng theo anh Liếng đi tiếp tục, thường thì rủ năm bảy người đi chung cho đở tốn tiền xăng, vả lại những người mới đến hỏng có xe, tôi và chế ba vẫn ôm tập đi học, đi đâu cũng đón xe bus mua vé trả tiền một lần đi nguyên ngày bao nhiêu chuyến cũng được.
    
Em trai & Hình Toàn trước nhà anh Liếng
 Nhớ có một lần muốn đi downtown chợ á đông ở đường Santa Clara + số 7
hỏi anh Liếng chỉ xe bus số 22, ra đường tôi thấy xe 22 là lên nhưng chạy tới hết trạm ngừng lại ở khu Eastridge Mall  đường Capitol expressway, ông mỹ tài xế thấy chị em tôi ngồi hoài hỏng xuống xe, nên đến hỏi, ổng nói nhiều quá tôi nghe tiếng được tiếng không, tôi nói ông nghe tiếng không tiếng được, nhưng cả hai cũng hiểu, đại khái tui nói :
  “We want to go to downtown” ( thấy ngầu chưa )
Nhưng lối phát âm của tôi không chuẩn, chỉ cần nghe downtown ...downtown là ổng biết tôi lên đúng xe mà lộn chiều, đáng lý tôi ở đường 31 ra downtown 
thì đón xe 22 hướng đi lên, tôi thấy xe bus là lên xe không nhìn chiều lên hay chiều xuống nên đi hết trạm mà không biết, rút kinh nghiệm lần sau trước khi lên xe tôi ngó qua ngó lại cho chắc ăn, rồi còn bỏ theo cuốn sổ nhỏ và cây viết, phòng khi xài động từ tu quơ người ta không hiểu thì viết, vài ba chữ thì tôi viết được đại khái là tên đường nơi mình muốn đến ..còn không thì vẽ hình (giống như học sinh mẫu giáo. À .. mà tôi thấy Mỹ này hay một cái hỏng nhứt thiết là học sinh mẫu giáo, mà lớp người lớn học sinh ngữ học cũng dạy theo lối nhìn hình và viết chữ, giống như trái táo họ đưa hình trái táo rồi viết chữ APPLE xong kêu mình đọc theo, thấy dzễ  như trò chơi con nít nhưng rất hiệu nghiệm vừa nhớ mặt chữ vừa biết nghĩa, hỏng cần tra tự điển, và còn một cái hay khác là FOOD TO GO cũng hỏng cần nói chỉ dòm hình mà nói số 1,số 2 thì đầy đủ cả bánh mì +khoai chiên + nước ngọt (nói nhỏ nghe 2 năm đầu tui chỉ ăn có 2 cái hamburgers vì khó ăn quá chỉ thích mì gói)
    
   Trở lại chuyện đi xe bus của chị em tôi, vì đi mỗi ngày hao tiền quá, nên chỉ mua 2 vé day pass, hai người đi, hai người ở nhà, rồi người này về người khác lại đi, nhưng sau có người chỉ mua loại vé nguyên tháng rẻ hơn được vài ba đồng (ai xài cũng được vì không có kiểm tra ID ) nên tôi đổi qua mua loại đó, chị em tôi bốn người chỉ mua hai vé, nên mỗi lần đi đâu thì chỉ đi hai người, các bạn thấy người nghèo xài đồng bạc cũng tính ghê chưa, chắt chiu từng đồng bạc, ăn uống tiện tặn (một tuần lễ chị em tôi thanh toán một thùng mì ba chục gói, vị chi một tháng 4 thùng) để dành tiền mua quà gởi về quê cho gia đình, thân mình ở xứ người còn lo chưa xong mà còn gánh nặng gia đình bên kia bờ đại dương ... ôi tấm lòng của những người con xa xứ, tôi nghĩ đó là suy nghĩ chung chớ chẳng phải riêng chị em tôi .

Cho nên NS Việt Dzũng có viết ca khúc “ một chút quà cho quê hương”

Tôi nhớ thời đó những người tỵ nạn chúng tôi làm dành dụm có dư là mua quà gởi về quê (thường là vải, thuốc tây xà bông, dầu gió, salon pas, )  đóng cả thùng, nào tiền mua vải vóc thuốc thang nào tiền cước phí cân tính tiền theo pound, nặng ơi là nặng, tiền ơi là tiền, thời gian đầu là giúp đỡ thân nhân trong hoàn cảnh khó nghèo, nhưng đến giờ mấy chục năm sau những người đi trước bỏ cả sinh mạng để ra đi vẫn phải trả nợ ... 
( nợ gì .. nhỉ.. ? giờ đời sống đã đổi khác .. vn đã thay da đổi thịt .. cũng nhà lầu xe hơi, phòng trà ca nhạc, du lịch bốn phương, mà sao vẫn phải gởi tiền quà cáp ... ôi ráng hết đời này .. hy vọng đời con cháu chúng tôi sẽ dứt nợ .. vì cha mẹ ông bà chúng đã đền ...xong..nợ ân tình)
   Xin lỗi ... tôi nói sang đâu rồi, xin trở lại thời gian tôi đang vất vả mưu sinh trên xứ người, giờ chân không còn rướm máu mà tay đã bắt đầu chai sạn .

   Đến tháng hè nghĩ học ba tháng, có người bà con của vợ anh Liếng ghé nhà chơi, hai chị em cô ấy đang may đồ công nghiệp trong hãng của người hoa ở downtown San Jose, thấy chế ba tôi biết may nên giới thiệu đi may, sáng đi chiều về (8giờ sáng - 5 giờ chiều), chế ba rủ tôi theo may kiếm tiền để gởi về quê, tôi thì không biết may thành áo chỉ biết đạp đường thẳng, nên tôi chỉ may ráp thân áo và vai áo, còn chế tôi rành thì ráp tay vô bâu (nghề này chúng tôi gọi là may đồ lố hay đồ hãng) vì người ta cắt bằng máy sẵn cả ngàn chiếc áo, chúng tôi chỉ coi theo áo mẫu mà may y chang, họ tính tiền theo từng phân đoạn, ráp thân thì 5,7 cents, tuỳ theo từng phần mà tính tiền cent, may bằng loại máy công nghiệp chạy rất nhanh mới đầu tôi không biết may, chóng mặt quá định bỏ cuộc, nhưng nghĩ lại tiền trợ cấp chỉ cho 18 tháng, nếu mình không làm thì lấy gì mà sống lấy gì mà gởi thôi đành gạt lệ mà tập may (một cái nghề mà khi xưa tôi chê ngồi còng lưng) tôi may từ sáng tới chiều ngày kiếm không tới 10$, chế ba thì đỡ hơn vì chế may rành và may những phần khó như ráp thân vô bâu nên tiền cao hơn tôi ngày được mười mấy đồng ... 

   Ôi  ... khổ thay cho cái đời tỵ nạn của tôi 

Xin hẹn các bạn kỳ 34 xem tôi làm nên cơm cháo gì với cái máy may (bất đắc dĩ tôi cô thành cô thợ may) cuộc đời nào ai biết trước xem tôi làm được bao lâu.


Hình Toàn

No comments: