Nguyên Trần
Trời sinh chi cái chữ tình
Trai tơ gái lứa cũng mình với ta
Người khách đêm Xuân ấy lạ lùng
Chợt đi chợt đến
thoáng mông lung
Dáng hoa ẩn hiện
như sương khói
Để lại một trời
hương nhớ nhung
Cứ mỗi độ Xuân về
là Phong nhớ lại một mùa Xuân kỷ niệm vào đầu thập niên 60 lúc chàng đang học
lớp Đệ Nhất trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho.Thuở ấy, mặc dù theo học
ban B nhưng Phong lại rất thích văn ch ương thơ
nhạc nên thường tới nhà cậu 9 Hoàng là cậu ruột của Phong để học đàn vì Cậu 9 rất
giỏi về Băng Cầm và Tây Ban Cầm. Sự giao du
của hai cậu cháu thân tình tới độ có lúc cả hai tưởng chừng như là hai
anh em mặc dù cậu lớn hơn Phong tới 13 tuổi và ngay cả đứa con trai lớn của cậu
là thằng Long chỉ nhỏ hơn Phong có 9 tuổi.
Một hôm vào chiều cuối năm với tiết
trời se lạnh và không gian bàng bạc khói sương, cậu Hoàng rủ Phong tới nhà sinh
hoạt văn nghệ cùng mấy người bạn đồng nghiệp giáo sư với cậu từ Sài Gòn xuống
chơi. Mặc dù biết là bạn bè của cậu mình thì đều là bậc trưởng thượng nhưng với
máu mê văn nghệ đầy mình nên Phong nhận lời và tới nhà cậu Hoàng trước để chờ
phái đoàn Sài Gòn.
Một lúc sau thì khách tới bằng chiếc
xe Simca màu xanh nhạt. Phái đoàn gồm 3 người đàn ông và một phụ nữ cũng trạc
tuổi vừa trên 30 như cậu Hoàng mà cậu giới thiệu là các cậu Tân, cậu Hưng,cậu
Thìn và cô Thúy toàn là đồng nghiệp giáo sư như cậu Hoàng. Điều làm Phong để ý
nhất là cô Thúy rất đẹp với khuôn mặt trái soan, sóng mũi dọc dừa, bờ mi cong vút
, đôi má hồng hồng , đôi môi mỏng hình trái tim làm rung động người đối diện cộng
thêm mái tóc đen mượt xõa nhẹ trên bờ vai làm tăng thêm vẻ đẹp đài các. Nhưng
sao hai mắt trong xanh của cô trông buồn
quá lúc nào cũng long lanh ngấn lệ. Nghe nói chồng cô là sĩ quan mới hy sinh năm
rồi, nên giữa lúc còn đau buồn vì nỗi mất mát lớn, cô bằng lòng đi theo mấy người
bạn đồng nghiệp du Xuân cho nguôi sầu.
Đặc biệt trên khuôn mặt diễm kiều nhưng
u uất trầm mặc của cô Thúy lại phảng phất nét lạnh lùng nhưng gợi cảm, gần gũi nhưng xa
lạ, kiêu hãnh nhưng dịu dàng. Đó chính là lý do khiến Phong cứ thỉnh thoảng liếc
nhìn lén cô để rồi có lúc bị cô trông thấy khiến chàng bẽn lẽn như đứa con nít ăn
vụng bị mẹ bắt gặp.
Sau màn chào hỏi chúc tụng đầu năm
thì tất cả vừa nhập tiệc và nói chuyện huyên thiên một cách vui vẻ thân tình.
Riêng Phong thì vì còn nhỏ và vì không biết nhiều chuyện đời, chuyện thiên hạ sư
nên chỉ biết nghe nhiều hơn nói.
Xong bữa ăn, cậu Hoàng mời tất cả vào
phòng khách để bắt đầu chương trình văn nghệ mà trước tiên là ca hát dưới tài đệm
Tây Ban Cầm điêu luyện của cậu. Trong không khí bàng bạc hơi Xuân của một chiều
cuối năm nhẹ nhàng bên những nhánh mai vàng rực rỡ sum suê, mọi người vừa thưởng
thức những miếng bánh mứt ngọt lịm nhâm nhi chung trà sen bốc khói thơm lừng vừa
lần lượt trình bày đa số là những bản nhạc Xuân như : Xuân và tuổi trẻ,Ly rượu
mừng, Xuân miền Nam, Đón Xuân, Hoa Xuân,
Gái Xuân... nhưng khi tới phiên cô Thúy thì cô lại hát bản “Trách người đi” của
nhạc sĩ Đan Trường. Mà “may mắn” thay cho Phong là cô chọn cậu học trò nầy hát
bè cho cô.
Giọng
hát liêu trai trầm buồn cộng thêm khuôn mặt xa vắng huyền hoặc của cô như
gởi gắm niềm tâm sự qua điệu nhạc réo rắt dặt dìu và lời ca man mác sầu :
Sương lam
tuôn rơi hắt hiu trên hàng thông xám reo vi vu
Khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ
Người đi phương xa đâu ngờ
Miền quê hương ai mong chờ
Ðau đớn xót thầm từ ngày biệt ly
Gió thu về mang thương nhớ
Ðến cho lòng thêm chan chứa
Lá ngô bay trong sương sầu
Biết bao giờ còn thấy nhau
Khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ
Người đi phương xa đâu ngờ
Miền quê hương ai mong chờ
Ðau đớn xót thầm từ ngày biệt ly
Gió thu về mang thương nhớ
Ðến cho lòng thêm chan chứa
Lá ngô bay trong sương sầu
Biết bao giờ còn thấy nhau
------------------------------
Trong khi Phong với
lòng hứng khởi ngập tràn, cho nên mặc dù không tập dượt trước cũng cố gắng hát
bè qua cung điệu nam cao hơn và pha chút lỗi âm của bè phụ. Giọng nữ và nam quyện
vào nhau tạo nên một tiết tấu hòa điệu nhịp nhàng truyền cảm làm tất cả mọi người
say mê thả hồn lắng nghe.
Sau phần ca hát, cậu
Hưng đề nghị chơi trò vui lẫy Kiều và ráp nối thơ
được mọi người tán thưởng. Những cậu Hoàng, Hưng, Tân, Thìn chắc
giỏi truyện Kiều nên ghép nối thật tài tình và đầy đủ ý nghĩa. Tới phiên cô Thúy
nói cô còn đau đớn trước sự hy sinh của chồng nên xin ghép hai câu thơ :câu áp
chót trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là : Nhật mộ hương quan hà xứ thị và câu chót từ bài thơ Lương Châu Từ của
Vương Hàn là Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
thành hai câu thơ như sau:
Nhật mộ
hương quan hà xứ thị
Cổ lại chinh chiến
kỷ nhân hồi
(Trời tối quê nhà đâu đó tá
Xưa nay chinh chiến mấy ai về)
Như để phụ họa với người đẹp, Phong cũng
xin lấy câu thơ áp chót của bài thơ Sơn Phòng Xuân Sự của Sầm Tham là Đình thụ bất tri nhân khứ tận và câu chót
của bài thơ Đề Tích Sở Kiến Xứ của Thôi Hộ là Đào hoa y cựu tiếu Đông phong để có một cặp thơ là:
Đinh thụ
bất tri nhân khứ tận
Đào hoa y cựu tiếu
Đông Phong
(Trong sân cây chẳng thấy người
Hoa đào năm ngoái còn
cười gió Đông)
Thấy có người hưởng
ứng tao nhã cách ghép thơ của mình, Thúy nhẹ nhàng nhìn Phong ra chiều cảm kích.
Cuộc vui nào cũng có lúc
tàn, vừa đúng Giao Thừa thì bốn người khách
từ giã cậu Hoàng và Phong để tiếp tục lên đường đi Cần Thơ theo chương trình đã
định.
Đêm giao thừa đó, Phong trở về nhà với
nỗi xao xuyến lâng lâng qua hình ảnh kiều diễm não nùng của Thúy đang vương vấn
mãi trong lòng. Cứ nhớ nhớ thương thương rồi có lúc cậu học trò tự trách: “người
ta lớn hơn mình nhiều mà, thương gì mà kỳ vậy” . Rồi những mâu thuẫn nội tâm đó
cứ thay phiên ẩn hiện trong đầu óc Phong nhưng sau cùng thì con tim đã thắng vì
tình yêu đâu có biên giới tuổi tác gì trong đó.
Nếu ngày xưa Kim Trọng lúc gặp gỡ Thúy
Kiều lần đầu để mà than thở:
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không
thì
giờ đây chàng rầu buồn khi nghĩ rằng làm sao mà có dịp gặp lại người đẹp dù chỉ
để nhìn thấy dung nhan mà thôi.
Cầm bằng như nước đôi dòng lạ
Gặp gỡ chi rồi xa cách nhau
Biết cô Thúy dạy Việt Văn lớp đệ nhị cấp,
Phong lại có mơ ước được là mãi mãi là học trò của cô như nhà thơ Nguyễn Bính
viết:
Tôi muốn học cô suốt cả đời
Cả đời tôi chỉ học cô thôi
(Ước thầm)
Sáng mồng một Tết, trong khi Phong còn
đang phụ cúng lễ đầu năm với ông ngoại thì cậu Hoàng sai thằng Long con trai lớn
của cậu chạy sang báo hung tin chiếc xe chở mấy người khách bạn hồi hôm bị tai
nạn tại ngã ba Trung Lương, giờ thì tất cả đang nằm nhà thương Mỹ Tho. Nghe vậy,
Phong hốt hoảng bỏ cả việc cúng kiến, cuống cuồng chạy thẳng tới nhà thương.
“Trời ơi!không biết mấy cậu nhất là cô Thúy có sao không?” Phong không dám nghĩ
gì xa hơn nữa, chỉ biết van vái Trời Phật phò hộ cho tất cả bình an.
Khi tới nơi thì Phong đã thấy cậu Hoàng
đứng lo âu bồn chồn trước phòng cấp cứu. Cậu cho biết xe của mấy cô cậu vừa
chay qua khỏi ngả ba Trung Lương thì vì trời quá tối và cậu Hưng chạy lẹ nên bị
lật nhào xuống ruộng may mà lúc đó có chiếc xe đò chạy từ Vĩnh Long lên thấy được
nên báo Cảnh Sát và xe cứu thương. Ba cậu Hưng, Tân,Thìn thì may mắn là chỉ bị
thương nhẹ nên đang nằm dưỡng sức tại phòng bênh nhân còn cô Thúy vì ngồi ở trước
nên bị gãy xương đầu gối và bị mảnh kiến cắt sâu ở vai, đang giải phẩu trong phòng
mổ . Nghe tới đây thì Phong điếng người vì lo lắng cho cô Thúy. “Trời ơi! người
cô mảnh mai dịu dàng mà bị thương nặng
như vậy biết có chịu đựng nổi không”. Thấy Phong hốt hoảng , cậu Hoàng trấn an
: “Chắc cô Thúy cũng không sao đâu. Thôi cháu vào phòng bệnh nhân thăm ba cậu
kia đi. Chút xíu có tin cô Thúy câu sẽ báo cháu hay”. Mặc cho cậu mình nói thế nào, Phong cũng nhất định
ở lại để ngóng chừng tin tức.
Sau hơn 3 tiếng chờ đợi trong lo âu phập
phòng của cậu Hoàng nhất là Phong, bác sĩ giải phẩu từ phòng phẫu thuật bước ra
cho biết cas mỗ đã thành công: vết cắt
trên vai đã khâu lại với 8 mũi chỉ, còn chỗ đầu gối bị gãy đã được băng bột. Nhưng
bệnh nhân còn yếu và cần được yên nghĩ.
Tới lúc nầy thì Phong mới hơi hoàn hồn
bèn theo cậu Hoàng sang thăm ba cậu kia. Vì chỉ bị xây xát chút đỉnh nên chiều đó
các cậu được cho xuất viện. Riêng cô Thúy thì còn phải nằm lại nhà thương để trị
liệu thêm một thời gian nữa. Vì cha mẹ cô Thúy đã mất sớm nên em cô là cô Liễu
từ Sài Gòn phải xin phép nghỉ việc hai tuần xuống Mỹ Tho săn sóc chị. Trong suốt
thời gian nầy thì Phong là người lo lắng
cho Thúy nhiều nhất. Trước hết, chàng năn nỉ má chàng là hoàn cảnh đơn
chiếc của cô Thúy để nhờ bà nấu ăn hằng ngày cho Thúy rồi chính chàng mang vào
mỗi trưa và chiều. Nhờ chàng vốn học khá nên việc quan tâm có chiều thái quá của
chàng không ảnh hưởng nhiều tới việc học hành để mẹ chàng khỏi phải lo nhiều.Chỉ
tội nghiệp má Phong ngoài việc bận rộn buôn bán ngoài chợ bây giờ còn phải lo nấu
ăn cho cô giáo thượng khách của đứa con trai duy nhất. Sự săn sóc chí tình của
Phong khiến cho Liễu cũng thắc mắc hỏi chị:
- Sao
em thấy cậu Phong lo cho chị còn hơn ruột thịt nữa đó?
Thúy mắc cở chống chế:
- Chắc
tại cậu ấy thấy chị thân với cậu Hoàng của cậu ta nên muốn giúp chị trong cơn hoạn nạn vậy mà.
Thời gian hai tuần
trôi qua thật nhanh, Liễu phải trở lên Sài Gòn tiếp tục đi làm trở lại nên gởi
gấm người chị lại cho Phong:
- Gia
đình cô chỉ có hai chị em, không người quen biết ở Mỹ Tho. Vậy cô xin Phong rộng lòng giúp đở giùm
cho cô Thúy. Cô vô cùng cảm kích ân tình
của Phong.
Phong tuy trong lòng rất mừng vì cô Liễu không
còn ở bên cạnh Thúy làm kỳ đà cản mũi nưa, nhưng cũng làm bộ nói:
-
Xin cố cứ yên tâm . Tôi sẽ hết lòng lo lắng cho cô Thúy cho tới ngày cô bình phục.
Sau đó thì Phong càng tích cực hơn trong
việc thăm viếng và mang cơm cho Thúy. Mặc dù cơn đau bệnh Thúy đã bớt để có thể tự ăn cơm nhà thương nên nàng bảo Phong
đừng đem phần ăn vào nữa nhưng Phong nhất định từ chối với lý do đồ ăn nhà thương
không đủ dinh dưỡng để...tiếp tục đày đọa... má chàng vì tất cả cho người đẹp.
Thiệt đúng là... đồ quỷ tử.
Một hôm, Phong vào thăm gặp lúc Thúy
ngủ say vì mệt mõi, chàng say đắm nhìn khuôn mặt tuy còn hơi xanh xao nhưng vẫn đẹp quyến rũ của Thúy mà
thấy lòng xao xuyến rung động. Còn đang thả hồn theo giấc mộng tình thì bỗng Thúy
trở mình thức giấc phát giác ra Phong đang ngây dại nhìn mình khiến nàng đò mặt
thẹn thùng và Phong cũng tỉnh mộng trong nổi sượng sùng ngượng ngập. .
Cả hai yên lặng trong bồi hồi một lúc
thì Thúy run run giọng cảm kích:
- Trong tai nạn vừa qua của cô, Phong cực khổ
lo lắng cho cô nhiều quá làm cô rất áy náy và không biết nói gì đủ để tạ ơn
Phong.
Như đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, Phong can
đảm nói với giọng tuy nhẹ nhàng nhưng đầy khích động:
- Cô Thúy ơi! Khi người ta thích thú làm một
cái gì đó cho người mình say mê thì những cực nhọc gian khổ lại chính là niềm
hạnh phúc vô bờ.
Thúy sửng sốt nhìn
Phong rồi cúi đầu e thẹn trong cảm xúc. Nàng không ngờ cậu học trò nầy nói thẳng
ra nỗi lòng của cậu. Ngay đêm giao thừa
gặp Phong, với sự bén nhạy của người đàn bà, nàng biết rằng Phong đã để ý tới mình
nhưng không ngờ chàng lại tiến nhanh đến như vậy. Nàng bàng hoàng nói câu vô
nghĩa:
-Phong ơi! Sao lại thế nầy hở Phong? Sao lại là cô vậy?
Bây giờ thì chỉ còn tiến chứ không lùi được, Phong vội móc trong túi ra một
trang giấy học trò trên đó chàng nắn nót bốn câu thơ tứ tuyệt:
Người khách đêm Xuân ấy lạ lùng
Chợt đi chợt đến
thoáng mông lung
Dáng hoa ẩn hiện
như sương khói
Để lại một trời
hương nhớ nhung
rồi
run run trao cho Thúy bài thơ và nói lập
bập:
-
Đây là bài thơ đầu tiên của Phong sau khi có được cảm hứng đầu đời . Có thể nói là nó chưa hoàn toàn hay đẹp nhưng
với Phong nó có ý nghĩa rất lớn của một sự bắt đầu .
Một sự bắt đầu không đơn độc vì trong lòng Phong đã có hình bóng của cô Thúy. Và hơn
nữa, nó chuyên chở được một thông điệp lớn lao của Phong, thông
điệp của một tình yêu đầu đời.
Thúy
hồi họp đọc xong bài thơ rồi nhìn Phong với ánh mắt long lanh xúc động buồn buồn:
-
Cô rất cảm kích tình yêu Phong nhưng sự việc diễn ra bất ngờ quá nên xin
Phong cho cô vài ngày suy nghĩ để xét rõ lại lòng mình nha.
Phong liền bày tỏ nỗi lòng mình một cách rõ ràng dứt khoát
hơn:
-
Vài ngày đối với Phong trong tình yêu chất ngất với cô tuy dài nhưng Phong sẵn sàng chờ. Cho dù phải chờ cô cả
đời thì Phong cũng cứ chờ, chờ trong thương
nhớ vô vàn.
Những ngày kế tiếp, Phong vẫn vào thăm
Thúy như thường lệ nhưng cả hai chỉ nhìn nhau nhiều hơn là nói với nhau. Điều làm
Phong hy vọng hơn là kể từ đó, Thúy nhìn chàng với ánh mắt e ấp nhưng yêu thương
dịu dàng như toát ra ánh hào quang mầu nhiệm thiêng liêng của tình yêu.
Sau đó Thúy đã khá bình phục trong tình
trạng sức khỏe khả quan nên nhà thương cho nàng xuất viện. Tính ra Thúy đã nằm
bệnh viện gần một tháng rưởi. Ngày Thúy
xuất viện thì cũng là ngày mà Phong lẽ ra phải vui mừng thì trái lại chàng lại
buồn rầu lo lắng nhất.
Trước ngày chia tay để trở về Sài Gòn
tiếp tục dạy học, Thúy tới nhà Phong ngỏ lời cám ơn má chàng đã tận tình lo lắng
cho nàng qua những bữa ăn thật ngon miệng. Sau đó, nàng nhờ Phong lấy chiếc xe gắn máy Goebel của cậu
Hoàng chở nàng vào chùa Vĩnh Tràng để mang hoa
quả cúng tạ ơn Phật đã phò hộ nàng tai qua nạn khỏi. Sau khi lạy Phật xong, hai
người dìu nhau đi vòng ra sau hậu liêu ngồi dưới
gốc dừa râm mát để tâm sự. Cả hai yên lặng một hồi lâu như thầm theo đuổi những
ý nghĩ riêng tư.
Một lúc sau, Phong cố đè nén xúc động nhìn sâu vào đôi mắt đẹp não nùng của Thúy rồi thì thầm:
-
Thúy ơi! Mình sắp chia tay nhau rồi nên Phong phải nhắc lại với Thúy nỗi lòng sâu kín tự đáy lòng Phong mà
Phong đã một lần ngỏ với Thúy, đó là Phong
đã yêu Thúy ngút ngàn. Phong không thể sống thiếu Thúy.
Tuy biết chắc câu chuyện rồi sẽ diễn tiến
như vậy nhưng Thúy không tránh khỏi bàng
hoàng xúc động, nàng âu yếm nhìn Phong rồi rót giọng ngọt mật vào tai người
trai trẻ:
- Thúy
biết chứ Phong...Thúy biết ngay từ
lúc gặp Phong ở nhà anh Hoàng. Và khi từ
giã Phong đêm Giao Thừa ,Thúy cũng đã yêu Phong rồi đó. Nhưng Phong ơi! Phong có nhớ rằng Thúy lớn tuổi hơn Phong nhiều không?
Tình mình rồi sẽ đi vào bế tắt. Cho nên mặc dù yêu Phong nhưng Thúy không muốn hủy hoại tuổi thanh xuân của
người mình yêu. Ngoài ra, lá số tử vi nói Thúy có
số sát phu, nhiều thầy đều nói vậy Sự việc đã được chứng minh qua việc anh Quân chồng
Thúy bị yểu mệnh. Bây giờ nếu Thúy
tới với Phong theo tiếng gọi của con tim thì
Phong cũng sẽ ra đi vĩnh viễn thì Thúy làm sao mà sống nổi. Phong hiểu chưa? Thúy đâu thể ích kỷ như vậy. Yêu chân tình là
phải biết hy sinh.
Nghe
lời trần tình thắm thiết của Thúy, Phong lặng người đau đớn, cổ họng như khô đắng,
chàng nói như muốn khóc:
- Mặc kệ việc Thúy có sát phu hay không. Ai mà
tin những lời bói ra ma quét nhà ra rác ấy. Phong yêu Thúy quá mất rồi. Nói cho
cùng cho dù có được gần Thúy một ngày thôi rồi có chết thì Phong cũng mãn nguyện
lắm rồi.Phong không sợ gì cả.
Thúy bồi hồi xúc động
tát yêu vào gò má Phong:
- Cậu nhỏ ơi! Đừng có mà liều mạng như vậy. Tương
lai Phong còn dài, rồi Phong sẽ tìm ra
người yêu, người vợ trẻ đẹp hơn Thúy nhiều.
Nói tới đây giọng Thúy chùn xuống và rơm
rớm nước mắt.
Phong
nói như đang mơ:
-
Đối với Phong thì cả thế giới nầy không người đàn bà nào đẹp và đáng yêu cho bằng Thúy hết. Đẹp tới độ đã hốt
hết cà hồn phách của Phong ngay phút
đầu tiên.
Rồi chàng lặng nhìn say đắm vào đôi mắt long lanh như nước hồ Thu của Thúy
với tất cả đam mê ngây ngất làm nàng tuy buồn rầu nhưng cũng mắc cở nũng nịu nói:
-
Làm gì mà nhìn người ta dữ vậy?
Phong thì thầm:
-
Nhìn vào mắt hồ mắt “người ta” để tìm
xem có thấy hình ảnh Phong đang
ngụp lặn trong đó không?
Thúy vừa nguýt Phong một cái với đôi mắt dài
sọc vừa véo vào vai chàng mắng yêu:
- Đồ con
nít quỷ gì đâu!Thấy ghét
Sau những giây phút
phù du tình tứ khỏa lấp nỗi đau thì viễn ảnh tan tác chia ly lại trở về trong lòng
hai người đang yêu nhau trong cuộc tình không lối thoát
Phong trong lúc nuối tiếc bẽ bàng, bỗng trở nên bạo dạn đa tình
hơn, chàng choàng tay qua ôm nhẹ vai Thúy rồi nâng khuôn mặt đẹp như hoa Xuân
khẻ nói:
-Thúy
ơi! Cho Phong hôn Thúy nha.
Thúy run run xúc động nhắm mắt lại, hé mở đôi
môi đẹp như đóa hàm tiếu đầu Xuân và khẽ gật đầu.
Chỉ đợi có thế, Phong cúi nhẹ xuống để đặt
lên môi người yêu một nụ hôn dài bất tận với nổi đê mê chất ngất. Mùi hương ngọt ngào quyến rũ của người đàn bà
làm chàng như mê muội mềm lòng hẳn đi và ước gì được gói trọn hương yêu đó vào
tận buồng phổi, góc tim.
Sau giây phút thiêng liêng cảm xúc, Thúy
tuôn rơi nước mắt thủ thỉ:
- Nếu trên đời nầy có những người sinh nhằm vào
vì sao xấu thì Phong và Thúy phải là những người bất hạnh đó. Định mệnh đã an bài như vậy rồi. Thì Phong ơi! Hãy cố quên
Thúy đi. Thúy biết Phong rất đau đớn , Thúy còn buồn hơn Phong nữa nhưng tương lai Phong còn dài, thời gian là liều
thuốc nhiệm mầu giúp Phong quên đi mà xây dưng một cuộc đời tươi sáng hơn là
chấp nhận rủi ro tai ươn để cận bề bên Thúy.Thúy xa Phong mà tan nát cả cõi
long.
Phong thẩn thờ nhìn đôi bướm lượn vờn trên
những nụ bông sứ hồng tươi sáng rực vừa buồn buồn nói:
-
Tình yêu nó khổ thế nầy sao Thúy?
Nhìn thấy gương mặt rũ rượi u sầu của người
tình trẻ, Thúy thấy lòng chùn xuống, nàng úp mặt vào ngực Phong với cử chỉ âu yếm
tình tứ vừa thổn thức. Nhưng ngay sau đó, Thúy phải cương quyết với cậu nhỏ đa
tình nầy dù chỉ là bề ngoài giả tạo để nói tiếp:
- Phong
không lo sợ Thúy phải làm góa phụ lần nữa sao? còn Thúy thì không muốn thương khóc thấy người mình
yêu giã biệt cõi đời chính vì mình.
Phong hãy hiểu nổi khổ tâm của Thúy nha Phong . Xa Phong Thúy đau lòng lắm nhưng còn hàng rào lễ
giáo trong một xã hội khép kín ràng buộc bởi nhiều nền tảng đạo lý văn hóa
cổ kính và nhất là cái lá số sát
phu của Thúy là bức tường kiên cố ngăn cách hai đứa mình.
Phong
nói trong nỗi tuyệt vọng:
- Mình
không đến với nhau nhưng mình có thể là tri kỷ với nhau chứ Thúy
Thúy
vuốt tóc Phong và yên ủi chàng:
-
Thì chúng mình sẽ là tri kỷ với nhau chứ
Phong. Mình có quá nhiều đồng cảm
qua thơ nhạc rồi mà cũng như có cùng nhịp đập con tim mà.
Rồi thì hai người cũng phải bịn rịn chia tay trong
đau thương tiếc nuối. Phong đưa Thúy ra bến xe lô Minh Chánh và mặc kệ bao nhiêu
cặp mắt dòm ngó của những hành khách, chàng cầm tay Thúy lên hôn một cách say mê
ngây ngất, một nụ hôn mà chàng không ngờ
đó là nụ hôn vĩnh biệt vì sau đó, Thúy không muốn Phong quá yêu thương mình mà
xao lãng việc học hành và cũng vì không muốn Phong lún sâu vào một cuộc tình không
lối thoát nhiều nguy hiểm rủi ro cho cả tương lai đời chàng nên nàng đã cố tránh
liên lạc với Phong và xin thuyên chuyển ra một tỉnh thật xa ở miền Trung sau
khi viết cho Phong lá thư vĩnh biệt đau thương:
Phong yêu dấu! Nếu có bao giờ Phong
nghĩ rằng trong đời có một người đàn bà
yêu thương Phong với tất cả tình yêu bao
la cao đẹp mà phải đau đớn xa Phong thì chính là lúc nầy, lúc mà Phong đang đọc
những lời yêu đương viết bằng nước mắt của chính Thúy. Phong ơi! Thúy biết rằng
Trời xanh oan nghiệt lắm nhưng tại sao lại tàn nhẫn tới độ bắt hai người yêu
nhau tha thiết như chúng mình phải đau khổ xa nhau.Tại sao? Tại sao không ai khác
mà lại phải là Phong và Thúy?
Đúng là:
Trẻ
tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên
cạn mà chơi
Lò
cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Nhiều lúc, vì quá yêu Phong, vì quá nhớ Phong, Thúy muốn đánh liều cứ chạy tới ngã vào vòng
tay Phong rồi có ra sao thì ra, nhưng sực nhớ lại cái số tử vi quái ác của Thúy
có thể giết Phong bất cứ lúc nào thì Phong ơi!Như vậy thì làm sao mà Thúy sống
cho nổi đây. Từ hệ lụy oan nghiệt đó, Thúy phải từ nén cơn đam mê cuồng nhiệt của
mình để bảo toàn cho người yêu. Sự thể đã như thế nầy rồi thì Thúy chỉ xin
Phong một ân huệ là nếu Phong thực lòng yêu Thúy thì van Phong hãy quên Thúy đi
mà lo học hành đàng hoàng và dọn đường cho một tương lai tốt đẹp với vợ đẹp con
xinh.Phong ơi! Thúy đang khóc khi viết tới những dòng chữ nầy nhưng đó lại là niềm
hạnh phúc lớn lao cho Thúy. Trong nền đạo lý truyền thống Việt Nam có một
đức tính cao quý tốt đẹp là hi sinh tất cả cho người mình yêu và Thúy đang làm điều
đó với Phong, người yêu ngàn đời của Thúy.
Điều Thúy mong Phong hiểu cho là ở phương
trời xa xăm nầy, Thúy luôn dõi theo từng bước chân Phong và mãi mãi cầu nguyện
mọi điều tốt đẹp nhất cho Phong.
Yêu mà không thể gần nhau
Thì thôi chỉ biết trông vào nhớ nhung
Người đi cay đắng mịt mùng
Còn người ở lại chập chùng đớn đau
Hôn Phong và yêu Phong suốt đời,
P.T.
Nguyên
Trần
1 comment:
Tha Hương lại có thêm một anh chàng đa tài,đa tình nữa.Anh chàng nầy có cái dũng cảm của nam nhi,dám làm ,dám chịu,không rung,tiến chớ không lùi.
Khâm phục.
BLG
Post a Comment