Sunday, April 13, 2014

Ngôn ngữ xưng hô


       

_______________

* Cao Thoại Châu

      Trong xưng hô với nhau, dù quan hệ giữa ngôi thứ nhất (xưng) với ngôi thứ hai (hô) như thế nào (cha / con; vợ/ chồng; anh/ em v.v...) thì tiếng Anh hoặc tiếng Pháp - hai ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới – thường chỉ có I - you; je - tu (hoặc vous) mà dịch thật sát nghĩa như vẫn thường dịch có thể là… mày-tao! Tiếng Việt không thế, không biết tự bao giờ và bằng cách nào, đã có cả một kho ngôn ngữ dùng trong xưng hô, ai hà tiện và lãng phí nó đều là thất lễ, thậm chí kém văn hóa, quy hoạch nó thành một mô thức chỉ làm nghèo nàn tiếng Việt.

      Khi xưng hô, người ta dùng đại danh từ. Nói “Tôi thích người phụ nữ dịu dàng ấy…” nhưng không thể cứ lặp lại “vì người phụ nữ dịu dàng ấy có trí thức…” mà phải dùng đại danh từ “vì cô ấy trí thức”. Tuy nhiên, tính quy tắc của tiếng Việt thường khá lỏng lẻo, có thể dùng danh từ thay cho đại danh từ, những danh từ chỉ người như cha, mẹ, anh…có thể dùng như vừa nói. “Anh (ngôi 2) ơi, có tía (ngôi 3) lên nè. Tía (ngôi 2) khỏe không tía?”.
     Điều quan trọng nhất là phải tùy theo mối quan hệ giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai mà chọn từ thích hợp. Con xưng hô với cha mà "Bố, cho ta (tao, tớ, mình, tiểu đệ v.v...) cái này"  thì… hơi bị mất dạy! Đó không thật sự là một câu đối thọai, mà là lời tố giác đạo đức của một đứa con đáng gọi là…thằng trời gầm!
     Nghe người Tây nói với nhau khó phân biệt ngôi thứ của họ, nhưng khi nghe người Việt nói: "Anh vào cho mẹ bảo" thì hiểu liền ai đang nói với ai, tiếng Việt có cái thú vị như thế. Không chỉ phải đảm bảo ngôi thứ mà còn phải biết tuổi tác già/ trẻ khi xưng hô, với người dưng khác họ nhưng cao tuổi hơn thì xưng hô là chú - cháu; cụ - con; mệ - con; cô - cháu v.v...
    Bạn bè khi đã thân, người Việt Nam có nhiều tiếng để xưng hô với nhau: cậu - mình; đằng ấy - tớ; tao - mày; đại ca - tiểu đệ; ông - tôi; bác - em…hết sức thỏai mái không có gì câu nệ.
    Trong ngôn ngữ xưng hô, tiếng Việt có cả một container cho xưng hô giữa một cặp. Mới biết nhau nhiều khi xưng hô chị - tôi hay anh - em, tôi- cô nhưng ở thời bùng nổ này, khi đã nhá đèn và được nhá lại thì qua điện thoại đã có thể gọi đầu dây bên kia là một nửa, "hào phóng" một tí đã có ba phần tư (của anh hay của em). Nhớ ngày còn đi học Trung học, trong các lớp hỗn hợp nam nữ, học sinh thường ít dám gọi đích danh nhau. Gọi bằng anh, chị thì ngại chê già, khách sáo; gọi tên lại có vẻ cầu thân. Tiến thối lưỡng nan đành... nói trổng.“Làm ơn tránh qua dùm một chút đi. Cám ơn". Hoặc “Nói có vậy mà cũng giận, khó quá.’’. Muốn gợi chuyện làm thân cũng thường ấp úng hay “lửng lơ con cá vàng”: “Hôm qua thấy ...đi chợ, muốn chào mà thấy... như muốn làm lơ nên thôi”. Ăn tiền ở những cái lửng lơ đó đó!
     Cưới nhau về, khi còn trẻ, xưng hô với nhau cần để ý đến ngữ cảnh: đang chỉ có hai người trong thế giới riêng tư khi lòai người tạm nhường trái đất cho mình hay đang ở trước mặt cha mẹ ông bà hoặc cả hai cùng làm công chức chung một phòng đang trong 8 giờ vàng ngọc. Trong các… thế kẹt đó mà "Con chó của em ơi" thì cải lương quá, nếu không thì cũng hơi bị hâm! Sống với nhau sắp tới đám cưới vàng, cưới bạc, con đàn cháu đống, người tỉnh thành may ra còn một số xưng hô anh- em nhưng chả nên giữ "giai điệu trầm bổng" quá, nên "khô" một tí mới là đúng điệu. Ông – bà là phổ biến nhất!
     Ở nông thôn, vợ chồng người Việt xưng hô với nhau mới thật là tuyệt nhất thế giới, mới thật là một nửa của nhau: Mình - tôi, nhà - tôi. Không tuyệt sao được khi mình (ngôi 2) chính là cái thân (ngôi 1) cha mẹ cho tôi? Đúng là mình với ta tuy hai mà một, ngôi thứ nhất như hoá thân nhập vào ngôi thứ hai. Nhà là nơi có mái che mưa gió, nơi để người ta đi dù chỉ một buổi làm cũng ngong ngóng trở về. Một giáo sư đại học người Pháp giảng bài cho sinh viên văn khoa Sài Gòn trước năm 1975 bằng tiếng Việt như gió, vậy mà ông vẫn băn khoăn vì chưa cảm hết sự tinh tế, thâm thúy mà tình tứ trong cái chữ nhà xưng hô giữa vợ chồng người Việt Nam. Nhà tôi, nhà ơi…Trong tiếng Pháp, nhà (la maison) - có thân thiết cũng chỉ thân bằng… căn hộ bê tông là cùng!
     Thời tam đại đồng đường ở nông thôn, vui thì có vui nhưng… khổ cho những cặp vợ chồng thuộc thế hệ thứ ba (hoặc tư). Sống chung nhà với ông bà (chưa già bao nhiêu), cha mẹ (còn có thể sinh thằng út), căn nhà lại chỉ rộng hơn căn hộ tập thể thời bao cấp, những cặp vợ chồng thế hệ thứ ba đã quen xưng hô theo gia phong (nghiêm cũng không thua quốc pháp), chẳng dám anh - em hoặc khỉ con đanh đá, một nửa, cục cưng, cho nên bao nhiêu tình tứ đành cứ "ém" trong lòng. Một bữa anh chồng ra ruộng cày, trưa cô vợ mang cơm ra, đứng trên bờ gọi ngọt như mía lùi tạo thành mẩu đối thoại sau: Ai ơi ai lên mà ăn, trưa rồi/ Ai ơi, ai gọi ai đấy?/ Gọi ai chứ còn gọi ai nữa, nỡm!/ Cơm ai nấu ngon lắm hử?/ Ai nấu làm sao ngon bằng ai được”. Từ “ai” khi là ngôi 1 lúc là ngôi 2, phải vì “mình với ta tuy 2 mà 1”? Cái ý nhị của xưng hô của người Việt là thế?
     Xưng hô trong quan hệ thầy trò còn độc đáo hơn nữa mà hiếm thứ tiếng nào có nổi. Ngày xưa thì thầy - con, ngày nay thầy - em. Xưng em với thầy dù khoảng cách tuổi tác có lớn nhưng đã không hề thất lễ lại còn đầy tình nghĩa vừa tôn kính vừa thương yêu vừa gần gũi. Có một phụ nữ dẫn con đến trường, khi gặp  thầy cũ của con mình, mẹ “Thưa thầy còn nhớ em không” thì cậu con lớp 12 cũng “ Té ra thầy cũng dạy má em nữa”. Hai mẹ con cùng xưng hô một kiểu tiếng nói đặc dụng của môi trường sư phạm, mới đáng phục cho tiếng Việt!
         Ngày nay, vô cơ quan, xí nghiệp…cô thư ký nói chuyện công vụ với trưởng phòng mà cứ thưa chú, xưng cháu, lễ phép thì có nhưng rất nhà quê và không nói lên được tính công vụ mà hai người đang có và phải tuân thủ.. Coi phim Hàn Quốc thử, người ta trong giờ làm việc xưng hô theo chức vụ, có vẻ đâu ra đó hơn. Trưởng phòng dù ít tuổi nhưng là cấp chỉ huy mà xưng cháu, em với cấp dưới, có phải đã làm cho cơ quan thành ra một mái nhà, kỷ cương công vụ không còn nữa?
     Xưng Hô là một giao thông tinh thần giữa người với người nhằm chuyển vận những thông tin, tình cảm, tâm trạng,thái độ chứa trong lòng từ mình đến người khác. Chở hàng còn phải tùy hàng loại gì, đường ra sao, địa chỉ nhận nằm ở đâu để mà chọn phương tiện phù hợp, tránh tình trạng dùng xe container chở hàng vào hẻm!
     Xưng & Hô còn cho thấy nền tảng văn hóa của từng người và cho thấy ngay sau phút xưng hô, người ta ôm chầm lấy nhau hay đứng xa ra nhìn nhau trân trân thủ thế. Cách xưng hô định đoạt một phần sự thành bại ở đời! Xin mách nước (mách nhỏ thôi) cho đàn bà con gái Việt Nam: những bông hồng biết khóc ngày đầu, sau bao nhiêu năm nếu lỡ có lần sóng gió nổi giữa Thái Bình Dương thì chớ nên “vượt biên” bằng ghe thuyền mỏng manh dễ đắm lắm, mà hãy sang bên kia bờ bằng thứ ngôn ngữ trời cho có tính hiệu quả hết sức cao là…nước mắt!


2 comments:

Anonymous said...

Cuối tuần đọc lại bài thơ Mời Em uống rượu cuả thầy thi sĩ cao Thoại Châu.
(Nhớ lại những năm 1969-1970 mỗi lần "lai rai" thường hay bàn luận về bài thơ này, nhất là câu :"ta đội nón đi mời em uống rượu...

Có em buồn ta cõng trên vai, có mắt em là vành ly rực sáng....wow

Mời Em Uống Rượu

có những đêm trường gợi tiếc thương

có ta lấy tóc đếm ưu phiền

có ta nâng trái sầu chín rã

có lệ ta hòa chung hơi men



có mắt ta là ly rượu nhỏ

có đời ta là quán cô hồn

và có ta đang ngồi trong quán

uống cho tàn cho mạt kiếp nhân sinh



cũng có đau thương làm vui bạn nhỏ

có hoang đàng tìm thấy giữa cơn say

có tuyệt vọng trên vành ly rực sáng

và có em buồn ta cõng trên vai



có nắng chiều đang rơi ngoài bãi

bãi vắng chiều xa không bóng người

chứng kiến giờ ta lên cơn hấp hối

ta đội nón đi mời em uống rượu



cuộc tình sầu thôi hãy gác qua bên

ta đâu có giận hờn chi cuộc sống

dù thật tình buồn lắm phải không em

ta là ly vậy mà em biết không



ta là rượu vậy mà em biết không

uống đi em bởi ly đã kề

bởi ta buồn như câu chuyện kể

câu chuyện buồn kể giữa cơn say



bởi lát nữa đây mặt trời sẽ chết

mùa đông về không chỗ dung thân

ta sẽ đứng run trong gía lạnh

dáng bơ vơ như kẻ thất tình



và thấy em như bờ dóc đứng

ta chiếc xe đò nổ bánh bơ vơ

mặt trời chết ở nơi nào trong ta

ta đã say làm sao biết được



em không uống nên có ta lẻ bạn

vòng tay ôm hồ rượu thấy mênh mông

rượu đã hết hay mắt ta vừa cạn

em chối từ ta biết nói sao hơn



thôi giã tiệc và xin chào bạn nhỏ

ta tủi hờn bóp nát chiếc ly không

và ta tưởng chính mình đang vỡ

mùa đông dài ta lại rất cô đơn



có ta trong một toa tàu trắng

tỉnh rượu nằm nô giỡn một mình

có em còn đứng sau khung kính

có nỗi buồn gửi một toa riêng.

Cao Thoại Châu.

sưu tầm n.h


Anonymous said...



Anh Chị CDM ngoài thất thập vẫn tình tứ gọi nhau anh anh,em em ....Tình biết mấy phải không CTC?
Bài viết nào của CTC cũng là kết quả của một sưu tầm hết sức công phu ,chọn lọc .Cám ơn tác giả.
Một em tả con mèo trong bài tác văn như sau:
Nhà em có nuôi một con mèo mun nhưng không bao giờ thấy nó đâu cả?Hết.
Cô giáo ngạc nhiên hỏi: tại sao vậy?
Thưa Cô,vì ba em thường gọi chị giúp việc:
Con mèo mun của tôi ơi!!!!!!!!!!!!?