Tuesday, April 8, 2014

Giờ Nầy Em Ở Đâu


 

_______________

TMH

        
                    Mùa hè năm 1972, buổi chiều vừa về tới nhà  , chị Năm ở  trên lầu 2 hớt hải chạy xuống  :

- Chú Hùng ơi … có điện tín , chú Phi…  tử trận rồi .
 
               Phi, em trai kế tôi , khóa 4/71 Thủ Đức , Đai Đôi 2 Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù vừa nằm xuống trong trận đánh tái chiếm một cao diễm ở Quế Sơn, Quảng Nam. Phi ra đi trong lúc anh Hai tôi là lính của Tiểu Khu Bình Long còn kẹt trong An Lọc, đã mấy tháng rồi không tin tức
 
               Lúc đó đã sáu giờ chiều, tôi chạy vội ra nhà thuốc tây ở bến xe Nguyễn Hoàng cạnh chợ An Đông cho người bạn gái hay rồi đi thẳng ra Sài Gòn tìm thằng bạn là BS Quân Y đang làm ở Bệnh Viên Dã Chiến 3. Nó lùa tôi lên chiếc Deux chevaux cà tàng chạy riết lên Nghĩa Trang Quân Đôi để tìm Phi .

 
              Mặt trời đã lặn , tôi có cảm tưởng chỉ mấy mươi  cây số đường mà chiếc xe mắc dịch của thằng Tài chạy hoài không tới . Khi tới cổng , nghĩa địa vắng tanh , rờn rợn . Anh lính gác say mèm lừ đừ chỉ khu nhà xác tối om . Chúng tôi đẩy cửa bước vô trong ,hơi lạnh và mùi thây ma lâu ngày ập lên mũi, lợn giọng , muốn ói . Dọc theo tường là những bồn xử lý bằng gạch men ,  ngổn ngang những xác chết mất tay , cụt chân nằm trơ vơ thấy ghê , tội nghiệp. Phía trong là những dãy tủ sắt cao khỏi đầu, có ngăn kéo , mỗi ngăn có étiquette lòng thòng . Chừng 15 phút sau …
 
-    Hùng ơi …. Lạnh quá , tao ra ngoài cửa hút thuốc …. chờ  mầy.
 
 Thằng phải gió mặc quân phục , yểm trợ thêm cái pardessus mà còn kêu lạnh ,trong khi tôi chỉ phong phanh cái chemise ngắn tay, tôi trả lời cộc lốc …
 
-         Ừ , có lạnh ... cẳng thì đi đi …
 
          Còn lại một mình trong căn phòng  mênh mông đầy ám khí, tiếng máy lạnh sè sè , dưới ánh đèn điện vàng khè như ánh đèn hành lang của nhà thương Rạch Giá , tôi tiếp tục coi hết những étiquette có tên, không có tên Phi . Còn những ngăn tủ khác không có étiquette thì sao , tôi ngần ngừ rồi kéo thử. Từng xác người đã được gói trong lớp vải trắng phủ đầu , biết làm sao bây giờ . Đã tới non nước nầy có sợ gì cũng phải liều, kéo miếng vải qua một bên để nhìn mặt . Dung nhan gì mà mòn mỏi , héo hắt, nỗi đau đớn còn hằn rỏ nét, vết hoang lỗ , tàn phá của bom đạn thật khủng khiếp . Có những người mặt mũi không còn . Chàng trai trẻ, người anh thân thương của cô em gai quê nhà , đứa con yêu của gia đình ngày nào bây giờ chỉ là cái xác chết không còn điểm gì để nhận diện được nữa, nếu không có tấm thẻ bài thì các anh đúng là những chiến sĩ … vô danh. Chiến tranh nào mà không tan nát ; tan nát đời trai và lòng  người con gái chưa lên xe hoa đã đội tang chồng; tan nát gia đình,  ruộng vườn làng xóm; tan nát luôn niềm tin của bao thế hệ dân mình .
 
-   Hùng ơi … ơi … ơi ……  Tiếng thằng Tài vang vọng trong không gian lạnh lẽo nghe âm u , ghê rợn  như tiếng kêu réo thê lương của bầy ma ngoài nghĩa địa tối tăm . Tôi chợt thấy lạnh , lạnh từ trong ruột gan xương tủy lạnh ra .Trong  một thoáng , tôi tưởng chừng mình đang  lơ lửng phiêu bồng giữa cõi trần ai và miền âm phủ . Tôi thấy sợ ,  phải ra khỏi cái thế giới lạnh lẽo của người chết nầy liền . Hai hàm răng đánh bọ cạp, quay lưng bước vội ra phía cửa, tôi lên tiếng nhưng cổ đặc quánh , nước miếng đóng khằn .
 
        Bên ngoài ấm áp , gió lùa vào mặt nghe dễ thở hơn , tôi chìa tay , Tài đưa điếu thuốc đang hút,  hít một hơi thật dài , rùng mình …
 
-  Lạnh hả … nó cởi cái áo ngoài choàng lên vai tôi, tôi định kêu nó đi chết đi , nhưng lại nói :
 
-  Ra phía trước  … kiếm nữa …

         Ở trước tiền đình, vô số quan tài có phủ lá quốc kỳ, hàng hàng lớp lớp , mút mắt .Tôi còn đang tìm kiếm ở cuối dãy phía bên trái thì nghe Tài hỏi lớn …

-          Đây rồi , phải Hồ Thành Phi không ?

         Tôi chạy vội lại , thì ra sĩ quan được đặt nằm ở ngay khu chính giữa , trên bệ cao hơn hai bên một chút .  Khi đã bình tỉnh , tôi mới thấy phần lớn tử sĩ ở đó thuộc hai binh chủng TQLC và Nhảy Dù . Có thấy tận mắt tôi mới hiểu được đã có biết bao nhiêu người phải nằm xuống như vầy để những thằng như tôi và Tài được yên ổn học  hành .
 
         Tôi đã đem Phi về Rạch Giá an táng kế bên mộ ông bà Ngoại tôi ở Cầu Quay . Sau đó tôi làm bia mộ cho nó có hình nó mặc đồng phục sinh viên sĩ quan lúc còn ở Thủ Đức  ( nó không có hình nào sau khi về đơn vị Nhảy Dù , vì ngày ra trường , tụi nó được đưa ngay ra đơn vị , không một ngày phép .) , một bên có phù hiệu đơn vị, một bên là bảo quốc huân chương . Tháng 5/ 75 anh Hai tôi về đến Rạch Giá , tôi cũng đã rời Sài Gòn về quê . Anh  nói là cái bia mộ của Phi phải phá bỏ , để đó sẽ liên lụy đến gia đình , tôi không đồng ý . Anh Hai nín thinh nhưng có người bà con cho tôi hay là anh Hai sẽ đập bỏ tấm bia đó vì bốn chữ  …  " quyền huynh thế phụ " . Tôi đi tìm anh Hai  ... " Nay mai anh cũng phải về Lọc Ninh với ba má , anh cứ lo đi đi , còn cái tấm bia mộ thằng Phi anh không nên đụng tới ... người đã chết ... tôi nghĩ không ai đi làm gì cái bia mộ của nó đâu , nhưng nếu họ có gai mắt thì cứ để họ muốn làm gì thì làm ... anh mà làm mẻ một li bia mộ thằng Phi ... anh ở xứ nầy hỏng được với tôi đâu ... " . Thấy tôi giận xanh mặt , anh Hai gượng cười .. " Chú làm gì d vây ... thì cứ để đó ... ai làm gì đâu ... " . Tôi hậm hực bỏ đi . Anh Hai giữ đúng lời hứa , không thèm làm mẻ một li , anh đục hết hình ảnh , phù hiệu huy chương , chỉ chừa lại tên họ và ngày sanh năm chết của Phi rồi cuốn gói ngay hôm đó .

                 Người cũng đã về với cát bụi , sá gì một khối đá trơ mà sao tôi " hung hăng " dữ vậy ?

                 Sau 1955 , gia đình ba má tôi rời xứ An Biên dọn nhà lên Lọc Ninh theo chương trình dinh điền của chính phủ , rồi lần hồi trở nên túng hụt , Phi và đứa em gái kế phải gởi luôn cho ba má nuôi tôi ở Rạch Giá . Mặc dù là em ruột tôi , được cho ăn cho học nhưng làm sao tụi nó có được tiện nghi như tôi có . Trong khi tôi được ba má nuôi lo cho ăn ngon mặc đẹp , muốn gì được nấy thì Phi và đứa em gái phải vất vả lắm mới học hết trung học . Những lúc nghĩ tới tụi nó tôi thấy chạnh lòng nhưng cũng không giúp hai đứa nó được gì nhiều . Suốt khoảng đời ngắn ngủi của Phi không có gì đắc ý hết ( nhưng cua mèo và nói tiếu lâm thì .. rất có duyên , và đẹp trai nữa ) . Rớt Tú Tài 2 , theo lịnh động viên nhập ngũ , gần mãn khóa , đi thăm nó ở quân trường , tôi hỏi  " sao không xin về truyền tin hay tiếp liệu , thời buổi  nầy mà chọn Nhảy Dù ... " ... " Lính nào mà hỏng lính ... lính nào mà không cầm súng , cầm súng mà hỏng bắn , hỏng đánh trận thì đi lính làm chi . “  Tôi chịu thua , đúng là cái đồ điếc hỏng sợ súng .

               Thời cuộc đổi thay , sau 75  lịch sử cứ từng trang bị bôi đi viết lại , đất đổi chủ , đường bị sửa tên , anh hùng hôm qua nay là giặc ... . Lúc đó , tôi không cần biết kẻ thắng trận là  thánh thần hay ma quỷ , tôi cũng không  rỏ họ giải phóng hay giam cầm , nhưng tôi biết chắc chắn một điều : Bộ quân phục và phù hiệu trên vai là tất cả niềm hảnh diện của thằng em vắn số , đời nó không có gì hết , chỉ có mỗi một chọn lựa màu áo lính là nó vừa ý nhất thì không ai trong gia đình có quyền  xóa bỏ , quên đi hay phũ phàng vùi dập được , ít nhất là khi tôi còn ở đó . Vì an nguy, nhiều người chối bỏ quá khứ , người khác có thể ngại ngần khi phải nhắc lại chuyện xưa ... Vì ngu dốt , lòng hận thù  hay hẹp lượng , đám người có quyền ăn có quyền nói có thể gọi người lính thua trận bằng đủ thứ tiếng xấu xa , khinh miệt. Với tôi , Phi và những thanh niên non nhớt nhập ngũ lúc cuộc binh đao đang hồi khốc liệt nhất ,dám chọn cho mình con đường gian nan , nguy hiểm tột cùng trong làn tên mũi đạn mờ trời , muôn đời vẫn là những kẻ hào hùng .

                Mấy chục năm rồi , xương tàn cốt rụi , mồ mả tan hoang , người nằm dưới ba tất đất cũng phải dọn nhà đi nơi khác ... tấm bia cũ cũng không còn mà sao mỗi lần nhớ lại , lòng tôi vẫn chưa yên .... hỏng biết bây giờ thằng em mình nằm nghỉ nơi nao !      

                 Năm 2008 , Chị em tôi quyết định cải táng Phi kế bên mộ ba tôi ỏ Lộc Ninh . Khi đem hài cốt lên mọi người mới ... té lăn cù , xương óng chân dài quá không ging của Phi , cũng không tìm ra được tấm thẻ bài . Em gái tôi đem về Sài Gòn nhờ giảo nghiệm , người ta tính ra người có óng xương chân dài như vậy phải cao cở 1.75 m - 1.8 m . Phi đứng ngang tai tôi , mà tôi chỉ cao 1.65 m . Thôi thì vẫn cứ đem về Lọc Ninh chôn cất với hy vọng là em mình cũng có ai đó lo dùm .

             Bốn tháng sau ngày Phi tử trận , một đồng đội mang ba lô của nó về trao lại cho tôi . Ngoài những vật dụng linh tinh , tôi tìm được bài thơ nầy trong nhật ký của thằng em , không thấy ghi tên tác giả. Đã lâu lắm rồi , bây giờ viết lại không biết có chính xác không .

                                     Chiều Chúa Nhật,
                                     Anh và các bạn đếm nhịp quân hành ,
                                     Môi có mặn nhưng không là nước mắt
                                     Súng cầm tay ,ba lô nặng trĩu
                                     Lần dừng lại để đôi phút nghĩ về em
                                     Viết cho em những mộng không ngờ
                                     Và cho em trước mặt khoảng đồi xanh hun hút
                                     Viết bây giờ cho ước vọng mai sau
                                     Ngày vàng đó không còn là phím mỏng mây mù ,
                                     Anh trở về từ đồi Tăng Nhơn Phú .



TMH

No comments: