(Chuyện 1944.
Thời bấy giờ rào cảng tôn giáo trong hôn nhân còn khắt khe lắm)
- Anh Tuấn, thắt cho em con cào cào đi.
- Để đó anh làm cho.
Tôi lật đật tét một cọng lá dừa tươi, xé hai mảng hai bên, thắt lại không mấy chốc, đã thành con cào cào có cánh, có đuôi có cả râu, còn dính nhủng nhẳng theo cọng lá. Bé Lan thích thú cầm món đồ chơi dân dã, quơ qua quơ lại, rồi cố tình vẫy trúng mặt tôi và nói: “ Cắn anh Tuấn đi cào cào ơi.”. Bỗng có tiếng gọi từ trong nhà Lan, một ngôi biệt thự sang trọng:
- Lan ơi, nghỉ chơi đi con, về ăn cơm.
Ba mẹ tôi là tá điền của gia đình Lan. Chúng tôi là cư dân của một xã trù phú, sung túc vì nằm trọn trong một cù lao đầy phù sa của sông Tiền. Lan thuộc một gia đình công giáo truyền thống, trí thức, giàu có nhưng nhân từ. Nhờ vậy, ba mẹ tôi đươc cấp một dãy ruộng để cày cấy với giá tô thấp, nên cuộc sống của chúng tôi cũng tạm đủ.
Một hôm Má Lan bảo tôi:
-Tuấn ơi, bữa nay em Lan bắt đầu đi học, con coi chừng em nghe không? Giờ chơi lại chơi với em, tan học nắm tay dẫn em về nhà nghe Tuấn.
Má Lan nói với tôi như vậy, khi lần đầu tiên Lan đến trường. Tôi rất nhiệt tình trong sứ mạng bảo vệ Bé Lan. Ở trường, ngoài giờ phải ngồi trong lớp học, còn là luôn luôn Lan ở đâu tôi ở đó. Tôi ứng trực để có thể thỏa mãn mọi yêu cầu của Lan, Lan muốn nhảy dây là tôi giăng dây, Lan muốn đánh đũa là tôi có bó đũa, Lan muốn ra sân bắt con châu chấu, là liền sau đó Lan có con châu chấu trong tay.
Những ngày nghỉ học, chúng tôi thơ thẩn trong vườn. Lan ngồi trên chiếc tàu mo, tôi là người kéo xe cẩn thận, không để va vào những đụn đất sợ Lan đau. Lan muốn cỡi ngựa là Lan có một con ngựa, chưa bao giờ được huấn luyện nhưng rất thuần cho Lan cỡi. Hết thắt cào cào, chong chóng bằng lá dừa, lại vấn kèn thổi toe toét, nắn con tu hú bằng đất sét thổi lên nghe giống như tiếng ếch kêu. Thét rồi, dường như tôi không thể rời Lan mà Lan cũng vậy. Ngoài giờ cơm, và ban đêm là chúng tôi luôn luôn ở bên nhau.
Có một hôm trên đường đi học về, một thằng bạn có lẽ ganh tị với tôi, nên đón tôi lại:
- Mầy làm gì mà nịnh nó dữ vậy?
Tôi bảo:
- Nó là em tao.
- Mầy là đầy tớ nó như ba mầy vậy.
Về nhà, tôi nhớ lại lời thằng bạn nên buồn quá, định không ra bờ sông câu cá với Lan như thường lệ. Chờ tôi không được, Lan đến tìm tôi, thấy vẻ mặt của tôi, Lan nắm tay kéo tôi đi ra bờ sông:
- Thây kệ nó, em là em của anh chớ gì nữa.
Ngày qua ngày, ba má Lan cũng vui, vì tôi học trên Lan hai lớp, ngoài việc chăm sóc Lan, bảo vệ Lan, chơi đùa với Lan tôi còn chỉ Lan học bài, làm bài. Đến năm tôi lên lớp năm thì Lan lớp ba, ba má Lan không để ý thời gian đã thay đổi chúng tôi, nhưng chúng tôi lại biết điều đó. Cho nên khi đi học, tôi không còn nắm tay Lan. Khi dạy Lan học, tôi không còn choàng tay lên vai Lan. Khi chơi ngoài vườn, chúng tôi không còn chơi trò cỡi ngựa nữa…
Năm học sau tôi phải lên tỉnh để vào học bậc Trung học. Thời gian nghỉ hè, chúng tôi có dịp ở bên nhau thường hơn. Gia đình Lan trí thức, phóng khoáng, có lối sống mới vẫn coi tôi là bạn của Lan, nếu không nói là anh. Tuy nhiên, đối với chúng tôi những cuộc tiếp xúc không còn tự nhiên nữa. Lan giờ đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Tuy nhiên đôi mắt ngây thơ đáng yêu của một cô bé ngày xưa, bây giờ nhiều lúc trở nên u huyền, thăm thẳm, xa xôi.
Một đêm nọ, được sự cho phép của Má Lan, chúng tôi đi xem hát đình. Tuồng Tiết Đinh San Phàn Lê Huê , một chuyện tình dang dở. Trên đường về vắng vẻ, trăng mười sáu đã lên khỏi ngọn tre, ánh trăng vằng vặc, khí trời lành lạnh, Lan đi sát bên tôi hơn. Bóng hai chúng tôi chập chờn quyện nhau trên bờ mẫu. Chúng tôi không nói gì, nhưng tôi cảm thấy có một cái gì đó len lỏi trong tôi, muốn nói với tôi một điều còn mơ hồ, xa lạ nhưng dịu dàng ấm áp.
Ngày tựu trường nầy, Lan lại lên Trung học nên cũng qua tỉnh ở trọ trong tu viện của Dì Phước để đi học. Còn tôi ở nội trú trong trường. Thế là chúng tôi lại được học chung một trường. Lan học lớp đệ nhứt niên, tôi lớp đệ tam niên. Chúng tôi ngày ngày gặp nhau ở trường. Ngày chúa nhựt, chúng tôi lại cùng chung xe, chung đò để về thăm nhà như đôi chim về tổ.
Có một lần, tan trường theo thường lệ, tôi đưa Lan về nhà trọ. Giữa đường một anh bạn học, cố tình cho xe đạp đụng vào tôi. Tôi biết tai nạn không phải vô tình, nên theo bản năng, tôi đuổi theo anh để… không biết làm gì. Vì thực sự từ nhỏ tôi chưa hề biết gây gổ với ai có đâu đánh đập nhau. Lan dằn tay tôi lại:
- Thôi đi anh.
Rồi ngồi xuống vén ống quần tôi lên, quả thật có một vết sướt chảy máu khá nhiều. Lan lấy khăn chặm máu, rồi bảo tôi vào tu viện nơi Lan ở trọ. Lan lấy bông gòn, thuốc đỏ, băng keo… băng bó vết thương cho tôi. Thấy vẻ mặt lo âu và được sự chăm sóc của Lan, lòng tôi dâng trào một niềm hạnh phúc.
Thắm thoát, tôi đã lên lớp đệ tứ niên, và cuối năm học đó, tôi thi đậu bằng Thành chung với lời khen của ban giám khảo, và nhờ sự giúp đỡ của ba má Lan, tôi được lên Sài Gòn học ban Tú tài. Lại một lần nữa Lan và tôi xa nhau.
Hè qua, ngày lên Sài Gòn để học, như thường lệ tôi đến nhà Lan chào ba má Lan, Mà Lan bảo Lan:
- Con đưa anh Tuấn ra bến đò.
Lan đã sửa soạn từ trước, từ nhà trong ra, đứng trước mặt ngắm tôi, chạy đến đưa tay sửa bâu áo tôi, cầm chiếc nón nỉ của tôi lên phủi bụi, lấy trong túi ra một chai dầu thơm nhỏ xíu, xịt vào gáy tôi, xong đứng dang ra, ngắm tôi, buông ra hai tiếng:
- Đẹp rồi.
Tôi sung sướng để Lan làm, nhưng trong lòng tôi như sợ bâng quơ một điều gì đó sau nầy. Ra đường, Lan giành xách va ly cho tôi, tôi bảo nặng lắm để tôi xách. Lan nói:
- Lúc nhỏ anh đã làm hết cho em, bây giờ em lo lại cho anh.
Trước khi tôi bước xuống đò, Lan đến bên tôi, kẹp vào túi tôi một cây
viết máy Parker mạ vàng, liến thoắng nói với tôi:
- Để anh viết thơ cho em nghe.
Đò ra giữa sông, tôi nhìn lại vào bờ, tà áo trắng của Lan vẫn còn trong tầm mắt của tôi, qua ánh nắng bàng bạc trên mặt nước sông Tiền.
Đậu Tú tài, tôi chưa kịp về nhà đã được một bức điện của Lan: “Được tin anh thi đậu, em mừng lắm. Em hôn anh”.
Bữa tiệc mừng tôi đậu Tú tài được tổ chức khá linh đình không phải tại nhà tôi mà tại nhà ba má Lan. Trong số người được mời dự có hai người khách đặc biệt, đó là ba mẹ tôi. Lan mặc đầm màu hồng xinh xắn, rạng rỡ được má Lan giới thiệu đánh dương cầm cho buổi tiệc được tăng thêm phần long trọng.
Lan vui vẻ tiến đến, mở nắp đàn, nheo mắt nhìn tôi ranh mảnh. Những âm thanh réo rắt của khúc dạo đầu xong, Lan ngước mắt nhìn tôi và khẻ hát theo “Tất cả tình yêu nầy em dành cho anh…nóng bổng...mặn nồng...” trong bản tình ca Pháp “Tout l’amour”. Bản nhạc chấm dứt, khách dự vỗ tay chiếu lệ, vì mấy ai ở nông thôn biết thưởng thức nhạc tây, nhạc u gì. Nhưng riêng chúng tôi, Lan và tôi, chúng tôi nhìn nhau với ánh mắt chứa chan tình cảm.
Tiệc tan, khách mời ra về, chỉ còn mỗi mình tôi ở lại. Má Lan bảo tôi đến ngồi nơi phòng khách để uống trà. Nơi đây đã có ba Lan ngồi từ trước. Không có Lan. Không khí có vẻ nghiêm trọng. Má Lan, luôn luôn là bà đứng ra xử lý mọi việc trong gia đình, mở lời:
- Con Tuấn, mấy năm nay hai bác theo dõi tình bạn giữa con và Lan, cũng như hai bác đã thương con từ thuở nhỏ nên hôm nay con đã đỗ đạt sắp vào đời, hai bác chấp nhận cho con và Lan xây đựng gia đình. Chuyện nầy hai bác sẽ chính thức đến thưa với ba mẹ con. Hôm nay hai bác chỉ nói trước cho con thôi. Hai bác sẽ lo tất cả công việc liên quan đến hôn sự, chỉ riêng có một việc mà hai bác cho là rất quan trọng, là con về xin phép ba me cho con cải đạo vào công giáo.
Bà nói một hơi, có lẽ bà đã chuẩn bị chu đáo về những điều cần nói. Tôi cũng không ngạc nhiên nhiều trước đề nghị chân tình của bà, vì thật ra từ lâu chúng tôi, Lan và tôi, dù không nói ra chúng tôi vẫn cảm thấy đã có một tình yêu sâu đậm. Tôi ngầm cám ơn bà đã không nghĩ đến giai cấp sang hèn, tác thành cho chúng tôi. Nhưng khi nhớ đến một điều, mà Bà cho là quan trọng, đó là cải đạo, lòng tôi bỗng se thắt, chới với như đứng trước vực sâu thăm thẳm.
Về nhà, việc đầu tiên là tôi nhìn lên bàn thờ Phật, tượng Phật vàng úa theo màu thời gian, dưới là chân dung ông tôi, mặc áo dài, đeo xâu chuỗi, hai tay chắp lại trước ngực, vẻ trầm tư. Tôi chợt thở ra, tôi đến đốt nén nhang và xá ông tôi. Ba tôi chợt hỏi:
- Sao con về trễ vậy?
Tôi không đáp lại câu hỏi của ba tôi mà lại hỏi ba:
- Mẹ ngủ chưa ba?
Khi ba mẹ tôi đã ngồi vào bàn, tôi thưa với ba mẹ về những điều mà má Lan vừa nói với tôi. Tôi ngập ngừng và ấp úng mãi, mới nói lên được cái đoạn mà má Lan cho là quan trọng: Tôi vào công giáo. Tôi chấm dứt câu chuyện với một cảm giác xấu hổ. Một phút im lặng rồi hai phút, tôi tưởng chừng như ba mẹ tôi không nghe, thay vào đó là những tiếng thở dài. Cuối cùng ba tôi lên tiếng:
- Ba đã biết trước chuyện nầy sẽ xảy ra, trước tình cảm của con và cô Lan, nhứt là ông bà bên ấy đã thật tình thương con. Ba rất cảm kích và không còn mong mỏi điều gì hơn nữa. Cô Lan hiền hậu như vậy, thương con như vậy, gia đình bên ông bà cưu mang ta bao lâu nay, Ba tu mấy kiếp cũng không được cái phúc đó.
Ba tôi nói chậm rãi, có lẽ Ba cũng đã nghĩ việc nầy từ lâu. Tôi nghe và nghe. Ba tôi tiếp:
- Còn việc con vào công giáo, Ba cũng không tị hiềm gì, nếu gia đình ta chỉ thờ Phật theo lệ. Còn gia đình mình, mấy đời qui y Đạo Phật, ông con đó, ba mẹ còn đây, còn con lúc nhỏ đã được ông đặt cho pháp danh là Trí Thông.
Ba tôi nói xong buồn bã ra nhà sau. Mẹ tôi đứng lên ôm đầu tôi vào lòng nghẹn ngào nói:
- Tội nghiệp con. Làm sao bây giờ đây. Nhà mình nợ ông bà nhiều quá, lại với mẹ cũng thương cô Lan nhiều lắm. Làm sao bây giờ con Tuấn?
“Làm sao bây giờ. Con biết làm sao bây giờ đây mẹ!”. Chung quanh tôi là một màu tăm tối âm u. Mẹ tôi như tìm được một lối thoát:
- Thôi để mẹ qua bên ấy lạy ông bà để tạ tội.
Tôi nghe mẹ tôi thốt ra lời chơn chất như vậy, lòng thấy quặn đau. “Đâu có dễ vậy mẹ ơi!”.
Tôi lại trở lên Sài Gòn, lần nầy không phải để đi học nữa mà để xin dạy học. Cũng là lần thứ nhứt tôi ra đi, mà không có Lan đưa tiễn. Thường lệ, mỗi lần đi xa, tôi đều ghé qua nhà Lan để thưa ông bà và cùng Lan ra bến đò. Lần nầy, ra đi mà tâm tư trĩu nặng. Ngang nhà Lan tôi cố ý không nhìn vào, nhưng con Đốm quen thuộc, ngỡ là tôi sẽ vào chào tiểu chủ nó nên chạy ra ngoắt đuôi đón tôi vào, chừng thấy tôi đi thẳng, nó trở vào chỗ cũ, nằm ghếch mõm, nhìn tôi với đôi mắt như trách móc một điều gì.
Đò ra giữa sông, theo thói quen tôi quay đầu nhìn vào bờ, không có tà áo trắng của Lan như thường lệ. Mắt tôi nhạt nhòa qua ánh nắng ban mai, hình ảnh hai trẻ trên bờ sông nầy, nơi đây đã lớn lên, chơi đùa với nhau, thương yêu nhau, không rời nhau một bước. Thế mà....
Lên Sài Gòn tôi tìm được chỗ dạy học tại một tư thục. Tôi viết cho Lan mỗi tuần một lần. Thơ đi thì có thơ về thì không. Có những ngày nghỉ dạy, tôi nung nấu một ý nghĩ chạy về, vô nhà Lan, ôm chầm lấy Lan, khóc với Lan và nói với Lan là: Anh sẽ cải đạo để chúng ta chung sống. Nhưng tôi không làm được điều đó và chắc không bao giờ tôi làm được điều đó mặc cho ý nghĩ nầy luôn luôn ray rứt tôi, cào xé tôi, gặm nhấm tôi.
Lại những bức thơ không bao giờ được hồi âm. Nỗi buồn của tôi lên đến cực điểm. Ngoài những giờ dạy học, còn là trong trí tôi, trong tâm tôi bao giờ cũng là hình ảnh của Lan. Hình ảnh Lan từ tuổi thơ, với con cào cào bằng lá dừa mà tôi đã thắt cho Lan, con tu hú bằng đất sét mà tôi đã nắn cho Lan. Lắm lúc tôi muốn vào nhà thờ để trước mặt Chúa, tôi nói rằng: “Vì Lan, con xin theo Chúa…”
Tôi được một bức thơ, không phải của Lan mà của ba mẹ tôi. Trong thơ có hai điều. Một là mẹ tôi đã qua nhà Lan, để xin lạy ông bà ba má Lan xin lỗi. Hai là ba mẹ tôi đã già muốn theo tôi về Sài Gòn ở.
Thế là hết. Ngày ba má tôi dọn nhà về Sài Gòn, tôi không về để thu xếp. Giờ đây, con đường từ Sài Gòn về tỉnh, con đường từ tỉnh về quê, con đường từ bến đò về nhà tôi và nhà Lan, đối với tôi là con đường tuyệt lộ. Nước mắt tôi không còn để khóc. Con tim tôi không còn lý do để thổn thức cho tuổi thanh xuân.
Năm tháng trôi qua, một hôm trên đường đi dạy về nhà, một nhánh cây khô có lẽ khá lớn, gãy đổ rớt trúng đầu tôi, gây nên một vết thương khá nặng. Tôi được đưa vào bịnh viện để chữa trị. Sáng hôm sau đang nằm trên giường bịnh, đầu ê chề và được băng bó kín mít, chỉ chừa hai mắt, miệng và mũi. Bị thương nằm đơn độc… lại nhớ Lan. Lúc bị sướt chân Lan đã chăm sóc, nuông chiều, bây giờ Lan ở đâu?
Đang miên man suy nghĩ về những ngày hạnh phúc bên Lan, mà tiếc nuối thì cửa mở, một Dì Phước bước vào đi thẳng đến đầu giường, lưng quay lại bịnh nhân, Dì lấy phiếu bịnh án lên xem. Dì đọc lẩm nhẩm cũng vừa đủ cho tôi nghe: Nguyễn Đình Tuấn. Chợt Dì hỏi trổng một câu cũng với tư thế quay lưng lại tôi:
- Quê quán ở đâu?
Tôi đáp:
- Xã Ngũ Hiệp.
Tiếng “hiệp” của tôi vừa chấm dứt, phiếu bệnh án của tôi rớt đánh cạch xuống sàn gạch. Dì chậm rãi cúi xuống lượm lên và cài vào thanh giường trở lại. Lâu lắm Dì mới quay lại tôi, đến bên tôi, sờ vào vải băng hỏi tôi:
- Có đau lắm không?
Giọng nói nầy, đôi mắt nầy, cái miệng nầy… ngàn đời tôi không thể nào quên. Tôi chỏi tay ngồi dậy và la lên:
- Lan!
Lan ấn vai tôi nằm xuống, nở một nụ cười không biết buồn hay vui, vẫn còn vương vấn một chút gì đó ranh mảnh của ngày qua:
- Không phải Lan, Dì Phước Madeleine đây.
Tôi nắm tay Dì để trên ngực tôi và tôi đã khóc, khóc nức nở, nước mắt trào ra ướt cả băng. Lan vẫn để tay trên ngực tôi, không nói một lời nào, day mặt chỗ khác, để giấu những giọt nước mắt không cầm được. Lâu lắm, Lan gỡ tay tôi, lấy khăn lau nước mắt cho tôi và cho mình.
Nhờ sự chăm sóc của Dì Phước Madeleine, tôi ra bịnh viện sau ba ngày ngoài ý muốn của tôi, vì tôi muốn nằm ở đó suốt cuộc đời, để có thể được gần Dì, để được Dì chăm sóc vết thương của tôi.
Sau mấy lần vất vả, viện đủ lý do thân thuộc gia đình, tôi mới được tu viện cho phép vào thăm Lan. Lan tiếp tôi trong một phòng khách rộng rãi, trang nghiêm. Lan mở đầu:
- Anh vẫn đi dạy?
Tôi gật đầu.
- Chú thím vẫn khỏe?
Tôi gật đầu.
- Anh có vui không?
Tôi không trả lời. Lan nhìn chung quanh không có ai, Lan nói:
- Anh Tuấn, chúng ta không có duyên phận. Ngày nay em hoàn toàn thuộc về Chúa, nên những lời nói hôm nay của em, là những lời nói cuối cùng của người thế tục. Tình chúng ta cao đẹp biết bao nhiêu, nhưng chúng ta không tròn ước nguyện. Anh ra đi em nhớ lắm, thơ anh gởi về em nhận được tất cả. Mỗi bức thơ của anh em đều có viết trả lời, bỏ vào phong bì, biên địa chỉ nhưng không gởi cho anh, vì em nghĩ anh có đọc hay không, anh vẫn biết là em đã muốn nói gì với anh rồi.
Ngừng một lát, đâu đây có tiếng chuông nhà thờ đổ, Lan nói tiếp:
- Em vào chủng viện tu và bây giờ em đã là Dì Phước, biết đâu Chúa đã chứng minh tình yêu của Chúa với chúng ta, nên cơ duyên đưa đẩy, anh vào nằm bịnh viện, để có được sự chăm sóc của Dì Phước Madeleine. Phải không anh? Lan tiếp:
- Thật ra chúng ta chưa hề nói với nhau hai chữ yêu đương, nhưng tình yêu chúng ta chắc chắn Chúa đã ban cho. Chúng ta chẳng đã sống bên nhau, không hề xa nhau từ thuở còn quá nhỏ cho đến khi khôn lớn hay sao? Thời gian đó chúng ta đã chẳng yêu nhau rồi sao? Tình yêu thánh thiện đó, chẳng phải Chúa đã ban cho ta rồi sao? Phải không anh Tuấn?
Tôi nghe Lan nói, như một con chiên nghe Cha giảng trong nhà thờ. Một con chiên thì đâu có gì để tranh luận với Cha. Còn tôi đến đây, không phải là con chiên, còn ngồi trước mặt tôi cũng không phải là Cha, không phải là Dì Phước Madeleine mà là Lan, Lan là người mà tôi đã yêu, đã nợ suốt đời cũng không trả được.
Đợi khi Lan chấm dứt câu, là tôi nói ngay, nếu không tôi sẽ không còn dịp nào nữa:
- Lan ơi bây giờ chưa trễ. Lan trở lại đời đi, còn anh sẽ học sách Phần xin phép rửa tội, để chung sống cùng em nghe Lan.
Lan lại cười, vẫn nụ cười buồn:
- Em bỏ Chúa thì được, nhưng Chúa thì không bao giờ để con chiên mình đi lạc.
Giờ cho phép tiếp khách đã chấm dứt. Lan đứng dậy bảo tôi:
- Anh chờ em một chút.
Lan trở ra trên tay có một cái hộp, Lan đưa cho tôi và nói:
- Đây là tất cả những bức thơ của anh gởi cho em, em có viết trả lời anh từng bức một, bây giờ gởi lại anh đem về, anh chỉ cất thôi, đừng đọc lại làm chi, vì tất cả đã qua, cũng như mọi việc trên đời nầy rồi cũng qua.
Đến cổng tu viện, Lan đứng lại, trong bộ áo Dì Phước, đầu được phủ bằng cái khăn voan màu trắng sữa, thanh thản nhìn tôi:
- Anh bảo trọng. Sớm lập gia đình. Còn em, kể từ ngày mai, là thời gian ba mươi ngày em cấm phòng, anh đừng đến với em nữa… và mãi mãi về sau.
Trên đường về, tôi thẫn thờ đi, chợt nghe tiếng chuông nhà thờ đổ sáu giờ chiều, ngước lên tôi trông thấy trên đỉnh cao của thánh đường, cây thánh giá ẩn hiện trong cảnh tranh sáng tranh tối của một buổi hoàng hôn.
Chưa chi tôi đã nhớ Lan và biết là Lan đã có một con đường đi cho chính mình, còn tôi, con đường nào cho tôi .......
“Anh hãy sớm lập gia đình....”. Tôi nghe lời nói nầy và biết không phải là lời của một Dì Phước, mà là lời của một người con gái tên Lan đã yêu và được yêu, nhưng tình yêu vì sự nông nỗi và hẹp hòi của tôi, mà gãy đổ một cách phũ phàng. Âm thanh câu nói của Lan nhẹ nhàng quá, như một tiếng thở dài buông xuôi, như tiếng vỡ của hạt sương rơi trên nền đá, như cơn gió thoảng đưa vèo chiếc lá lìa cành nửa như tiếc thương, nửa như hờn trách.
Tôi mang cái âm hưởng nầy cùng hình dáng của Lan về nhà và tôi ôm ấp nó, tôi giữ nó trong tôi, tôi vẽ nó lên không gian, tôi khắc nó trong kỷ niệm đơn độc để suốt tháng năm dài, tôi nhìn nó, tôi nghe nó, tôi vuốt ve nó….để nó hòa tan trong những giọt nước mắt âm thầm, triền miên, ray rứt của tôi.-
14 comments:
Thêm một chuyện tình Lan và Điệp. Lan của Khái Hưng cắt đứt dây chuông để Điệp thẩn thờ thương nhớ. Còn Lan của Mặc Nhân thì rung cho chuông đổ ,reo vang để cắt đứt một chuyện tình thật đẹp, thật êm đềm, thật nên thơ từ thuở để chỏm đến khi trưởng thành.
Lan của KH vì Gia Phong còn Lan của MN vì Tôn Giáo; một vào cửa Thiền, một vào tu viện.
TU LÀ CỘI PHÚC hay TÌNH LÀ GIÂY OAN ???
BLG
Tặng tác giả
giòng sông đôi ngã phân kỳ
Cầm tay nhau, lệ chia ly não nề
Đường đi mấy dặm sơn khê
Còn đâu lời hẹn lời thề năm xưa
Bạn đọc TH
Khuyết Danh biết một người tội lỗi khuyên được một bà sơ vn tha hương không làm sơ nửa sau hơn 30 năm theo đạo.
Tội lỗi ! Tội lỗi ! Bà sơ sắp lên Thiên đàng, lại rủ xuống địa ngục theo người tội lỗi tha hương ! Sơ ơi sơ thấy trần gian có sướng không vậy hởi sơ !?
Một đọc giải TH
Nhiều khi Sơ còn phải cám ơn ai kia và bảo " Địa nguc coi vậy mà sướng chán " ha ha và ai kia không có tội mà lại có phước vì làm được cho một người hạnh phúc ....
Cũng là một bạn đọc TH
Ai thích tu thì cứ tu đi!!!
Còn tui thì thích đường vào tình yêu....???
TUI
Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu ...
Câu nầy trong bài hát sau đây
Buồn Trong Kỷ Niệm
Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn.
Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ.
Có đau chỉ thế tiếc thương chỉ thế.
Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về.
Mình vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn.
Hương thơm làn tóc nước mắt chưa lần khóc.
Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá.
Thơ ngây đi mất trong bước buồn dâng mới hay.
Bao năm qua rồi còn gối chiếc nghe lòng nhiều nuối tiếc.
Thương nhau rồi xa nhau rồi một lần dang dở ấy đêm lạnh vui với ai?
Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời.
Đi thêm một bước chót nhớ thêm một bước!
Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em!
Hôm nào nhờ Cô TL khỏe hẳn nhờ Cô post bản nầy cho bà con nghe đi nha cô
NVH
Đá nát vàng phai một cuộc tình
Dòng Sông Đôi Ngả kiếp nhân sinh
Về đây nghe tiếng chân thao thức
Nhìn đoá Lan buồn vẫn trắng tinh
MVN
Thật sự nếu lòng trần chưa dứt thì chiếc áo người tu hay cửa chùa cũng như không mà thôi
Do đó cái tâm là chủ yếu . Tâm có tịnh thì lòng mới tịnh
Bà sơ nào mà bạn Khuyết Danh bảo đã không làm sơ nừa sau 30 năm ?
Nghĩ ra sơ nầy cùng khá kiên nhẫn song nợ trần chưa dứt ...
Một bạn đọc TH
Đã 30 năm tu mà còn bị cám dổ, rỏ là chưa dứt vòng lụy trần gian........!!!
Hôm nào tôi khoẻ sẽ hát bài vọng cổ TU LÀ CỎI PHÚC của soạn giả Viễn Châu để tặng quý anh chị em TH.
LMH
Vậy là có người xỉu... dài dài nữa rồi chị LMH ơi ! Ai mua dầu gió xanh hông ??? HTX
MN xin cám ơn các bạn đã nhanh chóng comment cho bài viết DSĐN. Cám ơn nhiều, nhất là cô TL tay vẫn còn đau tranh thủ làm việc. Cũng như mọi anh em trong Blog, xin chúc cô sớm bình phục, Vắng cô Blog trở nên hiu quạnh.
Cám ơn tất cả đã đóng góp những ý tưởng vui vui, dí dỏm..BLG viết đôi giòng ngấn ngủi nhưng đầy khích lệ, Bạn đọc TH và MVN mỗi người một bài thơ minh hoạ ...Tất cả là phần thưởng cho một ông già lạc đường có giang xe Rạch Giá. MN
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở...
Cám ơn bác MN
Người cô đơn
Ủa... sao tui nghe thằng bạn tui nó hát ... Đường vào tình yêu có hai lần vui có một lần buồn ... YT
Post a Comment