Tuesday, November 11, 2014

Kỳ Thi Đầu Đời



____________
Lanh Nguyễn

Là cựu học sinh ai cũng có nhiều lần đến trường thi, ai cũng có nhiều kỷ niệm đẹp của những lần thi cử trong đời mình. Kỷ niệm của tôi thì nhiều lắm nhưng không biết là đẹp, vui hay là buồn hiu hắt nhưng cũng xin mời các bạn cùng tôi ôn lại những kỳ thi trong cuộc đời bôn ba của tôi.
Tôi không nhớ rõ lắm vì lý do gì mà gia đình tôi phải sống xa quê rày đây mai đó trên chiếc ghe tam bản nhỏ tí tẹo, mãi tới năm tôi 7 tuổi mới được lên bờ, ở nhờ nhà bà con cô cậu của má tôi để đi học. Tôi chưa từng học qua lớp năm (lớp một bây giờ) mà khi tôi vô học là đã vào học lớp tư (lớp hai) rồi. Bởi vì sống trên chiếc ghe thương hồ đó Má tôi đã dạy cho tôi biết đọc, biết viết và biết làm toán cộng trừ nhân chia lên tới số hàng trăm..
.
Trường học đầu tiên mà tôi ôm tập đến lớp, đó là trường Tiểu Học Vĩnh Thạnh thuộc quận Lấp Vò tỉnh Sa Đéc. Lớp tôi học do cô Phụng dạy. Bảy tuổi đầu thì chả có gì để nhớ mà kể, chỉ là người cậu bà con đó, ông ta thuộc lớp người khó tánh, ngoài giờ đi học thì tôi được giao cho nhiệm vụ giữ em và chụm lửa lò nấu rượu. Hai việc nầy thì dễ lắm, lò nấu rượu, lâu lâu mới dùng cây sắt gạt một cái cho trấu rớt xuống lò để trấu cháy bùng lên, hết trấu thì lấy cái thúng xúc trấu trong bồ đổ thêm vào, khi nào rượu bắt đầu chảy ra thì lấy chai 1 lít mà hứng, hứng đầy rồi thì lấy chai khác thế vô, còn lại thì chỉ ngồi không chơi mà thôi. Vì ngồi không cả buổi, mà con nít thì lúc nào cũng năng động, không có việc gì để phá thì không chịu nổi, vì vậy mổi khi tôi bị giao nhiệm vụ chụm lửa lò rượu, thì tôi lận theo cuốn truyện Tàu để đọc. Ông cậu tôi mê truyện Tàu dử lắm, nhà ông có đủ các loại truyện từ Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Tam Hạ Nam Đường, Xuân Thu Chiến Quốc, Tiết Nhơn Quý...
Tôi ở đó một năm, đọc đi đọc lại tủ truyện của ông nhiều lần, nên những nhân vật trong truyện tôi nhớ rõ lắm, tôi thích Gia Cát  Khổng Minh với những sách lượt thần kỳ, ghét Bàng Quyên gian manh phản bạn, thích Na Tra tuổi nhỏ mà phép mầu cao cường, chịu ông Khương Tử Nha kiên nhẫn ngồi câu cá chờ thời, v… v... 
Tám tuổi thì ba má tôi lại đem anh em chúng tôi lên bờ và gởi cho bà Tám là em ruột ông ngoại tôi trên xã Mong Thọ. Vậy là tôi phải vào học ở trường Sơ Cấp Mong Thọ. Trường nầy chỉ có vỏn vẹn 3 lớp, mà tôi thì được xếp vào lớp ba. Phụ trách dạy lớp đó là một cô giáo rất đẹp và rất hiền. Cô Nhiên khi ấy còn trẻ lắm, cũng có thể là mới vừa ra trường với nhiệm sở đầu tiên. Ở thôn quê học trò thường được đi học trễ vì vậy lớp tôi học toàn là những anh chị lớn hơn vài tuổi, to xác hơn tôi nhiều cho nên cô giáo xếp tôi ngồi đầu bàn nhứt.
Cuối năm học cả bọn tôi phải ra Tân Hiệp thi vào lớp nhì. Một số anh chị to con, lớn tuổi bỏ học không đi thi. Cô Nhiên dắt 16 đứa bọn tôi lần đầu tiên ra chợ quận thi lên lớp. Sáu giờ sáng là chúng tôi tụ họp trước cổng trường cô tôi đã chờ ở đó trước. Cô đến khuyến khích tinh thần từng người một, với những anh chị lớn xác thì cô nói:
- Các em lớn nhất lớp, ráng cố gắng làm bài để cho tụi nhỏ noi gương.
Với những tên nhóc tì như tôi thì cô dặn:
- Em nhỏ nhất lớp, ráng thi đậu hạng cao cho cô hãnh diện nghen…
Mổi đứa chúng tôi cô đều có một câu khuyên bảo riêng.
Thi xong, trước khi lên xe về nhà, cô dắt chúng tôi vào quán ăn ở trong chợ, các anh chị lớn người gọi cơm, bún, bánh mì thịt, còn nhà tôi thì không có tiền nên 5 giờ sáng má tôi đã chiên cơm cho tôi ăn rồi, nhưng mấy hột cơm đó sau hơn 7 giờ nó đã biến mất trong bao tử vì thế tôi cũng hơi đói bụng, nhưng không có tiền trong túi tôi đành núp ngoài cửa quán chứ không dám vào. Cô Nhiên sau khi điểm danh thấy thiếu một đứa thì dáo dác tìm, khi thấy tôi đang lấp ló ngoài cửa, cô ra hỏi:
- Sao em không vô ăn rồi còn đi về, ở ngoài nầy làm gì? Trưa lắm mình mới về tới nhà em nhịn đói không nổi đâu.
- Thưa cô! Em ăn rồi.
Cô Nhiên cười nói:
- Mấy em mới vừa thi xong là cô dắt lại đây liền. Em ăn hồi nào mà cô không hay vậy?
Tôi rụt rè trả lời:
- Thưa cô! Trước khi đi má em có chiên cơm cho em ăn rồi, bây giờ còn no lắm, thôi em để chiều về nhà ăn chung luôn.
- Vậy cũng được, nhưng em phải vô trong đó mà ngồi chờ, chừng nào về cô khỏi mất công đi tìm.
Tôi bước theo cô vào quán, 15 người kia đã ngồi chật kín mấy cái bàn của quán ăn rồi, chỉ có bàn của cô giáo thì không có đứa nào dám ngồi ké. Tôi đứng xớ rớ chưa biết ngồi đâu thì cô Nhiên kéo tay tôi chỉ cái ghế kế bên:
- Em ngồi đó đi, đứng đó làm gì?
- Thưa cô! Em không dám ngồi chung với cô đâu.
Cô giáo cười hồn nhiên nói lớn cho cả bọn cùng nghe:
- Tại sao, không có em nào dám ngồi chung với cô hết vậy? Cô có ăn thịt đứa nào đâu mà tụi em phải sợ?
Tôi bị bắt buộc ngồi chung bàn với cô nên vừa run vừa sợ không dám nhìn qua ngó lạ xem tụi bạn đang ăn uống những thứ gì mà chỉ nhìn xuống đất . Cô Nhiên thấy vậy hỏi:
- Em! Hôm nay làm bài được hông vậy?
Nghe cô giáo hỏi tôi ngẩn đầu lên trả lời:
- Thưa cô! Bài thi dể lắm, em làm còn dư giờ quá trời luôn.
Tôi chưa dứt lời thì bụng kêu rột rột.
Cô Nhiên cười cười:
-  Em đói bụng rồi phải không?
Tôi chống chế:
- Thưa cô! Hổng phải đâu, em thường bị như vậy mà.
Cô tôi không nói gì chỉ lặng lẻ đến bên bà chủ quán nói nhỏ những gì không rỏ, một lúc sau bà chủ đem ra một dĩa cơm sườn để trước mặt. Má tôi chỉ đưa cho tôi có 2 đồng bạc để đi xe. Lượt đi trả hết một đồng rồi, đồng còn lại phải để dành cho lượt về vì vậy tôi sợ lắm nên nhìn cô Nhiên nói:
-  Thưa cô! Em không có gọi mua cơm mà sao người ta đem ra vậy? Má em cũng không có cho tiền đem theo.
Nói xong tôi đứng vậy định đi ra để khỏi bị phiền phức với dĩa cơm sườn hấp dẩn đó. Cô Nhiên vò đầu tôi nói nhỏ:
- Cô mua cho em đó.
Tôi vừa thèm ăn vừa mừng quýnh trong bụng nhưng vẫn phải từ chối:
- Cô ăn trước đi em còn no chưa có đói đâu.
Bà chủ quán lại đem ra một dĩa khác còn lớn hơn và thịt nhiều hơn, hấp dẫn hơn làm tôi muốn chảy nước miếng. Cô tôi ra lịnh:
- Dĩa cơm đó em mà ăn không hết thì phải trả tiền, còn em ăn hết thì cô sẻ trả cho. Thôi ăn lẹ đi các em khác đã ăn xong rồi chỉ còn hai cô trò mình thôi.
Thú thiệt với các bạn nhà tôi lúc đó nghèo lắm, quanh năm suốt tháng chỉ biết có cá, mắm, chuột và rau mà thôi, thịt heo thì mổi năm đến Tết mới được ăn còn ngày thường thì không bao giờ rớ tới vì thế khi mà cô giáo tôi vừa ra lịnh xong là tôi ra tay cấp kỳ, trong tích tắc là  dĩa cơm sườn đã nằm gọn trong bụng rồi. Thấy tôi nhỏ con mà ăn mạnh hơn người lớn, cô tôi lấy cái dĩa không sớt bớt gần phân nửa phần cơm của mình rồi nói:
- Em ăn tiếp dùm cô đi, cô hơi mệt, chắc là ăn không nổi đâu...
Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi “Không biết cô Nhiên vì kiêng ăn, sợ mập muốn giữ cho thân hình lúc nào cũng gọn đẹp hay là cô tội nghiệp cho đứa học trò nghèo mà ham ăn như tôi”...
Cô tôi thì thương những đứa học trò của mình như thế. Còn đám nhóc chúng tôi sau kỳ thi đứa lên lớp thì ra Tân Hiệp học ̣đứa phải ở lại lớp có khi mắc cở nghỉ học luôn.
Tựu trường năm sau tôi không còn học với cô nửa, nhưng thỉnh thoảng một vài tháng tôi cũng có ghé thăm cô nhưng rồi không biết từ khi nào tôi quên mất cô của mình, quên luôn dĩa rưởi cơm sườn tình nghĩa đó, cho tới 13 năm sau, khi tôi và hai đứa bạn đồng nghiệp đang xếp hàng chờ lảnh lương ở phòng tài vụ của sở học chánh tỉnh Kiên Giang thằng Mạnh nói:
- Ê! La Anh, lảnh lương xong 2 thằng tao theo mầy về nhà chơi cho biết nghen? Rồi sáng mốt tụi mình về Xẽo Rô luôn.
Thằng Bé thì không đồng ý.
- Mong Thọ có khác gì Miệt Thứ đâu mà đòi vô chơi? Ba đứa mình mướn khách sạn ở chơi đêm nay tới chiều mai rồi về luôn.
Tôi lên tiếng phân đôi giữa 2 đứa bạn:
- Tao phải về thăm nhà mới được, đứa nào muốn vô chơi thì tao chở cho, còn muốn ở lại thành phố thì trưa mai tao ra khách sạn rước rồi cùng về Xẽo Rô luôn.
Nghe ba thằng tôi bàn cải um trời cô đồng nghiệp đứng phía trước quay lại nhìn. Tôi giật mình, sao mà giống cô giáo của tôi quá .Tôi lên tiếng hỏi:
- Xin lổi! Cô có phải là cô Nhiên đã dạy ở Mong Thọ hơn mười năm trước không?
Mười ba năm sau cô giáo không có gì thay đổi, chỉ là tuổi đời chồng chất nhiều hơn một ít mà thôi, còn đứa học trò nhỏ tí ngày xưa thì đã thành đồng nghiệp nên cô không nhận ra. Cô nhìn tôi chăm chăm từ đầu tới chân rồi mới trả lời:
- Ừ! Đúng rồi, tôi đã dạy ở đó 4 năm rồi mới xin về cầu Quây, còn thầy là ai mà biết tôi vậy?
Tôi mừng quá vội bước tới cuối đầu chào:
- Thưa cô! Em là đứa học trò nhỏ mà khi cô dắt đi thi lên lớp nhì ở Tân Hiệp, nó đã đớp mất của cô hơn một dĩa cơm sườn...
Tôi chắc là học trò tâm đắc nhất trong đám nhóc tì ở Mong Thọ của cô nên vừa nhắc là cô nhớ ra liền:
- La Anh hả ? Mèn ơi ! Lớn quá rồi, làm sao mà cô nhận ra em được. Đi dạy hồi nào vậy? Bây giờ đang dạy ở đâu? 
Cô thì cứ liên tục hỏi, còn trò thì chỉ trả lời mà hồn thì trở về những ngày vui vẻ vô tư của thời con nít chưa hề biết phá phách...
Biết nhà và nhiệm sở của cô mình, vậy mà tôi quên bẵng đi chưa một lần ghé lại thăm để trả món nợ dĩa cơm sườn tình nghĩa, mặt dù hằng tháng đều đặng tôi vẩn chạy ngang trường cô dạy để đi lảnh lương.
Rồi vận nước đổi thay, cuộc đời thay đổi, tôi theo bạn bè vượt biển bỏ nước ra đi, phải đến đúng chu kỳ 13 năm sau tôi mới trở về thăm lại cô mình.
Cầm gói quà ván kín trong tay cô Nhiên cười nói :
- Em trả tiền dĩa cơm lại cho cô à ?
- Thưa cô ! Không đâu, dĩa cơm đó không có gì sánh với nó được. Gói quà nầy chỉ là em muốn bày tỏ lòng mình với cô giáo ngày xưa thôi mà 
Cô giáo tôi tiếp tục cười :
- Vậy thì cô cũng chỉ để nó trong tủ kiếng mà chưng chơi vì đó là tấm lòng của học trò mình, đã gần 30 năm sau mà nó vẫn còn nhớ cô giáo cũ...
Trường Sư Phạm ở Việt Nam bây giờ đào tạo ra những cán bộ giáo dục, không đào tạo ra những cô giáo, thầy giáo như cô tôi ngày xưa nửa, cho nên các bạn đừng thắc mắc tại sao lại có những đứa học trò dám đánh cả thầy cô của mình để họ phải vào nhà thương...
Chẳng qua là...




4 comments:

Anonymous said...



La Em có đọc truyện Càn Long du Giang Nam không? Đoạn Phương Thế Ngọc lúc nhỏ được bà mẹ ngâm trong chậu thuốc mỗi ngày nên thân thể của PTN được coi như là mình đồng da sắt. Thuở nhỏ thân thể La Em được ướp bởi hơi hèm, hơi rượu bốc lên từ lò nấu rượu mỗi ngày cho nên các bợm nhậu gặp La Em phải cúi đầu phủ phục chào : TỬU VƯƠNG .
BLG

Anonymous said...

Sinh ra trong một gia đình nghèo hay giàu đâu phải ai muốn cũng được? Đời sống như anh tôi thấy cũng may mắn lắm, lúc còn nhỏ sống dưới ghe nhỏ xiú nhưng chắc là mát mẻ lắm, tôi nghĩ gió dưới sông mát hơn gió trên bờ???? không phải chịu những trận nắng nóng nực của mùa hè, và sống như vậy anh đã quen dần cuộc sống khó khăn, mới 7 tuổi anh đã biết giữ em, thổi lửa nấu rượu, trong khi những đứa trẻ khác ở tuổi nầy thì chỉ biết đi chơi.....công việc lúc nhỏ đã rèn luyện cho anh khả năng làm việc có trách nhiệm tốt, sức chịu đựng bền bĩ.... lúc anh vượt biên qua Mỹ, với khả năng sẳn có anh đã hơn hẳn mọi người rồi. bc

Anonymous said...

Anh LN vẫn còn nhớ tới dĩa cơm sườn tình nghĩa , chắc Cô Giáo năm xưa rất hạnh phúc khi có đứa học trò của mình sau mấy chục năm trời phiêu bạc vẫn còn nhớ đến mình mà ghé thăm thiệt là chẳng uổng công dạy dỗ chút nào mà sau lần đó Anh có về thăm Cô Giáo cuả Anh nữa hông vậy Anh La...(Làng)..ý quên La Anh hi..hi ( đừng la tui nghen ! )HTX

Anonymous said...

Thưa Sư Bá!
Hồi nhỏ đệ tử ngâm hơi hèm chỉ có một năm thôi cho nên tửu lượng của đệ tử còn tệ lắm . Đụng trận nhỏ thì hổng sao đánh trận lớn thì hổng chết cũng bị thương trầm trọng .
Chị BC !
Đúng ! Tui vẫn tin có số mạng ,nhìn lại lối xóm của tui , gia đình tui vẫn là có phước hơn họ rất nhiều .Người nghèo có người cũng siêng năng làm việc có người cũng lười biếng lắm . Chịu cực khổ làm việc tay chân thì có ,biết tính toán để hơn người ta thì ít có ai ..
HTX !
Tui cũng không phải là đứa tốt lành gì đâu . Mấy năm đầu đám học trò của tui hay lui tới nhà, nên tui còn nhớ cô giáo của mình . Sau nầy tụi nó bận gia đình ít khi lui tới , nhà ai nấy ở chuyện ai nấy lo cho nên tui cũng không còn nhớ mà thăm cô tôi thường .Có lẻ đã qua một chu kỳ khác rồi đó...LN