______
Phạm Tín An Ninh
Thời gian gần đây, một số báo chí trong nước đã đồng loạt phổ biến và đề cao giá trị “hòa hợp hòa giải” của tấm ảnh “hai người lính”, mặc dù nó đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007, trong một cuộc triển lãm tại Hà Nội, với một cái tên khá hấp dẫn “Ước Vọng Hòa Bình”.
Tấm ảnh chụp hai người lính, một người lính TQLC của miền Nam (VNCH) và một anh bộ đội của miền Bắc (Cộng sản), được tác giả là ông Chu Chí Thành, nguyên Trưởng Ban Biên Tập, Sản Xuất Ảnh Báo Chí của Thông Tấn Xã (Bắc Việt), và cũng là nguyên Chủ Tịch Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh VN, cho biết là chính ông đã chụp tại lằn ranh chiến tuyến Triệu Phong, Quảng Trị vào tháng 4/1973 sau Hiệp định Paris (có hiệu lực từ ngày 27.1.1973). Tác giả bức ảnh cũng như một số báo chí tại Việt Nam đã (và đang) đi tìm hai nhân vật trong tấm ảnh đặc biệt này, mà họ cho là biểu tượng của “Ước Vọng Hòa Bình” và “Tinh Thần Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc” (!).
Cho đến hôm nay, tông tích người lính miền Bắc đã được sáng tỏ. Có điều là anh đã qua đời cách đây khoảng 5, 6 năm. Không biết trước khi chết, anh có còn nhớ người lính miền Nam đã choàng vai anh rất thân tình trong tấm ảnh năm xưa, bên đôi bờ chiến tuyến, và anh có ân hận vì đã từng “phải” cầm súng bắn giết đồng bào, anh em ruột thịt miền Nam, để cuối cùng chỉ tiếp tay gầy dựng một chế độ phi nhân, một chính quyền tham nhũng, man rợ, phản dân hại nước như hôm nay?
Còn anh lính miền Nam kia thì giờ này đang ở đâu? “Bến Hải hay Cà Mau?”. Có lẽ anh đã chết sau Hiệp Định Paris, ngay sau cái ngày anh choàng vai anh bộ đội miền Bắc với chút hy vọng mong manh: Hiệp định Paris mang tên Hòa Bình sẽ được chính quyền CS miền Bắc thực thi, vì sinh mạng của đồng bào, vì hòa bình của hai miền dất nước? Thân xác anh có thể vùi nông ở đâu đó, bên dòng sông Thạch Hãn hay trên bờ biển cát An Dương (Thuận An) trong giờ thứ 25 của cuộc chiến. May mắn hơn, nếu có được nấm mồ bên cạnh đồng đội được an táng trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, thì cũng đã bị chính quyền “bên thắng cuộc” đập bia, phá mộ, san bằng từ lâu rồi. Nếu còn sống, chắc cũng đang mang bao thương tích cả trên thân xác lẫn trong tâm hồn, bị chính quyền “bên thắng cuộc” kỳ thị, truy bức. Cũng có thể anh là một trong những người thương binh, lê lết đến Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, mong được nhận một chiếc xe lăn, một xuất khám bệnh của những người còn giữ được tấm lòng, nhưng đã bị đám công an đe dọa, ngăn cản, đuổi xô trong bước đường cùng!
Là một người lính TQLC, anh đã được rèn luyện trong tinh thần kỷ luật và tình “huynh đệ chi binh”, nếu còn sống, chắc chắn anh không hề muốn lên tiếng, nhận mình là người trong tấm ảnh, đang được tung ra nhằm lợi dụng cho một chiến dịch tuyên truyền “Hòa Hợp Hòa Giải” một cách lố bịch.
Tấm ảnh mà tác giả, người từng là Trưởng ban Biên Tập, Sản Xuất Ảnh của Thông Tấn Xã một nước, và sau này là ChủTịch Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam, cho là rất tâm đắc, rất cảm động, là tác phẩm mang ý nghĩa đặc biệt nhất trong cuộc đời nhiếp ảnh, mà sao ông phải “giấu nhẹm” đến 34 năm, trong đó có cả 32 năm “chiến tranh đã kết thúc, hòa bình và thống nhất được thiết lập trên cả nước”? Bây giờ tấm ảnh được tung ra cùng một lúc trên nhiều tờ báo “lề phải” vốn chỉ làm theo lệnh đảng, ông Chu Chí Thành “vô tư” trả lời các cuộc phỏng vấn, và lúc nào ông cũng gán cho tấm ảnh cái “biểu tượng của Tinh thần Hòa Hợp Hòa Giải”.
Ai có ước vọng hòa bình, và ai hòa hợp hòa giải với ai? Ngay từ tháng 4/ 1973, chính người lính miền Nam đã can đảm, theo lời mời của một anh bộ đội miền Bắc, đi tay không sang chiến tuyến bên kia đang có đầy súng đạn và cả tên lửa dưới các giao thông hào (theo lời kể của ông Chu Chí Thành), để bắt tay cô “bộ đội gái” và choàng vai chụp ảnh với người “anh em bên kia”, trong niềm hy vọng (dù rất mong manh) là Hiệp Định Hòa Bình Paris sẽ thực sự mang lại hòa bình, khi quân đội Mỹ không còn hiện diện trên đất nước. Vậy mà cái hòa bình “giả tạo” khốn kiếp ấy không kéo dài được quá hai tháng! Chính CS Bắc Việt, với bản chất xảo quyệt tráo trở, lợi dụng thời gian “hưu chiến” này để ồ ạt đưa đại quân, chiến xa và súng đạn vào đánh chiếm miền Nam, gieo thêm bao nhiêu tang tóc, để cuối cùng tạo nên một đất nước khiếp nhược, rệu rã tất cả mọi phương diện, từ đạo đức, giáo dục đến kinh tế, để nuôi béo đám cường quyền Cộng Sản thối nát, hèn mạt hôm nay. Vậy mà cái chiêu bài “đánh Mỹ cứu nước” vẫn có thể lường gạt, làm mê muội cả bao nhiêu triệu dân miền Bắc, bởi năm 1973 không còn hiện diện một người lính Mỹ nào tại chiến trường miền Nam!
Sau Hiệp Định Paris 1973, đơn vị tôi trú đóng tại Kontum. Cũng có một thời gian ngắn “ngưng bắn kiểu da beo”. Chúng tôi được một đơn vị CS chính thức mời sang “vùng tạm chiếm” để “liên hoan”. Trong chúng tôi không một ai tin đó là lòng thành thật và sẽ có hòa bình. Tuy nhiên để tỏ thiện chí (và thăm dò), một nhóm mười hai người, dưới sự hướng dẫn của một vị trung tá, cũng đươc lệnh đi tay không sang vùng đất địch, mang theo một xe (Jeep) bánh mì, thịt hộp, bia và thuốc lá Quân Tiếp Vụ làm quà cho những “người anh em”. Chúng tôi được một “thủ trưởng” mang “quân hàm thượng tá” tiếp đón. Tất cả cùng “liên hoan” với bánh mì thịt, bia và thuốc lá của chúng tôi mang đến. Dĩ nhiên là chúng tôi ăn trước để họ tin là không bị thuốc độc. Sau đó còn được mời đấu giao hữu bóng chuyền. Cả đơn vị tôi cùng một hợp đoàn trực thăng phải ứng chiến sẵn sàng trong suốt thời gian nhóm mười hai người “liên hoan” trên phần đất địch. (Bởi qua bao nhiêu kinh nghiệm máu xương, đặc biệt là cuộc “hưu chiến” để đồng bào mừng Tết Mậu Thân (1968) đã được hai bên thỏa thuận, vậy mà Hồ Chí Minh còn trực tiếp ra lệnh tấn công trá hình bằng “lời chúc Tết của bác” trên đài phát thanh Hà Nội. Kế hoạch “tổng tấn công và nổi dậy” trên khắp các thành phố lớn miền Nam đã bị thảm bại, nhưng CS đã giết biết bao nhiêu thường dân vô tội. Đặc biệt tại Huế, trước khi rút lui, CS còn ra lệnh giết và chôn sống tập thể cả hàng vạn người. Đến hôm nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường, một kẻ nhúng tay vào cuộc tắm máu đó, đang phải sống trong những ngày thê lương, hoảng loạn, bởi ám ảnh những oan hồn).
Sau cuộc “liên hoan mừng hòa bình” đó không bao lâu, thì CS đồng loạt mở các cuộc pháo kích thật dữ dội và tấn công chúng tôi, nhưng đều thảm bại, vì chúng tôi không bất ngờ, đã chuẩn bị sẵn sàng. Khai thác đám tù binh bị bắt, họ khai là cuộc “liên hoan” hôm ấy chỉ là màn kịch bịp do cấp trên đạo diễn, và tay “thủ trưởng mang quân hàm thượng tá” tiếp chúng tôi hôm ấy thực ra chỉ là một anh hạ sĩ. Còn tay thượng tá chính thức thì đóng vai “cần vụ”. Chúng tôi không hề ngạc nhiên về bản chất xảo quyệt của những người CS.
Người dân miền Nam và đặc biệt là người lính miền Nam, luôn có ước vọng hòa bình, luôn mong ước dân chúng hai miền Nam Bắc được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Chúng tôi không hề muốn chiến tranh, chúng tôi chỉ phải cầm súng để tự vệ. Tính nhân bản của người lính miền Nam được thể hiện qua tâm tư của một người lính từng phục vụ trong một đơn vị biệt kích, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bắc Sơn (vừa qua đời ở Việt Nam):
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
nghe súng rừng xa nổ cắc cù
chợt thấy trong lòng mình bát ngát
nỗi buồn sương khói của mùa thu
(Mật Khu Lê Hồng Phong)
….
Kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
ăn muối đá và hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân với rượu đế mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
(Chiến Tranh Và Tôi)
Người dân miền Nam, trong đó có cả hơn một triệu người miền Bắc đã phải bỏ quê hương di cư vào Nam năm 1954 cùng con cháu sau này, cầm súng chỉ để tự vệ, không hề gây chiến tranh bên kia bờ Bến Hải. Vậy ai là kẻ gây ra chiến tranh để giết hàng mấy triệu người “anh em” của hai miền Nam Bắc, làm tan hoang cả đất nước, và điêu linh khốn khổ cho cả một dân tộc?
Bà Dương Thu Hương, một đảng viên, nhà báo Cộng Sản, trên đường vào “tiếp thu” thành phố Sài gòn trong những ngày cuối tháng 4/75, khi đến ranh giới miền Nam, nhìn thấy sự văn minh, phồn thịnh,so với miền Bắc XHCN, đã ngồi bên lề đường bật khóc, đau đớn nhận ra: Kẻ man rợ đã thắng!
Người Cộng Sản, Đảng Cộng Sản Việt Nam là một vết nhơ lớn nhất trong lịch sữ, mang trọng tội với dân tộc. Tấm ảnh hai người lính là một chứng tích tráo trở, lừa bịp, soi sáng thêm tội ác của người CS. Đó không thể là một “biểu tượng của tinh thần Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc.” Bởi dân tộc này không cần phải hòa hợp hay hòa giải. Chỉ có những người Cộng Sản luôn gây hận thù chia rẽ và tạo quyền lực tuyệt đối cho riêng mình bằng bạo lực , đứng trên pháp luật, bất chấp mọi thủ đoạn bẩn thỉu, man rợ, để đè đầu cỡi cổ, bịt miệng cả một dân tộc Việt Nam khốn khổ.
Phạm Tín An Ninh
(một người lính VNCH)
1 comment:
Người CS kêu gọi hòa hợp chỉ với mụch đích bảo vệ đảng chứ hoàn toàn không phải vì yêu nước thương dân. Vì nếu yêu nước, thương dân họ đã không nhận xe tăng, đại pháo ...của hai nước đàn anh Liên Xô, Trung Cộng đem vào xâm lược miên Nam mà đáng lý ra phải tìm một giải pháp hòa bình, hợp tình dân tộc hơn, không gây tang tóc, điêu linh, giết hại cả 4 triệu người ở hai miền, áp đặt một chê độ độc tài đảng trị đè đầu cỡi dân lành, cai trị không phải nhân trị, không phải pháp trị mà là bá trị.Cuộc chiến đấu của quân dân miên Nam là một cuộc chiến đấu tự vệ của những người yêu chuộng tự do, dân chủ , nhân bản, hưng thịnh ... không chấp nhận chủ thuyết CS vô thần, đặt nền tảng trên bạo lực .Lịch sử cướp chính quyền và thực tế các vụ cưỡng chế đất đai, các vụ công an đánh chết ngưởi xảy ra hàng ngày trên quê hương chứng tỏ điều đó.
Post a Comment