Xuất hiện "trăng lạnh" đêm Giáng sinh 2015 sau 38 năm
Hiện tượng “trăng lạnh” sẽ rơi đúng vào ngày lễ Giáng sinh năm nay.
Phát ngôn viên của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết mặt trăng trong tháng này sẽ đạt mức tròn nhất vào đúng ngày ngày lễ Giáng sinh. Hiện tượng trăng tròn vào tháng 12 còn được gọi là “trăng lạnh” vì xảy ra vào tháng lạnh nhất năm.
Trước đó, trăng tròn đã xuất hiện vào Giáng sinh năm 1977. Sau năm nay, phải tới tận năm 2034 bạn mới được thấy trăng tròn vào đúng dịp Giáng sinh một lần nữa. Đối với những ai dưới 38 tuổi, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến và trải nghiệm hiện tượng thú vị này.
Theo Fred Espenak, người chuyên nghiên cứu về mặt trăng, nhật thực và nguyệt thực tại Trung tâm Không gian Goddard của NASA cho biết hiện tượng này sẽ diễn ra vào đêm ngày 24/12 và 25/12 năm nay.
Những người sống tại Mỹ sẽ thấy trăng tròn hoàn hảo nhất vào đêm 24/12, còn những người châu Âu sẽ thấy trăng tròn nhất vào ngày 25/12.
Cứ khoảng 29.5 ngày thì mặt trăng sẽ tròn một lần, nhưng chu kỳ của mặt trăng không được phân bổ đều theo số ngày của dương lịch do mỗi tháng của dương lịch có từ 30 đến 31 ngày. Chính vì thế, mỗi một năm hiện tượng trăng tròn sẽ lệch từ 11 đến 12 ngày.
Như vậy, hiện tượng trăng tròn tháng 12 năm sau rơi vào ngày 14/12 và chúng ta phải chờ 19 năm nữa mới thấy trăng tròn đêm Giáng sinh.
Vào ngày lễ Giáng sinh sắp tới, trăng tròn cũng được coi là nhỏ nhất từ năm 2004. Hiện tượng này xảy ra khi mặt trăng ở điểm xa nhất trên quỹ đạo quanh trái đất.
NASA cho biết mặt trăng vào ngày lễ Giáng sinh cũng sẽ đủ sáng để chiêm ngưỡng bằng mắt thường và có thể quan sát rõ nét bằng kính thiên văn hay ống nhòm.
Hán Minh/Người đưa tin
No comments:
Post a Comment