Thursday, December 3, 2015

Một thoáng quê nhà

______________

_
NN_Motthoangquenha.jpg




Đã hơn 20 năm tôi chưa một lần trở lại quê nhà, dù bao lần hẹn với người thân trong gia đình ít nhất cũng  phải có một lần gặp lại. Nếu không có Đại Hội trường xưa của tôi tổ chức tại Melbourne bên Úc châu, tháp tùng nhiều anh chị đồng môn tham dự thì chắc chuyện về thăm gia đình cũng chỉ là một giấc mơ.

Khi ngồi trong phi cơ chờ hạ cánh xuống phi trường TSN, tôi cảm thấy hơi hồi hộp dù đã nhủ lòng không có gì phải lo lắng. Nỗi vui mừng khi sắp gặp lại gia đình, chuẩn bị sẵn những gì phải "đối phó" sau nhiều năm dài xa quê hương. Suốt đoạn đường bay khá dài, trò chuyện cùng một cặp vợ chồng trẻ cũng từ Hoà Lan về thăm nhà. Tuy mới quen,  khi biết đây là lần đầu tôi trở lại quê hương anh ta tò mò hỏi

- Chị có thể cho biết cảm tưởng của chị khi về lại quê nhà?


Cảm tưởng ư? Nhiều lắm chứ, cả nỗi suy nghĩ vẩn vơ nếu như có điều gì không vui xảy tới. Suy nghĩ một chút tôi trả lời anh ta:

- Ngày tôi đi trời còn mờ sương, nay trở về trời đã hoàng hôn. Như một giấc mộng dài. Tôi đang nghĩ đến gia đình, đến niềm vui xum họp sau hơn hai mươi năm mà may mắn là các anh, chị tôi còn sống cả.

Đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi như chạm mặt với một bức tường băng giá, xa lạ và lòng lại tràn ngập nỗi lo sợ vẩn vơ. Mãi tới khi qua khỏi những thủ tục phiền phức, có người muốn tôi đưa một chút gì đó mà họ gọi là "chút quà cho quê hương", ra ngoài gặp lại bao người thân trong gia đình tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, những ngày về thăm nhà tôi không ghi lại gì ngoài những khúc phim và hình ảnh, nhưng trong tâm tôi mỗi một nơi tôi đến đã ghi đậm bao nhiêu cảm xúc buồn, vui ...

Sài Gòn

Hơn hai mươi năm trở lại, Sài Gòn về đêm trời vẫn oi bức. Vây xung quanh là người thân ra đón, tôi ngỡ ngàng nhìn mấy đứa cháu nay cũng già đi với thời gian, trách nào tôi cũng già đi khi mấy đứa cháu ngày tôi ra đi mới ngoài hai mươi tuổi, nay tôi về đã ngoài bốn mươi, đã lập gia đình và với một thế hệ tiếp nối chào đời có vài đứa cháu đã tốt nghiệp Đại Học. Tình cảm của tôi đối với các anh, chị trong nhà, với lũ cháu thân yêu ngày nào không thấy có chút đổi thay  trong mắt nhìn của tôi, lại cảm thương hơn khi hiểu những đưá cháu một thời sinh ra đã chịu bao thiệt thòi trong nỗi nhọc nhằn, đắng cay với cha mẹ sau ngày chiến tranh chấm dứt, hiện tại vẫn vất vả để mưu sinh.


Đêm Sài Gòn đèn màu chấp chới, những con đường mới mở sau này thuộc vùng phi trường TSN ngày xưa, khi tôi ra đi chỉ thưa thớt nhà cửa và đồng ruộng, nay thành phố xá nhà cửa san sát. Người ta đi đâu mà đông vậy? Lòng đường chật chội hay trước hàng hiên của mỗi căn nhà, hình như vẫn bán buôn một thứ gì đó. Sau này tôi mới nhận ra vẻ phồn thịnh này tiêu biểu cho một nền kinh tế èo uột, người dân bán mua, mua bán lẫn nhau để tìm cách sống, giữa một thành phố vật giá leo thang, khó tìm nổi công ăn việc làm vững chắc.

Chiếc taxi đưa tôi trở về căn nhà của người anh cả trong một ngõ hẻm chật không thể nào rộng hơn được nữa. Tuy là hẻm nhỏ nhưng ven bờ rào vẫn phảng phất mùi nguyệt quế, trời nhấp nháy sao đêm, dịu bớt đi chút nóng bức và khói bụi của thành phố đông người. Anh chị tôi vẫn còn thức chờ tôi về, tôi cứ nhớ mãi một ngày nửa đêm về sáng cách đây hơn 22 năm, khi tiễn tôi và gia đình ra đi anh đã bật lên khóc hù hụ . Nay trở về, anh tôi già quá, miệng  móm mém vì mất đi những chiếc răng, lần này thì anh không khóc mà chỉ lặng nhìn cô em út sau hơn hai mươi năm biền biệt cách xa . . .

Đêm đầu tiên về thăm nhà, Sài Gòn ban đêm vẫn hầm hập nóng dù máy lạnh chạy rì rì và quạt quay đều đều. Nhà chật nên tôi rủ bà chị ruột ngủ chung cho vui, chị em rù rì chuyện trò mãi mà chưa ngủ được, bao nhiêu buồn vui hơn hai mươi năm xa cách. Chị già đi nhiều, thanh âm của "cô giáo gìa" trầm đi như nốt nhạc buồn.  Tuy vậy tôi vẫn nhìn ra sự thương yêu, trìu mến săn sóc của chị dành cho tôi như ngày còn thơ dại, và nhớ cả thời gian chị em tôi phải vật lộn để mưu sinh giữa chợ đời đen bạc. Chị là nhân vật cô giáo bán chợ Trời trong câu chuyện "Lá Thư Gửi Thầy Giáo Cũ" tôi viết đã lâu, bóng dáng một cô giáo gầy gò, ngồi bệt trên mảnh ny lông trải bên hiên phố chợ vẫn còn đó. Với anh, chị trong nhà, mỗi người đều được tôi ghi lại thành một câu chuyện, mà sao chuyện nào cũng buồn đến  rơi lệ ...

Mấy lần thức giấc trong đêm, sớm tinh sương tôi mới chập chờn đi vào giấc ngủ. Ấy là nhờ tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh từ nhà hàng xóm vọng sang, hình như trong các ngõ hẻm ở Sài Gòn luôn luôn có tiếng động, không trẻ con chạy chơi thì cũng là tiếng rao hàng của mấy gánh hàng rong. Nhớ tiếng rao hàng của Sài Gòn năm nao, tôi lại chợt nhớ đến một người bạn cũ, cái thời "cạn ao thì bèo xuống đất" ở nhiều thập niên trước, chúng tôi gặp nhau bên lề đường gió bụi để ... mưu sinh. Chị kể lúc kinh tế gia đình xuống đã phải bưng thúng xôi rao bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Ngặt từ bé đến lớn chị là "em là gái trong song cửa", nên đâu biết rao hàng làm sao. Bưng thúng xôi đi vào con ngõ tối om, nhìn trước nhìn sau không thấy ai chị mới dám cất tiếng rao "Ai ăn xôi không?" thì tự nhiên nghẹn lời, nước mắt rơi lả chả. Chao ơi là tội, trở về Sài Gòn hôm nay, nhớ tiếng rao hàng của những người mua gánh bán bưng,  tôi lại nhớ đến chị ấy, không biết giờ này phiêu bạt nơi đâu?

Bình minh Sài Gòn trời oi bức, mới rạng đông mà người rít chịt mồ hôi báo hiệu một ngày nắng gắt. Chị tôi rủ đi ra đầu ngõ ăn phở, tôi muốn thưởng thức lại hương vị Phở Sài Gòn năm xưa xem thế nào. Cũng tạm được, chỉ buồn cười là phở Sài Gòn bây giờ lại ăn với rau ngò om, loại rau chỉ dùng để nấu canh chua. Cố nuốt cho xong tô phở nhỏ tôi hiểu đất Sài Gòn vật giá đắt đỏ, muốn bán một tô phở cho người bình dân dĩ nhiên là chủ tiệm phải tính toán kỹ chi ly từng miếng thịt. Tôi không quan tâm về miếng ăn và rất cảm thông khi hoàn cảnh sống chỉ cho phép ... có thế thôi!

Quay về nhà bần thần trước mấy va ly đồ đạc ngổn ngang, tôi lại phải chuẩn bị hành lý cho chuyến bay tối qua Úc. Úc đang vào thu, Sài Gòn lại nóng chảy mỡ, trong va ly chèn đầy nhóc quần áo ấm ,  tới đây tôi thấy toát mồ hôi, mệt rã rời ... khi nghĩ tới lúc phải bước chân vào phi trường, với những thủ tục hải quan rắc rối . . .

Hai tuần lễ ở Úc, hội ngộ Trường Xưa với các anh, chị đồng môn, được hưởng những ngày vui thật trọn vẹn với các anh, chị dù rất nhiều người tôi chưa gặp bao giờ. Nửa tháng trời ở bên Úc, là đúng nửa tháng tôi được thăm nửa vòng nước Úc. Đó là người ta bảo vậy, vì các tiểu bang của Úc đều nằm lòng vòng theo bờ biển, ở giữa là sa mạc nắng cháy nên nước Úc rộng thênh thang mà không có người ở.

Thế rồi sau chuyến Úc Du, sau đại hội được lang thang trên các nẻo đường, từ Melbourne một ngày bốn mùa nóng lạnh nắng mưa, đến Sydney khí hậu ấm áp mặc dù bấy giờ là mùa thu nước Úc, chúng tôi còn được đến Brisbane biển xanh trời xanh tuyệt đẹp.Hai tuần rong chơi để tận mắt nhìn thấy sự hiền hoà, thân ái của người bản xứ, được gặp lại hai người bạn cũ cùng xóm từ những ngày còn nhỏ, quay về Sài Gòn đến phi trường TSN, trong lòng lại luấn quấn  một điều gì mù mờ không rõ rệt Ai ngờ lần trở về này lại là lần cuối cùng anh em tôi được sống gần nhau để nói nốt những câu chuyện dở dang ...

Ngoài những chuyến du lịch ngắn ngày, tôi thích về nhà với anh tôi, tuy căn nhà chật chội những cảm thấy được che chở ấm áp. Chị gái tôi từ Long Xuyên lên. Buổi chiều khi cơm nước xong, một lũ cháu lớn, nhỏ ngồi vây quanh nghe các ông, bà nói chuyện. Riêng tôi kể chuyện về nước Mỹ xa xôi, chuyện của đời thường với sự thật 100%  về cái xứ sở mà mọi người cứ tưởng chỉ toàn "mật và sữa". Nước Mỹ đâu phải thiên đàng nhưng nó cũng không phải hoả ngục, cũng "tay làm hàm nhai" nhưng cơ hội thường mở cửa cho người chịu khó và kiên nhẫn sống một cách lương thiện, được bảo vệ và hít thở bầu không khí tự do tuyệt vời.

Thời gian đó sức khoẻ anh tôi đã xuống dốc, với những đêm khó ngủ vì chứng tim mạch hành hạ. Nhờ có tôi về thăm, nên anh có vẻ khoẻ lên nên cả nhà ai cũng mừng, những bữa cơm đơn sơ trong gia đình ngon hơn nhà hàng dù thật là giản dị. Lại nhớ đến những bữa cơm dưa cà của mẹ tôi thời thơ ấu, cái vui không phải vì "cao lương mỷ vị" mà vì cái tình đầm ấm của một gia đình đoàn tụ.

Sau bữa cơm tối cả nhà quây quần bên nhau nói chuyện cũ.Trong mỗi hồi tưởng, anh nhắc nhiều về căn nhà cũ nơi chôn nhau cắt rốn ở phố Cửa Tiền, Sơn Tây, những lần hành quân giày "sault" bê bết bùn sình, và cả những khuôn mặt đồng nghiệp báo chí, hay đồng đội cùng làm việc chung ngày xưa trong đời lính, anh tôi chẳng quên ai. Mấy đứa cháu nội, ngoại của anh lại há hốc mồm ra nghe các ông bà nói chuyện. Đối với chúng cũng giống như chuyện đời xưa, mà nào có xa xôi gì, chỉ mấy chục năm trước thôi sao lại giống như chuyện cổ tích. Việt Nam bây giờ không còn khói lửa chiến tranh, mà chỉ còn là khói bụi ngập đường, đâu tìm ra được cái êm đềm của "đường xưa lối cũ" với những tà áo dài tung bay trên hè phố.

Chuyện hai chị em tôi cũng buồn. Chị kể cảnh một cô giáo nghèo, lắm khi trên mâm cơm chỉ duy nhất có một cái hột vịt giầm nước mắm để chấm rau. Mỗi năm tiêu chuẩn phân phối mỗi người 2 mét vải, may được cái quần thì không có cái áo. Mấy đưá cháu lại hít hà, miệng há ra vì ngạc nhiên quá đỗi. Một đưá cháu ngoại của anh quay qua hỏi mẹ nó:
- Thật không mẹ?
Mẹ nó là đưá cháu gái gọi tôi bằng cô, gật đầu trả lời con giọng cũng bùi ngùi:
- Thật đó, tại bây giờ con no đủ rồi nên không thấy được cảnh đó đâu. Hồi đó bằng tuổi con mẹ đã phải nghỉ học ở nhà vì trường huyện xa quá, phải học thêu may đan lát tiếp ông bà ngoại kiếm cơm". Rồi nó đánh trống lảng: "Thôi con đừng hỏi nữa ..."
Giọng cháu nghẹn ngào vì nỗi khổ ngày xưa hiện về như một cuộn phim buồn. Tôi nhìn cháu mà đứt ruột, nghèo là cái tội đổ lên đầu người dân một thời tưởng như chuyện cổ tích. Những đưá cháu ngoan ngoãn của các anh, chị tôi, trưởng thành từ cái khổ, như cái ách của con trâu cầy buộc lên cổ người trên  thửa ruộng cằn khô.

Thời gian thấm thoát qua đi, một năm rưỡi trôi qua là lúc anh tôi cũng "rũ bụi trần" về với ông bà, cha mẹ bên kia thế giới. Buồn vì mất đi người anh thân yêu, ngày tôi còn nhỏ anh phụ mẹ nuôi em, một người anh đúng nghĩa "Quyền Huynh Thế Phụ", mỗi lần nghĩ về anh tôi lại chảy nước mắt. Nhận lá thư chia buồn của một người bạn, đọc mấy câu "Sống Gửi Thác Về" tôi chợt giựt mình "ngộ" ra chữ VỀ nghĩ ngợi mãi và vơi bớt nỗi buồn, thì ra anh tôi chỉ Về với mẹ, với cha, với cội nguồn, "Lá Rụng Về Cội" là thế!

Nghe gia đình kể lại trong những ngày cuối đời, lúc tỉnh lúc mê anh đã nhiều lần nhìn về di ảnh của mẹ tôi trên bàn thờ mà gọi "mẹ, mẹ" biết bao nhiêu lần. Chẳng biết người ta thế nào, nhưng với anh thì tôi cho rằng từ thuở còn trẻ dại cho tới khi trưởng thành, anh luôn gần gũi mẹ nên lúc nào cũng con đâu mẹ đó. Dân nhà binh, mỗi lần thuyên chuyển đi đơn vị mới anh tôi luôn mang mẹ và em theo, bởi vậy đời tôi cũng trôi nổi theo bước chân người anh là Lính, biết nhiều nơi chốn hay nếp sống của người dân miền sông nước.

Ngoài ra trong những ngày cuối đời ấy anh cũng hay gọi tên các em, trong khi đã có một bầy con, cháu bộn bề. Phải chăng đến giây phút ấy trong tâm hồn mỗi người, vẫn có những lúc quay về quá khứ, nhớ về mái ấm gia đình trong đó có hình bóng những người thân yêu của mình. Chết chưa phải là hết, triết lý theo tôn giáo nào thì chết chỉ có nghĩa là tiếp nối về một nơi nào đó Bình An, rất mù mờ như khói sương. Tôi vẫn nghĩ như vậy và hy vọng anh tôi gặp lại những người thân, những đồng đội của anh đã yên nghỉ từ lâu.

Nhắc chuyện cũ về mẹ tôi, năm mẹ mất cũng là những năm gạo châu củi quế, hôm nào mấy đứa cháu đi "ruộng" đem về được rổ ốc béo là bà biến chế ngay thành món ốc nấu khế  cho cả nhà được một bữa ngon cơm. Khi mẹ mất, chị em tôi tìm và giữ được hai chiếc áo cũ của mẹ, lẳng lặng chia nhau kỷ vật thân thương nhất của người mẹ hiền tảo tần chắt chiu nuôi con ăn học. Chị tôi giữ cái áo cánh nâu còn hằn những nếp nhăn bạc màu hai bên nách áo, tôi giữ chiếc áo dài màu cánh dán mẹ tôi vẫn mặc đi nhà thờ, những đường chỉ cũng bạc màu với thời gian.

Ngày anh tôi mất, chị nghĩ đến chuyện giao lại tấm áo kỷ niệm của mẹ cho đưá cháu đích tôn của mẹ tôi, đứa con trai đầu lòng của anh tôi mà bà nội đã nâng như trứng, hứng như hoa khi cháu mới chào đời, nay cũng là một nhà giáo. Tấm áo ấy được phủ lên quan tài của anh tôi, như muốn nói với anh rằng: "Cuối cùng thì mẹ cũng đón anh về, anh cũng được ôm trong vòng tay yêu thương của mẹ."

Nguyên Nhung
( muà đông-2015)


No comments: