______________
PHAN NI TẤN
Tưởng nhớ nữ ca sĩ Thái Thanh (1934 – 2020) |
Tôi sẽ không nói gì về tiếng
hát thiên phú vượt thời gian của nữ danh ca Thái Thanh vì đã có nhiều người ngợi
khen từ khi chị nổi tiếng cho tới ngày chị qua đời. Trong bài viết giản dị và
chân thành này, tôi không mang nỗi buồn vào đây, không kéo cái ảm đạm vô đây;
tôi cũng không phải thắp thêm nén tâm hương tiễn nữ ca sĩ Thái Thanh về bên kia
thế giới, vì tôi đã thành kính phân ưu cùng gia đình chị ở những email,
facebook của bạn bè đưa tin về sự qua đời của một danh ca. Ở đây, tôi chỉ kể lại
chút kỷ niệm với chị, chỉ vậy thôi.
Ngày 17/3/2020, được tin nữ ca sĩ Thái Thanh mất, tôi nhớ ngay đến gương mặt khả ái của chị, dù đã 36 năm qua rồi gương mặt với môi cười tươi thắm kéo theo đôi mắt biết cười của chị vẫn còn rạng rỡ trong trí nhớ tôi. Mùa hè 1996 trong buổi ra mắt sách của tôi tại hội trường báo Người Việt, ngoài nhà văn Mai Thảo làm diễn giả còn có đông đảo văn nghệ sĩ gạo cội của nền văn học Việt Nam tới chung vui trong đó có nữ ca sĩ Thái Thanh.
Bằng giọng thanh lịch của
người Hà Nội xưa, chị cười nói: “Người thơ Phan Ni Tấn đây nhỉ?” làm tôi
nhớ hoài. Thiệt tình lúc đó tôi không nghĩ có ngày mình được tiếp chuyện với “tiếng
hát vượt thời gian”. Mắc cười nhất mà cũng cảm động nhất là nhà văn Mai Thảo
kè kè chai rượu Whisky đã cạn phân nửa, nhướng mắt nhìn tôi, giới thiệu:
“‘Tiếng hát vượt thời gian’ đấy, ông Tấn nhé!”. Cái giọng lè nhè mà dễ
thương của nhà văn xưa nay vẫn vậy.
Chuyện thoáng đó đã 24 năm
vù qua với biết bao vật đổi sao dời, kẻ mất người còn. Có người sẽ hỏi:
– Thế, từ đó đến nay anh
em văn nghệ sĩ đến với anh trong buổi ra mắt sách những ai còn ai mất, thưa
anh?
– Dạ, còn các anh Nguyễn
Đình Toàn, Hoàng Khởi Phong, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Thiện Cơ, Lâm Văn Sang, Trần
Duy Đức, Khánh Trường, Nguyễn Mạnh Trinh, Phan Tấn Hải, Thái Tú Hạp, Nguyễn Nam
An, Phạm Vũ… Riêng những người đã mất, tính theo năm gồm anh Trần Đại Lộc mất
năm 1997, nhà văn Mai Thảo mất cùng năm với họa sĩ Nghiêu Đề (1998), nhạc sĩ Lê
Uyên Phương (1999), họa sĩ Tạ Tỵ (2004), nhà báo Đỗ Ngọc Yến (2006), nhà văn Thảo
Trường (2010), nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (2011), nhạc sĩ Phạm Duy (2013), nhà
văn Nguyễn Xuân Hoàng (2014), nhà biên khảo Trần Văn Nam (2018), nhà thơ Du Tử
Lê (2019), mới đây là ca sĩ Thái Thanh (2020).
Tưởng nhớ một danh ca vừa
qua đời tôi viết bài VẲNG TIẾNG ĐÊ MÊ, tựa đề được rút ra từ bài Tình Hoài
Hương của nhạc sĩ Phạm Duy:
Quê hương tôi, có con sông
đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya, vẳng tiếng lúa đê mê…
Có thể nói cây tre là biểu
tượng anh hùng của nước Việt ta, một loại tre khổng lồ trong tích xưa được
Thánh Gióng dùng làm binh khí quét sạch giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Còn ở đây, với
tôi, hình ảnh nữ ca sĩ Thái Thanh là cây lúa, là hạt lúa, hương lúa hay tiếng
lúa cũng vậy.
Dù gì chăng nữa, tôi cũng
xin thả vào đây một câu nói rất hay như một tiếng thở dài, nhẹ thôi, ưu ái
thôi: “Nụ cười có thể tặng cho bất cứ ai. Nhưng nước mắt thì chỉ dành cho những
người mà ta không muốn mất.”
Chị Thái Thanh lên trời
bình yên nghe.
Thân kính.
Phan
Ni Tấn
No comments:
Post a Comment