Dựa theo chuyện thật đã xảy ra tại Nha Trang
Điệp Mỹ Linh
Sau khi dùng miếng bánh chưng cuối cùng, Cu Hiếu gác đũa, xin phép Cha Mẹ – ông bà Tân – ra ngã tư chơi bầu cua. Chơi được một chốc, Cu Hiếu chạy về, xin phép đi xi-nê. ..
Không biết Cu Hiếu xem mấy phim mà đến chiều Cu Hiếu mới về, mang theo gương mặt vui và bộ tịch rất hả hê. Cả nhà sắp dùng cơm, bảo Cu Hiếu ăn, cậu ta bảo cậu ta ăn rồi. Ông Tân vặn hỏi Cu Hiếu ăn cái gì, ăn ở đâu, Cu Hiếu không chịu nói, chỉ cười rồi chạy tuốt ra sân.
Lạ! Suốt mấy ngày Tết không có ngày nào Cu Hiếu không xin đi xi-nê và không có bữa cơm chiều nào cậu ta ăn ở nhà. Ông Bà Tân bực mình lắm, nhưng phải nén giận cho qua ba ngày Tết. Trưa mồng Bốn Cu Hiếu lại xin đi xi-nê. Ông bà Tân bắt Cu Hiếu chiều phải về nhà ăn cơm. Cu Hiếu dạ.
Xem xi-nê về, Cu Hiếu nhảy cà-tưng từ ngoài ngõ vào tuốt trong phòng. Một lúc sau Cu Hiếu trở ra với áo thun, quần ngắn, hai cây vợt và trái vũ cầu. Cu Hiếu để trái vũ cấu và hai cây vợt nơi bậc cấp rồi ngồi cạnh, vẻ thấp thỏm đợi chờ.
Tường-Hạnh, chị của Cu Hiếu, đến thăm cô bạn thân, tên Bảo-Trân, về, thấy Cu Hiếu trong tư thế như chờ đợi nên hỏi:
– Cu Hiếu! Em sửa soạn chơi vũ cầu với ai vậy? Ra chơi với chị, đi.
– Thôi, chị đánh dở ẹc, mất công em lượm.
Nói xong Cu Hiếu cười, mặt vênh vênh. Tường-Hạnh giả vờ “kí” nhẹ lên đầu Cu Hiếu một cái rồi đi thẳng ra nhà sau. Ông bà Tân đang ngồi nơi bàn ăn. Bà Tân bảo Tường-Hạnh ra gọi Cu Hiếu vào ăn cơm. Tường-Hạnh quay lui, đến cửa ngang chợt nghe tiếng còi Vespa tin tin và thấy Cu Hiếu phóng “cái vu” từ bậc cấp ra cửa ngõ. Tới cửa lớn, Tường-Hạnh thấy Cu Hiếu vừa cười, vừa nói, vừa nắm tay kéo Ðăng vô nhà. Tường-Hạnh ngạc nhiên, đứng sững.
Không thể nào Ðăng nghe được Cu Hiếu nói những gì; vì Đăng đang bị gương mặt rạng rỡ và đôi mắt nâu nồng nàn của Tường-Hạnh thu hút. Tới bậc cấp, cả Đăng và cu Hiếu dừng lại, hơi ngẫng lên nhìn Tường-Hạnh và cười. Tường-Hạnh cứ đứng trơ, lòng rộn ràng nhưng không biết phải nói gì, làm gì trước hai nụ cười dễ thương, đượm chút “tinh quái” đó. May quá, Cu Hiếu lên tiếng:
– Chị Hạnh! Anh Ðăng đánh vũ cầu “nghề” lắm. Chị muốn coi không?
Nói xong Cu Hiếu ngẫng lên nhìn Ðăng, tiếp:
– Ði, ra đánh chứ trời sắp tối rồi, anh Ðăng.
Như sợ Cu Hiếu sẽ dẫn Ðăng đi, Tường-Hạnh nghiêm giọng:
– Cu Hiếu! Ba Mẹ chờ cơm kìa,
Nói xong Tường-Hạnh mới biết mình thiếu tế nhị, kém xã giao. Có vẻ lúng túng vì không ngờ mình đến đúng vào giờ cơm chiều, Ðăng hơi khom người, nói với Cu Hiếu:
– Cu Hiếu vô ăn cơm đi. Chiều mai anh sẽ đến sớm hơn, mình sẽ chơi vũ cầu, nghe.
Vừa khi đó ông Tân xuất hiện, vì ông thấy bóng người lạ. Thấy Ðăng đang vịn vai Cu Hiếu, ông Tân hơi lúng túng. Ông Tân thắc mắc. Cu Hiếu là con nít, làm sao quen được với một sinh viên sĩ quan Không-Quân? Còn Tường-Hạnh, trong số những thanh niên theo đuổi nàng, ông Tân chưa hề thấy một chàng Không-Quân nào cả. Vậy người này là ai mà có vẻ rất thân thiện với Cu Hiếu, lại cứ nhìn Tường-Hạnh, cười cười? Vì không biết Ðăng là bạn của nhân vật nào, ông Tân đành nói trổng:
– Ủa, bạn đến thăm, sao không mời anh vào nhà, con?
Ðăng bước lên bậc cấp, lấy nón kết kẹp vào nách trái rồi cúi người cung kính chào ông Tân. Ông Tân cười, chìa tay mặt ra. Ðăng đưa hai tay, hơi nghiêng người bắt tay ông Tân và tự giới thiệu:
– Kính chào bác. Cháu tên Ðăng.
Vừa bắt tay Ðăng ông Tân vừa liếc sang Tường-Hạnh. Thấy nàng len lén nhìn Ðăng rồi nhìn xuống đất, ông biết ngay nên vồn vã:
– Tường-Hạnh! Mời anh vô nhà ngồi chơi chứ sao để anh đứng ngoài này, con?
Tường-Hạnh đứng ngây người, mặt đỏ bừng. Thấy Tường-Hạnh và Ðăng còn đầy vẻ e dè, thẹn thùng, ông Tân không hiểu gì cả. Nếu đã quen nhau, tại sao Tường-Hạnh cứ đứng trơ, cười nụ, tay mân mê mấy lá đồi mồi nơi chậu kiểng; còn Ðăng đứng ngượng ngùng, tay xoay xoay cái nón kết? Nếu không quen, tại sao hai đôi mắt cứ lấm lét nhìn nhau? Muốn để cho hai người trẻ được tự nhiên, ông Tân xoay sang Cu Hiếu:
– Cu Hiếu! Vô lấy nước mời anh đi, con.
Xoay sang Ðăng, ông Tân tiếp:
– Cậu tự nhiên, nghe, cậu Ðăng.
Nói xong ông Tân nắm tay Cu Hiếu đi ra nhà sau. Cu Hiếu rất bất bình, nhưng phải đợi đến lúc xuống bếp mới dám tỏ ra:
– Anh Ðăng là bạn của con chứ bộ.
Ông Tân cười cười:
– Mấy hôm nay con đi xi-nê, đi ăn với anh Ðăng, phải không?
Gương mặt Cu Hiếu đang thụng thịu, chợt tươi lên:
-Dạ. Ảnh “phái” con lắm, Ba.
Từ nãy giờ, qua khung cửa ngang, Bà Tân đã theo dõi diễn tiến của sự việc nên Bà véo nhẹ vào tai Cu Hiếu, đùa:
-Thôi, Mẹ biết rồi. Con bưng nước lên mời anh Ðăng đi.
Thấy trên bàn la liệt những thức ăn ngon, Cu Hiếu nhìn Mẹ:
– Mẹ! Mẹ cho con rủ anh Ðăng ăn cơm, nghe, Mẹ.
Bà Tân phì cười:
– Con phải nói là con mời chứ con không được nói rủ, nghe hôn. Mẹ ngại anh không ăn đâu, con.
Cu Hiếu cả quyết:
– Ăn mà. Con nói cái gì ảnh cũng nghe con hết đó, Mẹ.
Ông Tân cười, mắng yêu:
– Cha mày! Mày biểu nó cõng mày nó cũng cõng nữa là…
Ðã chẳng hiểu gì về câu nói của ông Tân, Cu Hiếu lại càng ngạc nhiên khi thấy ông bà Tân và bà giúp việc cùng cười vang.
Trong khi dùng cơm với gia đình Tường-Hạnh, Ðăng lắng nghe ông Tân nói về nhiều đề tài như xã hội, thời sự, thể thao, v. v…Những đề tài ấy đều hợp với chàng nên chàng góp ý rất tương đắc. Tường-Hạnh thấy Mẹ cứ tiếp thức ăn cho Ðăng hoài, có lẽ Mẹ có nhiều thiện cảm với Ðăng. Còn Cu Hiếu lầm lỳ, có vẻ không vui. Sau khi ăn xong, Cu Hiếu gác đũa, chụng bụng cái mặt, nghiêng người nói nhỏ với Tường-Hanh:
– Anh Ðăng quen với em trước chớ bộ; đương không chị “nhảy” vô dành. Kỳ cục!
Tường-Hạnh cười thầm, vì Cu Hiếu không biết được rằng Ðăng và Yên, người bạn cùng khóa với Ðăng, đã đi theo Tường-Hạnh và Bảo-Trân vào đêm giao thừa, lúc hai nàng đi hái lộc trên chùa Hải-Ðức. Còn lý do nào Ðăng biết nhà Tường-Hạnh và quen với Cu Hiếu, còn Yên biết nhà Bảo-Trân thì cả hai nàng đều không thể giải đáp được. Bây giờ nghe giọng Cu Hiếu có vẻ ganh tức, Tường-Hạnh lặng yên, mỉm cười. Bà Tân hỏi Tường-Hạnh Cu Hiếu nói gì? Tường-Hạnh chỉ cười, không dám lập lại.
Từ đó, cứ mỗi chiều cuối tuần đến nhà Tường-Hạnh, Ðăng đem theo một bịch mứt mận Dalat và chơi vũ cầu với Cu Hiếu trong khi Tường-Hạnh ngồi xem ở bậc cấp.
Thỉnh thoảng Yên và Bảo-Trân ghé qua, rủ Ðăng và Tường-Hạnh đi biển, đi phố hoặc đi xi-nê. Tuy có Yên và Bảo-Trân, nhưng lúc nào ông bà Tân cũng tìm đủ lý do để bắt Cu Hiếu đi theo.
Cu Hiếu rất thích những lần đi chơi xa. Có khi tất cả kéo nhau lên Chợ-Mới uống nước dừa tươi. Nước dừa ở đây tươi mát như làn da trắng mịn của các cô gái Chợ-Mới. Không gì thú vị cho bằng, sau khi đạp xe nhong nhong trên những con đường mòn dưới rừng dừa rợp bóng, hít đầy buồng phổi mùi hoa bưởi, hoa chanh, rồi được kề môi vào trái dừa non vừa vạt vỏ, uống một hơi dài… Thiệt là đã!
Cu Hiếu cũng không làm sao quên được những lần theo các anh chị lên xóm đạo Bình-Can. Lý do khiến Cu Hiếu nhớ mãi xóm đạo Bình-Can là những trái thanh long. Nếu ai đã đến đây sẽ thấy, dọc bờ rào hoặc nương theo các nhánh cây lớn là một loài cây ngoằn ngoèo, ốm yếu, có gai, có cạnh như cây xương rồng; đó là cây thanh long. Tuy thân cây xương xẩu, yếu đuối, nhưng cây thanh long lại đơm những trái no đầy, hình bầu dục, vỏ màu đỏ tím và ruột trắng trong với những hạt đen rất nhỏ như hạt é ngâm nước. Trái thanh long có mùi thơm rất nhẹ và có vị ngọt; không phải vị ngọt đậm đà như mít mà ngọt thanh gần như vị ngọt của mãng cầu xiêm, tùy theo độ chín của trái thanh long.
Những lần đến Bình-Can, bạn của Tường-Hạnh thường lấy thanh long xắc lát mỏng, cho vào ly, bỏ vô tý đường, khuấy đều rồi cho nước đá bào vào. Trong khi mấy chị khuấy cho tan đường và để nước đá thấm lạnh, Cu Hiếu như cảm biết được sự thèm khát đang dâng lên đầu lưỡi, nhưng cậu ta phải ráng nhịn thèm cho đến khi được mời.
Sau khi chủ nhà mời, mọi người bưng ly, khuấy đều rồi múc một tý, nếm thử. Ðể thử độ ngọt, Cu Hiếu chúm môi hớp một tý, chấp chấp vài cái cho đã thèm.
Các anh chị ăn chậm rải, kiểu cách. Riêng Cu Hiếu, vì là món “tủ”, cậu ta muốn ăn một cách thoải mái, tự nhiên nên bưng ly thanh long ra gốc cây sam-bô-chê. Ngồi dưới bóng cây, nghe mấy chú chim sâu hót trên cành và nhìn mấy trái ô-ma vàng tươi như lòng đỏ trứng gà, rồi nhâm nhi một hợp chất tuyệt vời, Cu Hiếu quên bẳng “nhiệm vụ” Mẹ đã dặn.
Không hiểu tại sao từ ngày Ðăng đến nhà chơi, không khí trong nhà vui hẳn lên. Cứ vào chiều thứ sáu, cả nhà dọn dẹp, sửa soạn mọi thứ như ngầm chờ đón một cái gì đó. Cu Hiếu đâu phải ngu mà không biết “cái gì đó” đó là Ðăng. Ðôi khi Cu Hiếu thấy tưng tức làm sao ấy, chắc là cậu ta ganh. Nhưng không ganh sao được khi mà nhà chỉ có hai chị em, ai cũng cưng chìu Cu Hiếu, bây giờ xem như Ðăng giành Tường-Hạnh mất tiêu rồi; đã vậy trong nhà ai cũng vồn vã, săn đón Ðăng, ít thèm để ý đến Cu Hiếu như trước. Vậy mà biểu “người ta” không tức sao được!
Những ý nghĩ đó thường đến với Cu Hiếu vào những lúc cậu ta bị rầy la; nhưng khi thấy Ðăng, tự nhiên ý tưởng đó tiêu tan và Cu Hiếu lại thấy thích Ðăng như thể niềm ganh tỵ chưa bao giờ tượng hình trong lòng cậu ta.
Theo thời gian, Cu Hiếu lớn dần và ý thức được sự liên hệ giữa Ðăng và Tường-Hạnh, cho nên, mặc dù phải đi theo “canh chừng chị”, Cu Hiếu cũng vẫn tìm những trò chơi riêng để không xâm phạm vào những giây phút riêng tư của hai người. Vì lẽ đó Ðăng rất thương và chìu Cu Hiếu. Biết Cu Hiếu thích ăn phở Chụt, tối thứ bảy nào, sau khi xem xi-nê về, Ðăng và Yên cũng đưa Tường-Hạnh, Bảo-Trân và Cu Hiếu xuống Chụt ăn phở.
Phở Chụt ngon có tiếng, nhưng không phải bất cứ tiệm phở nào ở Chụt cũng nấu ngon. Người sành điệu phải tìm cho ra tiệm phở nổi tiếng nhưng nghèo nàn và dơ dáy ấy trong con hẻm không được sạch sẻ cho lắm.
Lúc nào đến ăn Tường-Hạnh cũng tìm cách ngồi xây lưng lại phía người đàn bà ngồi xé thịt gà nơi bếp. Cu Hiếu lấy làm lạ, hỏi, Tường-Hạnh che miệng đáp:
– Mê phở Chụt thì mê, nhưng nhìn hai bàn tay của bà ấy chị ăn mất ngon.
Chẳng cần để ý đến nhận xét của Tường-Hạnh, Cu Hiếu nhìn chén nước dùng sóng sánh ánh mỡ vàng cạnh tô phở khô đặc biệt của cậu ta một chút rồi lấy miếng chanh vắt vào. Ðăng xoay sang cô hầu bàn, gọi một dĩa hành tây dầm dấm, thêm một ít rau răm. Tường-Hạnh và Bảo-Trân lặt rau cho vào tô phở của người yêu trong khi Yên chia đều dĩa ớt tươi với Ðăng. Ðăng nhón lấy chai tiêu, rảy vào tô cho mọi người rồi cả năm người trộn đều tô phở của mình. Mùi gừng, mùi thịt gà, mùi trứng non, mùi rau răm rau quế và mùi hành tiêu theo hơi nóng của nước dùng tỏa ra thơm lừng.
Trộn xong, như muốn kích thích dịch vị của mình, Cu Hiếu bưng ly chanh muối, hớp một ngụm và thong thả gắp một trứng gà non cho vào miệng. Vừa nhai Cu Hiếu vừa nhìn những cọng bánh phở trắng ngần, mềm mại, chen chúc nhau trong một hỗn hợp mà chỉ màu sắc không thôi cũng đủ gợi thèm.
Ngoài những lúc được ăn thức ăn hợp khẩu, Cu Hiếu còn được theo Ðăng, Tường-Hạnh, Yên và Bảo-Trân đi Suối-Tiên nhặt đá cuội, đi Ba-Hồ xem sự hiển linh của Phật Bà Quan-Âm, đi Lương-Sơn ăn ổi, đi Hòn-Chồng nghe sóng thét gào.
Lần nào đến Hòn-Chồng Cu Hiếu cũng thích một mình rong chơi, nhảy từ mỏm đá này sang phiến đá khác trong khi Ðăng và Tường-Hạnh âu yếm thì thầm những lời yêu đương dưới bóng mát của một tản đá; còn Yên và Bảo-Trân cùng ngụp lặn theo triền sóng, nơi một bãi vắng xa xa.
Sau một lúc bơi lội mệt nhoài, Bảo-Trân chạy lên bãi, nằm dài dưới bóng mát của một tàng cây. Yên chạy chầm chậm phía sau và ngồi xuống cạnh nàng. Chiếc áo tắm màu xanh đậm, viền trắng, che kín toàn thân nàng, chỉ để hở đôi vai và đôi chân. Nhìn đôi chân dài và thẳng của người yêu không dưng Yên cảm thấy hồi hộp và trong trí thoáng ý nghĩ ngộ nghĩnh mà đàn ông thường ca tụng về người đàn bà. Yên duỗi người nằm cạnh Bảo-Trân. Một lúc lâu, chàng nghiêng người, nhè nhẹ gác một cánh tay qua người nàng. Bảo-Trân nằm yên, cảm nghe những rạo rực, những rung động, những ham muốn lan dần khắp thân thể. Lạ ghê! Từ sáng đến giờ cùng bơi lội, tát nước phá nhau, hai cơ thể đã va chạm nhiều lần sao không run, bây giờ Yên chỉ choàng tay qua là tim nàng đập loạn lên! Thì ra đây là sự rối loạn rất dễ thương của xúc cảm mà Bảo-Trân đang ước ao và chờ đợi. Một chờ đợi đầy thích thú.
Sau một thoáng thăm dò tình hình, Yên từ từ nhích đến gần và hơi chồm về phía nàng. Bảo-Trân run hơn, vờ nhắm mắt, làm như không biết gì về hành động của Yên. Một thoáng qua, Bảo-Trân mở mắt và bắt gặp ánh mắt nồng nàn của Yên. Ánh nhìn của Yên như nung nóng toàn thân nàng, làm người nàng mềm nhủn. Yên hơi rướng đôi vai cao hơn rồi…cúi xuống thấp hơn…Một gảm giác lạ lùng tỏa ra và người nàng đê mê, run rẩy. Cả hai cùng nhắm mắt lại khi hai đôi môi chạm vào nhau…
Chỉ một thoáng thôi, Yên rời môi nàng và nhìn vào mắt nàng thật lâu. Vì sợ quá, Bảo-Trân chưa cảm nhận được gì ở nụ hôn đầu đời. Nàng nhìn chàng như còn nuối tiếc trong khi chàng thì thầm:
-Em chưa biết hôn, Bảo-Trân ạ.
Bảo-Trân thẹn thùng, đưa ngón tay nghịch vành tai mỏng của Yên. Yên lại cúi xuống, thì thào qua hơi thở dồn dập:
-Anh sẽ bày em hôn.
Lần này Bảo-Trân đón nhận nồng nhiệt hơn. Trong cử chỉ vụng dại, tham lam, hai đôi tay ghì chặt lấy hai phiến lưng đầy cát. Yên hơi nghiêng người nằm xuống, kéo nhẹ thân người của Bảo-Trân sát vào ngực chàng. Cả hai quấn chặt lấy nhau, cảm thấy như tan loãng trong nhau, chìm ngập trong nhau…
Ðang đê mê đón nhận những cảm xúc mới lạ nhất trong đời, bỗng Bảo-Trân có vẻ hoảng hốt, vì nàng vừa cảm nhận như có một sự kiện rất lạ lùng đang xảy ra mà nàng không hiểu, cho nên nàng vùng khỏi vòng tay Yên, chạy thẳng xuống nước. Yên ngồi dậy, nghĩ thèn thẹn trong lòng sao đó nên chàng chỉ nhìn theo đôi chân dài của người yêu và mỉm cười một mình.
Suốt buổi vui đùa với người yêu và sóng nước, Yên và Bảo-Trân cảm thấy đói bụng, đề nghị mọi người ghé Trần-Quý-Cáp ăn nem Ninh-Hòa.
Khi cô hầu bàn dọn lên mấy món khai vị, Cu Hiếu nhìn tô nước tương sền sệt, màu nâu nhạt để cạnh dĩa rau sống xanh um, rồi hướng mắt về phía bếp, chờ món chả ram. Chả ram chỉ gồm vài con tôm nhỏ, cuốn trong lớp bánh tráng mỏng, chiên dòn, thế mà chấm với nước tương, ghé vài lá rau diếp, rau húng, rau răm, xà lách búp, rau dắp cá và vài lát khế, dưa leo, chuối chát thì lại trở nên món khai vị rất tuyệt vời.
Sau khi mỗi người thưởng thức vài cuốn chả ram và vài cái nem chua, món nem nướng chính thống của Ninh-Hoà được đem ra. Mấy lụi nem được nướng chín vàng, nóng hổi, tươm chất béo thơm không chịu được, khiến Ðăng khịt khịt mũi, nói với Yên:
-Ăn đi mày. Mai mốt ra trường không biết còn dịp ăn món này nữa không đó.
Yên nói với Ðăng nhưng lại liếc Bảo-Trân:
-Tao lấy vợ Nhatrang thì dĩ nhiên tao sẽ còn nhiều dịp ăn nem Ninh-Hòa. Mày đừng có lo.
Tất cả cùng cười. Bảo-Trân lấy bánh tráng, rau sống, cuốn cho Yên từng cuốn nhỏ xinh xắn. Yên cầm cuốn nem, nhìn người yêu:
-Cảm ơn em.
Bảo-Trân thẹn thùng nhìn xuống, mỉm cười, không nói. Vừa nhai Yên vừa sớt nước tương vào chén cho Bảo-Trân, âu yếm:
-Ăn đi, em.
Trong khi Bảo-Trân và Yên chăm sóc nhau thì Tường-Hạnh lựa mấy lá xà lách non cho vào chén của Ðăng, và Ðăng đang rót thêm xá xị vào ly cho Cu Hiếu. Bữa ăn thật vui và ngon miệng.
Ăn xong, Ðăng và Yên đến tủ chè chọn món tráng miệng. Chọn xong, Yên trở lại bàn, hỏi:
-Tối mai Bảo-Trân, Tường-Hạnh và Cu Hiếu rảnh không?
Cu Hiếu nhanh nhẩu:
-Dạ rảnh. Chi vậy, anh Yên?
-Ði xem tụi anh bay.
Cu Hiếu khoái quá, mắt sáng rỡ:
-Ði liền, mà coi ở đâu vậy, anh Yên?
Yên chỉ xéo ra hướng biển:
-Ra bờ biển là thấy liền. Từ nhà em ra Grand Hotel gần và thấy rõ hơn.
Cu Hiếu nhìn Yên với ánh mắt thán phục và tò mò:
-Làm sao em biết chiếc nào của anh, chiếc nào của anh Ðăng?
Vừa khi ấy Ðăng trở lại bàn, đáp thay Yên:
-Không thể phân biệt được đâu, Cu Hiếu.
Nghe như vậy Cu Hiếu buồn xo. Yên nhìn Bảo-Trân, âu yếm:
-Mùa này không trăng. Thử tưởng tượng, trong vùng không gian tối đen, một đoàn phi cơ thực tập, mở hết đèn, sẽ giống như một chuỗi sao di động. Ðẹp, phải không, em?
Ðăng phá bạn:
-Mày bữa nay cũng bày đặt văn chương nữa, cho tao xin đi, khổ quá!
Tường-Hạnh cũng không bỏ lỡ dịp:
-Anh Yên nói chuyện hay như rứa hèn chi nhỏ bạn của tui mới … ngất ngư.
Biết Tường-Hạnh sắp giở trò lý lắc, Bảo-Trân lòn tay dưới bàn, véo vào đùi Tường-Hạnh một cái nên thân.
* * *
Bầu trời tối đen. Mắt thường không thể phân biệt được ranh giới của biển và mây, nếu không có ánh đèn ly ty của những chiếc ghe câu nơi vòm chân trời.
Vừa ăn đu đủ bò khô Tường-Hạnh vừa đưa mắt về hướng phía phi trường, vẻ mong đợi. Bảo-Trân hất chân bạn:
-Con khỉ! Làm gì có vẻ bồn chồn dữ vậy?
Bị bắt quả tang nhưng Tường-Hạnh vẫn chống chế:
-Thôi, đừng làm bộ. Chưa biết ai bồn chồn hơn ai đó.
Bảo-Trân ngoẻo đầu, cười:
-Ta có gì đâu mà phải bồn chồn. Chỉ vài tháng nữa chàng ra trường, Ba Má ta sẽ cho làm lễ đính hôn; độ sáu tháng sau thì cưới. Chỉ có nhà người là phải chờ thôi.
Tường-Hạnh nhìn bạn rồi nhìn vào ly nước dừa của mình, im lặng. Nàng không khó chịu vì biết hạnh phúc của bạn sắp thành tựu mà nàng chỉ ngao ngán khi nghe Bảo-Trân vô tình nhắc đến hoàn cảnh của nàng. Vì quan niệm đàn bà phải có một nghề nghiệp vững chắc để khỏi lệ thuộc vào chồng, ông bà Tân quyết định là Tường-Hạnh phải xong đại học, bất cứ ngành gì, rồi mới cho Ðăng làm lễ đính hôn. Tính nhẩm khoảng thời gian từ nay cho đến ngày đó ít nhất cũng phải bốn năm năm!
Ðối với những kẻ yêu nhau, không thấy nhau một ngày đã là một chuỗi dài nhung nhớ, huống chi rồi đây Ðăng sẽ ra đơn vị, sẽ xa nàng: “Làm thế nào để giữ được chàng cho riêng mình?” Ðó là mối bận tâm không nhỏ của những người con gái yêu lắm, ghen nhiều. Ðể thăm dò xem tình yêu của bạn có ích kỷ như mình hay không, Tường-Hạnh nghiêng sang bạn:
– Nè, nhỏ! Ta hỏi thật nhà ngươi, nhà người thương anh Yên nhiều lắm không?
– Mi hỏi kỳ. Không thương Yên nhiều tại răng cuối hè ni ta nhận lời cầu hôn?
Tường-Hạnh trợn mắt, giả vờ giận:
– Nói như mi là ta không thương anh Ðăng nhiều cho nên ta bắt anh ấy chờ, phải không?
– Ta phá nhà ngươi chơi chứ mỗi đứa một hoàn cảnh, phân bì sao được, phải không, mi?
– Rứa mi thương anh Yên như thế nào, nói ta nghe được không?
– Mi hứa không cười thì ta mới nói.
– Con khỉ họ. Nếu ta cười mi thì ta cười ta cho rồi.
Ðể bớt ngượng, Bảo-Trân xoay xoay ly nước dừa:
-Ta thương Yên quá chừng. Ta chỉ muốn Yên biến thành vật gì ăn được để ta ăn ngấu nghiến cho xong.
Tường-Hạnh tròn mắt nhìn bạn. Thật là lạ đời khi gnười con gái nói lên tình yêu của mình. Có ai yêu thật lòng mà chịu chia xẻ người yêu cho người khác không? Tường-Hạnh lặng lẽ nắm tay bạn như cảm thông.
Trong khi hai cô gái thì thầm trao đổi quan niệm về tình yêu thì từ sát mí nước, Cu Hiếu reo lên:
– Máy bay lên rồi. Máy bay lên rồi.
Vừa reo Cu Hiếu vừa chạy về phía Tường-Hạnh. Tất cả cùng quay nhìn về hướng phi trường.
Thấp thoáng sau rạng dương liễu, từng chiếc phi cơ bay vút lên, nối tiếp nhau, tạo thành những khoảng cách rất đều. Ðoàn phi cơ lẫn trong bóng đêm, chỉ có những ánh đèn xanh đỏ cuối đôi cánh nhấp nháy làm duyên. Những đóm sáng đó kết thành chuỗi ánh sáng huyền hoặc trong không gian đen kịt. Chuỗi ánh sáng di động nhịp nhàng ra biển khơi, vòng lại phía Hồn-Chồng, bay dọc bờ biển, đến trung tâm huấn luyện Hải-Quân rồi vòng ra Hòn-Miếu.
Ô, lạ chưa! Chuỗi ánh sáng không tạo những hình vòng cung nữa mà lại từ trên cao lao xuống, xuống nữa, rồi bay vụt lên. Ðám trẻ con vỗ tay reo ầm lên. Cu Hiếu có vẻ lối:
– Trời! Mấy ảnh tấn công mục tiêu. Hết sẩy! Hết sẩy!
Có tiếng “xì” thật dài và giọng bực tức của một bé trai:
– Làm như “nghề” lắm đó. Mấy ổng thực tập chứ bộ thiệt sao mà tấn công.
Không cần biết ai vừa mới phát ngôn, Cu Hiếu gân cổ cãi, lại ngầm có ý khoe sự liên hệ giữa cậu ta và những phi công tương lai:
– Ơ, thực tập cũng phải có mục tiêu chứ bộ. Anh Ðăng với anh Yên nói nè.
Nghe em cãi nhau, Tường-Hạnh “xuỵt” khẽ rồi gọi: “Cu Hiếu.” Biết bị chị rầy, Cu Hiếu im.
Ðoàn phi cơ vẫn nhào xuống, vút lên ở Hòn-Miếu. Không ngờ chuỗi ánh sáng vô tri đó lại gây nguồn cảm xúc dạt dào pha lẫn chút hãnh diện trong lòng Bảo-Trân và Tường-Hạnh. Thỉnh thoảng hai nàng xoay nhìn đám đông như ngầm ngụ ý: Có người yêu của tôi trong toán phi công đó đó.
Mỗi người say mê quan sát cuộc thực tập một cách khác nhau. Kẻ im lìm theo dõi không sót một động tác nhỏ nhặt nào; người bộc lộ tình cảm bằng lời:
– Ðó, đó, thằng thứ ba. Nó xuống và lên lẹ như chim bói cá vậy.
Tiếng người đàn ông khác cãi:
– Tao thấy thằng áp chót gồ ghề hơn. Nó xuống như sao xẹt mà lên nhanh như điện chớp.
Ðoàn phi cơ vòng lại một vòng nữa. Cứ tuần tự, từng chiếc lao xuống, vút lên. Khi chỉ còn hai chiếc sau cùng, tiếng người đàn ông lúc nãy lại vang lên:
-Ðó… thằng áp chót đó… Coi nó xuống nè… Ðó… ó…ó…
Giọng anh ta đang nghe vui như tiếng suối reo, bỗng trở nên thấp và rè như máy hát dĩa hết giây thiều khi anh kéo dài chữ “đó” và miệng anh ta há ra như hình chữ O. Trời! Không phải một mình anh ta mà tất cả những người hiện diện đều há hốc mồm ra như thế, vì họ đang mục kích một sự việc không thể tin vào thị giác được. Tin làm sao được khi mà chiếc phi cơ áp chót đâm thẳng xuống mục tiêu giả tưởng – và trong nỗi kinh hoàng, sững sốt của mọi người – đóm sáng ấy không bao giờ bay lên, để lại một khoảng cách thật xa giữa chuỗi ánh sáng và đóm sáng sau cùng!
Lúc này không ai có thể giúp Bảo-Trân và Tường-Hạnh chế ngự được sự giản nở quá độ của hệ thống thần kinh não bộ!
* *
*
Suốt một đêm thao thức với bao nghi ngờ, lo sợ, gần sáng, Tường-Hạnh chợp mắt được một tý lại ngủ quên. Lúc nàng giật mình thức dậy thì đã chín giờ sáng. Tường-Hạnh rửa mặt, thay đồ thật nhanh, lấy xe đạp sang nhà Bảo-Trân, tính rủ Bảo-Trân xuống Trung-Tâm Huấn-luyện Không-Quân hỏi thăm tin tức, nhưng cả nhà Bảo-Trân đi vắng. Tường-Hạnh đành đi một mình.
Vừa đạp xe đến Grand Hotel, Tường-Hạnh thấy, nơi bờ cát, dưới rạng dương liễu, rất nhiều người, cả nhà binh và dân sự, đang xôn xao, chỉ chỏ ra phía Hòn-Miếu. Tò mò, nàng dẫn xe xuống bãi cát, dự tính sẽ hỏi thăm mấy ông Không-Quân tin tức về ánh sao rơi tối hôm trước.
Tường-Hạnh khóa xe, dựng nơi gốc cây thông, chạy đến đám đông. Bất ngờ một người đàn bà trọng tuổi rẻ đám đông bước ra, đi nhanh về phía Tường-Hạnh. Nhận ra đó là Mẹ của Bảo-Trân, Tường-Hạnh linh cảm được điều gì đó nên nàng cảm thấy như có luồng khí lạnh chạy dọc xương sống. Trong khi Tường-Hạnh dừng lại một chút để lau mồ hôi trán và cũng để xua đuổi mối nghi ngờ vừa chớm thì Mẹ của Bảo-Trân bước nhanh hơn. Khi còn cách Tường-Hạnh một khoảng ngắn, những bước chân của Bà trở nên xiêu vẹo. Cuối cùng Bà gần như quỵ xuống và giọng Bà nghẹn ngào nất lên: “Hạnh ơi!” Tường-Hạnh chạy nhanh đến, ôm Bà, nhưng vẫn cố không tin những suy diễn của nàng là đúng. Sau một lúc khóc vùi, Bà kéo tay Tường-Hạnh về phía đám đông. Vừa bước những bước thẩn thờ Bà vừa thút thít: “Con tới với nó đi, Hạnh. Nó khổ lắm con ơi!”
Dưới ánh nắng dìu dịu của một sáng cuối xuân, Bảo-Trân ngồi chơ vơ trên cát, mắt đăm đăm nhìn ra Hòn-Miếu. Nếu không có những cơn gió nhẹ lay động làn tóc và làm căng phồng chiếc áo lụa của Bảo-Trân, Tường-Hạnh đã cho rằng đó là pho tượng được đúc ra từ người mẫu Bảo-Trân!
* * *
Sau khi đeo giúp cây kiềng chạm vào cổ Tường-Hạnh, Bảo-Trân hơi lui lại vài bước để ngắm cô bạn thân lộng lẫy trong chiếc áo cưới màu đỏ thẩm, có in những nhánh trúc nghiêng nghiêng, màu vàng hoàng phái. Bảo-Trân vui chung niềm vui với bạn, nhưng đồng thời Bảo-Trân cũng xót xa trong lòng vì nghĩ đến phận mình và cuộc đời quá ngắn ngủi của Yên. Bảo-Trân thở dài, chợt nghĩ đến hai câu thơ của Hoàng-Vũ-Bão: “Khói hương đầm ấm nào đâu thấy; Chỉ thấy phai tàn bóng tuổi thơ!” Bảo-Trân chua xót muốn đổi hai chữ cuối cùng của câu thứ hai: “Chỉ thấy phai tàn bóng cố nhân!” Khi danh từ kép “cố nhân” vừa thoáng qua trong tâm tưởng, Bảo-Trân cảm thấy lồng ngực nhói đau và rồi ánh mắt của nàng trở nên xa xăm, biền biệt tận chốn nào!
Thấy ánh mắt của Bảo-Trân, Đăng hiểu nàng nghĩ gì cho nên Ðăng cố tình hướng câu chuyện sang đề tài khác:
– Bảo-Trân! Tại sao cô không xin dạy ở đây cho gần gia đình?
Thật lòng Ðăng không muốn khơi lại kỷ niệm buồn; nhưng câu hỏi vô tình của chàng lại mở lối cho tâm sự u uất của Bảo-Trân tràn dâng:
– Nơi đây, không một góc đường nào, không một con phố nào, không một mảnh không gian nào không ghi dấu vết của Yên. Sự nhớ thương tự nó đã hành hạ Bảo-Trân đủ rồi, cần chi những khơi dậy của ngoại cảnh, phải không, anh?
– Dù sao Bảo-Trân cũng còn quá trẻ, hãy thực tế và nghĩ đến cuộc đời của cô. Dù Yên còn sống hay đã chết, nó cũng chỉ mong cô được hạnh phúc, đúng không?
– Dạ, đúng. Nhưng từ dạo đó đến nay, hồn Bảo-Trân chỉ là bãi vắng mênh mông. Bảo-Trân chưa quên được anh Yên nên Bảo-Trân không muốn lấy chồng rồi âm thầm ngâm thơ T.T. Kh.
Nói xong Bảo-Trân đứng lên, đi lần ra cửa, cố phá tan bầu không khí u buồn bằng câu pha trò gượng gạo:
– Thôi, từ nay anh Ðăng khỏi phải đánh vũ cầu để lấy lòng Cu Hiếu rồi đó.
Nói xong Bảo-Trân chợt che miệng, cười rồi tiếp:
– Nó lớn tồng ngồng rồi mà mình cứ quen miệng gọi nó là thằng cu.
Cả ba người cùng cười, nhưng niềm xúc động về người bạn xưa dường như chưa lắng đọng. Bảo-Trân bước ra, khép cửa lại. Ðăng quay sang vịn vai Tường-Hạnh, nhìn sâu vào mắt nàng, giọng nửa đùa nửa thật:
– Nếu anh chết, em có một lòng trung trinh với anh không, em?
Tường-Hạnh tin dị đoan nên hoảng sợ, vùng khỏi vòng tay của Ðăng, giọng giận dỗi:
– Anh nói tầm bậy tầm bạ không hà. Nghỉ anh ra.
Tường-Hạnh không tự biết được nàng giận thật hay chỉ hờn mát, nhưng bước chân đưa nàng đến bên cửa sổ, trong khi Ðăng ngồi trơ, tưởng người yêu hờn dỗi vô lý.
Nhìn lên vòm trời cao, Tường-Hạnh thấy xa xa hai vệt khói trắng dài của hai phi cơ phản lực, trông như hai giải khăn sô đầy ưu phiền. Tường-Hạnh thở dài. Cuộc đời anh, thần chết giăng mắc trong từng cử động nhẹ của mấy đầu ngón tay, trong từng cái nút nhỏ ly ty, trong từng sợi giây xinh xắn như giây đàn, trong tất cả những biến chuyển hữu hình và vô hình của không gian và thời gian … Biết vậy mà vẫn yêu. Bảo-Trân có lý. Thà yêu nhau quay quắt, cuồng nhiệt rồi mất nhau hơn là sống bên nhau một đời rồi mượn thơ T.T. Kh. tỷ tê!..
(Trích từ truyện dài Sau Cuộc Chiến)
No comments:
Post a Comment