Thursday, February 4, 2021

Giấc Mơ Không Tưởng





________________

Trần Mộng Tú




Cuối thu, người đàn ông đi làm xa nhà đã năm ngày, người đàn bà ở nhà một mình. Căn nhà không rộng lắm, chiều nay bỗng mênh mông. Đi lên cầu thang, đi xuống cầu thang, bước từ buồng nọ sang buồng kia, sao đi hoài không hết. Nhìn ngắm những bức tranh quen trên tường bỗng thấy lạ như ai vừa mới treo lên. Hình cái cô áo đỏ mang về từ Hà Nội mấy năm rồi, bây giờ mới khám phá ra cái cổ sao gầy giống cổ mình. Hình mấy đứa con lúc nhỏ, chúng như trẻ con trong tranh cổ tích, bây giờ đã lớn mà nhìn quanh chẳng thấy chúng đâu? Lạ nhỉ, mình nuôi con thế nào mà bây giờ tìm hoài, gọi hoài không nghe thấy tiếng “dạ.” Người đàn bà bỗng nhớ ra, người xưa ở quê nhà, gọi đò bên kia sông, gọi một lúc thế nào cũng có con đò sang đón, không phải lội qua sông để tìm đò. Bây giờ gọi con về phải đợi ngày, đợi tháng, không phải lúc nào cũng thấy con. Con đi học xa, đi làm ở thành phố khác không về ngay được, muốn gặp phải đi tìm con. Phải bay qua những đám mây, bay từ bang nọ sang bang kia, khác chi như lội sang sông tìm đò.

Người đàn bà đi đi , lại lại chung quanh nhà, khi nhìn qua những khung cửa bằng kính, trong suốt, khi mở toang cửa chính, nhìn buổi chiều cuối thu bên ngoài; Mưa rơi lất phất, bầu trời thấp, mây rơi bên kia núi, sương thả trên mặt hồ, những hàng cây thưa thớt lá, những chiếc lá rơi xuống mặt đường chín nẫu, tím rịm, ướt sũng không còn nguyên hình dáng.
Buổi chiều rộng mênh mông, buổi chiều không tiếng động, không tiếng nói của người, tiếng hót của chim quen trong vườn trên cây mộc liên (magnolia,) cây dương mộc, (dogwood) hay tiếng kêu của bầy chim lưu xứ thường bay vào vườn sau. Mưa lạnh chúng trốn đâu mất rồi, để mình người đàn bà với buổi chiều.
Vào bếp pha chén trà Thái Nguyên, cầm ly trà lên gác, vào buồng đọc sách ngồi trước máy vi tính, nghe nhạc bằng ngôn ngữ của mình. Những bài hát gợi lên bao hình ảnh quê nhà. Một buổi chiều Việt Nam ở ngoài nước Việt Nam. Chao ôi người đàn bà bỗng nhớ mình có một quê hương xa vời, nhớ đến đỏ con mắt.

Ừ, hồi xa lắc xa lơ đó tôi có một mình, bây giờ tôi lại một mình với tôi. Người đàn bà bỗng nhớ về những buổi chiều đứng trước cửa ở quê nhà vào những ngày mưa, nhìn bong bóng nước. Ừ nhỉ, tại sao mưa ở đây không có bong bóng. Phải hỏi bạn bè xem có ai biết tại sao không?
Người đàn bà ở trên gác nhìn ra ngoài cửa sổ phía sau nhà, ngoài đó có cây phong Nhật trồng trên bờ tường đá, lá đã từ mầu vàng đổi sang mầu cam thẫm, chỉ cần một, hai đêm lạnh, nó sẽ ngả xuống mầu đỏ như huyết rồi từ từ rụng theo những cơn mưa nhỏ đầu mùa đông. Cứ bao giờ cuối hạ, bắt đầu sang thu, người đàn bà theo dõi cây phong trên bờ tường đá của mình đổi mầu. Từ xanh ngọc mùa hạ, cây úa dần, ngả vàng, sang cam, vào đỏ. Thế là chấm hết mùa thu! Cây thả hết sức mạnh của mình trên những cánh tay gầy guộc vươn vào mùa đông để nắm bắt những hạt tuyết bắt đầu rơi xuống.

Cúi xuống ly trà trên tay, đã nguội, nhìn ra cây phong lá đỏ trên bờ tường đá, làm người đàn bà nghĩ đến một ngọn lửa. A, ta cần xuống nhà đốt lò sưởi lên cho ấm hai bàn chân lạnh. Ngọn lửa được đốt lên. Tự rót cho mình đầy ly rượu đỏ, ngồi xuống sàn gỗ, hướng hai chân về phía ngọn lửa, ngửa cổ uống ngụm rượu đầu tiên, người đàn bà muốn đọc một câu thơ, câu thơ có rượu hòa vào.

Rượu mời ta rót cho ta
Bạn gần không tới, bạn xa không về
Rót nghiêng năm tháng vào ly
Mắt nheo bóng xế, tay che tuổi buồn (Thanh Nam)

Cuối năm rồi nhỉ, cứ cuối thu đầu đông người đàn bà thấy lòng mình lạ lắm, một nỗi buồn chẳng biết gọi sao cho đúng. Nhớ mẹ mất trong cái không gian mù sương này, ngày đưa mẹ ra nghĩa trang lạnh và mưa, gió thổi bay khăn áo, giải khăn trắng bay như một giải mây trắng. Để mẹ nằm đó lạ nhà, lạ đất, một thân đơn. Mộ hàng xóm, tên tuổi người, mẹ không gọi được, quê quán người mẹ chẳng biết nơi nao. Tội nghiệp mẹ quá! Thoắt cái đã hai mươi năm, sao mỗi lần cuối thu sang đông vẫn buồn đến thế!

Những ngày lễ hội rủ nhau đến vào cuối năm, khua loạn nỗi buồn lên. Lễ Tạ Ơn. Chao ôi, đời thế mà cũng phải tạ ơn đời! Tạ ơn những ngọn nến thắp hân hoan trong đêm, tạ ơn những tiếng cười xa lạ mang đến, rồi Giáng Sinh buông dồn dập xuống khu xóm những ngọn đèn mầu, người đàn bà cũng se sẽ thắp lên một ngọn đèn le lói trong hồn mình. Ngọn đèn cho quê hương thời mới lớn, cho mảnh đất chôn nhau mình, ngọn đèn cho quê hương lưu trú, cho mảnh đất mai đây sẽ chôn thân xác mình. Sau Giáng Sinh là Nguyên Đán. Nguyên Đán giữa mùa đông.
Ôi cái Tết Việt Nam ở ngoài Việt Nam như muối trộn đường! Mấy chục năm nếm hoài không phân biệt mặn ngọt phần nào nhiều hơn. Người đàn bà cúi nhìn ly rượu, rồi ngửa cổ uống ngụm cuối cùng. Nhớ lại lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm trở lại quê nhà vào dịp rằm tháng giêng. Cô cháu gái theo chân người thím ngoài bẩy mươi đi gần hết những ngôi chùa trong thành phố Hà Nội. Những chân hương cháy đỏ như lòng, khói mù che khuất cả dĩ vãng, và tương lai chẳng biết đâu tìm. Đến mỗi cổng chùa thím chỉ cách mua hoa, mua hương (Nếu không cô cháu sẽ mua cho đến đồng bạc cuối cùng, vẫn thấy không đủ) Thím nhắc nhở cháu: “ Lễ quanh năm không bằng rằm tháng giêng. Con đừng quên bên nội con theo đạo Phật ” Người đàn bà đã qua thời con gái, được về quê, được đi bên cạnh người thím luống tuổi, được nhắc nhở mọi điều, bỗng thoắt hồn trở về tuổi dại của ngày tháng cũ, và sao dễ khóc thế! Gặp ngôi nhà cũ, gặp bức tường đổ, gặp mái ngói rêu, gặp thằng bé đánh giầy, con bé bán kẹo, gặp cụ già bán nước vối, gặp cái gì cũng rưng rưng nước mắt, gặp ai người đàn bà cũng mủi lòng. Lần đầu về quê mẹ, sau mấy chục năm, ra đường, người đàn bà nhìn ai cũng thấy như máu thịt mình trộn chung vào máu thịt họ, mắt mũi mình sao giống họ như chị em một nhà.

Thím bây giờ cũng chỉ còn lại trên khung hình, xếp bên cạnh những khung hình rất cũ. Những lần về quê sau này, người đàn bà chỉ biết mua hương hoa đặt lên bàn thờ, không nói được một câu. Hình như sợ những lời thầm thì của mình làm xao động cõi yên của những khung hình trên bàn thờ.

Người đàn bà đăm đăm nhìn hai bàn chân mình duỗi về phía lò sưởi, ánh lửa hắt xuống soi những ngón chân trong suốt, thấy rõ cả những đường gân máu. Hai bàn chân nhỏ đã đi bao nhiêu dặm mỏi, và còn đi thêm bao nhiêu dặm nữa!
Chiếc hồ trước cửa nhà như một nhánh sông nhỏ. Chỗ ngã ba của dòng nước có phải là nơi rẽ được về quê? Không đâu, nó chỉ rẽ vào quá khứ. Sau lùm cây xanh biếc chen vàng đó người đàn bà tha hồ tưởng tượng, tha hồ vẽ ra một quê nhà yêu dấu.

Men rượu ngấm làm đầu óc người đàn bà lâng lâng như đang trong cơn ngủ nửa tỉnh nửa mơ. Cái hồ chạy một đường ngang trước cửa nhà bỗng mênh mông như một dòng sông, sóng nhấp nhô như một cuộn phim được từ từ tháo ra những con phố: Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Tự Do, Nguyễn Huệ, Trần Quý Cáp, Hồng Thập Tự, Phan Đình Phùng; những tiệm ăn: Thanh Vị, Mỹ Cảnh, Broda, Givral, Kim Hoa; những rạp hát: Rex, Lê Lợi, Casino, Đại Nam, Eden; những địa danh: Biên Hòa, Thủ Đức, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt. Mỗi cái tên gợi lên hiện ra trong một tấm hình, lần lượt khúc phim quá khứ chăng ngang mặt hồ, kéo tới trước cửa nhà. Người đàn bà vươn tay ra nắm lấy một đầu cuộn phim. Nắm thật chặt, kéo vào lòng mình, như thu những đoạn ruột đã bị đứt rời ra, cho lại vào trong bụng.
Ôi Sài Gòn mưa nắng hai mùa, tôi gọi tên Sài Gòn ra để vỗ về quá khứ, để thấy thanh bình, để trở về một dĩ vãng êm đềm, ngọt ngào như chưa hề mất. Hình như ở phía sau ngã ba sông nước đó, người đàn bà thấy sông nước đang cuồn cuộn cuốn đi một Mùa Hè Đỏ Lửa, một Mậu Thân oan khốc, một 30 tháng Tư nghiệt ngã định mệnh; rồi con nước đó dâng lên, hụp xuống, nhận chìm xuống đáy sông những: Mỹ Lai, Chất độc da cam, Trại tù cải tạo, Thương Phế Binh Cộng Hòa, anh hùng liệt sĩ miền Bắc, nghĩa trang quân đội miền Nam.

Hãy chìm đi, chìm đi. Máu và nước mắt hãy thanh thản hòa vào nước sông, rồi trôi ra biển.

Ước gì ta chưa bao giờ thù hận, chưa hề Nam Bắc phân tranh. Sau khúc quành đó chỉ có một đất nước Việt Nam đầy ắp tình người.

Người đàn bà ngồi đó, một mình với buổi chiều và giấc mơ không tưởng.

tmt

Tác giả: Trần Mộng Tú

No comments: