_____________
- Triều Phong
5 tháng 6, 2022
SAIGON 1965 – Le Loi Avenue – Photo by Bruce Baumler
Hầu hết học trò ngày xưa ở Gia Định, sống quanh ngã tư Xóm Gà, ga xe lửa Xóm Thôn, ngã ba Cây Quéo, Cây Thị…v.v… không đứa nào là không biết tới thầy Nguyễn Trung Đạo. Dáng thầy bé, người nho nhã nhưng trông rất thông minh và đẹp trai. Vợ thầy là cô Tuyết và hai người có hai đứa con gái nhỏ. Nhà thầy rất lớn, trong một con hẻm to rộng gần chợ Cây Quéo và đó cũng chính là trung tâm dạy kèm toán hình học, đại số cho học sinh từ lớp sáu tới lớp chín do hai vợ chồng thầy đảm nhiệm. Thầy có phương pháp dạy rất hay nên nổi tiếng và có rất đông học trò trong suốt mấy chục năm trời. Gia đình tôi có vài cô, chú, cũng là học trò lâu năm của thầy!
Tôi ở ngã năm Bình Hòa nên cũng được ba tôi cho tới đây học thêm. Tại trung tâm, tôi ngồi cạnh Trân nên chẳng bao lâu hai thằng đã trở nên thân thiết. Không biết gia đình nó thế nào nhưng nó có nhiều tiền lắm, túi lúc nào cũng rủng rỉnh đầy bạc! Lâu lâu sau giờ tan trường nó rủ tôi đến đầu chợ Cây Quéo mua mỗi thằng một bịch đá bào có xịt “siro” màu đỏ rồi vừa đạp xe vừa mút lấy mút để hoặc có hôm hai thằng lại ngồi chò hỏ trên vỉa hè ăn chè đậu đỏ bánh lọt được bỏ trong ly nước đá đập nhỏ, ngon ơi là ngon. Có những chiều tan trường, bọn tôi năm bảy đứa, thằng thì đạp xe đạp mini, đứa đi xe kiểu sáu trăm rưỡi (650) nhưng là loại nhỏ dành cho trẻ con, vừa chạy vừa la rùm trời đoạn lạng qua lạng lại ghẹo mấy cô bạn gái học cùng lớp khiến mấy cô hoảng sợ la ơi ới, vui thật là vui. Dễ thương làm sao tuổi thơ thời ấy, nhớ mãi không quên!
Một hôm tan trường nó kêu tôi chạy theo nó đến tiệm bán sách, truyện, ở góc đối diện với chợ để mua bản nhạc “Đám cưới trên đường quê” là một nhạc phẩm rất thịnh hành do hai ca sĩ Sơn Ca và Bùi Thiện đang hát lúc bấy giờ để mang về nhà nghêu ngao với cây đàn ghi-ta (guitar) mà ba nó mới mua cho. Cứ thế mà chúng tôi lớn lên theo năm tháng trong vô tư và… vô tội. 1915
Sau “cơn gió bụi,” ngày 30 Tháng Tư năm 1975 thì tụi tôi tan hàng không còn học chung với nhau nữa!
Năm 1977, khi trường Lasan Taberd của chúng tôi bị giải thể, tôi chuyển về trường Trần Quốc Tuấn (Lasan Đức Minh cũ) ở Quận 3 để học tiếp lớp 11. Và chuyện đáng buồn đầy ấn tượng còn lại mãi trong tôi đến tận ngày nay là hôm đầu tiên đến trường tôi bất ngờ gặp lại Frère Aimé thân yêu ngày nào bây giờ được “nhà nước cách mạng” giao cho nhiệm vụ giữ cổng; việc của người “gác dan” (guardian) ít học chứ không phải là việc của một sư huynh học thức uyên thâm. Một sự sỉ nhục đối với quý sư huynh Công giáo Dòng Lasan chúng tôi. Nhìn ông già lưng còng, tóc bạc phơ, miệng móm mém, cứ đứng lên ngồi xuống, đi ra đi vô đóng mở cổng mỗi khi có người tới, tôi thấy tội nghiệp làm sao! Tuy nhiên, Frère Aimé thì vẫn an nhiên với công việc của mình, sống thoải mái theo câu “gặp thời thế, thế thời phải thế!” của kẻ sĩ!
Dạo ấy mỗi buổi sáng đi học tôi hay gặp một cô gái đạp xe từ hướng chợ Cây Thị chạy ra, nơi yên sau (porte-bagages) có cột một cái cặp táp (cartable) đen. Cô ta mặc áo sơ mi trắng với quần tây xanh hay đen, mái tóc dài xõa ngang vai tung bay trong gió, làn da trắng muốt, cặp mắt to, đen tròn, long lanh dưới đôi mi cong vút, chiếc mũi cao trên cặp môi son đỏ tự nhiên. Cái miệng nho nhỏ, chúm chím hay mím lại một tí khiến tôi không cưỡng được lòng mình nên ưa nhìn và cảm thấy thích thú. Cứ thế tôi đạp tà tà theo sau, mắt thì dán chặt lấy cái lưng ong dễ thương của cô ta cho đến khi cô vô trường Võ Thị Sáu tức nữ trung học Lê Văn Duyệt cũ rồi thì tôi mới phóng hết ga, chạy như bay lên dốc cầu Bông mà nghe tâm hồn rộn ràng reo vui sảng khoái. Nhìn dòng nước đen ngòm chảy lượn lờ dưới chân cầu tôi vẫn thấy đẹp và tưởng như đang đi trên dòng sông Seine thơ mộng thường thấy trong phim ảnh! Hôm nào qua khỏi ngã năm Bình Hoà rồi mà chưa thấy cô gái thì tôi cứ chạy rề rề chờ đợi, lòng buồn vu vơ. Cứ vậy mà tháng ngày dần dà trôi qua dù thời kỳ này đất nước đang vô cùng khó khăn, đói ăn thiếu mặc nhưng tuổi thanh niên mới lớn của tôi cứ phơi phới. Tôi sống trong hồn nhiên, để mặc cho thứ tình cảm tự nhiên ấy phát triển không nghĩ ngợi và cảm thấy yêu đời vô hạn.
Người ta thường nói phụ nữ có một giác quan đặc biệt đó là giác quan thứ sáu để họ dễ dàng nhận biết các điều đang xảy ra quanh mình. Điều đó có lẽ đúng vì chỉ sau thời gian ngắn là ý chừng cô ấy đã biết có tôi luôn theo đuổi phía sau nên nhiều khi đang chạy cô ta chợt liếc về phía tôi và cười cười khiến tôi luống cuống ngượng ngùng làm sao. Nhiều hôm tôi chạy theo sau nàng mà miệng thì cứ ngân nga “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ… ôm nghiêng tập vở tóc dài tà áo vờn bay. Em đi dịu dàng… anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê… xưa tan trường về, anh theo Ngọ về… nay trên đường này đời như sóng nổi… Ôi con đường về… nhớ người thuở xưa, thuở xưa… Xưa tan trường về, anh theo, theo Ngọ về… xưa theo Ngọ về, mái tóc Ngọ dài…” Và không biết tự lúc nào tôi đã yêu thích bài “Ngày xưa Hoàng Thị” đó của Phạm Duy để ngân nga suốt ngày và càng hát tôi càng mến thi sĩ Phạm Thiên Thư hơn.
Lúc này chính quyền bắt đầu phân chia lại địa bàn, thành lập phường, quận mới. Phường là đơn vị hạ tầng cơ sở của chính quyền cộng sản. Mỗi phường có một ủy ban nhân dân lo về hành chính, công an lo an ninh và phường đội chịu trách nhiệm quản lý thanh niên trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự. Mỗi phường có nhiều khóm. Khóm lại chia thành nhiều khu trong đó mỗi khu có vài ba tổ dân phố với các tổ trưởng, tổ phó. Ngày lẫn đêm những ông bà tổ trưởng, tổ phó rất hăng say “cách mạng” này có nhiệm vụ thông báo các mệnh lệnh, chính sách từ ủy ban phường xuống người dân. Thời gian ấy chính quyền địa phương còn cho người đi gắn những cái loa phát thanh trên từng con đường hay trong các con hẻm để họ phát đi những bản tin, lời kêu gọi cho một phong trào nào đó vào mỗi buổi sáng hoặc chiều… Đời sống của người dân Saigon trở nên nhiêu khê, nhiều khó khăn với lối sinh hoạt mới của Đảng cộng sản Việt Nam vì đôi khi người dân cần sự yên lặng nghỉ ngơi sau một ngày vất vả chạy vạy kiếm cơm thì loa phóng thanh lại vang vang ngoài đầu ngõ nghe thật đinh tai nhức óc.
Ngoài ra, phường cũng ra lệnh cho tất cả thanh niên nam nữ tuổi từ mười lăm trở lên mỗi đêm tập họp nơi nào có khoảng đất hay sân trống rộng rãi như ủy ban hoặc công an phường vào lúc bảy giờ tối để sinh hoạt, thực hiện cái gọi là “nếp sống văn hóa mới” tới chín, mười giờ đêm mới về. Tại đây các cán bộ bắt đầu dạy cho họ ca những bài ca cách mạng như “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ hay Bác đang cùng chúng cháu hành quân…” Ông Hồ Chí Minh có lẽ cũng chưa bao giờ được đưa lên cao như thế. Dân chúng Saigon còn có phần lạ lẫm, bỡ ngỡ khi ông được xưng tụng bằng những ngôn từ mỹ miều như “nhà lãnh tụ vĩ đại, vị cha già của dân tộc” và tấm hình bán thân của ông với chòm râu bạc phơ được phóng lớn treo khắp các cơ quan chính quyền.
Trong các buổi sinh hoạt nọ đôi lúc tôi gặp lại Trân. Một buổi chiều Hè tôi cùng dăm ba thằng bạn trong phường ghé nhà nó chơi. Bây giờ thì tôi biết ba Trân hồi trước là thầu khoán nên nhà nó là một cái biệt thự thật to nằm trên đường Ngô Tùng Châu bây giờ gọi là Nguyễn Văn Đậu, xung quanh có tường xi măng bao bọc cao quá đầu người với hai cánh cửa cổng lớn và nặng bằng sắt được sơn màu xanh lá cây đậm.
Thường thì tôi chỉ tới gặp nó ngoài cổng, đây là lần thứ nhất nó dẫn tụi tôi vào trong. Sân nhà nó thì lát xi măng trộn với sỏi và được kẻ từng ô hình chữ nhật ngang dọc. Gần cổng có trồng một cây huỳnh mai, giữa sân thì có một hồ cá hình bầu dục, chếch về phía trái của hồ có một cây mận hồng đào để lấy bóng mát và bên dưới có đặt một ghế đá mài là nơi tụi tôi tụ tập.
Hôm ấy khi chúng tôi đang ca hát, đùa vui thì có tiếng chuông vang ngoài cổng. Trân nghểnh cổ lên nhìn rồi vội vàng chạy ra mở cửa. Bóng một người con gái dắt xe đạp lách qua cửa cổng tiến vào trong. Tim tôi như ngừng đập khi nhận ra cô gái đó không ai khác hơn là người con gái tôi vẫn gặp hằng ngày khi đi học. Thằng Dũng ngồi cạnh tôi nhướng mày, nhanh nhẩu hỏi vọng về hướng cô gái:
– Chị Trúc ơi, đi đâu về đó?
– Đi…
Cô gái chợt im bặt và vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi. Lặng yên giây lát chị tiếp tục như để đánh trống lảng:
– Lại nhà nhỏ bạn lấy cuốn “Giải đề thi tuyển sinh môn Toán” này nè! Vừa nói chị vừa quơ quơ cuốn sách đang cầm trên tay lên.
– Chị giỏi mà, cần gì phải học thêm. Trăm phần trăm là đậu đại học năm nay rồi, khỏi thi cũng đậu chị ơi!
Chị Trúc đưa tay vuốt lại mái tóc rối tung trong gió đoạn vừa đẩy xe đi vừa nói với lại:
– Ừ, không thi thì đậu mà thi… thì rớt!
Câu nói bông đùa nhiều ý nghĩa của chị Trúc khiến tôi nghĩ bụng “chà! cô này cũng khôi hài và thâm thúy lắm chứ chẳng vừa gì đâu nha!” Trong lúc tôi còn mãi suy nghĩ lan man thì chị đã dẫn xe vào con hẻm bên hông nhà. Và giờ đây qua thăm dò tôi biết thằng Trân có hai người anh lớn là anh Triết và anh Trị rồi tới chị Trúc với nó cùng thằng út tên Trực. Tổng cộng là bốn trai một gái!
Ngôi biệt thự nhà nó chiếm một diện tích rộng, chỉ cái chuyện muốn vào bên trong người ta phải đi qua cái sân lớn rồi lại còn băng ngang qua hồ cá cả chục bước nữa mới đến bậc thềm tam cấp thì chắc là trong nhà nó hẳn phải to và đẹp lắm!
Ít phút sau chị Trúc trở ra nhưng không đến chỗ chúng tôi mà lại tới ngồi trên bờ hồ lấy tay vẫy nước đùa nghịch với mấy con cá Tàu và ngắm chúng đang lội tung tăng trong làn nước trong vắt. Lúc này tôi đang ôm cây guitar trên tay, chơi bài “Feste Lariane” và bỗng dưng chẳng hiểu vì sao tôi đột nhiên đổi sang “modern” đàn bài “Biết đến thuở nào” của nhạc sĩ Tùng Giang một cách vô thức, bởi đây là bản nhạc trẻ sôi động, rất thịnh hành trước 1975.
“Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng. Lòng đang giá băng bỗng ngập tràn muôn tia nắng. Nghe bao xót xa…. ngỡ ngàng nhìn em… quyện vương đôi mắt nhung huyền…. mối u hoài trong tâm tư. Biết thuở nào quên… mộng ước một ngày, thôi đợi chờ, ta có nhau…”
Thằng Dũng hùa theo tôi rống lên đặc giọng Quảng Nam của nó, thằng Phát thì hát nhỏ hơn tay nhịp nhịp lên đùi của mình, chúng tôi gào vang cả một góc vườn. Ở đầu kia chị Trúc vẫn thản nhiên, chị nghiêng người vuốt mấy cọng tóc mây lòa xòa trên cái gò má mịn màng hơi ửng hồng lên một tí của mình, khe khẽ tủm tỉm cười ý như muốn nói “chị đây biết tỏng tòng tong” mấy em muốn cái gì đấy nha!
* * *
Thời “trẻ trâu” của tôi chỉ có thế vì năm 1978 khi Cộng sản Việt Nam xua quân sang Cambodia lật đổ Pol Pot-Iêng Sari thì bọn tôi “tan đàn xẻ nghé!” Thế hệ chúng tôi bị liệng vào chiến trường Tây Nam mịt mù khói lửa, ngập tràn thuốc súng này như người ta quăng miếng thịt lên vỉ nướng vậy.
Lúc bấy giờ do Trung Cộng nhận thấy chính phủ Việt Nam đang ngả dần theo Nga Sô sau khi đã chiếm được miền Nam vào năm 1975 và muốn thống trị Đông Dương, áp đặt khu vực này dưới sự ảnh hưởng của mình nên tức giận mà ủng hộ Pol Pot để đối phó với Hà Nội. Mâu thuẫn ý thức hệ giữa Leninism với Maoism ấy khiến cộng sản chém giết lẫn nhau để tranh giành quyền lợi. Trong cảnh huynh đệ tương tàn đó Việt Nam dưới sự hậu thuẫn to lớn của Liên Xô đã mạnh mẽ đánh Khờ Me Đỏ (Khmer Rouge) với ý định xóa sổ chế độ này làm hàng vạn thanh niên vừa học xong phổ thông chuẩn bị vào đại học đã phải qua “chiến trường K” và chết oan uổng. Đất nước vốn đang thiếu nhiều người giỏi do phần lớn trí thức chế độ VNCH bị lùa vào trại cải tạo giờ lại bị cái gọi là “làm nghĩa vụ quốc tế nhưng thực chất là một cuộc xâm lược” khiến cho nhân tài quốc gia như “lá mùa thu!” Nhiều gia đình đã đau khổ vì mất con hay ngậm ngùi lúc thấy con trở về trong thân hình tàn tạ của một phế nhân!
Trước tình trạng nghèo đói, thất vọng với những chính sách vô nhân đạo của chính phủ Việt Nam, dân chúng không còn ai muốn sống với cộng sản nữa và con đường vượt biên là lối thoát duy nhất lúc bấy giờ. Đầu tiên, người ta dùng bất cứ ghe thuyền lớn nhỏ nào có được để vượt biển sau đó thì một số người đi đường bộ trốn sang Miên để tìm cách vào đất Thái Lan xin tị nạn.
Cả hai đường trốn này đều vô cùng nguy hiểm, đầy bất trắc rủi ro, cơ hội sống sót rất thấp. Lịch sử tị nạn của thuyền nhân và bộ hành nhân cho thấy thiên hạ đã bất chấp, đem mạng sống để đổi lấy tự do bằng bất cứ giá nào! Theo thống kê của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc thì đã có gần cả triệu người hy sinh trên rừng, dưới biển trước khi đến được bến bờ tự do.
Thời gian đó ai có điều kiện đều cũng muốn bỏ đi. Riêng tôi thì do ba tôi không cam tâm để tôi hy sinh một cách phi lý bởi tham vọng của giới lãnh đạo Hà Nội nên cũng tìm đường cho tôi vượt biển. Nhưng vượt biên có số, định cư có phần! Tôi đã thất bại nhiều lần, tù tội gần sáu năm trời mới thoát khỏi cộng sản vào năm 1989 và kẹt lại tại trại tị nạn xấp xỉ gần mười một năm nữa vì đảo đóng cửa (cut-off date) mới đến được Hoa Kỳ!
Năm 2016, tôi về thăm và lo cho ba tôi khi ông đau nặng. Trước ngày trở lại Mỹ, tôi muốn tới Ngũ Hành Miếu; nơi có nghĩa trang gia đình bên phía ba tôi để thắp nhang cho ông bà nội tôi. Ngay từ sáng sớm tôi đã ra khỏi nhà và đi bộ để ngắm lại phố xá thuở xưa do nghĩa trang cách nhà tôi cũng không bao xa. Con đường Phan Văn Trị lúc này thay đổi nhiều quá, nghĩa trang chùa Thập Phước dường như đã biến mất và thay vào đó là nhà cửa dân chúng mọc lên san sát nhau trông rất lạ.
Đi được một lúc tôi dừng chân lại trước một tiệm tạp hóa để mua nhang. Lúc đứng chờ nhận tiền thối bất ngờ giọng một người đàn ông đang ngồi nơi chiếc bàn kê ngoài sân của quán cà phê kế bên vang lên:
– Mày phải không N.?
Tôi giật mình và quay sáng ngó anh ta chăm chăm. Nhìn thái độ của tôi, anh ta nghĩ mình đã đoán đúng nên liền vội vã đứng dậy tiến về phía tôi miệng liến thoắng:
– Tao nè! Mày nhớ tao không? Dũng nè! Mày đừng nói mày quên tao nghe mậy?
Ngẩng người nhìn anh ta một hồi lâu, dĩ vãng xa xưa dần trở về. Gương mặt thân quen từ từ hiện rõ qua ký ức, tôi chợt nhận ra người đàn ông trước mắt mình nên reo lên và bước tới. Hai thằng vồ lấy nhau, tay bắt mặt mừng:
– A, nhớ rồi. Khỏe không? Tao tưởng mày về ngoài quê mày rồi chứ!
Dũng lôi tôi sang quán cà phê. Vừa ấn vai tôi ngồi xuống cái ghế nhỏ cạnh bên, nó vừa hỏi dồn dập làm tôi không kịp trả lời:
– Về đó “cạp đất” ăn hả mậy? Mày bây giờ ở nước nào? Tao nghe nói mày đi vượt biên bị tù liên miên, cực khổ lắm phải không? Về hồi nào vậy? Bao giờ đi? “Đù móa,” lâu dữ hả mậy? Mới đó mà gần bốn mươi năm rồi, thằng nào bây giờ cũng già hết trơn hết trọi. Nhưng mày cũng không thay đổi mấy, trông vẫn còn phong độ và trẻ hơn tuổi nhiều!
Đợi nó nói xong, tôi giả lả:
– Thấy vậy chớ không phải vậy mày ơi, “trong héo ngoài tươi” thôi!
– Ừ, từ cuối năm 1978 đến giờ. Sau khi xong lớp 12 là tụi mình không gặp lại nhau nữa. Thời gian đi nhanh không ngờ. Tôi chép miệng thì thầm tiếp khi thấy tóc nó bạc phơ!
Cứ thế hai thằng tôi hàn huyên tâm sự rất lâu, ôn lại chuyện ngày xưa cho đến khi nhắc tới bạn bè thì Dũng mới cho tôi biết những chuyện thảm khốc về gia đình Trân vì năm 1979 Trân vượt biên bằng đường bộ qua ngõ Cambodia thì bặt vô âm tín đến hôm nay, chắc có lẽ đã chết! Phần chị Trúc thì bị thằng cha Vinh (mà tôi đã có dịp nói qua trong truyện “những tháng ngày bỏ lại!”) bám cứng nên chị với anh Trị trốn xuống miền Tây vượt biển khoảng giữa năm 1980 nhưng không may ghe gặp hải tặc Thái Lan. Anh Trị bị đập đầu và bị chúng quăng xuống biển vì chống lại chúng khi thấy em gái mình bị hãm hiếp dã man. Chị Trúc bị hãm hiếp nhiều lần! Sau này có một chị đi cùng chuyến, định cư ở Thụy Sĩ về Việt Nam và tìm đến nhà báo tin. Chị kể rằng lúc cướp bóc và hãm hiếp đàn bà con gái đã đời chúng phá máy tàu và bỏ mặc ghe trôi lênh đênh trên biển suốt mười mấy ngày cuối cùng ghe họ được tàu dầu Panama vớt (rescue at sea) đưa vô đảo. Chị nhờ có thai sắp sanh nên thoát nạn!
Ở trại tị nạn chị ấy sống chung và lo lắng cho chị Trúc bởi chị Trúc bị khủng hoảng tinh thần, nhiều lúc thẫn thờ hoặc đôi lúc lại la hét như điên dại khiến chỉ thấy tội nghiệp nên rất thương chị Trúc. Nhưng hôm chị đi sanh về thì mới hay chị Trúc đã nhảy xuống biển tự tử chết khi phát giác mình đã mang bầu!
Tôi ngồi cạnh bên nghe Dũng kể mà lòng tái tê, tim như bị ai bóp đến rướm máu. Đối với tôi những chuyện này tôi đã nghe, đã đọc và đã thấy rất nhiều từ thời còn sống trong trại tị nạn nhưng không ngờ thảm cảnh này lại xảy ra với chị Trúc. Đau lòng quá, người con gái tôi thương!
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.”
Tôi buột miệng lẩm nhẩm hai câu thơ của cụ Đặng Trần Côn và thở dài.
– Còn thằng Trực thì bị kêu đi nghĩa vụ quân sự. Nó lên đường sang “K” ngay với mong muốn tìm thằng Trân, anh nó. Ai ngờ… nó đạp phải mìn cụt cả hai chân rồi mậy. Tao không ngờ gia đình nó lại bất hạnh dữ vậy!
Dũng ngừng lại lắc đầu, im lặng một đỗi. Không khí như chùng xuống và nặng nề hẳn bởi chuyện đau buồn kia. Gần đến trưa, theo mong muốn của tôi, nó dắt tôi tới thăm anh Triết và thắp cho gia đình Trân một nén nhang vì nhà cũ của anh đã bị phường tịch thu mất tiêu rồi.
Hai thằng tôi đi loanh quanh qua mấy con hẻm. Cuối cùng nó dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ, không mấy khá giả, với một số hũ bánh kẹo được bày biện sẵn ngoài hiên để bán cho con nít. Dũng gọi to:
– Anh Triết ơi!
Ít phút sau có tiếng dép kêu lẹp xẹp rồi một ông già bước ra. Dũng giới thiệu tôi, người đàn ông mở cửa cho chúng tôi vào khi nghe nói là người quen cũ. Qua ánh sáng mờ mờ bên trong, tôi thấy Trực đang ngồi trên cái ghế giữa nhà, hai chân cụt quá đầu gối, tóc tai bù xù, nom rất thảm hại. Dũng nhắc chuyện xưa, anh Triết có vẻ vui bởi có người còn nhớ đến gia đình anh nhưng Trực thì chỉ ậm ự không muốn tiếp chuyện khi tôi đến gần hỏi thăm.
Thấy thế tôi trở lại chiếc bàn nơi có anh Triết đang đợi. Nhìn người đàn ông trước mặt mình tôi không nghĩ đấy là anh Triết vì anh chỉ hơn tôi có năm hoặc sáu tuổi gì đó thôi nhưng anh già quá.
Anh Triết ứa nước mắt, cám ơn tôi có lòng tới đây và đưa tôi đến cái tủ kê nơi góc nhà. Đứng trước năm khung hình gồm ba má anh với anh Trị cùng chị Trúc và Trân để trên cao, tôi ngẩn ngơ và buồn vô hạn khi thấy lại thằng Trân. Đoạn ngó sang tấm ảnh chị Trúc, cả một ký ức thơ ngây ngày nào ùn ùn kéo về trong tâm tưởng. Tôi bồi hồi đốt nhang, mặt bần thần, đầu óc nghĩ ngợi miên man.
Qua làn khói trắng mỏng bay lượn lờ lên cao từ các nén nhang đang cháy, bỗng nhiên tôi cảm thấy khuôn mặt của chị Trúc như rung rinh, đôi mắt yêu kiều mà ngày xưa một thời từng làm tôi xao xuyến nay buồn rười rượi với nỗi u uẩn còn vương nơi cuối khóe. Tôi chợt run nhè nhẹ vì hình như ánh mắt ấy lay động. Môi chị mấp máy như muốn nói với tôi điều gì khiến người tôi nổi gai ốc. Còn đâu gương mặt thanh tú với mắt phượng mày ngài từng làm tôi say đắm mấy mươi năm về trước? Còn đâu cái tuổi hoa niên tươi thắm ngày xưa? Nhìn hình chị hôm nay sao thấy u hoài quá! Phải chăng đó là điểm báo trước cho một số phận kém may mắn?
Tôi lầm thầm khấn vái cho bạn tôi và chị hãy yên lòng an nghỉ, nếu còn điều gì vấn vương thì hãy buông bỏ cho sớm siêu thoát rồi nhanh chân trở lại bên chiếc bàn mà Dũng và anh Triết đang trò chuyện nho nhỏ với nỗi lòng buồn vô vàn. Nán lại thêm ít phút và không muốn chứng kiến cảnh thê thảm này lâu hơn nên tôi rút vội hai tờ giấy bạc năm trăm ngàn đồng biếu anh Triết để lo nhang đèn và kiếu từ ngay.
Chia tay Dũng xong, tôi rẽ vô đường Nguyễn Thượng Hiền hướng về Ngũ Hành Miếu, lầm lũi bước đi với cõi lòng tan nát. Bên ngoài lúc ấy chợt có nhiều cơn gió lớn thổi mạnh làm cho vô số hoa sứ từ trong vườn nhà ai gần đó gần đó rơi rụng, bay lả tả ra ngoài khiến tôi tưởng tượng tới cuộc đời của chị Trúc cũng như một trong số các bông hoa đó mà không khỏi ngậm ngùi.
Đời người đôi lúc thịnh hay suy, vinh quang hoặc tủi nhục là do bị ảnh hưởng bởi các quyết sách của giới lãnh đạo quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử. Thế hệ của chúng tôi vào những năm tháng cuối của thập niên bảy mươi (1970s) thật là thê thảm do tham vọng vừa ngu vừa dốt của chính phủ ngày ấy!
Phải chăng đấy có phải là định mệnh của kiếp hồng nhan bạc phận, nhân sinh vô thường mà cụ Tố Như đã thấy được từ hơn hai trăm năm trước “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao” đó không?
Bất chợt tôi lại hát thì thầm bài ca bỏ dở năm nào “…đi quanh tìm hoài… ai mang bụi đỏ đi rồi !”
Ohio, ngày 04 Tháng Sáu năm 2022
Nguồn: https://saigonnhonews.com/muon-neo-duong-doi/hoa-rung-ven-duong/
No comments:
Post a Comment