NGÀI THÍCH TUỆ SỸ
ĐỖ DUY NGỌC
Có một vị chân tu với thân hình gầy gò, khắc khổ nhưng đôi mắt sáng tinh anh. Đôi mắt của ngài như nhìn thấu suốt những điều sâu xa nhất, sâu thẳm nhất của Triết học Phật Giáo. Học giả Đào Duy Anh đã từng cho rằng ngài là viên ngọc quý của Phật Giáo Việt Nam. Ngài là vị Thiền sư thông tuệ Phật học. Ngài còn là người thấu hiểu tận cùng Triết học Đông Tây. Ngài lại là một thi sĩ, một nghệ sĩ đích thực. Những vần thơ của ngài vang lên trong cõi tịch mịch của đất trời, trong nhiễu nhương ly loạn. Thi sĩ khinh bạc Bùi Giáng, từng thốt lên: "Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ "Không đề" của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn"
Ngài là một người Việt Nam với đầy đủ tính cách tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, những tính cách đã bị mai một trong thế hệ này vì những biến thiên của lịch sử.
Ngài cũng là một anh hùng trải qua những thăng trầm của thời thế, mang bản án tử hình, là một chiến binh quả cảm bền gan chiến đấu với bệnh tật suốt tám năm ròng khi mang trong người bạo bệnh như cư sĩ Quảng Diệu Trần Bảo Toàn đã viết.
Phạm Công Thiện, kẻ kiêu ngạo với tất cả đã cho rằng ngài là "Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt nam hiện nay”
Những năm học ở Đại học Vạn Hạnh, tuy không thường xuyên được gặp ngài, nhưng tri thức bát ngát của ngài luôn là niềm kính nể và tự hào của những sinh viên Vạn Hạnh. Sau này đọc Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng do ngài viết, bắt gặp câu :"Đó là tình thơ trong cuộc thơ và cõi thơ; không quyết là của Đông Pha hay không là của Đông Pha. Nhưng người chơi thơ, mở cuộc giao tình với cuộc thơ, ban đầu chỉ như đi tìm một cõi mộng đơn sơ; rồi đột ngột, và sững sờ, cảm khái như một mối sầu cô lữ, thấy mình lưu lạc ở một phương trời đọa đày viễn mộng". Lại thêm:"Thơ không là ẩn ngữ. Trong cuộc giao tình vừa khởi sự, cuộc thơ cũng phơi bày lồ lộ những nét thanh kỳ tú lệ; cũng lãng đãng như màn trăng trong những giọt sương lóng lánh; cũng tươi như nụ hồng vừa chớm nở; cũng trong ngọc trắng ngà như băng tuyết; và cũng trơ vơ như chiếc sao Hôm trong buổi hoàng hôn, tư lự như sao Mai giữa trời khuya ngất tạnh. Vậy, những cái đó không là ẩn ước hay ẩn mật; mà chính là những tâm tình được thổ lộ phơi trần, hoặc bằng lân la nay khóm trúc mai chồi lan; hoặc đột ngột như gió dục mây Tần. Tâm tình đã thổ lộ, thì cuộc giao tình thắm thiết mở ra. Bấy giờ mới là lúc:
Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện
Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi
Trăng nằm xuống ruỗi dài hai bến hẹn
Một dòng sông vồn vã động chân trời"
Bỗng rùng mình mà đốn ngộ về thơ.
Ngài là Đại lão Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ với những tác phẩm sâu sắc về Triết học, những vần thơ của người thi sĩ với nguồn thơ lai láng, phi phàm và những gian truân mà ngài đã phải trải qua trong cõi trầm luân của lịch sử. Ngài vừa viên tịch sau 81 năm trụ thế. Một ngôi sao sáng vừa tắt, một Thiền sư đã bay về cùng mây, một nhà thơ đã cuốn theo cơn gió. Nhưng ngài vẫn còn đây, bên bờ lau trắng của buổi hoàng hôn nhiều khổ nạn. Đôi mắt tinh anh của ngài vừa khép lại nhưng vẫn cho ta vẫn thấy được những tư tưởng của ngài để lại cho chúng ta. Xin chắp tay bái vọng ngài.
Sài Gòn. 25.11.2023
DODUYNGOC
See translation
3 comments:
“ Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi … “ ( Tuệ Sỹ )
Trăm năm nháy mắt qua đi
Nửa bài thơ, bỏ nằm ì … ở đâu ?
"Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty......"....
Bùi Giáng
Trúc ti trổi điệu dị kỳ
Tâm tình Trí Hải lâm li rối bời
( Viết dùm ông Bàng Dúi )
Post a Comment