***********************************
Vương Trùng Dương Tưởng Nhớ Nguyễn Đình Toàn, Từ “Nhạc Chủ Đề” Đến “Áo Mơ Phai”
Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn, và chương trình ấy mang theo trong ngày tháng đời binh nghiệp.
Lời giới thiệu trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn mở đầu cho chương trình:
“Tình ca - những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta.
Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố”…
Tiếp đến, “Nhạc Chủ Đề” do Nguyễn Đình Toàn chọn lọc, biên soạn và đọc lời giới thiệu với những tình khúc trữ tình, giai điệu nhẹ nhàng được diễn giải như những áng văn xuôi về âm nhạc… với những giọng ca đặc biệt như Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Sĩ Phú, Mộc Lan, Kim Tước, Thái Thanh, Lệ Thu, Lệ Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao... Chương trình nầy đã thu hút thính giả ở miền Nam Việt Nam từ hậu phương đến tiền tuyến và đã in sâu trong tâm khảm giới thưởng ngoạn.
Theo nhà thơ Du Tử Lê: “ Nguyễn Đình Toàn di cư vào miền Nam, năm 1954, ông trở thành biên tập viên đài phát thanh Quốc Gia. (Mọi người quen gọi là đài phát thanh Sài Gòn, để phân biệt với đài phát thanh Quân Đội). Không biết có phải vì lý do công việc, hay để đánh dấu một giai đoạn khác của sự nghiệp văn chương, họ Nguyễn đã từ bỏ bút hiệu Tô Hải Vân, để dùng tên thật của mình, như bút hiệu. (Sáng tác nhạc với bút hiệu Hồng Ngọc)
Những năm đầu ở miền Nam, ngoài công việc thường lệ của một biên tập viên phát thanh, Nguyễn Đình Toàn còn cùng ký giả Phan Lạc Phúc, chủ trương một chương trình văn học, nghệ thuật cho đài phát thanh Sài Gòn...
Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế. Kể cả những điều họ không có trong đầu, trước khi nghe chương trình của ông…”.
Ca sĩ Quỳnh Giao, góp mặt trong chương trình nầy viết:
Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ… Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Đình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc đó. Đáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói... “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Đình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!... Nguyễn Đình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ”.
Nhà thơ Đào Trường Phúc, có thời gian làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn ghi nhận:
“Qua làn sóng điện giữa đêm khuya thanh vắng, chương trình “Nhạc Chủ Đề” đã gửi đến thính giả những viên ngọc trác tuyệt nhất của kho tàng tình ca Việt Nam, những sáng tác bất hủ của Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bích, Lâm Tuyền, Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng... mỗi bài hát là tặng vật vô giá mà chỉ riêng các cặp tình nhân Việt Nam mới có thể chia sẻ cùng nhau”.
Nhà văn BS Ngô Thế Vinh viết:
“Vào thập niên 1960, có ba chương trình nhạc được thính giả yêu thích là chương trình Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc và Mai Thảo phụ trách, và chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Mỗi chương trình có một sắc thái hay riêng, nhưng có lẽ “Nhạc chủ đề” trên đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy vào mỗi tối thứ Năm được chờ đợi đón nghe nhiều nhất. Những lời dẫn quen thuộc với giọng đọc trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn như nhập tâm vào mỗi thính giả:
Tình ca - những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…
Không phải chỉ có nữ giới, mà cả phái nam cũng rất mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ở Sài Gòn là giới thanh niên sinh viên, nơi chiến trường xa là những người lính.
GS Nguyễn Văn Tuấn từ Viện Nghiên Cứu Y Khoa Garvan Úc Châu trước và sau 1975 là một “fan” của chương trình Nhạc Chủ Đề. Anh Nguyễn Văn Tuấn viết:
“Tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập loè ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu tuyệt đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi...”. Rồi mới đây sau khi nghe lại CD Tình Ca Việt Nam Nguyễn Đình Toàn 1970, anh đã phải thốt lên: “Mỗi lời dẫn cho một bản nhạc ở đây là một “nhạc thoại” một tác phẩm khác. Nó thể hiện tính thẩm văn và thẩm nhạc của người tuyển chọn là Nguyễn Đình Toàn”. Rồi cuối cùng, hai người bạn họ Nguyễn ấy như Bá Nha - Tử Kỳ cùng một kiếp tha hương, họ cũng đã gặp nhau không phải trên “một quê hương Việt Nam sợ hãi - chữ của Nguyễn Đình Toàn trong Đồng Cỏ” mà trên lục địa Mỹ Châu thênh thang tự do nhưng vẫn là lưu đầy”.
Với chương trình “Nhạc Chủ Đề” trích dẫn qua các tác giả ở trên nói lên giá trị của người thực hiện phải có tâm hồn, kiến thức về văn chương và âm nhạc… mà nay, hơn sáu thập kỷ qua vẫn được nhắc tới.
Từ “Nhạc Chủ Đề” Nguyễn Đình Toàn tiếp nối với “Tình Ca Việt Nam” từ trong nước đến hải ngoại.
Vẫn theo nhà thơ Đào Trường Phúc:
“Tình Ca Việt Nam” là tựa đề của băng nhạc đầu tiên và duy nhất do người khai sinh chương trình “Nhạc Chủ Đề” - nhà văn Nguyễn Đình Toàn - thực hiện vào năm 1970. Ngày đó trên quê hương chúng ta, compact disc và video chưa xuất hiện, mới chỉ có hình thức “bande magnetique”, và các phòng thâu băng cũng chưa có những thiết bị kỹ thuật tối tân để lọc âm thanh, ghép tiếng hát... Nhưng ngày đó cơn lốc chiến tranh đã cuốn hàng triệu người tuổi trẻ tù thành phố ra sa trường và đưa lửa đạn mịt mù từ sa trường về thành phố. Giữa giông bão chiến tranh, trong nỗi mong manh bọt bèo của thân phận con người và số phận đất nước, những ca khúc bất hủ của kho tàng tình ca Việt Nam được ghi lại và cất lên qua những giai điệu tuyệt vời nhất, vào giai đoạn thăng hoa nhất của những tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú, Võ Anh Tuấn, tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Đan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Đào Duy... tiếng clarinette của Đỗ Thiều và Lê Đô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây...
Hơn ba mươi năm sau, khi khối người Việt Nam lưu lạc nơi hải ngoại đã chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất qua thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ ba, “Tình Ca Việt Nam” mới được in và phát hành lần đầu tiên dưới hình thức CD. Nguyễn Đình Toàn gửi đến thính giả mười lăm bài hát cũ của chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn, cùng lúc với tuyển tập ca khúc thứ hai do ông sáng tác “Tôi Muốn Nói Với Em”…
Ba mươi quá đủ dài để dập vùi bao nhiêu cuộc đời, xé nát bao nhiêu giấc mơ, cuốn phăng bao nhiêu ân tình, nhưng vẫn chưa và có lẽ chẳng bao giờ xóa sạch được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người đã lạc nhau trong một cuộc bể dâu. Ba mươi năm trước, khi viết lời giới thiệu “Hướng Về Hà Nội”, Nguyễn Đình Toàn nhắn nhủ rằng sự chia lìa hai thành phố trên cùng một đất nước cũng đớn đau y như cuộc phân ly giữa những cặp tình nhân sinh ra đời để yêu nhau…”
Theo nhạc sĩ BS Phan Anh Dũng:
“Tình Ca Việt Nam”, chương trình nhạc do Nguyễn Đình Toàn chọn lọc và ra mắt năm 1970. Sau khi tìm được cho chị (nhà văn Bích Huyền), tôi mới có dịp nghe trọn CD. Quả là một chương trình hay: toàn những bản nhạc nổi tiếng, hòa âm hay (tiêu chuẩn thời ấy) với ban nhạc Nhật Bằng, lời giới thiệu của Nguyễn Đình Toàn ngọt ngào, kỹ lưỡng cho từng bản nhạc, với những giọng ca hàng đầu lúc ấy như Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, Duy Trác… Tôi nghĩ Nguyễn Đình Toàn cố ý chọn một giọng ca “lạ”, Võ Anh Tuấn, hát với phát âm miền Nam bài “Dạ Khúc” của Nguyễn Mỹ Ca. Ông cũng tạo ngạc nhiên cho thính giả với song ca nam Sĩ Phú & Duy Trác hát “Tình Khúc Cho Em” của Lê Uyên Phương”…
Trong thời gian Nguyễn Đình Toàn vẫn tiếp tục sáng tác và nhiều lần tổ chức những buổi sinh hoạt âm nhạc, ra mắt sách của tác giả.
***
Nguyễn Đình Toàn tài hoa trong lãnh vực văn học nghệ thuật từ truyện, thơ, nhạc, kịch trong nhiều thập kỷ từ trong nước và hải ngoại.
Riêng về truyện, trước năm 1975 ở Sài Gòn đã ấn hành nhiều tác phẩm: Chị Em Hải (1962), Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964), Con Đường (1967), Ngày Tháng (1968), Phía Ngoài (1969), Giờ Ra Chơi (1970), Đêm Hè (1970), Đêm Lãng Quên (1970), Không Một Ai (1971), Đám Cháy (1971), Tro Than (1972)…
Với tác phẩm Áo Mơ Phai đã mang lại niềm vinh dự trong sự nghiệp cầm bút, đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1973 và cũng là tác phẩm, sau năm 1975 bị kết tội phản động nên bị tù! (Khi ông định cư ở Mỹ, ấn hành Tiểu Thuyết 1: Áo Mơ Phai, Con Đường, Tro Than. Tiểu Thuyết 2: Đồng Cỏ, Giờ Ra Chơi, Ngày Tháng – Người Việt ấn hành, hiện còn trên Amazon).
Trong quyển Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ của họa sĩ Tạ Ty, “Nguyễn Đình Toàn & Nỗi Buồn Trước Mặt” ghi:
“Nguyễn Đình Toàn mang tuổi trẻ đi vào tình yêu, như kẻ hành hương gian nan đi tìm thánh địa trong tâm tưởng. Mỗi nhân vật được nhà văn dùng tới hình như đã mang sẵn một bản án, một quyết định nên mọi diễn trình của nhân vật đều ôm theo nỗi bi đát của định mệnh. Hình ảnh cô liêu làm băng hoại suy nghĩ. Mỗi nhân vật dưới nét mực Nguyễn Đình Toàn được đẩy vào con đường không định sẵn hướng đi. Mỗi số phận cứ lần từng bước trong vũng tối của tâm linh và trở thành mù loà trước ám ảnh, dục vọng! Từng bước của nhân vật như đi vào miền lưu đày vĩnh viễn…
Nguyễn Đình Toàn, nhà văn luôn luôn khao khát hạnh phúc, nhưng tâm hồn lại trôi giạt vào vùng trời bất hạnh, ở đấy, hạnh phúc chỉ là phiền muộn! Con người đã biến thành trò chơi của Tạo hóa, nó bị lưu đày vào từng hố thẳm của ưu tư và bất lợi cho số mệnh an bài. Không một tác phẩm nào của Nguyễn Đình Toàn mở ra với ánh sáng, hầu như bao giờ nó cũng khỏa lấp vào u tối của oan trái, khắc nghiệt!”.
Áo Mơ Phai là truyện dài feuilleton thứ 13 trên nhật báo Xây Dựng năm 1971. Trước đó có những truyện dài viết feuilleton như Con Đường trên nhật báo Tự Do, Đồng Cỏ trên nhật báo Chính Luận và những truyện dài khác trên nhật báo Tiền Tuyến. Tác phẩm Áo Mơ Phai, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành năm 1972, tác phẩm với 300 trang gồm 9 Chương.
Nhân vật chính trong truyện là Lan, cô nữ sinh thơ ngây, trong trắng, nhí nhảnh với cuộc tình chớm nở với Quang. Những lần gặp nhau, đi bên nhau dạo phố phường Hà Nội rất đẹp, dễ thương thế rồi sau Hiệp Định Genève, chia đôi hai miền Nam/Bắc bao tang thương, phân ly ập đến, đứt ruột đành bỏ nơi chốn thân yêu để di cư vào Nam. Nhưng có thể hiểu “nhân vật chính” là Hà Nội trong trái tim của tác giả.
Trong bài viết của nhà văn BS Ngô Thế Vinh cho biết:
“Khi viết bài điểm sách Áo Mơ Phai, Huỳnh Phan Anh, đã nhận định: “Phải nhìn nhận rằng yếu tố 'truyện' là cái gì quá nghèo nàn trong Áo Mơ Phai, truyện dài. Một độc giả bình thường có thể thất vọng sau khi đọc Áo Mơ Phai. Người đọc có thể xếp cuốn sách lại với nỗi bàng hoàng nào đó, có lẽ người đọc sẽ khó thâu tóm 'câu truyện' mà tác giả đã dùng trên 300 trang sách để kể. Có thể câu truyện thật sự của Áo Mơ Phai không thể tách rời khỏi từng trang Áo Mơ Phai, nghĩa là không thể giản lược tóm thâu mà không làm mất ý nghĩa của nó. Có thể vì câu truyện thực sự của Áo Mơ Phai là cái gì chưa hoàn tất, nói một cách nào đó, hãy còn vắng mặt, hãy còn hứa hẹn.” (Văn Học 10/02/1974).
Cũng trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng Áo Mơ Phai như một tác phẩm tâm đắc của mình: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”
Trong buổi mạn đàm với Hoàng Khởi Phong trên RFA (9/10/2006), khi được hỏi về Áo Mơ Phai, Nguyễn Đình Toàn bày tỏ:
“Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết”. (HKP Mạn Đàm Với NĐT, RFA 9/10/2006)
Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri” (Ngô Thế Vinh).
Mở đầu tác phẩm ghi “Hà Nội 1954
Tháng Sáu chưa hết, nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều từ trong văn phòng bước ra tới cửa Tòa Đô Chính, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm…”.
Từ Chương Một đến Chương Chín, tác giả viết về Hà Nội trong những năm trước, mô tả từng con đường, góc phố, quán xá Hà Nội rất chi tiết, khi đọc mường tượng Hà Nội ngày tháng cũ từng thời tiết đến khung trời Hà Nội.
“Ở Hà Nội các khu phố không xa nhau lắm, nên đi xe đạp trong thành phố là một cái thú. Nhất là về mùa Thu. Trời vẫn nắng đầy nhưng không còn nồng nực. Gió heo may đã thổi về là sẽ ở lại cho đến khi những trận gió lạnh của mùa Đông ào đến cuốn đi mất. Trừ những khu phố như Hàng Ngang, Hàng Đào hay Tràng Tiền, hầu hết các phố khác ở Hà Nội đều có bóng cây che hai bên lề đường. Và đi từ phố này sang phố khác là đi dưới những bóng mát và những xác lá rụng đầy đường, mặc dù những người phu lục lộ sáng nào cũng đã quét đường từ lúc trời còn sớm tinh mơ”
(Chương Một”)
“Hà Nội đẹp và quyến rũ nhờ ở cái khí hậu đặc biệt của nó, trong mỗi mùa người ta có thể thấy được cái giây phút đầu tiên của ngày giao mùa, mùa Hè sẽ dịu đi dần dần, cho đến một ngày người ta cảm thấy những trận gió chứ không còn là sự vận chuyển của những đám hơi nồng như ngày hôm trước, và như thế là mùa Thu đã lẩn khuất đâu đó. Nhưng khi mùa Thu thực sự trở lại thì người ta bao giờ cũng thấy như là mình đã nhận ra một cách quá muộn màng, bởi vì chỉ sau một trận heo may thổi vào giữa đêm khuya, trận gió nhiều người đã chờ đón để lắng nghe hoặc sự thay đổi đột ngột của thời tiết đã khua thức người ta trở dậy, bàng hoàng vì cái hơi lạnh đã ùa vào trong phòng, người ta có thể tự nhủ mùa Thu đã trở về, nhưng sáng hôm sau thức dậy nhìn ra ngoài cửa sổ, ra đường người ta đã thấy mùa Thu không phải chỉ mới khởi đầu mà đã tràn vào đầy Hà Nội”.
(Chương Ba)
“Lan muốn được đi lại nhiều lần trên khắp mọi con đường, đi chẳng để làm gì cả, nhưng đối với riêng mình, Lan muốn ghi nhận lấy hình ảnh từng khu phố, từ bao nhiêu năm nay, nàng đi lại, lớn lên, trong bóng của nó, nhưng nàng lại chẳng bao giờ nhìn rõ một nơi nào cả, nàng đi lại giữa thành phố, như đi giữa một nửa có thật một nửa giả, những buổi sáng nắng chói, những buổi chiều u ám những tháng mưa giông, những ngày Đông lạnh lẽo, nhưng tất cả những sự đổi thay bên ngoài, Lan nhận ra lòng mình vẫn nguyên vẹn là tấm gương trong sáng…
Bỗng nhiên trong những ngày gần đây, Lan có cảm tưởng các bóng dáng của những hình ảnh nhìn thấy, cái lạnh lẽo ấm áp của thời tiết, cảm thấy bắt đầu báo hiệu sự đổi thay của nó, trên tấm gương lặng lẽ kia dường như chúng đang dần dần thoát ra khỏi tầm chiếu, tầm nhận ảnh của tấm gương, Lan lo sợ nghĩ rằng, một ngày nào đó, phải xa nơi này, nó sẽ chẳng còn sót lại một bóng hình nào của cái vùng trời bao la thân ái này nữa, tấm gương tự nó sẽ mờ tối, cái ánh sáng trong đáy sâu của tâm khảm nàng sẽ tắt, chẳng còn gì chiếu rọi cho nhìn thấy những hình ảnh của quá khứ, nhìn thấy bằng những lời thầm lặng ai oán”
(Chương Bốn)
Lan thường nghĩ sống ở Hà Nội là sống trong những kỷ niệm đổi thay về thời tiết. Người ta thở chung cái hơi thở của mùa màng, ấm lạnh theo từng nhịp biến chuyển của khí trời, một đời sống đầy vẻ mơ hồ đôi khi Lan có cảm tưởng huyễn hoặc chừng như nàng vươn vai cao lớn ngang với bầu trời sương muối, đôi lúc nàng thấy mình tan biến trong quãng không của khu vườn mùa Đông lạnh ngắt, có những buổi chiều Lan không biết rõ mình thức hay ngủ, bỗng nghe tiếng chuông nhà thờ rền vang từ phía xa, nàng run lật bật tưởng chừng như khắp người đang bị dư âm của những hồi chuông dội vang làm rung lên, có đêm giao thừa theo bố mẹ đi lễ trong Đền Ngọc Sơn, khói hương của những người đi lễ chen chúc trong Đền và ngay ngoài sân đến thắp lên dày đặc làm thành một màn sương bay thẳng lên các tàn cây mọc quanh sân đền, tiếng chuông trống ép trong ngực, và đám khói làm cho ngây ngất có lúc Lan tưởng không thở được, nàng chới với níu lấy tay mẹ, hai chân bước líu ríu gần như không chạm tới mặt đất nữa, Lan thấy hệt như mình đã biến thành một đám khói”
(Chương Năm)
“Tháng bẩy, rồi tháng tám qua mau lẹ như những trận mưa đổ xuống không giờ giấc trong những đêm khuya, những buổi chiều, Hà Nội chỉ trong một thời gian ngắn giống hệt như một thân thể mất dần những hồng huyết cầu. Người Hà Nội bỏ đi và Hà Nội đang ở trong tình trạng mắc chứng hoại huyết…
Hà Nội võ vàng trong cơn bệnh xâm chiếm đột ngột. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lặng lẽ, ngày ngày gồng gánh, dắt díu nhau lếch thếch kéo về Hà Nội nằm la liệt tại các công viên, các vỉa hè, đầy ắp trên sân Tòa Thị Chính, để được đưa đi tới các phi trường, bến tàu, di cư vào Nam...
Trong nhiều ngày, Lan có cảm tưởng cơn bệnh của thành phố, của những hàng cây lây sang nàng, Lan thấy chân tay nặng nề không muốn cử động, hơi thở khó khăn.
Nàng mong đợi ngày đi để đi cho xong, cầu nguyện cho ngày khởi hành đừng đến vội, để còn được ở lại đây thêm nữa, ở lại Hà Nội, chia sẻ nỗi đau đớn của Hà Nội, sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượi với Hà Nội, rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những giọt mưa đọng trên các cành cây, những ngọn lá, chẳng khác Hà Nội khóc…
Ở Hà Nội các khu phố không xa nhau lắm, nên đi xe đạp trong thành phố là một cái thú. Nhất là về mùa Thu. Trời vẫn nắng đầy nhưng không còn nồng nực. Gió heo may đã thổi về là sẽ ở lại cho đến khi những trận gió lạnh của mùa Đông ào đến cuốn đi mất. Trừ những khu phố như Hàng Ngang, Hàng Đào hay Tràng Tiền, hầu hết các phố khác ở Hà Nội đều có bóng cây che hai bên lề đường. Và đi từ phố này sang phố khác là đi dưới những bóng mát và những xác lá rụng đầy đường, mặc dù những người phu lục lộ sáng nào cũng đã quét đường từ lúc trời còn sớm tinh mơ”
(Chương Chín)
Tác phẩm Áo Mai Phơ, ngay cả tựa đề cũng khó hiểu về nội dung, tác giả chỉ đề cập đến vài nhân vật như ông bà Nam với cô con gái Lan vị thành niên với người tình là Quang trong những lần rong chơi để mô tả về nơi chốn Hà Nội.
Ông bà Nam xuất hiện ở Chương Ba, ông là nhà giáo, ông bà chỉ trò chuyện với con gái trong cuộc sống thường tình. Ông ưu tư trước thời thế và lo lắng những điều bất ổn xảy ra trong nay mai. Và, điều đó xảy ra trong giờ khắc nghiệt ngã khi phân chia đất nước!
Trong truyện ngắn Đêm Giã Từ Hà Nội của nhà văn Mai Thảo mô tả giờ phút cuối cùng khi rời Hà Nội nhưng trong Áo Mai Phai với câu kết: “Nàng cũng mong mỏi một buổi chiều nào, ngồi ở bao lơn đó, nàng sẽ trông thấy Quang đi tới. Lan không gọi, nhưng Quang cũng sẽ ngửng lên, và trông thấy nàng. Họ sẽ phải gặp nhau một lần cuối cùng như thế trong Hà Nội, rồi có sẽ gặp nhau ở nơi xa xôi nào khác nữa không, là việc sau. Lòng mong đợi gay gắt đến nỗi, đã có khi làm Lan tưởng như nàng sẽ chết thật, sẽ không thể nào thở được nữa. Nhưng cái hơi thở hổn hển đó còn kéo dài mãi, dài như những trận gió heo may thổi quanh Hà Nội, thổi vào Hà Nội, trải dài hơn những hàng cây đang để trơ dần những cành gầy guộc, khẳng khiu. Tưởng tượng mạnh mẽ đến nỗi, có một lần Lan đút mấy ngón tay mình lên miệng, và nàng có cảm tưởng chúng cháy bùng như những cây nến”.
Theo ông, Áo Mai Phai coi như tác phẩm tâm đắc vì “Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi”.
Trong bài Hồi Tưởng của Nguyễn Đình Phương Uyển, con gái tác giả:
“Áo Mơ Phai, miêu tả chi tiết về quang cảnh Hà Nội. Chi tiết đến từng góc phố, từng con đường, từng mùi hương. Hà Nội qua ngòi bút của ông đẹp như tranh thế mà Cộng Sản lại bỏ tù ông vì tác phẩm nầy. Giải thưởng từ tay Tổng Thống nghĩa là bố tôi nợ máu với Việt Cộng nhiều hơn ai hết thảy”.
Ông bà Nguyễn Đình Toàn có 4 người con: Nguyễn Đình Thức, Nguyễn Đình Tri, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Đình Thư. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Bà Tú Xương của Nguyễn Đình Toàn – vĩnh biệt chồng con, cháu… ngày 15 tháng 2 năm 2021, hưởng thọ 79 tuổi. Trước đó, ông bị bệnh hoạn, sức khỏe yếu kém rồi sau khi mất người bạn đời, tình trạng sức khỏe của ông rất thê thảm! Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.
Ông đã vĩnh viễn ra đi nhưng để lại di sản văn học nghệ thuật quý báu cho người ở lại.
Little Saigon, November 30, 2023
Vương Trùng Dương
No comments:
Post a Comment