Friday, January 20, 2012

Chuyện người Tù chết chiều 30 Tết

___________


Chuyện Người Tù Chết Chiều 30 Tết

Nguyên Nhung

Hình như suốt đêm qua tôi không ngủ, lại lơ mơ nhớ đến một lời hưá với con cuả người tù đã chết chiều 30 Tết năm 1977 tại vùng Sơn La Việt Bắc thâm u những mồ hoang mả lạc. Chuyện thật 100%, không hư cấu, cũng không phải chuyện ma, nhưng cứ như một cơ duyên bí ẩn của tâm linh, tình cờ mà đến, phải chăng vẫn có một thế giới vô hình không hiểu được.
Khoảng đầu năm nay, tôi đang lơ mơ ngồi đọc email cuả mấy người bạn, thì một lá thư cuả người bạn thân từ bên Úc gửi qua, bạn nhờ có quen ai ở Trà Vinh thì tìm giùm thân nhân cuả anh Chung Hữu Hạnh, một giáo sư biệt phái bị đi cải tạo và đẩy ra miền Bắc, anh đã chết trong một xó xỉnh nào đó cuả miền Việt Bắc, may là còn lại tấm bia mộ.
Anh gốc người Trà Vinh, vợ con sau khi mất tin chồng đã tìm đường vượt biển, chẳng biết bây giờ ở đâu. Tôi nhanh nhẩu ngồi liền vào máy viết thư cho nhà thơ Huỳnh tâm Hoài, một nhà thơ gốc Trà Vinh có những bài thơ được phổ nhạc rất hay là Lời Ru Sóng Vỗ, do nhạc sĩ Nguyễn hữu Tân phổ nhạc.
Như một bí ẩn của tâm linh, anh Huỳnh tâm Hoài vưà là bạn tù, vừa là bạn học cùng thời với anh Chung hữu Hạnh. Đọc tin anh buồn vui lẫn lộn, buồn vì nhớ bạn mình đã chết đơn độc vùi thân nơi rừng sâu núi thẳm, vui vì đã tìm được mộ thì hy vọng sẽ có ngày bạn mình được về hưởng hương khói gia đình.
Chỉ trong 5 ngày tin phóng đi, một người đã tìm ra thân nhân cuả anh Chung Hữu Hạnh, và tháng 6 năm nay chị Hạnh cùng các con đã tìm ra miền Bắc bốc mộ chồng đem về an táng tại Trà Vinh. Anh Chung hữu Hạnh là thầy cuả vợ bạn tôi, chắc thầy sống khôn thác thiêng nên tìm tới cô học trò để rồi cái đường dây loanh quanh trong cõi vô hình, cuối cùng thầy cũng tìm được về quê nhà, được sự chăm sóc khói hương cuả vợ hiền và các con.
Bạn tôi gửi cho tôi xem những tấm hình cảnh bốc mộ cuả anh Hạnh, nhìn nắm xương phù du còn lại được bươi lên từ đất cát khô cằn của miền Bắc, tôi cảm thấy ngậm ngùi, tất cả đều là vô thường, một ngày nào đó ai cũng phải tan thành tro bụi. Sẵn trớn tôi viết thư kể cho bạn tôi nghe về người tù chết chiều 30 tết, tôi cũng chả biết anh ta là ai, chỉ nghe chồng tôi kể lại ngay cái tên cũng không nhớ.
Câu chuyện từ mùa đông năm 1977 tại trại tù vùng Sơn La, nằm trên con đường đến Nghĩa Lộ.
Chiều cuối năm rét mướt, trong cảnh u ám thê lương cuả trại tù miền Bắc, cùng nỗi đói khát cuả những người tù gầy guộc và bịnh tật. Cả lán đang xôn xao ngoài sân chờ được phân phát thức ăn cuả ngày tết, quanh năm đói khát vất vả vẫn hy vọng có chút thức ăn ngon, khẩu phần là hai cái bánh chưng to hơn bàn tay, và mấy miếng thịt bé bằng ngón tay cái. Trong lán giữa nhà là đống củi lửa cháy bập bùng, sưởi chút ấm áp cho người tù vì trời vô cùng giá rét mà chăn chiếu lại thiếu. Mọi người ai cũng buồn vì nhớ gia đình, cám cảnh “gặm một mối hờn căm trong cũi sắt”. Ở cuối phòng có một chỗ nằm đã giăng mùng xùm xụp, một người bạn không thấy anh bạn tù ra lãnh món bánh chưng mà mấy ngày hôm trước anh ta thường than thở rằng chỉ thèm một miếng bánh chưng, nên đã tốc mùng xem thì thấy anh bạn tù nằm chết tự bao giờ.
Cả lán lại chìm trong nỗi buồn, giữa đêm tận cùng cuả năm mà hình ảnh người bạn tù chung nằm chết trong lán, như một ám ảnh khiến ai cũng nghĩ đến phận mình, một ngày nào sẽ bỏ xác nơi đây, gia đình thân nhân không ai hay biết. Báo cho quản giáo xong, họ xem xét thấy anh đã ngưng thở, nhưng vẫn hỏi ai có thể làm hô hấp nhân tạo cho anh ấy được không?
Mọi người lặng im, lúc ấy không hiểu sao thì chồng tôi lại xung phong làm việc ấy đối với một xác chết, nuôi một chút hy vọng nếu anh ấy thở lại được thì sao? Nhưng hoàn toàn vô vọng, bốn người tương đối trẻ và khoẻ được chọn để khiêng xác anh bỏ ra cái lò rèn, nằm đó chờ đến ngày mùng hai mới đem chôn, vì kiêng ngày mùng một tết (síc). Một vị thượng toạ thấy vậy đã lẻn đem phần ăn ngày tết cuả anh ra nơi quàn xác để âm thầm gọi là tiễn đưa linh hồn người bạn tù được “no nê” ở thế giới bên kia. Thảm thật!
Ngày liệm xác anh vào cái hòm gỗ thô sơ, xác anh được cuốn vào một cái bao cát, thay cho anh một bộ đồ tù mới, chồng tôi thấy tội nghiệp đã lấy chiếc áo thung xanh cuả người chết để anh gối đầu lên cho đỡ thảm, người ta còn cố tuột cho được cái nhẫn cưới trong bàn tay gầy guộc cuả người tù ốm đói. Sau này nghe con anh kể, chiếc nhẫn ấy đã được gửi về trả lại cho gia đình, nhưng mộ phần thì không biết thất lạc nơi đâu vì trại tù đã bị dời đi, trả lại cái nền hoang cho dân chúng địa phương canh tác ruộng bắp. Anh là người tù đầu tiên chết ở miền Bắc muà xuân năm 1977.
Ngày mùng hai, lại bốn người tù được chọn lầm lũi đẩy chiếc xe “cải tiến” có quan tài cuả người tử sĩ đem đi chôn. Không có một nghĩa địa nên buộc lòng phải vùi anh một nơi nào đó dọc theo sườn núi. Tất cả suy nghĩ rồi quyết định chôn anh trong một lòng huyệt nông vì đá tai mèo cứng quá không đào nổi, bên một dòng suối, thoai thoải là sườn núi chênh vênh với cây rừng, anh nằm đó để linh hồn được thanh thản nghe tiếng suối reo, nghe cây rừng than van với bốn bề hiu quạnh. Trước khi về, họ còn ráng khiêng những tảng đá lớn chất lên mộ để đánh dấu, hy vọng một ngày nào đó thân nhân sẽ tìm được mộ của người thân ….
Đường Tìm Về Với Thân Nhân:
Tôi gõ “meo” kể câu chuyện này cho bạn tôi nghe, rồi đi ngủ, lòng không mảy may vướng bận. Sáng hôm sau, khi xong việc nhà tôi vừa mở email thì đã thấy thư cuả bạn, với chữ Khẩn trong Subject. Tôi đọc thư, vắn tắt bạn viết:
“Đây là chuyện thật, không phải hư cấu để nhà văn viết truyện. Làm ơn hỏi ông xã giùm hồi xưa anh bạn tù chết chiều 30 tên gì, vì con anh đi tìm mộ cha ba năm rồi mà không ai biết, chỉ mơ hồ nên không biết chính xác mộ nằm ở đâu.
Please! Hồi âm cho biết vì rất mong, con anh sắp trở về VN tìm lần nữa vào tháng 7 này.”
Tôi giật mình, lại một chuyện lạ, chẳng lẽ hồn anh Chung hữu Hạnh lại dẫn bạn tù về tìm đúng người để về với gia đình sao? Ớn lạnh, tôi là tác gỉa cuả một loạt truyện Cõi Mù Sương viết về thế giới bên kia, nhưng thật ra tôi toàn mượn chuyện người sống để nói về người chết, hư cấu 100%. Chờ chồng tôi đi làm về, tôi kể chuyện, sau đó liên lạc với con anh người tử sĩ, anh tên là trung úy Huỳnh tự Trọng, sinh quán ở Đà Nẵng hay Quảng Nam gì đó.
Người con cuả anh liền xin số phone để liên lạc, cháu yêu cầu chồng tôi cố nhớ lại vị trí cuả trại tù ngày xưa, và nhất là vị trí cuả nơi chôn cất anh Huỳnh tự Trọng. Hơn 30 năm vật đổi sao dời, dâu hoá biển, biển hoá dâu là chuyện thường, bây giờ chẳng biết cảnh cũ thay đổi ra sao, nhưng may ra còn dãy núi, còn con suối làm chứng cho cái trại tù heo hút ngày xưa. Đầu óc một người đã từng sống trong cảnh tù đầy thiếu ăn thiếu mặc, thêm nhiều năm vất vả với cuộc đời để tìm nguồn sống cho cả gia đình, chắc chắn là không nhớ hết được, thế nhưng như một sức mạnh thiêng liêng, từ linh hồn người tử sĩ, chồng tôi đã vẽ được sơ đồ cho con anh bạn tù bạc mệnh đi tìm lại mộ cha.
So sánh với sơ đồ anh vẽ, và những hình ảnh các cháu đã chụp lại trong chuyến đi kỳ trước, khó mà tìm ra mộ vì tất cả chỉ còn một màu xanh của ruộng bắp, không thấy suối, hòn đá cao chắn ngang lối mòn năm xưa cũng không còn, lấy gì để xác định được ngôi mộ nằm ở chỗ nào.
Hành Trình Đi Tìm Mộ Cha:

Thư qua tin lại với con cuả tử sĩ Huỳnh tự Trọng, nhiều câu hỏi được đặt ra qua những thông tin của cháu, sự tha thiết tìm lại ngôi mộ của người cha bất hạnh vẫn nung nấu trong lòng những đưá con. Có lúc cả hai bên tưởng như tuyệt vọng, dù cháu cố nài nỉ “Chú ơi! Làm ơn nhớ giùm con, lúc ấy chú đi từ trại ra nơi chôn ba cháu ra sao? Chú chấm thử một địa điểm lần chót nữa đi, cháu hy vọng ba cháu sẽ chỉ cho chú…”
Cảm động đến rơi nước mắt, chỉ còn hai hôm thôi hai đưá con anh lại lên đường đi tìm mộ cha, lần này nếu không được là thôi, hết hy vọng.
Tối hôm đó ngồi thần thừ trước tấm sơ đồ trại tù miền núi năm xưa, chồng tôi thầm cầu nguyện rồi khoanh tròn màu đỏ lên tấm ảnh mà cháu gửi qua. Anh nghĩ nó nằm ở chỗ này, làm một phép tính nhỏ (anh học ban B, vốn giỏi toán từ hồi đi học), lấy khoảng đứng từ ngoài đường vào trại tù cũ, gần một ngã ba cuả con đường tẽ vào Nghĩa Lộ, rặng núi đánh dấu cho địa điểm chính xác, ngôi mộ sẽ nằm ở khoảng này, khoanh một vòng tròn màu đỏ, anh đi ngủ để mai đi làm mà lòng nặng trĩu…
Theo chuyện kể cuả các cháu, chuyện người tử sĩ Huỳnh tự Trọng ly kỳ như một cuộn phim tâm linh khó giải thích, dọc đường đi anh đã phù hộ cho con anh ra sao, và khi đến nơi, lần trước các cháu đã biết có một ngôi miếu do một người bộ đội đã phục viên kể lại. Chính anh ta vì được một linh hồn khuất bóng lảng vảng nơi này cứu giúp trong cơn hoạn nạn, nên đã tự lập một ngôi miếu để thờ, mà chẳng biết là ai. Anh ta về quê làm rẫy, thường hay thấy một bóng người đi ra đi vào ruộng bắp, nhưng chỗ ấy không có nhà cửa thì lấy làm lạ, có khi cái bóng ấy còn đi vào nhà anh, nên anh tin là có một điều gì lạ lùng trong thế giới vô hình mà không diễn tả được. Trước khi đến đây làm nhà, anh ta nghe dân địa phương nói chỗ sườn núi này có một ngôi mộ nhưng bây giờ không biết nằm đâu rồi. Khi gia đình gặp chuyện không may, anh van vái người khuất mày khuất mặt phù hộ gia đình anh thoát nạn, anh sẽ cất miếu thờ, chính vì vậy mà có miếu thờ tử sĩ Huỳnh Tự Trọng (nhưng vẫn không có tên).
Trước khi các cháu lên đường tìm mộ cha, chồng tôi chỉ bảo một lần chót: “Chú không tin lắm ở trí nhớ cuả mình, nhưng khuyên cháu là khi về nên đến cái miếu thờ ấy van vái ba cháu cho tìm được mộ. Nếu linh hồn ông thiêng thật, nhất định các cháu sẽ tìm ra mộ cha.”
Một tin tưởng để vớt vát niềm hy vọng cho con cuả người bạn tù năm xưa, chúng tôi không tin rằng các cháu có thể tìm được mộ cha dưới gần 3 thước đất, vì sau khi gặp được người địa phương nổ mìn phá núi để lấy đá, ông ta nói ngày xưa nơi đây có cái suối nước nhưng bị lấp mất rồi, còn hòn đá to chặn ngang đường đi đã bị phá huỷ để lấy đá làm đường thì có lẽ trong lúc ấy, đã đẩy ngôi mộ sâu xuống đất nên không còn dấu vết.
Nghe xong những chi tiết này, con anh Huỳnh tự Trọng liền suy nghĩ và tính toán xem mộ cha sẽ nằm ở khoảng nào, đúng với cái vòng tròn màu đỏ và quyết định không bỏ cuộc. Cộng thêm giấc mơ anh Huỳnh tự Trọng báo mộng, xác anh nằm gần một mô đất cao, cháu nhìn thì thấy có một mô đất cao hơn đường đi nên nhất định đào sâu thêm nữa theo hình tam giác cuả sợi dây giăng làm chuẩn. Mấy người đào mộ thấy đào sâu quá bèn hỏi bộ định đào ao nuôi cá sao?
Vậy mà khi nhát xẻng chạm vào một khoảnh đất cứng hơn, mọi người mới bàng hoàng nhận ra những mảnh gỗ mục và hiện ra hình dạng một bộ xương người nằm trong cái bao cát tẩm liệm 33 năm dài trong lòng đất, loại bao này bằng ni lông cuả quân đội VNCH, được cắt ra chia cho tù dài khoảng 2 mét để làm tấm trải ngủ. Khi mở ra, cái đầu lâu khô cuả tử sĩ Huỳnh Tự Trọng còn gối lên chiếc áo thung xanh năm xưa, chỉ bị huỷ hoại khoảng 20%…
Một buổi chiều tháng bảy ở quê người, trong khi tôi đang nói chuyện qua phone với Đỗ Dung, cô bạn văn có ngòi bút trung thực và tính tình điềm đạm nhất cuả tôi thì chồng tôi báo tin, các con anh Trọng đã tìm được xác cha. Tôi cảm thấy lạnh cả sống lưng, và kể chuyện cho bạn tôi nghe. Chao ơi! người chết tìm về, tin hương linh người tử sĩ không quen tìm về với gia đình anh đã làm tôi xúc động, tôi cũng cảm được sự xúc động cuả bạn tôi qua giọng nói từ xa vọng tới…
Đây là câu chuyện về người tù chết chiều 30 tết trong một ngày cuối đông rét mướt đã 33 năm về trước, anh đã tìm về được với gia đình, trở về với mảnh đất quê nhà và hưởng hương khói gia đình. Hôm nay còn lại một vài ngày nữa để bước sang một năm mới, tôi nhớ đến lời hưá với con cuả người tử sĩ, nên viết một mạch cho tâm hồn thanh thản.
Xin mời những nhà thơ nhà văn có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động như cung đàn muôn điệu cùng với gió với mây, hãy cảm tác mấy vần thơ cho ấm lòng người tử sĩ nha.
Phần tôi, quá mệt cho một đêm không ngủ để nhớ lại từng chi tiết vì câu chuyện không thể nào hư cấu được.
Viết xong buổi sáng cuối năm 2010.
Nguyên Nhung

No comments: