Saturday, January 14, 2012

Rồng Mây đêm trừ tịch - Bảo Tâm

_____________




        RỒNG MÂY ĐÊM TRỪ TỊCH
                
                              
      Trải qua biết bao thời đại, Rồng chỉ là con vật được tưởng tượng qua văn chương sử sách, nhân loại chưa có ai được nhìn thấy tận mắt con Rồng thật bằng xương bằng thịt bao giờ. Trong số mười hai con Giáp, người tuổi Thìn tức tuổi con Rồng. Người xưa thường nói đa số người tuổi con Rồng đều có dáng vẻ đẹp đẽ hào hoa, nói năng hoạt bát, thông minh lanh lợi. Nếu vợ chồng đều cùng tuổi Thìn mà sống bằng nghề kinh doanh thương mãi sẽ  sớm được hanh thông, thăng tiến, làm ăn ngày càng giàu có. Năm nay 2012, theo âm lịch là năm Nhâm Thìn, kính chúc quý đồng hương hải ngoại được hưởng một năm mới sức khỏe dồi dào, an cư lạc nghiệp, tài lộc rủng rỉnh vô đầy nhà, gia đình ấm êm ngập tràn hạnh phúc.

        Hồi còn nhỏ, trong những câu chuyện cổ tích đầy tính huyền thoại về con Rồng do  bà ngoại tôi kể lại, anh em tôi thích nhất là chuyện Thăng Long Thành (tức thủ đô Hà Nội bây giờ) và chuyện Long Đầu Hí Thủy (đầu Rồng giỡn nước) bên bờ bắc cầu Trà Khúc thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Riêng chuyện Long Đầu Hý Thủy, đã là dân Quảng Ngãi thì ai cũng biết. Đó là một cái hang thật lớn và thật sâu, sâu thăm thẳm, và cũng không ai biết cái hang đó có từ thời đại nào. Họ chỉ biết hằng năm cứ đến mùa nước lớn, chờ cho nước sông Trà Khúc dâng cao ngập miệng hang đúng vào lúc nửa đêm, rất nhiều người hiếu kỳ đến xem đều được chứng kiến tận mắt một nửa phần trên của con Rồng có cái đầu khổng lồ với nhiều màu sắc rực rỡ từ dưới lòng hang chui lên phun nước tung tóe khắp cả một vùng. Toàn thể đám người chen chúc nhốn nháo đứng trên cầu Trà Khúc nhìn xuống lúc đó sẽ được huởng "một trận mưa rồng" đầy thích thú. Họ giữ vững trong lòng một niềm tin cho đó là điềm lành đến với suốt cả cuộc đời của mình. Hiện tượng có thật nầy mãi cho tới bây giờ vẫn còn. Cán bộ chính quyền cộng sản đương thời cứ ra rả tuyên truyền cho đó là chuyện đầy óc dị đoan mê tín cần phải bài trừ, thế mà trên thực tế có một số rất đông trong hàng ngũ họ vẫn cứ mơ có một dịp nào đó "được tắm nước rồng". Đền thờ Long Đầu Hý Thủy nơi đó cũng không ai biết được xây dựng từ niên kỷ nào. Hằng năm cứ đến ngày mồng một và rằm âm lịch, phần đông các cụ già địa phương đều rủ nhau ra đó bày biện hoa quả rồi cùng thắp nhang quì xuống khấn vái cầu nguyện Đầu Rồng che chở cho dân làng có được đời sống bình an, hiền hòa và luôn luôn gặp nhiều may mắn.        

        Trong dân gian tùy theo phong tục tập quán, những câu chuyện tưởng tượng về Rồng nhiều lắm. Biết bao sách báo, hình vẽ ca tụng sắc đẹp và nét uy nghi lộng lẫy của Rồng cũng nhiều lắm. Bất ngờ gặp khách quý đến nhà thăm vào dịp đầu xuân, gia trưởng hân hoan niềm nở ra đón, mở lời bằng tiếng chào thật khiêm tốn: "Ồ, may mắn quá, hôm nay gia chủ được tiếp Rồng đến nhà Tôm, quả là một phước lớn".

                            ***

        Bạn là người gốc Quảng Nam? Vâng! Nếu có một thời được lớn lên tại quê hương vào những ngày đầu năm Bính Tuất (1946), hẳn không bao giờ bạn quên câu chuyện "RỒNG MÂY ĐÊM TRỪ TỊCH" do tờ Đông Dương Nhật Báo và nhiều báo chí khác hồi đó đăng tải nhiều kỳ kèm theo hình ảnh thật sống động và vô cùng huyền bí. Đó là vào một đêm trừ tịch, đúng vào giờ giao thừa giữa hai năm Ất Dậu và Bính Tuất. Theo phong tục tập quán của dân Việt mình, trong thời khắc thiêng liêng đó nhà nào cũng mở toang cửa đón xuân, nuôi niềm tin được đón lộc vào. Đặc biệt những gia đình theo đạo Phật, trên bàn thờ Phật và Ông Bà lúc nào cũng bày biện đủ ngũ quả (năm loại trái cây), hoa tươi thơm ngát, khói hương nghi ngút. Không ai khuyên ai bảo ai, nhà nhà đều có một đêm không ngủ, vợ chồng con cháu sum vầy trò chuyện suốt đêm. Nhìn ra bên ngoài, bầu trời trong xanh quang đảng không một gợn mây, chốc chốc lại có một vì sao băng đổi chỗ lướt nhanh rồi vụt tắt. Bổng từ đâu đó cả xa lẫn gần, rồi lan dần ra khắp làng trên xóm dưới, người người đều la hoảng: "Rồng, rồng, trời ơi, rồng, bà con ơi, mau mau ra mà coi nè, rồng, rồng". Cứ tưởng như có nội loạn gì đến nơi, cả nhà tôi cũng đều chạy túa ra sân rồi cùng hùa theo với cơn la hoảng đó. Nhìn lên khoảng không gian không cao lắm - sau vài giây định thần, trước mắt tôi lúc đó là một con Rồng khổng lồ giống y hệt trong tranh vẽ đang di chuyển thật chậm về hướng chánh đông, mới nhìn tôi có cảm giác như nó đang còn đứng yên một chỗ. Đôi mắt của nó lóng lánh chập chờn như hai vì Sao Hôm rực sáng, cái miệng há toạt để lộ hai hàm răng rực lửa nhọn hoắc, bộ râu mép hai bên cái miệng cứ ngoằn ngoèo vươn cao. Ngoạn mục hơn hết là khối vảy toàn thân rồng cứ mãi phình ra rồi khép lại như đang điều khiển hai dãy xương kỳ trên lưng, cùng với bốn cái chân cứ nhịp nhàng uốn éo, kéo dài ra tận cái đuôi lắc lư hình cánh quạt. Tóm lại, toàn thân Rồng được thiên nhiên cấu tạo bằng nhiều sắc mây rực rỡ lấp lánh, càng chăm chú, càng nhìn kỷ tôi càng vô cùng cảm xúc được thưởng thức một kỳ công tuyệt vời của tạo hóa, được chứng kiến tận mắt một bức tranh Rồng vô cùng tuyệt hảo, vô cùng ngoạn mục.

         Kể từ đêm hôm đó, câu chuyện "Rồng Mây Đêm Trừ Tịch" được người người loan truyền cực kỳ nhanh chóng. Bởi vì đâu có phải chỉ riêng dân ở quê tôi mới có cái diễm phúc được nhìn thấy, mà tất cả từ các quận huyện miền núi đến tận các vùng trung du đồng bằng, kể cả các thành phố thị trấn lớn nhỏ dọc liên tỉnh lộ 20 về tới tận phố cỗ Hội An, mọi người đều quả quyết là có nhìn thấy rất rõ hiện tượng Rồng Mây trên đường di chuyển đúng vào đêm giao thừa. Xóm Cựu làng tôi có ông Hai Hội, nghe nói cha mẹ đều mất sớm khi tuổi đời của ông còn rất trẻ, năm đó đã ngoài 40 mà vẫn còn sống độc thân, tội nghiệp một con người hiền lành sao mà "dốt đặc cán mai, một chữ quốc ngữ bẻ làm hai" ông cũng lắc đầu. Ai cũng biết bản thân ông nghèo quá, gia tài chỉ vỏn vẹn một căn chòi nhỏ vách tre lợp tranh, suốt đời chỉ biết cày thuê cuốc mướn. Thế mà cái ông nhà quê nầy lại có cái biệt tài xuất khẩu thành vè (thơ vè). Gặp lúc thiên hạ xôn xao bàn tán về chuyện Rồng Mây, đi tới đâu ông cũng gật gù ngâm nga bài vè bốn chữ do tự ông ứng khẩu:

                  Rồng ơi là Rồng,
                  Mây ơi là mây,
                  Sao không xuống đây,
                  Cùng dân làng nầy,
                  Vui chơi cho thỏa.

                  Ngày đêm ta đọa,
                  Không uống không ăn,
                  Biết nói làm răng,
                  Mây ơi rồng hởi!

                  Ta mãi chờ đợi,
                  Đến ngày quy tiên,
                  Được gặp rồng thiêng,
                  Tận miền thượng giới.
                  Rồng ơi Rồng hởi,           
                  Hai Hội đợi Rồng.

         Mấy câu vè bốn chữ thật bình dân mộc mạc nói trên của ông Hai Hội cứ được ông nghêu ngao suốt ngày khiến tụi con nít chúng tôi trong làng đều học thuộc làu. Bất kể ngày đêm, ai gặp ông ta cũng đều vỗ vai khen cái tài ứng khẩu của ông nhà thơ vườn nầy. Họ cứ mãi bàn ra tán vào với cùng một suy nghĩ là dường như tâm hồn ông nầy đang "bị nhiễm Rồng Mây". Có người còn vui miệng nói thẳng những gì họ đang suy nghĩ về ông trước mặt ông, lúc đó ông chỉ mĩm cười và không nói năng gì cả. Ngày tháng trôi nhanh, thấm thoát mà đã qua hai mùa trăng sáng, đúng vào đêm rằm tháng 2 âm lịch năm đó (Bính Tuất 1946) bỗng dưng ông lăn đùng ra chết giữa nhà mà không hề có triệu chứng đau đớn trằn trọc gì cả. Cái chết đột ngột của ông trong tư thế giống một người đang nằm ngủ, tay chân duỗi thẳng, đầu gối trên mớ quần áo rách rưới bẩn thỉu. Các thầy thuốc đông và nam y trong làng đều xác nhận là ông Hai Hội nầy hoàn toàn không bị trúng gió và cũng không mắc phải một chứng bệnh nào cả. Trong đám đông người dự lễ mai táng ông do Trùm Làng tổ chức, ai ai cũng tỏ lòng thương tiếc một con người thật thà hiền lành chất phát, họ xôn xao bàn tán: "Có thể vong linh ông Hai Hội đã được Rồng Mây đem về Trời".

         Suốt cả mùa Xuân năm Bính Tuất đó, đi tới đâu cũng nghe thiên hạ bàn tán xôn xao về chuyện Rồng Mây. Các cụ cao tuổi cho đó là điềm lành lành, còn đa số lớp người trẻ thì quả quyết đó là tin dữ, họ dựa vào lý do mới vừa được tin tàu chiến quân Pháp sắp đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng và thị trấn Liên Chiễu với ý đồ muốn trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Cái tin dữ nói trên không hề làm mọi người nao núng lo sợ, mà ngược lại họ rất bình tỉnh, dường như họ đang có cùng một suy nghĩ rằng dù biết trước thế nào cũng xảy ra chiến tranh, nhưng làm sao khiến họ quên được hiện tượng Rồng Mây có một không hai trong cuộc đời của mình.

         Thế sự thường tình, việc gì đến rồi cũng phải đến. Lực lượng chống thực dân Pháp dưới danh xưng là "Mặt Trận Việt Minh" (tiền thân của chủ nghĩa Cộng Sản bây giờ) khẩn trương ban hành lệnh cưỡng bách toàn dân thành phố Đà Nẵng và các thị trấn, làng xã lân cận đều phải khẩn cấp di tản. Đã là người dân bình thường, ai mà có can đảm đối diện với cái chết, thế là từng đoàn - rồi từng đoàn người "rồng rắn" bồng bế dắt dìu nhau chạy giặc, họ chấp nhận bỏ cả nhà cửa, của cải vườn tược để ra đi, lương thực tiền của mang theo làm sao đủ sống cho đến ngày có cơ may được trở về, họ chỉ biết đi mà chẳng biết đi về đâu. Gia đình tôi cũng như vô số những gia đình khác trong làng Giáo Ái lúc bấy giờ biến thành nơi ẩn cư tạm thời cho bà con tị nạn từ Đà Nẵng chạy về. Chạy giặc nhiều ngày, đói khát mệt nhoài, cơ thể rã rời, thế mà họ cũng không quên hỏi han dồn dập về chuyện Rồng Mây, họ nói ở Đà Nẵng có rất nhiều người cũng tận mắt nhìn thấy hiện tượng đó trong đêm giao thừa, nhưng vì quá xa cho nên không nhìn rõ lắm.       
         
         Mấy ngày đêm liền sau đó, Đà Nẵng và các vùng phụ cận luôn hứng chịu dồn dập hàng loạt những viên đạn đại cối từ tàu chiến của Pháp ngoài Tiên Sa và Liên Chiểu bắn vào. Lệnh tiêu thổ kháng chiến "vườn không nhà trống" được ban hành, dân quê làng tôi lại cùng nhau hối hả gạo đùm cơm gói dắt dìu nhau chạy giặc, dân chạy giặc từ Đà Nẵng vào cũng về hùa chạy theo trong cơn hỗn loạn chưa từng có. Không biết ai chỉ đường dẫn lối mà tất cả đều trực chỉ về hướng tây nam, sau hai ngày đêm lặn lội trong mưa gió mịt mùng, tất cả đều cùng dừng chân tại bờ sông Ô-Gia, một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn. Dân làng Ô-Gia thật tốt bụng, họ hối hả tự động đem ghe chài cá của nhà ra đón, đưa hàng ngàn người chạy giặc qua sông được an toàn. Những tưởng hiện tượng Rồng Mây Đêm Trừ Tịch được nhiều người lãng quên, đâu có ngờ ngày càng rộn ràng sống lại trong tâm khảm của mỗi con người. Chính dân làng Ô-Gia và các làng phụ cận cũng xác nhận là có nhìn thấy rất rõ hiện tượng Rồng Mây trong đêm giao thừa, họ càng mô tả rõ ràng hơn những gì dân làng tôi được nhìn thấy.           
                        
         Thời gian trôi nhanh, dân chạy giặc dồn dập đón nghe nhiều tin miệng, nào là thành phố Đà Nẵng đã được thực dân Pháp lập xong chính quyền mới, nào là dọc quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ 20 đều có vô số đồn bót và lô-cốt do quân Pháp chiếm đóng, áng ngữ kiểm soát sự đi lại làm ăn của người dân còn ở lại trong vùng. Suốt cả ngày đêm, máy bay của giặc cứ ra rả dùng lời Việt kêu gọi toàn dân ai ở đâu thì nên về đó, an tâm tiếp tục xuống đồng cày cấy, buôn bán làm ăn. Mọi người đều biết, trở về là chấp nhận phải sống trong chiến tranh, là đối diện với cái chết, thế nhưng dù muốn dù không cũng phải trở về chứ không còn sự chọn lựa nào khác. Cái cảnh khổ của đồng bào ta lúc bấy giờ là "một cổ hai tròng" không lối thoát. Ban ngày thì hối hả chạy trốn mỗi khi có giặc Pháp đi lùng, ban đêm lần mò trở về xuống đồng cày cấy, gieo mạ, làm cỏ, bón phân cho kịp mỗi vụ mùa. Đó   là chưa kể đến vấn nạn trai tráng trong làng bị Việt Minh cưỡng bức đào hầm chông, làm mìn bẩy, tất cả đều phải tham gia vào hàng ngũ du kích quân chống Pháp. Dường như "Ông Cao Xanh" bấy giờ luôn chìu lòng người xứ Quảng, suốt ba năm liền sau đó dân nhà nông trên quê tôi dồn dập được trúng mùa, lúa, nếp, bắp, đậu, khoai, sắn...thu về đầy nhà, biết đâu đó cũng là một điềm lành do Rồng Mây đem tới như lời tiên đoán của quý cụ cao niên trong làng, chỉ khổ một nỗi là phải lo đào hầm chôn dấu lương thực thật kỹ và thật kín mới tránh được nạn giặc Tây lùng sục cướp phá. Từ những tháng ngày gian khổ lặn lội trong chiến tranh và mãi mãi cho tới bây giờ, hằng năm cứ mỗi lần nhớ lại cái đêm "RỒNG MÂY ĐÊM TRỪ TỊCH", dân quê làng tôi nói riêng và dường như toàn tỉnh Quảng Nam nói chung đều luôn luôn nhắc nhở nhau làm lành lánh dữ, giữ vững trong lòng một niềm tin là luôn luôn được Rồng Mây che chở và ban phước lành cho tất cả mọi người.     

         Trước khi kết thúc bài viết nầy, tác giả còn có thêm một điều ước mơ duy nhất là được quý đồng hương cùng thế hệ xa gần hoan hỉ đóng góp, bổ sung hơn nữa những gì còn thiếu sót để nội dung câu chuyện "RỒNG MÂY ĐÊM TRỪ TỊCH" được thêm phần phong phú. 

                                     

No comments: