Friday, January 27, 2012

Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ

______________


Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ

Trịnh Cung

Chúng ta - mỗi người Sài Gòn cũ, dù là lưu vong ở xứ người hay đang lưu vong ngay trên quê hương mình, cũng đều rất giống nhau ở nỗi niềm hoài cổ luôn muốn tìm lại một thời đáng yêu, một thời huy hòang, kiêu hãnh và những năm tháng đầy bi tráng đã qua, như một cách để quên đi cái hiện tại đang làm mình hư hao, chết mòn.



“Con Ốc Sên,” gốm xưa, thuộc dòng gốm Lái Thiêu của miền Nam Việt Nam
mà tác giả tìm thấy trên vỉa hè Sài Gòn. (Hình: Trịnh Cung)


Một trong những con đường đưa tôi về lại, dù chỉ là  phút giây, với “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!” thời chưa bị đổi chủ thay tên đó chính là những món đồ cũ, những ngôi nhà cũ, những con đường cũ, những hàng quán cũ, những bài ca cũ và cả những con người cũ, còn rơi rớt lại sau trận đại hồng thủy 1975.

Đã 36 năm trôi qua, một quãng thời gian đủ để những người “chiến thắng” vùi chôn, xóa sổ sạch mọi vết tích tồn tại của “đồng bào” thù địch khỏi tầm mắt. Và chút Sài Gòn ít ỏi còn sót ấy, tất nhiên, cũng đang trên con đường bị họ triệt tiêu hoặc đang tự triệt tiêu mình trên lộ trình già nua, hư hỏng của thời gian.




Hủ gốm Cây Mai -Sài Gòn, trong bộ sưu tập của Trần Tiến Dũng. (Hình: Trịnh Cung)
Vui sướng và đau buồn – hai trạng thái trái ngược nhau ấy là những cảm xúc thường bắt gặp mỗi khi tôi đối diện với chúng đây đó trên các nẻo đường Sài Gòn. Khi là một ngôi nhà kiểu Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 19 vốn từ lâu đã là biểu tượng cho cái đẹp Sài Gòn nay bị đập phá để xây một cao ốc mới; khi là một bình gốm Cây Mai – Chợ Lớn như những kiều nữ nằm chờ khách trong những tủ kính của khu phố đồ cổ Lê Công Kiều; có khi là một chiếc máy nghe nhạc Akai đang ủ rũ , héo hắc với cuộn băng Sơn Ca 7 trong xó góc của một tiệm bán đồ cũ trên đường Âu Cơ.

Văn hào Dostoievski từng nói “Cái Đẹp cứu chuộc thế giới.” Tôi vốn cả tin vào lời các vĩ nhân và luôn rất muốn tin vào lý tưởng đẹp đẽ đó. Nhưng trong hòan cảnh Việt Nam bây giờ, có thể tin vào chân lý đó không, khi nhiều người Sài Gòn cũ đã phải chứng kiến cảnh những hàm cá mập sắt khổng lồ của những chiếc máy ủi máy xúc cạp nát từng mảng những di sản kiến trúc cổ, quật ngã những cây cổ thụ trăm năm tuổi của công viên Mê Linh thuộc khu nhà Bộ Giáo Dục VNCH để thay vào đó một cao ốc thương mại chuyên bán hàng hiệu mà bộ vó kiến trúc của nó như một gã khổng lồ vai u thịt bắp, vừa cực kỳ thô thiển vừa dương oai tự đắc!

Rồi nạn nhân bị hành quyết tiếp sau đó: khu nhà Eden, địa chỉ văn hóa bậc nhất của Sài Gòn không chỉ vì vẻ đẹp kiến trúc thời thuộc địa và sự phồn thịnh về thương mại, mà hơn hẳn, nó là một icon văn hóa - chính trị của Sài Gòn với những thương hiệu lớn như cà phê Givral, nhà sách Xuân Thu, rạp Ciné Eden, cà phê La Pagode,…? Đó là còn chưa nói đến những điều to tát hơn thế nhiều. Thật vậy,  khu Eden này còn là một địa chỉ lịch sử Việt Nam từ thời Tiền Thuộc Địa cho đến trước cái chết oan nghiệt của chế độ Việt Nam Cộng Hòa bởi người CSVN.

 

Tượng Phật Bà Quan Âm cầm giỏ dâu, gốm Biên Hoà, trong bộ sưu tập
của Trần Tiến Dũng. (Hình: Trịnh Cung
Có lẽ đạo diễn Phillip Noyce là người đã tiên thị được và cảnh báo về cái chết tòan diện của Sài Gòn cũ sẽ xảy ra trong một tương lai gần khi ông lấy khu phố gồm có tòa nhà Eden, khách sạn Continental và Nhà Hát Thành Phố để tái hiện lại cảnh chính trị bất ổn của Sài Gòn thời những năm 40 thế kỷ trước trong phim “Người Mỹ Trầm Lặng” (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh, Graham Greene). Đây là sự kiện văn hóa hiếm có sau cùng của khu đất-vàng-lịch-sử này.

Mỗi ngày tôi đều nghe đâu đó tiếng gọi từ những con đường Sài Gòn như thể tiếng gọi của một cuộc hẹn hò tình tứ, hoặc như thể là tiếng kêu cứu của một tòa kiến trúc cũ, của từng gốc cây cũ đang bị xóa sổ mà cũng không biết rồi ngày mai sẽ đến biểu tượng cho Cái Đẹp Sài Gòn cũ nào sẽ đến phiên phải chịu chung một số phận tiêu vong? Ôi, Cái Đẹp cứu rỗi thế giới nhưng nó đang từng ngày bị hạ sát ở chốn nhỏ nhoi này, thưa Ngài Dostoievski!

Lịch-sử-chiến-thắng giết lịch-sử-chiến-bại là như thế, và tất nhiên, nó đang tiếp tục con đường của nó trên đất nước này. Tôi, ở đây, những người Sài Gòn cũ đang ở đây hằng ngày, bị dạy cho bài học đau đớn này mỗi khi đi qua những đống đổ nát hoặc những tòa nhà mới mọc vừa sừng sững thô lỗ vừa cực kỳ ngạo mạn mà đành bụng bảo dạ: “Thôi hết thật rồi!”

Tuy nhiên, liệu người ta có thể thủ tiêu hết tất di sản của Sài Gòn cũ? Di sản Sài Gòn cũ đâu chỉ là những ngôi nhà, những công viên, những quán cà phê, những hiệu sách, những gallery,…? Trở lại cát bụi chỉ là số phận của những di sản vật thể không thể tháo chạy thóat thân khỏi cuộc truy nã trường kỳ của kẻ chiến thắng luôn thấm nhuần tư tưởng “diệt tận gốc,” nhưng những thứ thuộc về “linh hồn Sài Gòn cũ” thì có thể bức hại dễ dàng thế không? Những bản nhạc cũ đang phục sinh; những bức tranh của danh họa Sài Gòn đang được tìm mua; những tác phẩm văn học và tạp chí xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, như Sáng Tạo, Hiện Đại, Văn… hầu như vắng bóng tại những hiệu sách cũ vì sự ưa chuộng của nhà sưu tập; những tác phẩm gốm của các lò như Cây Mai-Chợ Lớn, Lái Thiêu-Bình Dương, Biên Hòa sản xuất trước 1975, đang được sưu tầm như báu vật; ngay cả những máy hát đĩa than và máy nghe nhạc hiêu Akai của Nhật cũng không dễ tìm thấy. Điều khá lý thú là những của hiếm ấy nay lại thường được những tay chơi ở Hà Nội, những người đã một thời từng luôn mồm chửi bới miệt thị văn hóa Sài Gòn-VNCH là đồi trụy, là nô dịch, tìm mua, đặt hàng với giá đắt đỏ. Đây mới là câu trả lời chính xác cho sự hiển linh của linh hồn văn hóa Sài Gòn cũ.

Và như thế, tôi đã trở thành một “fan” của những món đồ cũ ấy. Trong những lần lang thang qua các cửa hàng đồ cổ, tôi luôn dừng lại rất lâu trước những bình gốm Cây Mai men xanh với những họa tiết đắp nổi hình cành hoa, chim thú; trước những sản phẩm gốm Lái Thiêu với men màu da lươn độc đáo và những bình, tượng Phật Quan Âm với kỹ thuật rót khuôn bằng thach cao, một kỹ thuật gốm học được từ trường phái gốm Pháp rất hòan hảo. Trong một lần như thế, bất ngờ tôi bắt gặp một tượng gốm thuộc dòng Lái Thiêu già (cách gọi để phân loại tuổi gốm của dân chơi gốm), nó có hình con ốc sên, đang nằm phơi nắng trên vỉa hè phố Lê Công Kiều. Tôi thích quá nhưng không mua nổi với giá người bán đưa ra. Tôi bỏ đi nhưng không đi xa đươc, đành phải quay lai để ôm được nó về nhà bằng tất cả số tiền còn trong túi. Về đến nhà, tôi đặt con ốc sên ấy trên bàn viết bên cửa sổ phòng khách và hạnh phúc ngắm nó. Nó như cũng long lanh hạnh phúc nhìn tôi, hơi chút bùi ngùi như gặp lại bạn cũ lâu ngày. Và buổi chiều hôm đó, tôi đã cao hứng dành cho nó một bài thơ…

Gặp Lại Ốc Sên

Tao đã rửa nhớt của mày bằng muối
Ướp mày bằng ngũ vị hương
Nấu mày trong ống bơ
Ăn mày những ngày đói ở trại tù sĩ quan ngụy Xuân Lộc
Tao ăn mà sợ sợ
Hỏi thằng tù bác sĩ:
Có sao không Hải?
“Chỉ chậm chạp qua đời…”
Đói nên không dám ói

36 năm rồi
Tao chưa chết
Để gặp lại mày
Trên vỉa hè phố đồ cổ Lê Công Kiều chiều nay
Đời mày phơi nắng dầm mưa bao lâu rồi
Mày đến từ lò thiêu Biên Hòa, Cây Mai hay Lái Thiêu không ai còn biết
Nay mày rụng hết tai mù hết mắt miệng hết mở
Cũng như tao hồi đó hay sao
Thằng bán mày chắc cũng không mấy được no
Mua bán chầm chày may rủi
Từ những gánh ve chai
Từ những cái túi lấm la lấm lét

Cái số mày với tao
36 năm không chết còn gặp lại nhau
Trong một chiều hiếm khi
Tao phải đưa mày về nhà

Và thằng bán mày chiều nay có bữa lai rai.
TRỊNH CUNG

No comments: