Monday, January 9, 2012

Bánh Tét có từ khi nào ? Vỹ Tưởng

____________

 Bài viết nầy Tha Hương nhận được từ Vỹ Tưởng . Tác giả hiện còn đang bên nhà . Chúng tôi xin chân thành cám ơn bạn và thân ái chúc tác giả và quý quyến một mùa xuân mời đầy niềm tin yêu và hạnh phúc.  Xin trân trọng giới thiệu bài viết đến tất cả bạn đọc của Tha Hương bốn phương ....
HTTL



BÁNH TÉT CÓ TỪ KHI NÀO?
                                        Vỹ Tưởng

Kỹ thuật làm và hương vị của bánh Tét đã trở thành truyền thống, nét văn hóa đặc sắc và là phong tục không thể thiếu trong những ngày Tết. Cùng với tính nhân văn của nó, bánh Tét cũng có nguồn gốc, lịch sử và thời gian ra đời vô cùng thú vị.

Tết với quê hương Việt Nam là dịp con người tìm về cội nguồn xứ sở, cái nao nao thúc giục lòng người khi ngồi trên chuyến xe xuôi về quê cũ. Để tìm về với mùi khói bếp, mùi của hương bánh Chưng, bánh Tét ngày nào.
Ở mỗi gia đình tại miền quê Nam bộ vào những ngày cận tết, những cự củi đã được trữ đầy ở mỗi nhà và đậy đệm cẩn thận chuẩn bị nấu một thứ bánh của ngày Tết mà khi nhắc đến mỗi người Việt Nam ai cũng biết đó là bánh Tét. Bánh Tét là tên gọi của dân Nam bộ đã trở thành bánh  truyền thống trong nghi lễ và ẩm thực ngày tết Việt Nam.
 Với miền quê ngày tết, dù cuộc sống có đổi thay nhưng những giá trị truyền thống từ Tết vẫn thoảng đâu đây ánh sáng hạnh phúc lách tách mang về nổi niềm ngày xuân dù đó có thể chỉ là cơm canh đạm bạc.







Nếu như Miền Bắc vào ngày tết có bánh Chưng bánh Dầy thì với Miền Nam thân yêu, bánh Tét được xem là tiếng gọi thân thương trong tâm hồn của bao người dân bất kể là nam hay nữ, là ấu nhi hay phụ lão.
Làm bánh Tét không khó, nhưng để có được đòn bánh ngon thì không hề dễ. Bánh Tét đòi hỏi kinh nghiệm của những người phụ nữ tần tảo quanh năm với gia đình. Cái vị béo của nước cốt dừa thơm như dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Đậu nào trộn nếp, đậu nào làm nhân, cái thì đem luộc sơ, cái lại đem vút vỏ, rồi nào nếp nào lạc… làm nao nức bao người mỗi độ xuân về.
Phần nhân bánh có thể làm bằng nhiều thứ tuỳ vào mỗi vùng, thông thường là đỗ đen, đỗ xanh, bánh nhân dừa hoặc nhân chuối, còn thấy cả nhân bánh bằng thịt lợn ba rọi cũng ngon không kém. Bánh tét sẽ kém ngon nếu thiếu mùi lá dứa tự nhiên, thiếu màu xanh của lá chuối trong vườn nhà.



Khâu chuẩn bị là quan trọng nhất vì nó quyết định đến chất lượng của bánh. Bánh phải hoàn toàn sạch, tinh khiết vì người ta quan niệm ngày dọn bánh lên cúng bàn thờ tổ tiên, bánh phải thơm ngon như chính lòng thành của con cháu dâng lên ông bà vậy, có lẽ chính sự cẩn thận và niềm vinh dự đã hình thành trong truyền thống dân tộc mà công việc này thường do phụ nữ đảm trách vì sự tỷ mĩ của họ.
Nguyên liệu gói bánh có thể chọn lá dong, lá dứa hoặc lá chuối có sẵn trong vườn nhà tuỳ vào mỗi nơi. Lá được cắt trước và phơi nắng khoảng 1 buổi cho vừa héo, rửa thật sạch hai mặt và lau thật khô. Lá được chọn phải có bảng rộng vừa đủ cho việc gói bánh.
Cách làm bánh thông thường là trải từ hai đến ba lớp lá bên dưới cẩn thận cho một lớp nếp trộn đậu lên dùng tay gạn đều rồi cho một lớp nhân vào. Tiếp tục cho thêm nếp một lần nửa để phủ đầy lớp nhân bánh. Dùng tay bịt chặt một đầu bánh vỗ nhẹ đảm bảo cho bánh tròn săn chắc trông đẹp hơn. Gập hai đầu bánh bằng một lớp lá nữa rồi dùng dây quấn chặt, dây bện bánh cũng được làm từ bẹ của thân cây chuối phơi khô tách thành sợi nhuyển, có nơi dùng lạt dừa, hoặc dây gai, dây dứa đều được.Việc gói bánh tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người làm phải thật khéo tay.
Kỹ thuật làm bánh và hương vị của bánh Tét đã trở thành truyền thống, nét văn hóa đặc sắc và là phong tục không thể thiếu trong những ngày Tết. Cùng với tính nhân văn của nó, bánh Tét cũng có nguồn gốc, lịch sử và thời gian ra đời vô cùng thú vị.
 Nếu như bánh Chưng, bánh Giầy có nguồn gốc từ truyền thuyết vua Hùng thứ 18 có chàng trai tên là Lang Liêu biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: Lá, nếp, đậu xanh, thịt lợn… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời với quan niệm bánh Chưng hình vuông để tượng trưng cho đất, là âm, dành cho mẹ. Bánh Giầy hình tròn để tượng trưng cho trời, là dương dành cho cha thì ở Miền Nam bánh Tét được chọn thay thế. Có người giải thích đó là do sự hội nhập nhiều luồng văn hoá khác nhau, đặc biệt là văn hoá Chăm với tín ngưỡng “phồn thực”, nên bánh Tét có hình tượng như chiếc Linga là biểu tượng của sức sống, sự trường tồn, hùng mạnh… Nhưng có quan niệm khác cho rằng bánh Tét thực ra là cái bánh Chưng nguyên thủy của người Việt cổ, được bảo lưu tại miền Nam.
Một khía cạnh khác, bánh Tét là do cách phát âm chệch từ bánh Tết mà ra. Khái niệm bánh này có từ mùa xuân Kỷ dậu năm 1789. Tương truyền, ngày mùng năm Tết năm ấy, khi Nguyễn Huệ chỉ huy đánh thắng 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi đất nước, vua cho phép quân lính được ăn mừng chiến thắng. Trong đội quân của mình có một người lính có món ăn kỳ lạ, một loại bánh tròn làm bằng nếp dẻo có nhân đậu xanh ăn rất ngon. Anh mang ra mời mọi người ăn để chia vui trong đó người chỉ huy cũng được mời ăn. Đúng là món bánh ngon, vua hỏi và được anh lính kể là chính do người vợ ở quê nhà làm và gói cho anh mang theo, vì anh có một chứng bệnh hay đau bụng có thể xem là bệnh đau bao tử ngày nay. Mỗi khi bụng đau, anh ăn loại bánh này cảm thấy đỡ đau và cũng đỡ nhớ vợ và gia đình hơn. Một loại bánh thật ý nghĩa cho tình cảm gia đình mà lại rất ngon được chia vui trong ngày tết. Nguyễn Huệ truyền: Từ đây cứ vào ngày Tết thì mọi nhà hãy làm loại bánh này và ta đặt là bánh Tết để nhớ mùa xuân đại thắng này và cũng nhắc mọi người hãy nhớ về gia đình như tình cảm của anh lính vậy.
Xuất phát từ đấy, cứ thông lệ hàng năm mỗi mùa tết đến, người dân lại làm bánh này để ăn mừng, dần rồi thành phong tục tốt đẹp được lưu truyền mãi đến ngày nay.

Cái hạnh phúc nhất của mùa tết là cả nhà lại quay quần, mỗi người một tay góp công, góp sức vào món bánh dân tộc. Công việc gói bánh Tét năm nào cũng rôm rả tiếng sai vặt của người lớn, tiếng trẻ con tíu tít, lăng xăng. Thử hỏi không có cái lòng với gia đình, với truyền thống tổ tiên thì làm sao làm ra được đòn bánh ngon như thế. Ở miền quê người ta thường nấu bánh Tét trong vườn. Người lớn bắt ba viên gạch hay đá cuội để làm bếp rồi đặt nồi bánh tét to tướng lên. Xong xuôi, mọi thành viên trong gia đình ngồi lại với nhau quây quần bên bếp lửa, người lớn kể về gia đình, dòng họ của mình và dạy bảo, nhắc nhở lũ trẻ những điều nên làm và không nên làm trong cuộc sống, rồi cùng chúc nhau, hy vọng một năm mới sung túc, an lành.  
Với sự thay đổi nhanh của cuộc sống hiện đại, các dịch vụ phục vụ cho ngày tết ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của mọi người. Song thiết nghĩ, đừng lạm dụng quá vào nó mà quên đi những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.
Mỗi lần Tết là mỗi lần ngồi bên bếp lửa ấm áp canh nồi bánh Tét, những người con xa quê lại nhớ đến mùa xuân lạnh giá của những ngày xưa. Hình ảnh bếp lửa hồng làm rạng ngời thêm nét tươi vui hạnh phúc trên những gương mặt thân thương đang chờ bánh chín trong đêm giao thừa để lại ấn tượng thật không thể nào phai trong mỗi chúng ta.

                                                                                             
                                                                                                          

2 comments:

Anonymous said...

Bức ảnh "Khoanh bánh Tét" đầu tiên là Bánh Tét Trà Cuôn, đặc sản Trà Vinh. Bánh này ăn ngon lắm! Tết năm nay con bán loại bánh này nè, hì hì...

Tố Lang said...

Con là ai mà bán bánh Tét nè ...

TL