Saturday, January 3, 2015

MỘT THỜI VANG BÓNG

_____________

  Mặc Nhân

Với một niềm hoài cổ sâu đậm

                                                                                        

Tôi không nhớ tôi đã được đi theo ông nội thi bắn giàng vào mỗi dịp Tết, lần đầu tiên vào năm nào. Kịp đến năm Mậu Dần tức là năm 1938, đã mười hai tuổi vừa đủ trí  khôn để giờ đây nhớ lại, là Tết năm đó nơi sân Đình làng tôi, đã có một Cuộc Thi Bắn Giàng có một không hai.
Bắn giàng, một trong những môn võ thuật Việt Nam như bắn cung, bắn nỏ. Cung bắn tên. Giàng và nỏ vừa bắn tên vừa bắn đạn. Cung bắn xa. Nỏ bắn gần. Cấu trúc cung, giàng, nỏ khác nhau. Cung, giàng có dáng thanh lịch, võ phong. Nỏ, ná thô sơ, sơn dã. Bắn cung, bắn giàng, một bộ môn võ thuật  đã một thời thạnh hành ở nước ta. Cũng là võ khí tất yếu của ông cha ta trong bao nhiêu lần chống ngoại xâm.
 Môn võ thuật nầy được truyền lại những thế  hệ sau, và làng tôi đã nhiều năm tổ chức các cuộc thi với tầm cỡ lớn. Hàng năm, làng tôi tổ chức cuộc thi nầy vào ngày mùng một Tết tại sân Đình, với sự tham dự của các vận động viên trong xã và các xã lân cận, thỉnh thoảng cũng có sự tham dự của vận động viên trên tỉnh về. Chẳng hạn, năm nay sẽ có ông Phủ Ất về tham dự cuộc thi bắn giàng. Ông Phủ Ất theo Tây học, một tay cự phách trong môn bắn giàng.

Qua những năm còn thơ ấu, tôi nghe những giai thoại hào hùng về cung tiễn. Đã có người chỉ với một mũi tên đã hạ hai con nhạn giữa lưng trời.
Lão tướng Hoàng Trung, để đáp lại tinh thần thượng võ của Quan Công, thay vì với tài bá phát bá trúng đã bắn vào kẻ thù lại bắn vào ngù mão của Quan Võ đã ngã ngựa. 
Người Việt Nam ta,  từ lâu trong các cuộc chiến với quân xâm lược, đã tiếp tế tên ngoài mặt trận bằng cách bắn từ mũi tên nầy đến mũi tên khác vào búi tóc của nhau, áp dụng chiến thuật tốc chiến tốc thắng. 
Người Mông Cổ trên bước đường trường chinh từ Á sang Âu, đã từng trên lưng ngựa đang phi, bắn tên chính xác như đứng trên đất bằng.
Gia Cát Khổng Minh đã từng “mượn” hàng vạn tên của Tào Tháo để rồi trả lại đủ số, có điều kèm theo một trận hỏa pháo lừng danh trong lịch sử thủy chiến kim cổ. Trận Xích Bích.
Ở châu Mỹ, người da đỏ đã dùng cung tên đương đầu nghiêng ngửa với súng ống cơ giới, nhưng đến khi dùng chúng trong chiến thuật bắn sẽ quả là nỗi kinh hoàng cho người da trắng.
 Guillome Tell, một nhà yêu nước Thụy Sĩ bị điệu ra pháp trường xử tử. Biết Tell là một xạ thủ lừng danh, viên Thái thú người Áo ra lịnh cho Tell phải bắn một trái táo đặt trên đầu đứa con mình. Tell lùi lại xa, cho tay rút ra hai mũi tên, lắp một mũi vào nỏ. Một tiếng vút, trái táo bị mũi tên xuyên qua rớt xuống đất. Viên Thái thú ngạc nhiên hỏi:
 - Anh kia, tại sao anh lại rút ra đến hai mũi tên?
 Tell thản nhiên đáp:
 - Nếu mũi tên thứ nhứt không trúng đích, mũi tên thứ hai ta sẽ dành cho ngươi. Ngươi nên nhớ là mũi tên sau sẽ không bao giờ trật mục tiêu.
 Qua đó, chí tang bồng hồ thỉ đã tiềm tàng trong tôi ngay từ lúc tuổi thơ.
 Sáng hôm ấy, trên chiếc xe ngựa đến trường thi, tôi ngồi bên cạnh ông tôi và vinh dự cho tôi biết bao, khi được ông tôi cho tôi giữ cây giàng. Cây giàng khá cao, mặc dù để chống trên sàn xe mà vẫn còn vượt quá đầu tôi. Xe lộc cộc chạy. Con ngựa nhờ tiết xuân bỏ vó ròn rã trên con đường đá đỏ. Quanh tôi cảnh vật mùa xuân tươi mát. Lác đác những cành cây bên vệ đường, cành mai đang độ nở hoa, ngọn trúc là đà, hoa cúc rừng vàng ối… quét vào thành xe lắc rắc như chào đón tôi. Ôi, cái thú đi xe ngựa trên đường quê trong tiết xuân sao mà thú vị đến vậy.
 Tay tôi mân mê cây giàng, vuốt thành gỗ láng bóng. Dây giàng được làm bằng da trâu, xoắn cứng, tưởng chừng dùng dao chặt không đứt. Giữa dây có một khoen tròn bằng thau để lắp đạn cũng là nơi để tra đế của tên. Tôi nâng niu cây giàng như nó chính là của riêng tôi. Và nó cũng thân mật áp vào má tôi và biết đâu nó cũng nghĩ như tôi, là sau nầy tôi sẽ là chủ nó, sẽ sử dụng nó như một nhà thiện xạ, một anh hùng hảo hớn, cứu khổ phò nguy, diệt cường bạo cứu dân lành. Hay ít ra, giữa đường thấy chuyện bất bình ra tay như Lục Vân Tiên cứu nàng Nguyệt Nga. Tức cảnh sinh tình, bất giác tôi lẩm nhẩm: Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn….

 Vác cây giàng trên vai cùng xách túi đạn, tôi lẽo đẽo bước theo ông tôi vào nhà công sở của làng. Nơi bộ trường kỷ ở giữa và cả hai bộ hai bên đều có đông đủ người dự. Tất cả đều cao tuổi. Một số xấp xỉ ông tôi, một số khác kém hơn, chỉ có năm ba ông ở vào tuổi tứ tuần. Ông ngồi, ông đứng trò chuyện vui vẻ, huyên náo. Lẩn quẩn năm sáu cậu bé trang lứa tuổi tôi cũng có mặt. Chúng tôi không thích làm quen nhau nên mạnh ai nấy tìm một chỗ, một góc riêng và người lớn cũng ít ai để ý đến chúng tôi.
 Ông tôi được ông hương chủ Mãnh, người chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi bắn giàng hôm nay, mời đến bộ trường kỷ giữa, nơi đây đã có ông Phủ Ất, ông Kế Hiền, một vị trưởng lão tham dự, có lẽ với tư cách chủ trì danh dự cho cuộc thi, cùng một vài vị cao niên khác. Hai bộ trường kỷ hai bên là nơi tập hợp những người ít tuổi hơn, vai vế thấp hơn, cố tình chia thành hai nhóm rõ rệt. Cả hai bên vừa nói chuyện vừa đưa mắt nhìn nhau như tìm hiểu, như soi bói lẫn nhau. Tất cả đều lộ vẻ nôn nóng, tay chân múa may, lúc đứng lên lúc ngồi xuống.
 Trong khi đó ngoài sân Đình, nơi sẽ diễn tiến hội thi, cũng không kém phần huyên náo, do cổ động viên của các đội thi  hoặc của cả vận động viên.
 Khu xạ trường là toàn bộ sân Đình, hình chữ nhựt mà ranh giới theo chiều dọc là mảng tường lộ thiên có hình long hổ đắp phù điêu, cũng là nơi thờ Thần Nông. Ngoài kia là dãy sông Tiền mênh mông. Bên trong là tường gạch rêu phong. Tận cùng chiều ngang có dựng một giàn tre cao, ở giữa có đặt một cái bia bằng cây, kẻ hồng tâm sơn đỏ tròn trịa bằng miệng tô. Bia được đặt cao độ sáu mét, cự li cách xa lằn vôi đứng bắn của xạ thủ trên dưới mười lăm mét. Từ hồng tâm, nếu nhìn chếch xuống sân cách khoảng ba mét có kê một cái trống chầu to, giữa mặt trống có kẻ một hình tròn tô hai màu đen trắng, dạng lưỡng nghi. Trước cái trống chầu lại có đặt một cái trống con, thấp hơn.
 Nhìn toàn cảnh trường thi bắn, bên trong dựa vào tường Đình cổ kính, bên ngoài là dãy nước mênh mông của sông Tiền, phía trên cờ hoa phất phới, hai bên là giá cung túi đạn. Giờ đây nhớ lại lòng tôi bồi hồi cảm khái vô cùng, một niềm hoài cổ lâng lâng dâng trào. Nhất là khi nhìn các cụ mặc võ phục, thắt lưng xanh, quần trắng quấn xà cạp, mang giày vải màu đất sét, đầu bịt khăn nhiễu lam cột lại phía sau để che búi tóc, hoặc đội nón dấu, ngù thau. Cũng có ông mặc tây. Chẳng hạn như ông Phủ Ất, ông mặc một bộ ka ki màu cứt ngựa, tay dài cài nút vàng, giày da mũi nhọn, cát két trắng, kính râm… trông rất đường bệ.
 Trên sân, mọi người đi tới đi lui chỉ trao đổi với những người cùng nhóm. Thái độ nghiêm túc, khẩn trương ở mỗi người, đều biểu hiện vẻ tự tin, niềm kiêu hãnh. Cả ông nội tôi cũng thế, ông cũng đi một vòng sân, đứng lại bên gạch vôi, nhìn lên bia đỏ, lại nhìn lá phướn đang phe phẩy theo chiều gió, để xác định hướng gió. Tôi  lẽo đẽo theo ông và dường như tôi cũng làm như ông.
 Bỗng vang lên từ ban giám khảo:
 - Giải Bắn Giàng Hội Thi năm Mậu Dần bắt đầu. Chúng tôi xin kính mời toàn thể xạ thủ chuẩn bị thi tài. Bắt đầu từ vòng 1. Thế “ bắn chân trụ.”
 Cuộc thi không gò bó. Vận động viên nào tự thấy thuận tiện cứ ra sân thi đấu. Sau hồi trống lịnh, một xạ thủ tiến ra sân đứng vào chỗ gạch vôi, mắt hướng về hồng tâm. Đây là một vận động viên trẻ độ bốn mươi, võ phục tươm tất, mày rậm, mắt sáng, sẵn sàng tư thế mở đầu cho giải thi năm nay được tiên đoán là rất quyết liệt. Hồi trống lịnh vang lên dồn dập, thôi thúc: cắc, cắc… cà rục, cà rục… rục rục… tùng. Dây cung căng tự lúc nào, được buông ra bắn viên đạn bay đi, đập thẳng vào hồng tâm đánh cốc một tiếng khô khan, dội ra rơi đúng trên mặt trống chầu đánh… tùng rồi lại vồng lên rơi trở lại rớt xuống mặt trống con vang lên một âm thanh vui vui… tỏong. Một hồi trống vang dội cùng những tràng pháo tay biểu dương thành tích tối ưu của vận động viên.
 Lần lượt các xạ thủ khác ra sân thi đấu vòng 1. Nếu có những vận động viên đoạt giải nầy dễ dàng thì cũng có những người khác không đạt được điểm nào. Cuộc thi gồm có 5 vòng để loại dần nên càng vào sâu, qui dịnh càng khó. Cuộc so tài ở vòng 2, tức là thể thức “bắn áp trận” qui định vận động viên xuất phát từ điểm cực xa của trường thi, đối mặt với giàn bia, có trống lịnh, chạy thẳng đến vạch vôi là bắn ngay, không có thời gian để đứng lại nhắm. Sau vòng nầy, chỉ còn tám xạ thủ để tiếp thi vòng 3.
 Ở vòng 3, thể thức khó hơn. Xạ thủ đứng ở vạch vôi biên, theo trống lịnh chạy vội vào lằn vôi qui định, xoay mình và xạ tiễn, không có thời gian nhắm mục tiêu, được gọi là “Hoành thân xạ tiễn.”
 Qua vòng đọ tài nầy chỉ còn lại bốn xạ thủ được tiếp tục thi vòng 4. Đây là thể thức “trá hàng xạ tiễn”.   
 Sau vòng 4, chỉ còn ông Phủ Ất và ông tôi vào thi đấu chung cuộc. Và cũng là lần duy nhất, cuộc thi bắn giàng ở Đình làng tôi tiến hành đến đỉnh cao nhứt, tức nhiên với thể thức qui định khắt khe hơn. Trời đã trưa, mọi người nghỉ xả hơi, ăn uống, giải lao.
 Giờ đây, chiếu trên chiếu dưới phân biệt rõ rệt. Nhóm ủng hộ ông Phủ Ất tụm năm tụm ba trong võ ca của Đình. Còn bên ông tôi chiếm một góc ngoài sân cỏ. Trong khi chờ đợi vào vòng chung kết tôi không dám hỏi ông tôi điều gì. Tôi thường nhìn lén ông để đoán xem tâm trạng ông ra sao, nhưng tôi thấy ông vẫn bình thản. Bất giác tôi đưa tay nắm tay ông, mắt nhìn ông lo lắng. Ông quay lại tôi  mỉm cười, vỗ đầu và nói:
 - Sau nầy con nối nghiệp ông nội bắn giàng không?
 Tôi gật đầu, ông tiếp:
 - Con nhớ điều nầy: bình tĩnh nhưng không nhục khí, tự tin nhưng không kiêu ngạo, quyết tâm nhưng không hiếu thắng. Con nhớ những điều nội dạy đó.
 - Thưa nội con xin nhớ. Tôi đáp.
 Một hồi trống của ban giám khảo báo hiệu vòng thi chung kết bắt đầu. Ở vòng chung kết nầy, mục tiêu là một cái lon thiếc tròn cỡ một tấc treo dưới đuôi của một lá phướn luôn bay phần phật theo gió, do đó cái lon lay động không ngừng. Có thể ví thể thức thi đấu nầy với mục tiêu di động trong các cuộc thi bắn súng ngày nay.
 Ông Phủ Ất đầy vẻ tự tin, đi đi lại lại, nói nói cười cười thỉnh thoảng nhìn lên lá phướn rồi lại lấy khăn lau cặp kính râm. Ông tiến đến ông tôi và nhã nhặn:
 - Kính mời ông Giáo đi tiên.
 Nhưng ông tôi nhún nhường đáp lễ:
 - Không dám, xin mời quan Phủ.
 Thế là ông Phủ ra hiệu cho ban giám khảo và tiến vào vị trí với tư thế hiên ngang. Bộ đồ thể thao bó chẽn, cái cát két trắng, đôi kính râm tạo cho ông một vẻ trẻ trung, tráng kiện, đầy khí thế và nghị lực. Có thể trong đời, ông đã gặt hái được nhiều thắng lợi hơn là thất bại.
 Trống lịnh bắt đầu, mọi người im lặng, mọi cặp mắt đổ dồn về ông. Như một đại bàng xòe cánh, vòng cung no tròn đưa chếch đạn đạo lên mục tiêu đang dao động, cự li khoảng sáu tầm đất. Rục, rục, rục… tùng, đạn bay, gió rít… nhưng im lặng. Nhưng nhìn kỹ cái lon lại lay động dữ dội. Ai nấy nín thở. Vậy là đạn có trúng đích  không?
 Tôi lầm thầm trong miệng van vái một điều gì đó mà mãi sau nầy, khi nhớ lại tôi còn xấu hổ. Kịp khi ban giám khảo đến gần khảo sát và lên tiếng:
 - Không điểm. Đạn trúng vào dây cột dưới đuôi phướn.
 Xạ trường im lặng, một thứ im lặng nặng nề. Đối với nhóm ủng hộ ông Phủ Ất có nghĩa là tiếc rẻ, nhưng đối với nhóm ủng hộ ông tôi lại có nghĩa là hy vọng.
 Còn tôi, tôi thở dài nhẹ nhõm. Một cảm giác sung sướng dâng nhẹ trong tôi, nhưng khi nhìn lại ông Phủ Ất đang dùng khăn lau mồ hôi trán, tôi cũng mất đi ít nhiều ác cảm đối với ông từ lúc gặp ông đến giờ.
 Chưa trọn niềm hân hoan, tôi chợt nghĩ đến là ông tôi còn phải ra thi đấu nữa chớ. Đâu phải dễ. Tôi nhìn ông tôi với cặp mắt dò hỏi. Ông đến bên tôi và bảo:
 - Con lựa cho ông một viên đạn tròn nhất và nhỏ nhất.
 Thật là hai chí lớn gặp nhau, tôi lật đật thưa:
 - Con biết nên con đã chọn sẵn cho nội rồi đây.
 - Con biết điều gì? Nội nhìn tôi, hỏi.
 - Con thấy cự li xa, gió mạnh, đạn đạo vượt lên sẽ chịu áp lực mạnh, đạn càng nhỏ, tròn càng có lợi.
 Những điều tôi nói là những điều ông tôi đã hướng dẫn học trò đến nhà ông tôi  luyện tập, mà tôi đã học lóm được. Dù vậy, ông tôi cũng tỏ ra hài lòng đưa tay vỗ vỗ đầu tôi, chưa kịp khen tôi thì trống lịnh đã gọi.
 Gió về trưa càng mạnh, lay động dây thắt lưng vàng bỏ lửng bên hông, ông tôi tiến ra vị trí với chiếc khăn nhiễu xanh bịt đầu còn thẳng nếp, xà cạp bó chẽn cổ chân gọn gàng, khiến tôi chợt nhớ câu Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt. Xếp bút nghiên theo việc đao cung…. Ông nghiêng mình ra sau, chân trụ rùn xuống đứng tấn, mắt nhìn thẳng vào cái lon loang loáng ánh mặt trời. Nhìn tư thế của ông tôi, theo ngược chiều ánh nắng, với cánh cung căng tròn cắt ngang mình, trong tích tắc bất động, quả là một hình tượng của một xạ thủ oai phong.
 Trống lịnh ban ra: cắc cắc, cà rục cà rục… mọi cử động của mọi người tại xạ trường lúc ấy dường như ngưng lại kể cả hơi thở của từng người. Tôi không dám nhìn ông tôi, tôi không dám nhìn chiếc lon luôn chao động theo cơn gió… nhưng mắt vẫn trừng trừng, tai như chờ đón một tiếng vang từ đuôi lá phướn.
 Rục rục… tùng. Diễn biến quá nhanh, hay nói cho đúng hơn là điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi như trong vô thức. Một tiếng gì đó nổ lớn trong tai tôi, trong tim tôi, một ánh sáng lóe lên từ chiếc lon bị bắn tung lên… Hai dòng nước mắt sung sướng của tôi chảy ra tự lúc nào.
 Những tràng pháo tay, những hồi trống khen thưởng đến quá trễ, vì mọi người còn bàng hoàng ngẩn ngơ trước một biến cố có một không hai, không phải vì thành tích của ông tôi, mà còn do sự thành công tuyệt vời của một hội thi bắn giàng lên đến đỉnh cao như vậy. Ông tôi vái chào đáp lễ mọi người và ban giám khảo.
 Ông Phủ Ất đến bắt tay ông tôi, nói vài câu và ra về không đợi để được trao tặng phẩm.
***
Trên đường về, trời đã xế chiều, con ngựa chạy nước kiệu bỏ vó lốc cốc trên con đường quen thuộc. Ông cháu tôi vẫn im lặng, có lẽ vì ông tôi, cả tôi đều không muốn nhắc lại cuộc thi vừa qua. Vì nhắc lại tức là nói lên chiến thắng của mình, cũng là khơi lại sự thất bại của người khác.
 Nắng Tết về chiều màu vàng úa, trời se lạnh, chiếc xe lắc lư chạy đều đều, chú đánh xe chắc cũng cùng tâm trạng với chúng tôi, nên cũng không thúc con ngựa chạy nhanh hơn. Bỗng ông tôi nhìn tôi, vỗ đầu tôi, một cử chỉ thân thương mỗi lần ông tỏ ý khen tôi. Tôi nhìn ông sung sướng, thưa rằng:
 - Chừng nào con mới thi bắn giàng được nội?
 Nội tôi nhìn về phía chân trời trước mặt, đôi mắt xa xôi, nói như nói với chính mìmh:
 - Khi con trưởng thành, nhưng nội e rằng khi con lớn lên không kịp để tiếp tục môn võ thuật truyền thống tốt đẹp nầy nữa.
 Thật vậy, sau cái Tết Mậu Dần năm đó, tôi chỉ còn có dịp đi theo hầu ông tôi bắn giàng vài năm nữa, rồi lại phải lên tỉnh tiếp tục học. Ông tôi lại qua đời. Cho nên đến nay, trên bảy mươi năm trôi qua, cây giàng vẫn còn treo trên tường gần bàn thờ ông tôi. Mỗi lần Tết đến, tôi đem nó xuống lau chùi, và dường như vẫn còn văng vẳng bên tai những lời dạy bảo của ông tôi trong cuộc thi bắn giàng năm ấy: “Bình tĩnh nhưng không nhục khí, tự tin nhưng không kiêu ngạo, quyết tâm nhưng không hiếu thắng”.
 Tôi nhìn lên bàn thờ ông tôi và nói như nội còn sấng:  Thưa nội con vẫn nhớ. Nhưng trong đời, con không có cơ hội bắn giàng như nội để áp dụng điều dạy bảo của nội. Nhưng con đã ghi tâm lời giáo huấn của nội và xem như khuôn vàng thước ngọc, trong suốt cuộc đời để được thành người như ngày nay.
 Đến nay lệ thi bắn giàng ở làng tôi không còn nữa nhưng cây giàng của nội vẫn còn treo trên tường gần bàn thờ ông tôi. Mỗi lần Tết đến, tôi đem nó xuống lau chùi và dường như vẫn còn văng vẳng bên tai tôi những lời dạy bảo của ông tôi trong cuộc Thi Bắn Giàng năm đó./-

********
Comment của Thầy Nhựt kèm theo hình , song trong comment không bỏ hình vào được nên xin phép bác MN cho post nơi đây
Cám ơn Bác
TL


MN tôi muốn biết cách bắn giàng như thế nào để viên đạn tròn không trúng vào cán giàng.
Như cách bắn cung của bà xã và tôi: mắt nhắm- mủi tên- mục tiêu nằm ở trên một đường thẳng và mủi tên tựa vào cán cung nên khi buông dây cung mủi tên bay thẳng tới mục tiêu. Còn bắn giàng, viên đạn ở giữa dây cung, vậy khi bắn, dây cung phải để thế nào để viên đạn bay đi không trúng cán giàng.
BLG

Cô Đường Năm đang làm gì vậy ?

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung?. ha ha




4 comments:

Anonymous said...

Bắn cung,bắn nỏ tôi đã thấy, nhưng bắn giàng thì chưa thấy bao giờ. Có thể nào MN chụp hình cây giàng của ông Nội còn để lại cho thuên hạ tường lãm.
Ngày xưa đã có người chỉ với 1 mủi tên hạ được 2 con ngạn
Ngày nay cũng có một người chỉ có một mủi tên cũng hạ gục 2 con nhạn.
Đó là lão tướng MN giương cung nhắm bắn con nhạn Thu Cúc, mủi tên Xuyên tim Thu Cúc rồi bay thẳng trúng ngay hồng tâm con nhạn Minh Phụng. Thu Cúc ôm mặt khóc tức tưởi, còn Minh Phụng xếp cánh theo MN về dinh.
BLG

Anonymous said...

Còm-men nầy hay động trời luôn.YT

MN said...

Hình cây giàng tôi có gởi kèm theo và cô Tố Lang cũng có làm khung hình cho tựa bài. Xin nhìn kỹ dây giàng ở khoảng giữa có một ổ tròn nhỏ để gắn viên đạn. Và cùng với cây giàng có hình những mũi tên. Và những mũi tên nầy chỉ dùng để bắn thi thôi nên bằng cây "sóng lá" dẽo nhưng rất cứng, chắc chớ không có độ bén. Hình dáng cây cung và cây giàng giống nhau có dáng dẻ thanh và đẹp hơn nỏ và ná.
Còn những huyền thoại về cung tiễn nhất là của mấy ông ba tàu, tôi nhắc lại cho vui vậy thôi, chớ hổng biết có hay không kể cả chuyện "cây nhà lá vườn" là "ta" ra trận tiếp tế tên bằng cách bắn vào búi tóc cho nhau. MN

MN said...

Gởi BLG và YT
Còn cái vụ một mũi tên bắn 2 con nhạn TC và MP như đã nói là MN vô tội lắm chỉ là một người theo đạo Thánh hiền Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu cho nên ông già bảo làm gì thì làm vậy thôi... cũng như lão tiền bối Cao Văn Lầu ở Bặc Liêu vậy mà. MN