Saturday, October 28, 2017

Lộng Giả thành chân Kỳ 3

________________

Lanh Nguyễn


Thông thường ngày chủ nhật xe bus ít hơn những ngày khác trong tuần. Bốn đứa chúng tôi ăn sáng xong thì tà tà thả bộ tới đường Geary  đón xe bus số 38 để ra ngoài ngoại ô theo yêu cầu của Kiên. 
Geary boulevard là con đường huyết mạch nối liền 2 khu Sunset và Richmond với thành phố San Francisco nên xe bus rất nhiều. Ngày thường dể chừng mỗi chiếc cách nhau chưa quá 10 phút. Từ thành phố đến đường Blake có thể đi được cả 2 tuyến xe, tuyến đi Richmond và tuyến ra Sunset. 
Đại lộ Geary rất rộng có hai chiều xe lên xuống mỗi bên có 3 lanes chính giửa là một con lươn được trồng cây kiển xen lẫn với nhiều loại hoa khác nhau.
Chúng tôi chờ ở trạm chưa đầy 5 phút là đã có xe số 38 tới rồi. 

Xe chạy khỏi đường Vanness xuyên qua khu phố Nhật một đổi thì những chung cư cao tầng dần dần biến mất nhường chổ cho những căn nhà khang trang thấp hơn, đôi khi xen lẫn vào đó vài cơ sở thương mại. Xe qua khỏi nhà thương Kaiser ít blocks đường thì Kiên bấm nút báo hiệu cho tài xế biết là mình muốn  xuống ở trạm kế. 
Đường Blake nhỏ chừng bằng phân nửa và nằm cắt ngang đại lộ Geary, hai bên đường có rất nhiều xe nhà chen nhau đậu nối đuôi nên nhìn con đường cảm thấy nó  rất là hẹp. 
Căn nhà mà chúng tôi đứng tên mướn dùm cho ông Bắc, bác họ của Kiên là một căn nhà biệt lập nhưng 2 cái đường hẻm ở hai bên thì lại có tí tẹo chỉ đủ làm đường đi bộ ra phía sau mà thôi.
Kiên vừa bấm chuông cửa thì ông Bắc đã ra mở liền. Chắc là 2 người đã hẹn nhau từ trước...
Vừa bước vào tới phòng khách là tôi bị chóa mắt, bởi vì hôm mướn nhà, cái phòng khách nầy trống trơn hôm nay thì đồ đạc đầy ấp. Một bộ salon mới cáo chỉ được đặt chính giữa, đối diện nó là cái TV hiệu Sony lớn cũng mới tinh. Hai bộ bàn học nhỏ cũng là đồ mới. Nhìn giống y như những gia đình được định cư ở Mỹ từ lâu đời mà lúc tôi sống bên Ohio có dịp thấy. Nó không giống như những người vừa mới tới.
Thông thường thì những người mới định cư đa số họ chỉ còn 2 bàn tay trắng. 
Tất cả quần áo hay vật dụng trong nhà đều là xài đồ cũ hoặc là đi lượm hoặc là mua giá rẻ từ các tiệm bán đồ cũ như Goodwill hay Salvation Army... nhưng gia đình ông Bắc thì lại khác. Đồ trong nhà lại toàn là đồ mới làm tôi ngạc nhiên và thắc mắc vô cùng.
Như đọc được ý nghĩ của tôi sau khi chào hỏi và mời nước xong ông Bắc từ tốn nói:
- Hổm rày tui có nhờ thằng Kiên mời chú đến đây chơi, trước là để cám ơn chú đã bỏ công tìm mướn nhà dùm chúng tui sau nữa là tui cũng muốn làm quen để tìm hiểu cuộc sống mới ở xứ sở nầy thử coi nó ra làm sao, vậy mà cái thằng khỉ nầy cứ từ chối hết lần nầy đến lần khác bằng đủ thứ lý do. Bởi vậy hơn hai tháng rồi mới được gặp lại chú.
Tôi giải thích dùm Kiên:
- Dạ! Tại tụi cháu bận quá, vừa đi làm vừa đi học lại phải nấu ăn nên không có thời gian đi đó đi đây được. Lâu lâu mới có một ngày lể rơi đúng vào thứ hai chớ không phải Kiên nó tìm cách chối từ không gọi cháu dùm chú đâu. Mấy tháng nay chú đã quen với đời sống ở đây chưa vậy?

Sau một hồi tiếp chuyện bầu không khí có vẻ thân mật hơn Chú Bắc bắt đầu than vản:
- Gia đình tui chia làm 3 ngả để ra đi mà hiện tại chỉ mới liên lạc được có vợ chồng thằng út cùng 2 đứa chị gái kế của nó mà thôi, còn thằng anh thứ ba và chị tư của nó chưa biết sống chết ra sao mà bặt vô âm tín. Thiệt tình tui với bả đang rầu thúi ruột thúi gan nên mấy tháng nay không có tinh thần gì hết. 
Tôi thật sự mủi lòng trước cảnh gia đình ly tán nên cố tìm lời an ủi:
- Chắc là còn kẹt trong trại tị nạn nào đó nên chưa liên lạc được chứ không có gì đâu chú đừng lo.
Ông Bắc rầu rĩ lắc đầu:
- Khó nói lắm chú ơi. Hồi ở trại tị nạn tụi tui cũng đã nhờ Cao Ủy tìm dùm rồi nhưng mà hơn 1 năm qua cho tới ngày rời trại vẫn chưa có tin tức gì. Tui cứ tưởng là ở đảo thiếu thốn phương tiện nên người ta khó tìm chắc phải chờ đến khi được định cư ở nước ngoài rộng rải hơn đầy đủ phương tiện hơn chừng đó có lẻ là dể tìm hơn. Nhưng mà mấy tháng nay vẫn không có gì tiến triển làm tui mất hết hy vọng rồi. 
Kiên cũng góp thêm vào:
- Em cùng bác đã nhờ trung tâm tị nạn nhắn tin cũng như yêu cầu Cao Ủy tìm dùm mà chưa có tin gì mới...
Thấy không khí đang phủ một màu tang thương cho nên tôi chuyển đề tài:
- Ngoài cái việc tìm người thân ra chú có cần cháu giúp chuyện gì không?
Ông Bắc chưa thể thoát ra được cái vòng sầu não nên vẫn còn mơ màng nhớ về dĩ vãng vàng son một thuở của những ngày trước năm 1975. Những ngày mà 3 chiếc ghe cào của ông tung hoành trên miền biển Rạch Giá. Những ngày mà sau một chuyến hải hành trở về tôm cá đầy khoang bạc vàng nặng túi cho nên ông bùi ngùi nói cho chính mình nghe:
- Tui cứ tưởng liều mạng qua đến đây là có thể bắt đầu gầy dựng sự nghiệp lại một cách dể dàng nhưng thiệt đâu có ngờ con cái thì bị thất lạc sống chết chưa rỏ. Còn chổ ở thì bấp bênh tiếng nói thì khác biệt, biển cả thì lại mênh mông mà không thấy một chiếc tàu cá nào hết. Tui chán quá không biết làm cách nào để gầy dựng lại sự nghiệp được đây...
Thật ra ở vào thời điểm đó tôi cũng là người chân ướt chân ráo trên xứ Mỹ nầy, sự hiểu biết về đất nước nơi mình đang sinh sống cũng rất ư là hạn chế nên không biết cách nào có thể an ủi hay là khuyến khích tinh thần cho người khác nhất là cái nghề nghiệp mà mình chả có kinh nghiệm hay một chút kiến thức nào. Nhưng cái chuyện vuốt đuôi hay nói theo kiểu 3 phải thì lại là nghề của tôi cho nên tôi cũng bày đặt góp ý:
- Chú ơi! Đất nước Hoa Kỳ rộng lớn nầy có những 50 tiểu bang bờ biển của nó dài vô tận cả 2 bên bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương chắc chắn là có rất nhiều nơi hành nghề đánh bắt cá chỉ là chúng ta chưa tìm hiểu mà thôi. Hơn nữa chúng mình đang sống ở thành phố chuyên về du lịch thì chú làm sao mà gặp tàu đánh cá cho được. Dưới khu Fisherman's Wharf chỉ có tàu câu nhỏ để cho du khách mướn đi câu giải trí còn tàu đánh cá thì phải đi qua thành phố khác cách đây mấy tiếng đồng hồ lái xe.
- Có phải chổ anh nói là làng đánh cá Monterrey không? Em có người quen cùng xóm ở đó. Hùng lên tiếng góp ý vào câu chuyện.
Lần nầy thì bọn tôi đã rà đúng tần số nên ông Bắc vui vẻ quay sang Hùng hỏi tới bến. 
Câu chuyện được xoay quanh đề tài đánh cá. Nhưng 4 anh em chúng tôi đều là những đứa dốt đặt cán mai nên cuối cùng thì tôi đành phải bán cái cho trung tâm tị nạn:
- Nói thiệt với chú tụi cháu cũng mới tới nơi nầy trước chú không bao lâu đâu, cho nên chưa biết, chưa hiểu nhiều về đời sống ở Mỹ nhất là những nghề nghiệp ở xứ nầy nhưng mà trung tâm tị nạn nơi giúp đở cho dân mình thì người ta rành hơn. Có gì thắc mắc chú cứ đến đó mà hỏi người ta sẻ hướng dẫn cho mình. Đó là phần việc chuyên môn của họ mà...
Ông Bắc thấy tôi bán bán cái cho trung tâm tị nạn thì hơi bị thất vọng nên nói như than thở với chính mình:
- Mấy cơ quan nhà nước ở đâu cũng vậy. Thời nào cũng thế mà thôi. Nói thì giỏi còn làm thì thả trôi như dề lục bình bồng bềnh trên sông. Nội cái chuyện giúp người mới định cư cũng giao hết cho thân nhân, họ có làm gì được cho mình đâu mà mong mà đợi. 
Tự dưng tôi lại bênh vực cho trung tâm tị nạn:
- Dạ! Tại thời điểm nầy người mới đến thì đông mà nhân viên của họ cũng chỉ có bấy nhiêu thôi nên họ không làm hết được tất cả mọi việc như thời xưa đó chú. Chứ hồi cháu mới qua họ cũng nhiệt tình giúp đở lắm mà.
Ông Bắc hình như không mấy vừa ý với câu giải thích của tôi nên lảng sang chuyện khác: 
- Kể từ khi tông tông Thiệu mất ngôi thì cuộc đời tôi cũng chìm theo ông ấy. Ngày trước nói phải nói quấy gì thì mọi người trong nhà cũng răm rắp nghe theo. Sau ngày mất nước nói cái gì thì cũng thấy thiên hạ làm thinh không thèm đếm xỉa tới. Tưởng qua Mỹ sẻ có lại phong độ thời xưa ai dè qua đây còn tệ hại hơn nữa. Hở ra câu nào thì tụi nó bốp chát trả lời tay đôi liền một khi, đôi lúc còn chê bóng chê gió nữa thiệt là chán hết chổ chán mà.
Kiên cười cười tiếp lời ông ta:
- Thời buổi nầy khác rồi bác ạ. Hồi xưa chủ gia đình nói gì thì các thành viên trong nhà đều phải nghe theo. Còn bây giờ thì "Money talks" hay là "Reagan talks" thì người ta mới nghe theo mà thôi. 
Câu nói pha chè của Kiên ông Bắc không hiểu mấy nên hỏi lại:
- Cháu nói cái gì mà nghe lạ tai vậy?
Tôi cười cười giải thích hộ Kiên:
- Kiên nó nói có tiền có bạc thì nói người ta mới nghe. Có quyền có thế như ông tổng thống Ronal Reagan thì không ai dám cải lại.
Ông Bắc không quan tâm đến lời giải thích của tôi mà lại tiếp tục than phiền:
- Hai đứa con dâu của tui không hợp nhau nên tối ngày cải lộn như "bầm bầu" làm vợ chồng tui nhức đầu không có giờ phút nào yên thân hết. Còn 2 thằng con thì lại binh vợ nó nên cũng có chiến tranh lạnh với nhau...
Rồi ông chép miệng chán nản nhìn tôi mà nói như than với chính mình:
- Của cải cả đời làm lụng vất vả tui mang theo đã bị cướp biển lấy đi hơn phân nữa rồi. Số còn lại chả được bao nhiêu muốn gây dựng lại sự nghiệp mà anh em tụi nó không đồng lòng cứ cái kiểu "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" nầy thì làm ăn gì nữa. Thôi thì tui định chia ra phứt cho rồi để tụi nó tự lo cho cuộc sống của mình về sau nầy. Chuyện hôm nay tui muốn nhờ chú với thằng Kiên là tìm mướn dùm cho vợ chồng thằng út của tui một căn nhà nho nhỏ vừa với số tiền trợ cấp mà chánh phủ phát cho chúng...
Kiên tiếp lời:
- Cháu thấy ở downtown gần chổ tụi cháu sống thì giá cho mướn mấy căn chung cư mới rẻ còn ở ngoại ô nầy thì mỗi căn nhà phải hơn ngàn đồng ngoài ra phải trả thêm đủ thứ tiền như là điện, nước, rác cái gì cũng mắc hơn. Vậy thì bác kêu anh út ra hỏi thử đi có gì thì cho chúng cháu biết luôn thể.
Ông Bắc vào trong một lúc thì trở ra với một cặp vợ chồng như đôi đủa lệch làm tôi sực nhớ tới câu ca dao tếu của ai đó đã làm hồi còn ở Việt Nam :

Ví dầu chông thấp vợ cao
Đêm đêm nằm ngủ chổ nào ôm đây?
Chồng mập mà vợ lại gầy 
Như đôi đủa lệch khó thay khi dùng.

Tôi thoáng giật mình vì vợ chồng thằng út con của ông Bắc không ai khác hơn là Tồn và Hồng Hạnh. Đúng là trái đất nầy đã tròn mà còn nhỏ xíu nữa...

(Xin mời xem tiếp kỳ 4)

1 comment:

trường tôi said...

Thầy Long rán mần phước giúp người đi để được đẻ con chai...