Wednesday, October 11, 2017

KÝ THÁC

____________

CHÂN DIỆN MỤC


                Cụ Bình Nguyên Lộc, một nhà văn lớn!
    
Nghe bút hiệu của cụ, đã thấy cả một sự ký thác rồi! Chúng ta đã nhận một sự gửi gấm của tiền nhân về hoài bão mở đất phương Nam (!). Chúng ta đã tiến mãi về phương Nam và có những đội quân Trấn Biên để giữ an miền đất mới. Tổ tiên đã là những cây vẹt, cây xú, cây mắm, cây đước, cây tràm để giữ đất bồi lắng, và từ từ đất thuần để chúng ta có được những đồng xanh ngút ngàn!


Bình Nguyên Lộc không phải là người lính Trấn Biên! Ông không xếp đao cung để cầm cuốc Nam Tiến! Ông không phải là cây xú cây mắm bình thường. Ông là cây đước cây tràm chuyển tiếp. Không phải giữ đất bằng thân mình, ông muốn ký thác đàn sau rằng: tiền nhân đã giữ đất không chỉ bằng mồ hôi mà bằng xương thịt!

Bình Nguyên Lộc đã viết trên nhiều sách báo và in nhiều sách để nhắn nhủ đàn sau đừng quên ơn tiên tổ!

Bình Nguyên Lộc không nhiều kiến thức về toán l, nên nhiều người đem toán l lòe đời để nói rằng cụ viết không khoa học (!). Bắt bẻ cụ cũng dễ thôi (nhất là những cuốn Nguồn Gốc Mã Lai của dân tộc Việt và cuốn Lột Trần Việt Ngữ), nhưng tôi xin những người này hãy bình tâm mà đọc những tác phẩm của cụ! Với tôi, cụ là cây đước cây tràm vĩ đại trong làng văn. Một con người yêu nước ngút ngàn. Với tâm huyết đó, con nai của Bình Nguyên Lộc đã đi trên đất mẹ mà không bao giờ quên ơn tiên tổ.

Những người bình thường như tôi chỉ thích người ta nói chuyện bình thường ở bình nguyên trước mắt thì đọc cụ rất say mê, rất ái mộ cụ, và cũng rất phấn khởi, xin nguyền giữ gìn và tôn thờ mãi những bình nguyên mà ông cha đã dựng, đã mở, đã khai thác.

Xin lập tượng đài con người lớn này, xin tiếp thu những điều K Thác của người! và xin K Thác những điều người viết lại cho đàn sau.


Các em, các con, hãy giữ gìn từng tấc đất.

1 comment:

maytrangbonmua said...

Đọc bài viết hay của Thầy, xin mạn phép cho đăng bài viết của Mai Thảo. Bài dài quá nên sẽ còn tiếp....
MAI THẢO- NHÂN CÁCH BÌNH NGUYÊN LỘC

Thời gian đầu, sau khi cộng sản đã lấy nốt được miền Nam là thời gian còn được để yên, chưa bị kết tội, chưa bị lùng bắt, tôi thường sáng sáng một mình đạp xe đạp qua một Sài Gòn tan nát tới thăm một nhà thơ và một nhà văn, ngưởi trước Bắc, người sau Nam, cả hai đều thuộc thế hệ trước tôi, cả hai đều đã tên tuổi lẫy lừng từ thời tiền chiến.

Những thăm viếng thường xuyên này của tôi, giữa Sài Gòn và trong đổi đời lúc đó được đọc bởi hai điều. Một, hai khuôn mặt lớn ấy của văn học Miền Nam, từ quốc nạn 1975, đã đóng kín địa chỉ, dựng cao lũy hoa, cắt đứt với đời, không ra khỏi nhà, muốn gặp họ tôi phải tìm tới. Hai, giữa cái thể chế chuyên chính đã trùm kín, chưa bao giờ trong đời tôi lại cảm thấy sự cần thiết lớn lao phải giữ chặt lấy một số thân tình bền vững tôi hằng mến yêu và kính trọng. Và hai cái đối tượng của thăm viếng thường xuyên thì với tôi lại là hai niềm mến yêu và kính trọng vô cùng. Nhà thơ miền Bắc tôi vừa nói tới là Vũ Hoàng Chương. Và nhà văn miền Nam, Bình Nguyên Lộc.
Vũ Hoàng Chương thời gian đó ở khá xa, mãi bên vùng Khánh Hội, trong một ngõ hẻm khuất khúc giữa phường Cây Bàng, trên căn Gác Bút lừng tiếng, nơi thi sĩ bị công an cộng sản tới bắt đem giam nhốt vào khám Chí Hòa rồi trở về trong hấp hối lâm chung và lìa đời ở đó. Bình Nguyên Lộc ở gần hơn. Thăm viếng do vậy cũng ngắn đường hơn, trong cuối đáy một con ngõ yên tĩnh một thời Vũ Hoàng Chương đã ở, khu Cô Giang Cô Bắc, đầu ngõ là con đường Huỳnh Quang Tiên, khúc từ con ngõ nhìn ra có những vì tường xám của hãng thuốc lá MIC chạy dài trước mặt.

Tới ngõ, tôi xuống xe dắt bộ đi vào, và ngừng lại trước một căn nhà một tầng cổ cũ, căn nhà này là của gia đình Bình Nguyên Lộc, nhà văn chỉ mới dọn về ở một thời gian từ sau cái chết của người con trai lớn là Bác sĩ Giám Đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, để sống gần với người chị ruột ở căn nhà kế cận.

Mở cánh cổng thấp, dựa xe vào thành tường, bên cạnh hai chậu vạn niên thanh trấn môn xanh ngắt, một màu xanh muôn thuở, tôi gõ nhẹ tay vào thành cửa đóng kín. Nhớ lần nào tôi cũng phải đứng chờ ít phút, nhưng không lần nào phải trở về. Căn nhà yên lặng hoàn toàn. Tiếng gõ cửa ngân vào thật sâu thật xa ở bên trong, rồi là tiếng chân người đi ra. Rồi là cánh cửa hé mở từ từ và cái thân hình nhỏ bé, bộ đồ ngủ lùng thùng và cái mái tóc rẽ giữa duy nhất của văn học miền Nam, cái mái tóc rẽ giữa của Bình Nguyên Lộc.